Điện Biên: Ai đã “phù phép” biến khu rừng trẩu lâu năm thành các khu đất trống?

Một diện tích lớn rừng Trẩu đã khép tán được trồng theo Chương trình 327, trên địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho đến thời điểm này đã không còn tồn tại sau khi UBND tỉnh Điện Biên giao cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 để mở rộng khu du lịch sinh thái Him Lam.

Hơn 8 ha là rừng trẩu đã khép tán nay chỉ là đất trống

Theo Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 8/8/2016 UBND tỉnh Điện Biên về việc Giao đất lâm nghiệp cho Xí nghiệp tư nhân số 6 (nay đổi thành Doanh nghiệp tư nhân số 6) được giao tổng diện tích hơn 9,8ha đất tại địa bàn xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ. Mục đích sử dụng là khoanh nuôi, trồng bổ sung và chăm sóc rừng. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm kể từ tháng 8/2006 đến tháng 8/2056.

Trong hơn 9,8ha đất nói trên thì có 8ha đất rừng Trẩu được trồng theo Chương trình 327 đã khép tán. Cụ thể, ngày 13/6/2006, Xí nghiệp Giống lâm nghiệp vùng Tây Bắc có Tờ trình gửi UBND tỉnh Điện Biên nêu rõ 8ha rừng Trẩu được trồng từ năm 1995 đã khép tán thuộc hai thửa đất lô 37(8) và lô 37(9). Phần diện tích đất này nằm ngay sát hồ Huổi Phạ, phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái. Nhưng do bị chia cắt bởi hồ Huổi Phạ nên Xí nghiệp hạn chế về việc trông coi, nên đề xuất với tỉnh Điện Biên giao 8ha này cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sinh thái, phục vụ du lịch.

Cho đến thời điểm chưa rõ việc Doanh nghiệp tư nhân số 6 thực hiện mục đích sử dụng đất rừng được thuê như thế nào? Nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường rừng Trẩu khép tán mà các cơ quan chức năng ghi nhận trong các văn bản dường như không còn !? Thay vào đó là con đường vòng quanh hồ, các hạng mục vườn hoa vui chơi giải trí…

Doanh nghiệp né trách nhiệm ?

Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, ông Bùi Đức Giang- Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân số 6 cho biết trong số hơn 9,8ha nói trên công ty mới chỉ dùng có 3ha. Khu vực trồng hoa bây giờ không thuộc diện tích đất rừng. Không ai chặt, không ai phá rừng cả, còn chặt thì phải còn gốc. Doanh nghiệp lớn đã làm dự án đầu tư thì đương nhiên đó là rừng sản xuất, đương nhiên tỉnh phải chuyển đổi ( ?!!).

Trước những thông tin dư luận cho rằng cho rằng Doanh nghiệp tư nhân số 6 là chủ đầu tư khu du lịch sinh thái Him Lam phá rừng, bà Phạm Thị Bích Nguyệt, cán bộ Kiểm lâm địa bàn, Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Sau khi nhận được thông tin Doanh nghiệp tư nhân số 6 triển khai dự án đường ven hồ và khu vui chơi giải trí thuộc diện tích đất rừng được giao năm 2006, chúng tôi đã đi kiểm tra. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp và rừng Trẩu giao năm 2006 đã trở thành đất trống 1 và đất trống 2. Diện tích rừng Trẩu đã bị chặt hạ từ bao giờ, chúng tôi không biết ? Đơn vị cũng nhiều lần mời đại diện Doanh nghiệp tư nhân số 6 đến làm việc về việc chặt phá rừng Trẩu, nhưng doanh nghiệp không hợp tác, không đến làm việc.

Làm việc với báo chí, ông Hà Lương Hồng, Chi Cục trưởng Chi cục Lâm Nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên khẳng định: Doanh nghiệp tư nhân số 6 chưa có bất cứ thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu vực này. Toàn bộ diện tích năm 2006 mà UBND tỉnh giao cho Doanh nghiệp tư nhân số 6 đã được quy hoạch là rừng sản xuất. Vì vậy nếu muốn chuyển đổi sang mục đích khác, doanh nghiệp phải làm tờ trình để cơ quan chuyên môn trình UBND tỉnh để xem xét chuyển đổi.

Cũng theo ông Hà Lương Hồng, vi phạm của Doanh nghiệp tư nhân số 6, tự ý chặt phá diện tích rừng trẩu mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng là đặc biệt nghiêm trọng. Nếu Doanh nghiệp tư nhân số 6 muốn xin chuyển đổi mục đích sử dụng thì Chi cục Phát triển Lâm Nghiệp phải nhận được tờ trình của doanh nghiệp và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trình UBND tỉnh xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng.

 Rừng trẩu đã khép tán năm xưa đã và đang biến mất. Ảnh: H.L

Như vậy, ai đã “phù phép” biến khu rừng Trẩu lâu năm thành các khu đất trống, để rồi từ đó mọc lên những con đường, vườn hoa phục vụ cho mục đích riêng của doanh nghiệp? Việc này đã diễn ra trong một thời gian dài, do đó cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên khi để chảy máu rừng.

Theo Điểm 2, Điều 85 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật trong việc giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, cho phép sử dụng rừng, khai thác lâm sản; thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về  vụ việc trên.

Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, thì lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật”.

Theo BVPL.VN

HOÀNG LONG