Khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương

Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 5/9/2022. Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Công khai các khoản thu, chi đầu năm học

Ngày 29/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Công văn số 4185/BGDĐT-VP về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023. Theo đó, để chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố triển khai một số hoạt động đầu năm học.  

Cụ thể, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19 /8 /2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 của ngành Giáo dục với chủ đề năm học là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định.

Rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian học sinh tựu trường và tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 thống nhất trên cả nước vào sáng ngày 05 /9/2022. Tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Sở GDĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục ổn định và duy trì nền nếp học tập ngay sau Lễ Khai giảng; ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định; việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học; phối hợp tốt với phụ huynh học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành Giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra.

Bên cạnh đó, Sở GDĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, trong đó lưu ý các giải pháp chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác.

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học; chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, hoạt động dạy thêm, học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định của Bộ GDĐT, công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các địa phương, cơ sở giáo dục.

Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới

Năm học 2022-2023, Hà Nội có hơn 1,6 triệu học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội chính thức bước vào năm học 2022-2023. Thời điểm này, các nhà trường đã cơ bản hoàn tất các điều kiện đón năm học mới. Trong đó, việc bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước ngày khai giảng là mục tiêu, cũng là giải pháp của các nhà trường, nhằm tổ chức dạy - học chất lượng ngay từ những ngày đầu tiên của năm học.

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu, các trường học rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống điện, cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước…, kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho học sinh. Trường có tổ chức đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng yêu cầu kỹ thuật, lái xe có ý thức và có tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Sinh hoạt lớp 1 đầu năm học trường Tiểu học Phạm Văn Chính (TpThủ Đức)- Ảnh: Thu Hoài

Năm học 2022-2023, Quảng Ninh có trên 340.000 học sinh các cấp học. Các địa phương trong tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón học sinh đến trường học đúng dịp khai giảng. Để học sinh đến trường an toàn, Sở GDĐT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phổ biến, quán triệt, truyền thông mạnh mẽ, thường xuyên tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và phụ huynh học sinh về các yêu cầu, nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, ngành, địa phương và các cơ quan cấp trên. Các nhà trường thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt học sinh trước khi đến trường, đảm bảo an toàn môi trường học đường, không để các trường hợp có các biểu hiện như sốt, ho hoặc có các yếu tố dịch tễ khác liên quan đến một số loại dịch bệnh đang diễn ra hiện nay.

Năm học này, tỉnh Điện Biên có trên 207.000 học sinh. Là một địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp, đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Theo Sở GDĐT Điện Biên, ngành đã tham mưu lãnh đạo tỉnh cân đối ngân sách và huy động xã hội hóa để xây mới gần 100 phòng học, 26 phòng làm việc, 26 phòng ở nội trú, các công trình nhà công vụ, bếp ăn, nước sạch, sân chơi… với tổng kinh phí 75 tỷ đồng. Tổng số phòng học phục vụ năm học mới là gần 7.500 phòng (trong đó tỷ lệ kiên cố là trên 72%), gần 1.300 phòng học bộ môn (tỷ lệ kiên cố là 80%).Có thể nói, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học.

Tại Bắc Giang, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của tỉnh đã đạt 93,8%, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm học trước. Tại Yên Bái, hàng trăm phòng học cũng đã được sửa chữa, xây mới để có thể sử dụng cho năm học mới.

Ngày 22/8, các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông tại Tp Hồ Chí Minh đã tổ chức chào đón học sinh tựu trường, chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Nhiều hoạt động đặc biệt để đón học sinh đầu cấp đã diễn ra. Học sinh có hơn một tuần làm quen trường, lớp trước khi chính thức bắt đầu học chương trình năm học mới từ ngày 5/9. Năm nay thành phố có gần 700.000 học sinh tiểu học, hơn 400.000 học sinh THCS và 245.111 học sinh THPT. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, từ tháng 9, TPHCM đưa vào sử dụng 575 phòng học mới. Trong đó, cấp mầm non là 210 phòng, tiểu học: 218 phòng và THCS: 147 phòng.

Tại Gia Lai, ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai, cho biết: "Công tác tuyên truyền vẫn là quan trọng nhất. Chúng tôi đến tận các gia đình kêu gọi học sinh đi tiêm, điện thoại cho phụ huynh chở các cháu đến điểm tiêm. Ngành y tế chúng tôi lúc nào cũng mở điểm tiêm tại các trạm y tế, sẵn sàng mở điểm tiêm lưu động tới tận thôn, làng. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là phụ huynh cho con em mình đi tiêm để đảm bảo miễn dịch cho cá nhân và cộng đồng".

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh Kon Tum có trên 166.000 trẻ em, học sinh các cấp học, xếp thành 5.797 lớp học (39.372 trẻ mầm non, 65.913 học sinh tiểu học, 44.419 học sinh THCS và 16.376 học sinh THPT). Chuẩn bị cho năm mới, Sở GDĐT và các địa phương của tỉnh đã chủ động triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, huy động hiệu quả học sinh ra lớp, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật đáp ứng cơ bản yêu cầu tổ chức dạy học phù hợp tình hình thực tế; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện; ngân sách cho GDĐT đã được ưu tiên phân bổ phù hợp; chủ động tuyển dụng và có phương án bố trí giảng dạy đối với các bộ môn thiếu giáo viên…

 

 

 

 

Hướng dẫn các nội quy cho học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Thăng Long, Hà Nội 

 

LÊ CHUNG - TRẦN HÀ