Vướng mắc về xác nhận địa chỉ của bị đơn trong vụ án Ngân hàng khởi kiện

Khi nộp đơn khởi kiện các Ngân hàng phải cung cấp địa chỉ nơi sinh sống của bị đơn tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Tuy nhiên, việc có được xác nhận nơi sinh sống của bị đơn trong nhiều trường hợp rất nan giải, khó khăn, dẫn đến Tòa trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án.

BLTTDS năm 2015 có nhiều quy định mới, trong đó có quy định liên quan đến việc Tòa án xem xét, xử lý đơn khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự mà người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại nơi cư trú. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này và các quy định pháp luật về cư trú tại các Tòa án trong thời gian qua còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất. thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình cung cấp thông tin vụ việc, xác định thông tin liên quan của các đương sự; cung cấp chứng cứ.

Khi nộp đơn khởi kiện các Ngân hàng phải cung cấp địa chỉ nơi sinh sống của bị đơn tại thời điểm nộp đơn khởi kiện.

Đối với các khách hàng cá nhân có tình trạng công dân đăng ký thường trú hoặc tạm trú một nơi, nhưng lại thường xuyên sinh sống nơi khác, dẫn đến việc khó khăn trong việc xác định nơi cư trú hiện tại của công dân. Hơn nữa đối với khách hàng không trả nợ, họ thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú vì làm ăn khó khăn, vì tìm cách trốn tránh chủ nợ…  Do vậy, các cấp Tòa án có quan điểm cho rằng, dù đã có bản sao sổ hộ khẩu xác định nơi cư trú của bị đơn, nhưng vẫn phải có xác nhận của Công an cấp xã, phường, thị trấn nơi bị đơn cư trú để có cơ sở đảm bảo chắc chắn rằng bị đơn đang sinh sống tại đó vào thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện. Việc này nhằm đảm bảo việc thụ lý giải quyết của Tòa án là đúng thẩm quyền (đúng nơi cư trú của bị đơn) và phục vụ cho việc tống đạt, triệu tập bị đơn để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình giải quyết vụ việc.

Các Tòa thường căn cứ “Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”; và “Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn”. Trong trường hợp một cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú ở địa phương này nhưng lại đang sinh sống ở địa phương khác thì nơi nào là nơi cư trú của cá nhân đó chưa có sự thống nhất trên thực tiễn.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục xin xác nhận địa chỉ cư trú hiện tại của công dân tại Công an cấp xã, phường, thị trấn. Trên thực tế, Ngân hàng đã đến trực tiếp liên hệ hoặc có văn bản đề nghị gửi Công an phường để xin xác nhận về thông tin nơi cư trú hiện tại, đồng thời nêu mục đích xin xác nhận là nộp cho Tòa án nhưng có một số nơi Công an cấp xã, phường, thị trấn không thực hiện việc xác nhận này hoặc chỉ xác nhận là cá nhân có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa bàn nhưng không xác nhận cá nhân đó có sinh sống ở địa chỉ đó hay không? Hoặc không xác nhận thời gian vắng mặt của cá nhân tại địa bàn vì vậy Ngân hàng gặp khó khăn trong việc cung cấp địa chỉ hoặc chứng cứ chứng minh việc trốn tránh của khách hàng.

Hơn nữa. pháp luật không quy định trong mọi trường hợp một cá nhân bỏ địa phương đi phải báo cho người khác biết nơi cư trú mới mà chỉ ràng buộc trong trường hợp “gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ”. Trong khi đó, mỗi cá nhân tham gia rất nhiều quan hệ xã hội. Bản thân họ rất khó biết là trong quan hệ nào họ có nghĩa vụ với chủ thể khác.

Thiết nghĩ, giá như Tòa án có trách nhiệm xác định nơi cư trú của chủ thể này, hoặc có quy định chi tiết để áp dụng thì đỡ khó khăn hơn cho người khởi kiện. Bởi vì, Tòa án là cơ quan công quyền, là cơ quan thực hiện tư pháp. Nếu cứ buộc nghĩa vụ xác định nơi cư trú cho người có yêu cầu thì dễ dẫn đến trường hợp Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu của đương sự khi người có yêu cầu không cung cấp được nơi cư trú của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được đưa vào tham gia tố tụng.

Thực tế Tòa án trả lại đơn khởi kiện (trong giai đoạn xử lý đơn khởi kiện) hoặc đình chỉ giải quyết vụ án sau khi có quyết định thụ lý (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) trong trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.

Việc áp dụng quy định về nơi cư trú của cá nhân trong BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan để giải quyết vụ án trong trường hợp trên vẫn còn nhiều bất cập không có lối thoát, đẩy trách nhiệm cho bên yêu cầu dẫn đến không bảo đảm được quyền lợi của chủ thể tham gia giao dịch trên thực tiễn./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHẠM VĂN CƯỜNG (Phòng Pháp chế Agribank Thừa Thiên Huế)