Chặn tình trạng trục lợi từ chuyển nhượng nhà – đất công: Phải khẩn trương sửa Luật

Đó là kiến nghị của nhiều chuyên gia. Có như vậy mới mong ngăn chặn việc cán bộ nhà nước giúp sức, bắt tay với doanh nghiệp thực hiện các phi vụ “mua rẻ, trốn thuế, rồi bán đắt” để trục lợi từ các dự án nhà đất công sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, qua vụ án Vũ “nhôm” và vụ việc liên quan đến Quốc Cường Gia Lai, Nhà nước phải tuyên truyền và xây dựng luật làm sao cho người dân thấy rằng đóng thuế là một nghĩa vụ, tự giác đóng thuế, coi đó là một trách nhiệm đối với đất nước và đóng thuế là yêu nước. Ông Châu lấy ví dụ, trên thế giới có những nhà đầu tư rất chính trực, như ông Bill Gates ở Mỹ, biết mình là một tỷ phú nhưng ông chỉ phải đóng mức thuế thu nhập 25%. Song, khi thấy những người dân khác phải đóng thuế thu nhập từ 35-38%. Thấy vậy, ông đề nghị cho ông đóng thuế giống như người bình thường và Tổng thống Mỹ Obama đã đồng ý. Sau đó Quốc hội Mỹ đã xây dựng một luật thuế mang tên vị tỷ phú này.

Những doanh nhân chính trực như vậy khác hoàn toàn với những doanh nhân trọc phú, giàu có bằng mọi thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn trốn thuế. Hiện nay hệ thống pháp luật của ta có nhiều bất cập. Ví dụ như thuế tài sản là một loại thuế trực thu, nó đánh trực tiếp vào túi tiền của người nào có tài sản mà thuộc đối tượng phải chịu thuế. Vì không gián thu nên người dân rất khó chịu. Chúng ta cần học hỏi và làm theo Singapore, ở quốc gia này tất cả người dân không thể trốn vì hệ thống pháp luật của họ quá đồng bộ và hoàn thiện. Hơn nữa mọi giao dịch của họ đều qua ngân hàng, thanh toán qua ngân hàng nên mọi giao dịch đều được kiểm soát và hoàn toàn minh bạch. Còn ở nước ta đa số giao dịch, thanh toán đều dùng tiền mặt, nên đã tạo ra những kẽ hở pháp lý rất lớn.

 Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Với các vụ án và các vụ việc có dấu hiệu trục lợi đất công sản để trốn thuế vừa qua, ông Châu cho rằng để thực hiện việc chuyển nhượng, khu đất được định giá phải theo với giá thị trường, phải định giá khởi điểm thông qua đấu giá lựa chọn nhà đầu tư để bán tài sản. Theo quy định của Luật đấu giá, tài sản công phải được đấu giá công khai rộng rãi, thậm chí các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được tham gia, chứ không được chỉ định. Đặc biệt, hiện nay trong quá trình cổ phần hóa, cũng như di dời các doanh nghiệp sản xuất ô nhiễm ra các khu công nghiệp đang có quá nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho nhiều nhóm lợi ích. Vì thế, phải thực hiện theo phương thức phải đấu giá công khai, lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu các dự án có sử dụng đất. Nhất định trong đấu giá không cho phép có quân xanh, quân đỏ.

Ông Châu nhấn mạnh, cần thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất, hoặc khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, hoặc khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT, BT; Và chỉ được thực hiện chỉ định nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu theo Điều 22 (Chỉ định thầu), Điều 26 (Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) của Luật Đấu thầu, đặc biệt là khi thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Ông lấy ví dụ, tại TP.HCM từ năm 2011 đến tháng 3.2017, đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch 1.256 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm. Chỉ riêng cuộc đấu giá mặt bằng 23 Lê Duẩn, quận 1, giá khởi điểm là 550 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 1.460 tỷ đồng, chênh lệch 910 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm.

Xuất phát từ những bất cập trong thực tiễn, ông Châu kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng hoàn thiện cơ chế xác định “giá đất cụ thể” để xác định “giá khởi điểm tài sản đấu giá, trong đó có quyền sử dụng đất” một cách hợp lý, thỏa đáng, để thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu giá. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng xác định giá khởi điểm quá thấp một cách bất bình thường, bởi vì có thể dẫn đến làm thất thoát tài sản nhà nước; Sửa đổi Luật Đất đai, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng không giao cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” (tổ chức dịch vụ công về đất đai) chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, để thống nhất một đầu mối là “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập có chức năng tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, trong đó, có quyền sử dụng đất; “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” trực thuộc Sở Tư pháp như mô hình tổ chức thực tế hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh; sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của “Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản” để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, vô tư, khách quan, để không xảy ra tình trạng đấu giá “cuội”, “quân xanh, quân đỏ” làm sai lệch kết quả đấu giá, có thể làm thất thoát tài sản nhà nước.

Song song đó, ông Châu cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 “Về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, để thực hiện Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; và khoản 8 Điều 7 Nghị định 167/2017/NĐ-CP về “Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT)”, để xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia.Và bổ sung trở lại chế định “Đấu thầu dự án có sử dụng đất” vào Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật.

PGS –TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) trao đổi với PV Pháp lý
               PGS –TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) 

Dưới góc nhìn của chuyên gia pháp luật, Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam đề xuất nên đưa giá bất động sản về một giá, không còn giá trị trường và khung giá Nhà nước nữa. Tức là khung giá Nhà nước phải bằng với giá thị trường, như thế việc bồi thường giải phóng mặt bằng hay việc chuyển nhượng nhà đất không gặp khó khăn, không bị trốn thuế, lách luật trốn thuế, chuyển nhượng bằng hai hợp đồng khác nhau…

Đồng tình với quan điểm trên, PGS –TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần phải xây dựng một kho dữ liệu về bất động sản. Phải tiến tới thực hiện việc định giá đất của những mảnh đất ở mặt tiền, các khu đất vàng theo giá thị trường. Tất cả các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai phải được thực hiện đúng luật, chứ không phải mua bán thông qua bắt tay, thỏa thuận “gầm bàn”. Có như thế mới bịt được những hành vi tham nhũng, ngăn chặn được những cái bắt tay giữa cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế thưởng phạt phân minh. Nếu ai đó cố tình trốn thuế thì phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi của mình. Nếu công chức định giá tài sản, thuế mà câu kết, móc ngoặc với chủ đất để hạ thấp giá trị đất, chuyển hóa đất đô thị thành đất nông nghiệp… cần phải chịu hình phạt thật nặng, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Đông Nam Á, hiện hệ thống luật pháp của chúng ta nói chung khá đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, có nhiều Luật đã ban hành và có hiệu lực thi hành rồi, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn các cơ quan không biết thực hiện như nào. Ví dụ như chúng ta đã có Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, nhưng chưa đủ văn bản hướng dẫn chi tiết Luật hay hướng dẫn loại tài sản công nào được bán và lý do nào thì được bán?.

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2018, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế một cách đồng bộ, toàn diện. Theo đó, đối tượng thanh tra, kiểm tra tập trung vào các DN có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử; DN báo lỗ triền miên; DN có số nợ thuế lớn; DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra (về sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn, thương hiệu…); DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế… Các lĩnh vực thanh tra tập trung vào: Chuyển nhượng vốn, ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, khoáng sản…Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an và các cơ quan liên quan để nắm bắt, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế…

Theo phaply.vn

HẢI DƯƠNG