Vụ dâm ô trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 có khởi tố?

Mấy ngày qua, vụ việc bé gái bị ông Nguyễn Hữu Linh (cựu Viện phó VKSND TP Đà Nẵng) có dấu hiệu dâm ô trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 (quận 4, TP.HCM), chưa khởi tố vụ án, vẫn là điểm nóng của dư luận xã hội. TANDTC đang khẩn trương xây dựng Nghị quyết hướng dẫn về điều luật liên quan đến tội dâm ô...

Bên lề kỳ họp thứ 13 của HĐND Tp.HCM chiều 8/4, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó đoàn ĐBQH Tp.HCM trả lời báo chí đã nhận định: Vụ việc bé gái bị dâm ô đang gây bức xúc trong dư luận xét ở hai góc độ. Thứ nhất, người có hành vi dâm ô bé gái là người từng đảm nhiệm trọng trách trong xã hội, bảo vệ pháp luật. Điều này là không thể nào chấp nhận được. Thứ hai là cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc quá chậm. Càng chậm thì sẽ càng tạo cho dư luận nhiều bức xúc. Ông Khuê nhấn mạnh: “Chúng ta nói trẻ em được xã hội chăm lo, được bảo vệ nhưng chúng ta lại quá chậm”.

Như báo chí đã phản ánh, chiều 2/4, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một bé gái bị gã đàn ông sàm sỡ trong thang máy ở chung cư Galaxy 9 trên đường Nguyễn Khoái, Quận 4, Tp HCM. Sự việc được camera an ninh của chung cư ghi lại vào khoảng 21 g ngày 1/4, bé gái khoảng 7 tuổi bước vào thang máy, đi sau là người đàn ông cùng một bảo vệ. Người đàn ông này nói chuyện với nam bảo vệ sau đó dùng thẻ để bấm chọn tầng. Khi nam bảo vệ bước đi, cửa thang máy đóng thì người đàn ông này lập tức sán vào bé gái, ôm bé gái vào lòng, hôn tới tấp. Khi có điện thoại, người đàn ông buông bé gái ra, bé chuyển ra gần cửa, người đàn ông tắt điện thoại và lại kéo bé vào để ôm áp. Sau khi cửa thang máy mở ra, bé gái hoảng sợ bỏ chạy và trượt chân suýt ngã.

Ngay khi đoạn clip được đưa lên mạng xã hội vào ngày 2/4, báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều người dân đã bày tỏ sự phẫn nộ, lên án hành vi dâm ô và cho rằng đối tượng dâm ô cần được pháp luật nghiêm trị, với mức xử phạt, răn đe thích đáng.

Sau đó, Công an Quận 4, Tp HCM đã xác minh lấy lời khai người bị tình nghi, bị hại, người có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật. Công an đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi, quê Đà Nẵng), điều tra dấu hiệu hình sự của ông này đối với bé gái. Ông Linh nguyên là Viện phó VKSND Tp Đà Nẵng, về hưu giữa năm 2018. Bước đầu ông này chỉ thừa nhận thấy bé gái dễ thương nên “nựng”, không có hành vi sờ mó thân thể nạn nhân.

Ngày 5/4, Hội bảo vệ quyền trẻ em Tp.HCM đã có kiến nghị gửi Hội bảo vệ quyền trẻ em VN, Cơ quan CSĐT Công an Quận 4, VKSND Quận 4, đề nghị khởi tố vụ án. Hội bảo vệ quyền trẻ em nhận thấy hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh cần được khởi tố để điều tra về tội dâm ô với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 BLHS năm 2015. Tội phạm này BLHS không quy định phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại. Do chủ thể là người dưới 16 tuổi nên không cần đơn yêu cầu khởi tố của gia đình nạn nhân.

 

Hướng dẫn học sinh nữ kỹ năng chống lại kẻ xấu

 

Trên các diễn đàn, nhiều chuyên gia pháp lý cũng lên tiếng. Theo Luật sư Lê Quang Vũ (Đoàn Luật sư Tp. HCM), tất cả các hành vi tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn dục vọng của mình mà không phải hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác thì đều có thể coi là hành vi dâm ô. Do đó, hành vi của người đàn ông đối với em bé trong thang máy tại chung cư Galaxy 9 là bất thường, có dấu hiệu cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, cần phải điều tra làm rõ. Đây là tội danh cấu thành hình thức, tức là có thực hiện hành vi là đã phạm tội, hậu quả thiệt hại của nạn nhân chỉ là căn cứ để định khung hình phạt nặng hay nhẹ đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, dường như khó khăn trong giải quyết vụ này nằm ở chỗ nhận thức không thống nhất về hành vi dâm ô, trong khi hướng dẫn của TANDTC về hành vi dâm ô đã rất cũ, không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay. Trong Thông tư liên tịch số 01 ngày 1/1/1998 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ có hướng dẫn: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người phạm tội sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác”. Nếu theo Thông tư này thì phải chứng minh được người có hành vi dâm ô phải sờ mó, kích thích… mới có thể khởi tố, điều tra, truy tố.  Trong trường hợp ông Nguyễn Hữu Linh, có thông tin cho rằng chất lượng clip không đủ rõ nét để xác định hành vi cụ thể.

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC nhận định: Điều 146 BLHS năm 2015 quy định: “ Người nào đủ 18 tuổi trở lên dâm ô với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác,thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”. Sự dâm ô nêu trên được hiểu là một hành vi xúc phạm nhân phẩm của người khác nhằm thỏa mãn kích thích hoặc thỏa mãn tình dục, trừ hành vi giao cấu với chính người bị xúc phạm.

Chiếu theo điều luật và khái niệm trên chúng ta nhận thấy các ý kiến cho rằng chỉ khi nào người vi phạm sờ mó vào vùng kín… của người bị xúc phạm mới bị coi là hành vi khách quan của tội dâm ô là không đúng.  Bởi vì cảm xúc được thỏa mãn của những người biến thái rất đa dạng, nhiều trường hợp thoả mãn của họ chỉ đạt được khi sờ mó vào những vị trí không kín của người bị xúc phạm mà thôi. Do vậy, khi xác định hành vi khách quan của tội dâm ô, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần xác định hành vi sờ mó, hôn hít… của người vi phạm có phải là để thỏa mãn sự kích thích tình dục của họ hay không? Nếu xác định được hành vi sờ mó, hôn hít của người vi phạm nhằm thoả mãn sự kích thích… thì cần khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử người sờ mó về tội dâm ô theo quy định của pháp luật.

Ông Phạm Công Hùng chốt lại: “Soi chiếu quy định của tội dâm ô với hành vi ông Viện phó… cưỡng ôm ấp bé gái dễ thương trong thang máy một cách “sôi động” như clip ghi được thì hành vi đó đã có dấu hiệu của tội dâm ô rồi… Đề nghị Công an và Viện kiểm sát quận 4 cần khởi và điều tra hành vi trên về tội dâm ô theo quy định của pháp luật”.

Ông Ngô Cường (nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC) cũng cho rằng: “Tất cả hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thỏa mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô”. Nguyễn Ngọc Hòa bình luận về Điều 146 BLHS năm 2015 cho rằng: “Dưới góc độ sinh lý, dâm ô là hành vi tình dục có đặc điểm thỏa mãn hoặc khêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu, cũng như không phải là hành vi quan hệ tình dục khác. Tuy nhiên, dâm ô không phải là hành vi quan hệ tình dục bình thường dưới góc độ xã hội và pháp luật vì là hành vi không hợp pháp… Đối tượng của hành vi dâm ô là người dưới 16 tuổi. Họ có thể bị hành vi dâm ô tác động đến thân thể nhưng cũng có thể chỉ bị chứng kiến những hành vi tình dục”.

Với nhận định này thì rõ ràng, thậm chí không đụng chạm đến đối tượng vẫn có thể phạm tội dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Bà Lê Hồng Loan – trưởng chương trình bảo vệ trẻ em Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nhận xét: Ở Việt Nam, việc truy tố tội danh “dâm ô với người chưa đủ 16 tuổi” phải có hành vi đụng chạm vào phần nhạy cảm của nạn nhân, nhằm thỏa mãn ham muốn của cá nhân đó mới có cơ sở truy tố. Đây là điều chưa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Trong khi các hình thức xâm hại khác mà không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa kẻ phạm tội và trẻ em như: gạ gẫm, dụ dỗ thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin (phơi bày thân thể để chụp ảnh, ghi hình)… vẫn chưa được quy định trong BLHS và không bị trừng phạt.

Quy định về yếu tố cấu thành của một tội hiếp dâm trẻ em ở Việt Nam cũng chưa phù hợp với các chuẩn mực và điển hình tốt của quốc tế, vì đòi hỏi phải có yếu tố dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực.

Pháp luật cũng chưa quy định một quy trình liên ngành, hiệu quả và dễ tiếp cận, đặc biệt là đối với trẻ em, để cho phép tố cáo, xác minh và xử lý kịp thời, nhanh chóng các hành vi xâm hại, bóc lột trẻ em.

Trong diễn biến khác, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) vừa có công văn gửi TANDTC đề nghị hướng dẫn và giải thích áp dụng pháp luật liên quan đến hành vi dâm ô, hiếp dâm trẻ em.

Theo Luật sư Hùng, quy định pháp luật hiện chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất, phụ thuộc vào việc đánh giá của các cơ quan thực thi pháp luật. Cụ thể, liên quan đến tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, có hai tài liệu giải thích khái niệm “dâm ô” là Thông tư liên tịch số 01/1998 và bản tổng kết hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và hành vi giao cấu khác về mặt tình dục của TANDT. Tuy nhiên, đây là những tài liệu đã hết hiệu lực áp dụng. Trong khi đó BLHS năm 2015 lại chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô.

“Khái niệm dâm ô trước đây liệt kê hành vi là như sờ, bóp… Trong khi tội phạm hiện đại có thể như nhìn trộm nạn nhân, quay trộm video, chụp ảnh… lại không được đề cập. Cũng cần quy định rõ bộ phận nào là bộ phận kích thích tình dục, chứ không thể tùy nghi hiểu, áp dụng được. Trong xã hội hiện đại, khi nhân quyền, quyền con người được tôn trọng nhiều hơn thì việc đụng chạm cơ thể trực tiếp, hay gián tiếp đều gây ra sự bức xúc, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý nạn nhân”.

Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội)  là người trợ giúp pháp lý cho Ngôi nhà Bình Yên (nơi tạm trú tạm vắng cho những phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục và bị buôn bán), trao đổi về hành vi của ông Nguyễn Hữu Linh cho biết: “Những hành vi này diễn ra khá nhiều mà chưa được phát hiện hoặc chưa bị tố giác gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe của các nạn nhân. Đặc biệt là khu vực miền núi, vùng xa xôi hẻo lánh. Chính vì thế, đối với trường hợp này càng phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục cho xã hội, đồng thời phòng ngừa được những vấn đề mà dư luận và xã hội đang cần.”

Hiện nay, tội phạm xâm hại trẻ em đang diễn biến rất phức tạp, nhiều địa phương, trường học đã tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh kỹ năng chống bị xâm hại… nên dư luận xã hội đang chờ đợi quyết định của  Công an và VKSND Quận 4, Tp HCM đối với Cựu Phó Viện trưởng VKSND Tp Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh.

 

Về hướng dẫn để có nhận thực thống nhất về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, TS Nguyễn Chí Công, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC cho biết, hiện nay Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã bắt đầu tổng kết thực tiễn để nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Quy trình từ xây dựng đến ban hành Nghị quyết khoảng 6 tháng. “Tuy nhiên, đây là nội dung lãnh đạo rất quan tâm, nên chúng tôi tập trung để có Dự thảo sớm nhất, cố gắng để Nghị quyết được ban hành trong quý III/năm 2019” – TS Công nói.

 

 

THÁI VŨ