Thương vụ mua cổ phần AVG – diễn biến mới nhất

Vừa qua, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra dự án việc xử lý vụ Tổng công ty viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Ban Bí thư cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Hủy hợp đồng đã thực hiện?

 Ngày 12/3/2018, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Công ty Viễn thông MobiFone cùng 3 đại diện của nhóm các cổ đông Công ty CP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã bàn bạc, thoả thuận về Hợp đồng mua cổ phần AVG của MobiFone.  Báo Pháp luật Việt Nam dẫn một nguồn tin tin cậy xác nhận cuộc họp nói trên và cho biết, hai bên đã thống nhất huỷ bỏ Hợp đồng mua cổ phần của MobiFone với AVG.

Theo đó, MobiFone thống nhất:  Phía AVG nhận lại công ty và hoàn trả các chi phí đã nhận từ MobiFone. Phía MobiFone làm các thủ tục huỷ bỏ Hợp đồng. Cuộc họp nói trên có mặt cổ đông quan trọng của nhóm cổ đông AVG là ông Phạm Nhật Vũ. Các bên mời một luật sư chứng kiến cuộc họp này.

Trước đó Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nghe Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ báo cáo kết quả việc thanh tra dự án nêu trên. Ban Bí thư cho rằng đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ban Bí thư đề nghị Thường trực Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về Kết luận thanh tra, sớm công bố Kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát.

Công bố quyết định thanh tra việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ảnh: Thanh tra Chính phủ

Theo Quyết định số số 2220/QĐ-TTCP ngày 26/8/2016 của Tổng Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra toàn diện việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Thời hạn thanh tra là 50 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định. Tuy nhiên, cho đến nay, kết luận thanh tra vụ việc vẫn chưa được công bố.

Thương vụ bí hiểm

 Thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG là một thương vụ lớn giữa một bên là doanh nghiệp nhà nước với một bên là doanh nghiệp tư nhân. Theo VnReview, vào quí I/2016 khi MobiFone phát đi thông cáo mua 95% cổ phần AVG và sau đó đổi tên thành MobiTV, thì điều khiến báo giới ngạc nhiên nhất chính là giá trị thương vụ không được công bố. Và mỗi lần khi báo giới đặt câu hỏi về vấn đề này, lãnh đạo MobiFone đều từ chối trả lời và cho rằng đó là hồ sơ “mật”. Có nghĩa là thương vụ này ngay từ ban đầu đã không được công khai minh bạch nếu không muốn nói là bị che đậy.

Một trong những tiếng nói mạnh mẽ thúc đẩy quá trình công khai hóa thương vụ bí hiểm này bắt đầu tư các chuyên gia thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI). Chuyên gia VAFI nhận định, MobiFone là doanh nghiệp lớn của nhà nước chứ không phải doanh nghiệp gia đình hay tư nhân, và lại đang tiến hành thủ tục cổ phần hóa, vì vậy phải công bố thông tin theo qui định. Nếu MobiFone không công bố thông tin theo qui định là vi phạm Điều 23 Nghị định 81 qui định về xử lí vi phạm trong công bố thông tin. Từ tiếng nói của giới chuyên gia VAFI, thương vụ này đã đi vào nghị trường kì họp Quốc hội.

Đến khi đó, giá trị thương vụ mới được chính thức nêu ra: MobiFone đã mua lại 95% cổ phần AVG với số tiền  lên đến 8.900 tỉ đồng. Cần biết rằng, giá trị của AVG trong những lần định giá trước đó còn được đẩy lên mức hơn 20.000 tỉ đồng trong khi thực tế doanh nghiệp này đang hoạt động không hiệu quả, thực chất là đang thua lỗ, giá vốn được ước tính chỉ khoảng từ 1.600-2.000 tỉ đồng chưa trừ khấu hao. Một số chuyên gia cho rằng, AVG hô giá cho 95% cổ phần ở mức 1.000 tỉ đồng chưa chắc đã bán được, thế nhưng không hiểu vì sao MobiFone lại  mua với mức giá cao gấp gần 9 lần, vậy mà không có bộ ngành chức năng nào cảnh báo, ngăn cản thương vụ gây thất thoát tiền nhà nước có một không hai trong lịch sử này.

Tất nhiên ai cũng hiểu, để thương vụ này diễn ra trót lọt sẽ phải có rất nhiều chữ kí, từ thấp đến cao, thậm chí qua tầng nấc thủ tục… không phải một hai vị lãnh đạo ở MobiFone có quyền quyết định.

Vì vậy, việc chậm trễ công bố kết luận thanh tra đặt ra nhiều nghi vấn tiêu cực. Lần này với sự chỉ đạo sâu sát của Ban Bí thư, chắc chắn  vụ việc này sẽ được giải quyết đúng pháp luật.

Hậu quả pháp lý 

Về thông tin hai bên vừa thỏa thuận hủy hợp đồng, tờ VNF đặt ra những câu hỏi về hậu quả pháp lý của thỏa thuận.

Thứ nhất là vấn đề tài chính. Theo thông tin đã được công bố, để mua 95% cổ phần của AVG, Mobifone đã phải chi ra 8.890 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ của AVG tại thời điểm chuyển nhượng là 3.628 tỷ đồng, Mobifone đã chi ra mức giá cao gấp 2,58 lần mệnh giá cổ phần doanh nghiệp này.

Chưa rõ các bên sẽ “chốt” con số trả lại là bao nhiêu. Nếu trả nguyên số tiền 8.890 tỷ, đây sẽ là áp lực rất lớn cho AVG. Trong khi đó, ngay cả việc nhận lại đủ số tiền này, Mobifone cũng “khó ăn khó nói” khi về lý thuyết, các khoản đầu tư phải sinh lợi, nếu không sinh lợi thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cần nhắc lại một “tiền lệ” đầy tính thời sự là trong một đại án được xét xử mới đây, cơ quan công tố đã xác định “thiệt hại” đối với một khoản tiền lãi ngay cả khi tiền gốc đã được thu hồi đầy đủ.

Thứ hai là vấn đề pháp lý. Hợp đồng với giá trị lớn như vậy chắc chắn sẽ kèm theo nhiều điều khoản ràng buộc khác về trách nhiệm của các bên. Hơn nữa, thương vụ cũng đã diễn ra được hơn hai năm, trong thời gian đó bản thân công ty AVG cũng đã có nhiều hoạt động có phát sinh doanh thu, chi phí, thì việc hạch toán, đánh giá lại sẽ như thế nào?

Thứ ba là vấn đề nhân sự. Cho dù việc hủy hợp đồng AVG  có thể giúp “thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, thì câu hỏi đặt ra đối với các nhân sự liên quan đến thương vụ này như thế nào? Nếu chỉ đảm bảo việc “thu hồi tài sản” thì việc “làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật” sẽ được thực thi như thế nào?

Trao đổi với tapchitoaan.vn, ông Đỗ Văn Chỉnh, nguyên Thẩm phán, Trưởng ban Thanh tra TANDTC cho rằng: Việc hai bên thỏa thuận hủy hợp đồng đã ký kết thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, do vụ việc đã được thanh tra, dấu hiệu sai phạm đã được phản ánh nên nếu xử lý trách nhiệm hình sự thì việc hủy hợp đồng chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Tình tiết giảm nhẹ này có giá trị đến đâu phụ thuộc vào mức độ khắc phục hậu quả của hai bên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo làm rõ vụ AVG  –  Ảnh: PV 

 

 

 

TRẦN ĐỨC