Tòa án Gia Lai đấy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ người chưa thành niên

Theo thống kê sơ bộ của TAND tỉnh Gia Lai, số liệu án xâm hại tình dục người chưa thành niên có 20 vụ năm 2020, 27 vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là 9 vụ. Do đó, tuyên truyền phổ biến pháp luật để ngăn chặn tình trạng này là một nhiệm vụ được ngành Tòa án Gia Lai triển khai thực hiện có hiệu quả.

Mặt trái của thói quen sinh hoạt theo phong tục

Gia Lai là một tỉnh cao nguyên có diện tích lớn nhất, dân số xếp thứ hai khu vực Tây Nguyên. Đây là nơi sinh sống của 38 sắc tộc anh em với đầy đủ màu sắc văn hóa, phong tục tập quán; sự đa dạng đó đã hình thành nên một vùng đất phong phú về đời sống nhưng cũng là thách thức lớn nhất cho các cấp chính quyền trong vai trò tuyên truyền giáo dục người dân, nâng cao hiểu biết về pháp luật.

Theo thống kê sơ bộ của TAND tỉnh Gia Lai, số liệu án xâm hại tình dục người chưa thành niên có 20 vụ năm 2020, 27 vụ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là 9 vụ. Con số này nằm ở mức tương đối chứ không phải là nhiều như các địa phương khác, đối tượng phạm tội cũng có tính đặc thù, chủ yếu các vụ án xảy ra ở các vùng sâu vùng xa – nơi mà nhận thức của người dân chưa cao. Đặc biệt, đã có những vụ án được đánh giá là hết sức nghiêm trọng có tính chất nguy hiểm cần phải được răn đe, giáo dục để cảnh tỉnh ý thức chung của người dân. Điều này bắt nguồn từ thói quen sinh hoạt và phong tục tập quán của từng dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi còn duy trì việc sinh hoạt chung giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, thậm chí khi trẻ em gái đã lớn vẫn chưa có không gian riêng tư trong chính ngôi nhà của mình, điều này dẫn đến những sinh hoạt nhạy cảm, tế nhị diễn ra thường xuyên trước mặt người thân thành thói quen không đề phòng của trẻ. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em gái bị xâm hại mà thủ phạm lại chính là người thân trong gia đình.

Thẩm phán Nguyễn Văn Sinh – Phó Chánh tòa phụ trách Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND tỉnh Gia Lai cho biết: “Đối với đặc thù của tỉnh Gia Lai có 3 yếu tố chính dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại đó là nhận thức của người dân chưa cao, thói quen sinh hoạt theo phong tục tập quán chưa được thay đổi và yếu tố nguy hại từ bên ngoài như rượu, bia và các chất kích thích”.

Từ xa xưa, khi trẻ em đến tuổi dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lý dẫn đến kết hôn, được hầu hết người đồng bào vùng sâu vùng xa xem như một sự phát triển tất yếu của con người, họ không chú trọng đến tuổi tác, đến kiến thức xã hội hay những yếu tố cơ bản cần và đủ để một con người làm hành trang cho vai trò làm cha, làm mẹ. Cứ yêu nhau là cưới, cưới nhau là sinh con, sinh con xong là nuôi theo một vòng tròn được hình thành dựa trên kinh nghiệm của người đi trước chỉ bảo người theo sau. Họ không biết hành vi quan hệ tình dục với người dưới 16 tuổi là vi phạm pháp luật, và khi hành vi bị pháp luật kết tội họ cũng không ý thức được người vi phạm thực sự có tội. Hiếp dâm dường như là một thuật ngữ xa lạ không có trong “từ vựng” của tiếng bản địa.

Ông Nguyễn Văn Sinh chia sẻ thêm: “Đối với những đối tượng có hiểu biết, có học thức, nhưng vẫn lợi dụng vào sự nhận thức chưa đúng đắn của trẻ, lợi dụng vào quan niệm lạc hậu của người dân để cố tình phạm tội thì bản án cần phải có mức án nghiêm khắc để răn đe. Nhưng đối với người đồng bào dân tộc thiểu số vì thiếu hiểu biết đúng đắn, vì hủ tục lạc hậu mà phạm tội thì việc xét xử chúng tôi thiên về giáo dục và tuyên truyền là chính, tuy nhiên mức án dù có giảm nhẹ cũng không thể nằm ngoài sự cho phép của pháp luật quy định”.

Sân khấu hóa pháp luật tại thôn, bản

Nếu sử dụng các ấn phẩm như sách, báo, truyền hình hay nhờ vào sự lan tỏa của mạng xã hội như youtube, facebook, tiktok,… để làm phương tiện tuyên truyền và giáo dục người dân là chưa đủ. Thậm chí đối với địa phương mang tính đặc thù như tỉnh Gia Lai lại càng không có tác dụng nhiều, bởi những cách thức tuyên truyền đó chỉ phần nào hiệu quả ở vùng đồng bằng, phố thị, nơi người dân có nhận thức và hiểu biết. Trong 17 đơn vị hành chính của tỉnh Gia Lai, hầu hết có số đông dân cư sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa, nhận thức người dân còn hạn chế, trẻ em còn xa lạ với điện thoại và mạng xã hội.

Để làm tốt hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng sâu vùng xa, TAND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các Tòa án cấp huyện quán triệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thông qua công tác xét xử. Trong mỗi phiên tòa, ngoài những người liên quan đến bị cáo, bị hại hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, còn có đại diện của Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Mặt trận tổ quốc,… do thư ký phiên tòa gửi giấy mời tham dự. Họ là những người sát với dân, hiểu phong tục tập quán của dân và gắn bó hàng ngày với cuộc sống của người dân. Chính người được mời tham dự đó đóng vai trò tuyên truyền và phổ biến pháp luật hiệu quả nhất, họ đóng vai trò tuyên truyền viên và là cầu nối gắn liền giữa các dân tộc với nhau, góp công sức nhỏ bé tạo nên sức mạnh khối đoàn kết dân tộc.

 

Đoàn thanh niên ngồi ở vị trí người dự phiên tòa đóng vai trò tuyên truyền viên cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Chị Đinh Thị Thanh Hải - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng TAND tỉnh Gia Lai cũng đã có nhiều sáng tạo trong nhiệm vụ tham mưu giúp Chánh án TAND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đơn vị đã xây dựng Kế hoạch số 170/KH-TA nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Chị Hải cho biết “Đối với án liên quan đến người chưa thành niên không được xét xử công khai theo Thông tư 02/2018/TT-TAND, để làm tốt hơn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì TAND tỉnh cũng đã chỉ đạo theo Kế hoạch 170 xuống đến Đoàn thanh niên các Tòa án cấp huyện xây dựng và triển khai những phiên tòa giả định ngay tại thôn, bản, lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay tại phiên xử, điều này sẽ tạo điều kiện cho đông đảo người dân được tiếp cận và hiệu quả giáo dục tốt hơn”.

 Phiên tòa giả định đóng vai trò tuyên truyền hiệu quả

Phó Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, Hà Viết Toàn đánh giá cao sự nỗ lực của các ban ngành phối hợp với Tòa án trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền viên ở vị trí người tham dự trong phiên tòa. Ông khẳng định “Chúng tôi xem công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian tới sẽ quan tâm chỉ đạo sát sao nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng trong việc phát huy vai trò tuyên truyền ở mỗi phiên xử”.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm bảo vệ trẻ em là một chiến dịch dài hơi chứ không thể một sớm, một chiều có thể hoàn thành, để triển khai đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của đất nước lại là cả một chặng đường gian nan với muôn vàn khó khăn thử thách. Để trẻ em vùng cao có được cuộc sống an toàn, hạnh phúc không chỉ là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị mà cần có sự chung tay của toàn xã hội; chúng ta cùng nhau hành động từ trái tim, từ sự yêu thương, trách nhiệm vì giống nòi, vì thế hệ tương lai của đất nước./.

 

Nhóm PV – VP tại Miền Trung – Tây Nguyên