Sai phạm liên quan đến BT, BOT: Vì sao hiếm xử lý hình sự?

Với những sai phạm liên quan đến các dự án BT, BOT đã được các cơ quan thanh, kiểm tra kết luận, một số chuyên gia cho rằng rất khó xử lý theo Bộ Luật Hình sự 2015. Vì tất cả những vụ việc đều diễn ra trước khi bộ luật này có hiệu lực thi hành.

Nhiều sai phạm liên quan đến BOT, BT lên đến nghìn tỷ

Mặc dù sai phạm liên quan đến các dự án BT, BOT đã được các cơ quan, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ chỉ rõ và yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý. Song, đến nay biện pháp xử lý của các cơ quan có liên quan chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính và kinh tế (kiến nghị xử lý số tiền sai phạm; kiến nghị xử lý kỷ luật, rút kinh nghiệm…), mà hiếm có trường hợp bị xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam
                 Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam

Tại Hà Nội, sau khi chỉ ra sai sót tại 7 dự án BT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, Thanh tra Chính phủ đã “vạch rõ” UBND TP. Hà Nội đều có lỗi trong cả hai vai trò là cấp quyết định đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.Hà Nội xử lý trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP.Hà Nội liên quan đến khuyết điểm, vi phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy trình chỉ định nhà đầu tư; đôn đốc, chỉ đạo, giám sát các đơn vị cấp dưới triển khai, thực hiện hợp đồng và các dự án đối ứng. Sau đó, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các bên liên quan “rút ra bài học kinh nghiệm về những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra; rà soát quy định của pháp luật để thống nhất trình tự, thủ tục các bước thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả quản lý đối với công tác quản lý dự án BT, BOT”. Song song đó, UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phân công cụ thể từng cán bộ tham gia công tác giải quyết thủ tục, quản lý thực hiện dự án tại các sở, ngành, Ban Quản lý dự án chuyên ngành, địa phương có liên quan, không để xảy ra sai sót, khuyết điểm, thất thoát tài sản Nhà nước tại các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT.

Tại TP Hồ Chí Minh, những năm qua nhờ thực hiện mô hình BOT, BT, thành phố đã huy động được nguồn lực của tư nhân để phát triển hạ tầng như các dự án đường Trường Sơn, đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2… Gần đây nhất, có 18 dự án hạ tầng trên địa bàn với vốn đầu tư 59.000 tỷ đồng thực hiện theo các hình thức này. Song, điều dư luận quan tâm về hiệu quả các dự án BOT, BT này đến đâu, bất cập, tồn tại và hướng khắc phục sai phạm ra sao… thì không được các cơ quan thông tin công khai. Còn nhớ, thời điểm tháng 9 năm 2017, Thanh tra Chính phủ có thông báo kết luận về việc triển khai thực hiện một số dự án BT, BOT gồm: dự án xây dựng cầu Phú Mỹ; Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc; Dự án Xa lộ Hà Nội; Dự án cầu Bình Triệu II; Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những khuyết điểm, những sơ hở, bất cập, hạn chế, từ đó kiến nghị bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản theo hình thức BT, BOT. Căn cứ vào kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND TP.Hồ Chí Minh xem xét xử lý số tiền sai phạm với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng; xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã vi phạm quy định pháp luật, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao; chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát các nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về tính toán chênh lệch phụ cấp lưu động, các vấn đề về tổng mức đầu tư, phương án tài chính, nghiệm thu thanh toán, kiểm toán, quyết toán dự án để điều chỉnh cho phù hợp quy định của pháp luật; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Nhưng, đến thời điểm này, hướng xử lý cụ thể của thành phố về những sai phạm theo kết luận Thanh tra Chính phủ liên quan đến những dự án trên cũng không được thông tin cụ thể.

Dự án BOT cầu Phú Mỹ qua thanh tra cho thấy có nhiều sai phạm (ảnh minh họa)
                       Dự án BOT cầu Phú Mỹ qua thanh tra cho thấy có nhiều sai phạm 

Vì sao hiếm xử lý hình sự?

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý về việc hiếm thấy xử lý hình sự những sai phạm liên quan đến các dự án BT, BOT, Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á khẳng định, không thể xử lý các vụ việc đã diễn ra theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, vì căn cứ vào hành vi xảy ra vào thời điểm nào thì áp dụng luật pháp tại thời điểm đó. Nếu xử lý hình sự các vụ việc đã diễn ra theo các quy định pháp luật cũ là rất khó, do hành vi vi phạm pháp luật chỉ được mô tả chung chung, không tách biệt ra thành từng hành vi cụ thể. Do văn bản pháp lý bất cập, nên người ta thường lách luật rất tinh vi.

Phân tích kỹ hơn, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam cho biết: Thực tế từ khi triển khai đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, đã có nhiều dự án dính sai phạm, có những sai phạm có dấu hiệu tội danh hình sự. Ví dụ: hầu hết các dự án BT, BOT là những dự án chỉ định thầu mà không tổ chức đấu thầu, với lý do chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách, cấp thiết của dự án. Nhiều bất cập sai phạm trong tài chính, như phê duyệt tổng mức đầu tư còn nhiều nội dung sai chế độ, giá vật liệu nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình. Các dự án chỉ định thầu với lý do là các dự án cấp bách, cấp thiết nhưng các cơ quan liên quan lại không thực hiện đúng quy trình, quy định, không có số liệu để chứng minh hay làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách hay cấp thiết…

Như vậy, rõ ràng đã có những sai phạm của những người có liên quan trong những dự án nêu trên. Tuy nhiên, hiếm có vụ nào bị chuyển cơ quan điều tra xem xét khởi tố. Theo tôi, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, trong đó có cả yếu tố pháp luật, Bộ luật Hình sự 1999 cũng như các văn bản liên quan đến đầu tư, đấu giá, đấu thầu… có một số quy định bất cập, có kẽ hở… nên khó xử lý hình sự. Nay Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, có quy định thêm hàng loạt những tội danh mới liên quan đến xây dựng, đầu tư công, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản Nhà nước. Đây là “cây gậy” pháp luật sắc bén để xử lý tội phạm kinh tế trong tình hình hiện nay.

Theo Luật sư Kiều, căn cứ Công văn số 04/TANDTC_PC và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành triển khai Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì: “Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018”. Theo đó, đối với các hành vi phạm tội xảy ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực mà chưa được điều tra, khởi tố, xét xử trước đó thì vẫn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự, các quy định có hiệu lực trước ngày 01 tháng 1 năm 2018.

Đối với các tội danh về đầu tư công, đấu giá, BT, BOT xảy ra trước thời điểm Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực và chưa bị phát hiện, điều tra, khởi tố, khi xác định có hành vi phạm tội và có đủ căn cứ, yếu tố về cấu thành tội phạm, các chủ thể, cá nhân liên quan có thể bị điều tra, khởi tố và truy tố về các tội được quy định trong Bộ luật hình sự 1999. Ngoài ra, các chủ thể thực hiện hành vi phạm tội còn có thể phải chịu trách nhiệm và bị xử lý, điều tra, khởi tố nhóm tội “tham ô tài sản”hoặc “hối lộ”được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999. Việc xử lý, điều tra,truy tố theo điều luật nào tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ và hành vi phạm tội, Luật sư Kiều phân tích.

Nhiều ý kiến Luật gia, Luật sư khi được hỏi đều có chung nhận định: Bộ luật Hình sự 2015 đã có hiệu lực, bổ sung nhiều tội danh mới trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý tài sản Nhà nước, đấu thầu, đấu giá… Cho nên tới đây, sẽ có nhiều tội phạm kinh tế bị khởi tố, sẽ không còn tình trạng chìm xuồng, xử lý hành chính, kinh tế đơn thuần như vừa qua.

Theo Phaply.vn

NGUYỄN HÒA