Vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19

Cuộc chiến chống SARS-CoV-2 diễn ra trên phạm vi toàn cầu, trong đó một vũ khí hữu hiệu đang được sử dụng là công nghệ. Các nhà khoa học Việt Nam cũng có những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ rất hữu ích trong cuộc chiến mới mẻ, diễn biến phức tạp và nhiều bất ngờ này.

Thích ứng với diễn biến của đại dịch

Trên thế giới, hàng loạt công nghệ mới đang được sử dụng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Đại dịch đang đẩy thế giới tiến nhanh hơn vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những công nghệ cốt lõi như Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, công nghệ nano, vốn đang manh nha diễn ra tại nhiều nước phát triển.

Đơn cử Hàn Quốc, công nghệ hiện đại giúp việc giám sát, theo dõi, cách ly và kiểm soát dịch trở nên dễ dàng hơn nhiều. Việc áp dụng công nghệ vào giám sát, truy vết đã giúp Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia xác định và đánh giá tình hình dịch bệnh chính xác nhất thế giới.

Hàn Quốc đã thông qua các giao dịch thanh toán, dữ liệu định vị trên điện thoại và các camera an ninh CCTV để thiết lập một hệ thống bản đồ truy vết những người mắc hoặc có liên quan tới các ca mắc, từ đó nhanh chóng tiến hành xét nghiệm và khoanh vùng dịch.

Việt Nam cũng không đi ngoài xu thế chung trong cuộc chiến này. Công nghệ đang đóng vai trò rất quan trọng trong điều trị, phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và góp phần bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong đại dịch, với hệ thống TAND, xét xử trực tuyến là một giải pháp rất thiết thực.

Khám chữa bệnh, tư vấn từ xa

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Viettel, VNPT đã hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây  là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp.

Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

Ngay tại sự kiện, Thủ tướng đã chứng kiến các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ TP.HCM, Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 đang chuyển biến nặng.

Các địa phương như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Lạng Sơn… cũng dễ dàng kết nối, trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân. Theo các y, bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Sử dụng robot y tế

Trong điều trị Covid-19, để hạn chế việc nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh, việc sử dụng robot trong việc mang cơm, thuốc, thu gom rác thải rất cần thiết... Bên cạnh đó, robot có chức năng kết nối giữa người bị bệnh với bác sĩ bên ngoài khu vực cách ly để nhận được sự tư vấn cần thiết cũng giúp tránh được rủi ro khi bác sĩ trao đổi trực tiếp với bệnh nhân.

Đến nay, hệ thống robot y tế hiện đại Vibot-2 do Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng đã được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam). Trước đó, hệ thống Vibot-1 đã được chế tạo và thử nghiệm tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội để phục vụ người nghi nhiễm Covid-19.

Hệ thống robot này là sản phẩm của đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự triển khai khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các chức năng chính đặt ra cho Vibot là vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác đến các buồng bệnh (trong khu cách ly); vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và đưa về khu tập kết rác thải; giúp y, bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Nếu Vibot-1 sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ thì Vibot-2 được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh, hoạt động linh hoạt trong không gian rộng lớn và phức tạp hơn, nhiệm vụ đa dạng hơn, như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào - ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ, mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài; khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn…

Đặc biệt, với Vibot-2, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sĩ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Tính đến nay, rất nhiều đơn vị trên toàn quốc đã tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công vi rút SARS-CoV-2; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19.

Truy vết bằng công nghệ

Ở Hà Nội, từ ngày 22/7/2021, Sở Thông tin – Truyền thông đã vận hành 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố  cùng với hòm thư phản ánh nguy cơ COVID-19 tại địa chỉ và tài khoản Zalo” chuyên mục “Phản ánh Covid”.

Thông qua các kênh tiếp nhận thông tin này, nhiều sai phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý; nhiều băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến điều kiện ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, về công tác tiêm vaccine của Thành phố hay những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ đã được cán bộ tiếp nhận, xử lý và chuyển các cơ quan xử lý kịp thời, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, Sở được giao vận hành Tổng đài 1022, với 4 nhánh kết nối đến Trung tâm Cấp cứu 115; kết nối đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành và kết nối đến Sở TT&TT để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ sau 5 ngày vận hành, Tổng đài 1022 cùng với 2 đường dây nóng do Sở TT&TT vận hành đã tiếp nhận trên 2 nghìn cuộc gọi, phản ánh của nhân dân; trong đó, có hàng trăm cuộc gọi được 300 y, bác sĩ thuộc Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ những F0 đang điều trị và các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung.

Sở cũng tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluzone và Tokhaiyte. Tính đến ngày 26/8/2021, thành phố Hà Nội có tổng số tờ khai báo y tế trên hệ thống phần mềm là 5.114.801 tờ khai. Từ hệ thống cơ sở dữ liệu này, bộ phận chuyên trách đã tiến hành phân tích, bóc tách, đặc biệt là hàng trăm người khai báo có biểu hiện ho, sốt, khó thở mỗi ngày để gửi về Sở Y tế Thành phố, các quận, huyện, thị xã kịp thời tiến hành xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện và bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Tại Tp Hồ Chí Minh, Bản đồ số GIS hỗ trợ quản lý số ca nhiễm được triển khai tại 11 quận, huyện khác của thành phố. Ứng dụng có các công cụ phân tích và thống kê báo cáo cho phép phân tích các ca dương tính, ca nghi nhiễm, ca bệnh cùng nhà, phân tích diễn tiến Covid, vùng cách ly, điểm phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát; thống kê số ca dương tính phát sinh trong ngày, thống kê điểm phong tỏa...

Đáng chú ý, ứng dụng có các lớp dữ liệu hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19, như: Ranh giới khu phố, ranh giới phường, bản đồ quản lý các cơ sở cách ly tập trung, điều trị y tế, xét nghiệm; bản đồ, số liệu, biểu đồ để đánh giá tình hình dịch bệnh theo từng ngày, xem thông tin diễn tiến ca bệnh F0-F1-F2 theo từng ngày, đánh giá khả năng lây lan, đánh giá nguồn lây Covid-19, biểu đồ địa phương có số ca nhiễm cao…

Sở Thông tin và Truyền thông Tp Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng Tổng đài 1022, nhánh số 2 để tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân. Tuy nhiên, thời gian đầu vận hành, do cuộc gọi tới tổng đài quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở đã khắc phục bằng cách ứng dụng 30 robot trí tuệ nhân tạo (AI) kể từ ngày 30/7.

Qua 5 ngày triển khai, tình hình đã được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, tổng đài đã nhận được 19.767 cuộc gọi, trong đó, robot AI xử lý hơn 12.000 cuộc, chiếm tỷ lệ 60%. Bằng ứng dụng công nghệ AI, số lượng cuộc gọi được tiếp nhận gấp 1,5 lần so với trước, xử lý được triệt để tình trạng nghẽn mạng.

Ở Đà Nẵng, số ca mắc COVID-19 trong các kiệt, hẻm tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là các hộ dân ở đây nhà sát nhau, thường xuyên qua lại giao lưu, trò chuyện, không đeo khẩu trang, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Vì vậy, chính quyền TP. Đà Nẵng đang sử dụng hệ thống camera an ninh để giám sát, quản lý người dân thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu thì ở đó”. Trong đó quận Hải Châu đã thử nghiệm sử dụng thiết bị flycam để ghi hình việc chấp hành biện pháp chống dịch tại kiệt, hẻm. Với 15 flycam bay ghi hình bất ngờ tại các kiệt, hẻm và truyền dữ liệu về quận Hải Châu để kịp thời xử lý, đã phát huy hiệu quả.

Xét xử trực tuyến

TANDTC đã triển khai các bước đi quan trọng nhằm xây dựng Tòa án điện tử. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và khó lường khiến nhu cầu xây dựng mô hình xét xử trực tuyến hiện nay được đặt ra càng cấp cấp thiết hơn. Với số lượng các vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử lên tới hàng trăm nghìn vụ án hằng năm, nếu tiếp tục phiên tòa xét xử trực tiếp, sẽ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm nguyên tắc phòng, chống, dễ làm lây lan dịch bệnh, không bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người tiến hành và tham gia tố tụng, có khả năng ảnh hưởng hoạt động của các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, luật sư và của cả cộng đồng xã hội.

Thực hiện xét xử trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích: Không cần trích xuất các bị cáo ra khỏi nhà tạm giữ, tạm giam đến tham gia phiên tòa xét xử sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí trích xuất, dẫn giải và chi phí cho công tác bảo đảm an ninh tại phiên tòa, bảo đảm thời hạn xét xử, tiết kiệm thời gian, an toàn xã hội nhưng vẫn bảo đảm quyền con người, quyền tự bào chữa và nhờ luật sư bào chữa của bị cáo. Mô hình xét xử trực tuyến vụ án hình sự còn ứng dụng được các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại và phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp. Mô hình xét xử trực tuyến được tổ chức dựa trên công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ và nền tảng pháp lý phù hợp.

 

Phần mềm  hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Ảnh: Thế Phong

HOÀNG THỊ TỐ LOAN