Tòa án có quyền yêu cầu chồng tôi cấm xuất cảnh không?

Hai vợ chồng thuận tình ly hôn, nhưng khi Tòa án triệu tập thì người chồng lại muốn đi nước ngoài. Tòa án có quyền cấm người chồng xuất cảnh hay không?

Hỏi: Vợ chồng tôi sống ly thân đã hơn 12 năm do chồng tôi định cư ở Mỹ. Thời gian vừa qua chồng tôi về nước thăm gia đình; tôi chủ động đề nghị ly hôn để cả hai giải phóng cho nhau và tìm con đường mới vì thực chất chúng tôi không còn tình cảm với nhau nữa; chồng tôi cũng đồng ý và đã ký vào đơn xin thuận tình ly hôn. Nhưng khi Tòa án triệu tập ra Tòa để giải quyết việc ly hôn của chúng tôi thì anh ấy lại có ý định xuất cảnh không chờ Tòa giải quyết. Vậy xin hỏi, Tòa án có quyền yêu cầu chồng tôi cấm xuất cảnh không?

                        (Trần Thị Thu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời: Pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân, tuy nhiên quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Tại khoản 1 Điều 111 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án”.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 114 BLTTDS năm 2015 về các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định: “Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ”. Cụ thể quy định trên Điều 128 BLTTDS năm 2015 quy định: “Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ được áp dụng nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án”

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 36 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định trường hợp bị hoãn xuất cảnh như sau: “Người có nghĩa vụ theo quy định, pháp luật tố tụng dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ của họ đối với nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân là tham gia tố tụng và việc xuất cảnh của họ được chứng minh là ảnh hưởng đến hoạt động”. Ngoài ra, khoản 2 Điều 4 Luật Cư trú quy định trường hợp quyền tự do cư trú của công dân bị hạn chế là: “Người bị cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú”.

Căn cứ các quy định trên của pháp luật, trường hợp bạn và chồng của bạn cùng đồng ý và đã ký vào đơn xin thuận tình ly hôn, nhưng khi Tòa án triệu tập ra Tòa để giải quyết việc ly hôn thì chồng bạn lại có ý định xuất cảnh không để Tòa giải quyết dứt điểm vụ việc thì, theo yêu cầu của bạn, Tòa án có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chồng của bạn xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên với điều kiện bạn phải chứng minh được anh ấy đang có ý định xuất cảnh.

 

Ảnh minh họa

                                                                       

Luật gia TRẦN BÌNH