Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Nghệ An: Khắc phục khó khăn thực hiện sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế.

Hơn 2 năm qua, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, đến nay 57 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế quận/huyện. Kết quả là đã làm giảm hàng trăm đầu mối của hệ thống bộ máy quản lý trên địa bàn huyện, giảm số viên chức dân số tại tuyến huyện. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều thách thức, khó khăn trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng.

Theo đó, tại Nghệ An ngày từ giữa tháng 8.2020, tại 21 huyện, thành, thị đã bắt đầu tiến hành sáp nhập các trung tâm Dân số – KHHGĐ vào trung tâm Y tế theo Nghị quyết 19-NQ/TW và Kế hoạch số 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sáp nhập các cơ quan cấp huyện, trong đó có trung tâm dân số – KHHGĐ và trung tâm y tế.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Việc sáp nhập thời điểm này là đúng với các chủ trương và sau khi sáp nhập chúng ta sẽ hợp lực được nhân lực giữa cán bộ y tế, cán bộ tuyên truyền và cơ sở vật chất y tế. Tuy nhiên quá trình triển khai công tác sáp nhập sẽ gặp những khó khăn nhất định. Mặc dù vậy đơn vị sẽ cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo kế hoạch, sau khi sáp nhập các đơn vị địa phương sẽ giảm được 21 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các trung tâm y tế không có giường bệnh, trạm y tế xã, phường, thị trấn, giảm số lượng cấp phó, cơ cấu lại đội ngũ và xây dựng vị trí việc làm phù hợp. Sau khi sáp nhập, các cơ sở của Trung tâm Dân số – KHHGĐ sẽ được bàn giao lại cho các địa phương và các đơn vị chuyển sang làm việc tại Phòng Dân số của trung tâm y tế. Theo cơ cấu hiện nay, nếu chức vụ là giám đốc, quyền giám đốc thì sẽ chuyển sang làm trưởng phòng dân số, phó giám đốc sang làm phó trưởng phòng dân số. Còn nhiệm vụ vẫn thực hiện theo Thông tư 05 với những quy định cũ. Riêng đội ngũ viên chức dân số được chuyển về trạm y tế xã.

Trong quá trình sáp nhập đã thấy rõ những bất cấp như Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của trung tâm Y tế đa chức năng tuyến huyện, do đó khi sáp nhập trung tâm Dân số -KHHGĐ vào, việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các hoạt động sẽ gặp khó khăn.

Chi cục mong muốn sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện để có sự ràng buộc trên xuống và dưới lên.

Sau sáp nhập, cần phải có một thời gian dài để thích nghi vì ở tuyến huyện đang lúng túng về hoạt động cũng như các quy định rõ ràng của các cấp có thẩm quyền. Viên chức dân số xã sau khi về trạm y tế có thể chưa hiểu chức năng, nhiệm vụ của dân số và việc phân công nhiệm vụ và hoạt động sẽ gặp khó khăn.

Ngoài ra, sau sáp nhập số lượng cộng tác viên dân số bị cắt giảm, nhân viên y tế thôn bản sẽ kiêm nhiệm thêm công tác dân số trong khi đội ngũ này hầu hết là nam giới, lớn tuổi lại chưa từng tiếp cận với công tác dân số, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng và chưa hiểu về công việc mình kiêm nhiệm. Đồng thời, đội ngũ này hiện nay dù cùng lúc làm hai việc nhưng phụ cấp không tăng (chỉ được mức 0,3 của y tế thôn bản) nên khó gắn bó lâu dài.

Để khắc phục các vấn đề bất cập trên, hiện Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Nghệ An đang từng bước đề nghị và tham mưu đến Sở Y tế nhằm sớm có kế hoạch chi tiết, có một nguồn ngân sách để duy trì hoạt động cho công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở. Ngoài ra Chi cục mong muốn sớm ban hành quy chế phối hợp giữa Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh và trung tâm y tế cấp huyện để có sự ràng buộc trên xuống và dưới lên.

Ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, tình cảm của đội ngũ làm công tác dân số sau khi sáp nhập và lắng nghe những ý kiến góp ý. Trước mắt,mọi  hoạt động dân số vẫn triển khai đầy đủ từ công tác tuyên truyền, đào tạo, thống kê… và cố gắng dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không bị gián đoạn”.

Ảnh: Giữa tháng 8/2020, tại 21 huyện, thành, thị đã bắt đầu tiến hành sáp nhập các trung tâm Dân số – KHHGĐ vào trung tâm Y tế.

HỒNG QUÂN