Bàn về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Quyền sống là quyền đặc biệt quan trọng được quy định trong Hiến pháp: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” , hơn nữa trẻ em là đối tượng đặc biệt được bảo vệ, “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” . Tuy nhiên, những năm gần đây, tội phạm giết người nói chung và giết con hoặc vứt con mới đẻ diễn ra hết sức phức tạp. Đây là những hành vi không chỉ vi phạm tiêu chuẩn đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật xâm hại quyền con người, quyền trẻ em.

1. Những vấn đề chung về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

1.1 Tổng quan về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Tội “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) so với Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi 2009) thì có những điểm mới là việc thay đổi tên điều luật “Giết con mới đẻ" thành "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ". Đồng thời điều luật cũng quy định con mới đẻ trong vòng 07 ngày tuổi và quy định tách thành 02 khoản độc lập trong đó có hành vi giết con mới đẻ bị xử phạt nặng hơn hành vi vứt bỏ con mới đẻ. Đối với tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là trường hợp phạm tội của người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết. Hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt con mới đẻ đã xâm phạm tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, cụ thể ở đây là tính mạng con mới đẻ – người có mối quan hệ ruột thịt, huyết thống với người phạm tội và là con của chính người mẹ mới sinh ra trong vòng bảy ngày tuổi.

Như đã phân tích, tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ thuộc nhóm tội phạm xâm phạm tính mạng sức khoẻ được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam và có những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, Hành vi phạm tội xâm phạm đến tính mạng con người – nạn nhân phải là con mới được sinh ra trong vòng bảy ngày có cùng huyết thống với người người phạm tội. Hành vi giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ của người mẹ do phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt là hành vi đi ngược với tiêu chuẩn đạo đức truyền thống và trái pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng của chính con ruột mình khi trẻ mới sinh ra trong vòng được bảy ngày tuổi không có khả năng tự vệ. Việc giết con mới đẻ hoặc vứt con mới đẻ không xuất phát từ ác ý dựa trên ý chí của người mẹ mà do người mẹ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/1986/NQ-HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì khoảng thời gian người mẹ được coi là còn trong trạng thái mới sinh con là khoảng thời gian từ khi sinh con cho đến ngày thứ bảy. Trong thời gian này, người mẹ còn đang trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con. Chính vì thế, việc giết con, vứt bỏ con dẫn đến đứa con chết mà người mẹ không phải chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hay trong hoàn cảnh khách quan khác thì người mẹ phải chịu tội danh giết người.

Thứ hai, Tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ có chủ thể đặc biệt là người mẹ của nạn nhân. Tình mẫu tử là tình thương yêu, là sự hi sinh, chở che, bao dung của người mẹ đối với con. Tuy nhiên, tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ lại chính là người mẹ có mối quan hệ huyết thống với nạn nhân – chính con ruột của mình đang trong tình trạng sau khi sinh con bảy ngày. Người mẹ có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ, người mẹ nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi ấy tuy nhiên người mẹ vẫn mong muốn con mình chết do phải chịu nhiều áp lực.

Thứ ba, Tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là tội phạm ít nghiêm trọng theo quy định pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành. Tội phạm có chung dấu hiệu là tính nguy hiểm cho xã hội nhưng mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội không phải như nhau mà có sự khác nhau giữa các tội phạm cũng như giữa các trường hợp phạm tội của tội cụ thể. Theo quy định pháp luật thì Tội phạm giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm . Dựa trên sự quy định của pháp luật về hình phạt đối với tội trên và chiếu theo quy định pháp luật về phân loại tội phạm khi căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành thì tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là tội phạm ít nghiêm trọng – tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

1.2 Các yếu tố cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Để có thể định tội và áp dụng biện pháp xử lý thích đáng thì cần phải xem xét rõ ràng các dấu hiệu pháp lý và việc phân tích dấu hiệu pháp lý tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ dựa trên các mặt cụ thể như sau:

- Xét về mặt khách thể của tội phạm: Tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ đã trực tiếp xâm hại quyền sống của con người, quyền trẻ em – quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đối tượng tác động của tội phạm là con mới đẻ trong vòng bảy ngày tuổi và việc định tội danh này thì cần xác định đúng thế nào là “con mới đẻ”. Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành thì đối tượng tác động của tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là đứa trẻ phải còn sống và trong vòng bảy ngày kể từ khi đứa trẻ được sinh ra đến khi bị xâm hại. Theo đó, nếu hành vi xâm phạm đến đứa trẻ từ ngày thứ tám trở đi thì đối tượng tác động của tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ không còn là “con mới đẻ” và lúc này đối tượng tác động của tội phạm sẽ chuyển sang tội phạm khác.

- Xét về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi phạm tội của tội phạm này bao gồm hành vi giết (đâm, chém, bóp cổ, đầu độc…) con mới đẻ hoặc hành vi vứt (bỏ rơi, để tại một nơi nào đó…) con mới đẻ và những hành vi này mang tính nguy hiểm cho xã hội xâm hại quyền sống của con người, của trẻ em. Hành vi giết con mới đẻ cũng được hiểu là hành vi giết người, tuy nhiên đây là trường hợp đặc biệt do có các điều kiện đặc biệt. Hành vi vứt con mới đẻ là hành vi bỏ đứa trẻ ở bất kỳ địa điểm nào, xong có cùng hậu quả với hành vi giết con mới đẻ là dẫn đến đứa trẻ bị chết. Hậu quả đứa trẻ bị chết là hậu quả bắt buộc của tội phạm này, do đó, nếu người mẹ có hành vi trước đoạt tính mạng đứa trẻ hoặc có hành vi vứt con mới đẻ nhưng hậu quả đứa trẻ chết không xảy ra thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và như vậy tội giết con mới đẻ không có trường hợp phạm tội chưa đạt.

- Xét về mặt chủ thể của tội phạm: Chủ thể tội phạm là con người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi chủ thể có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do pháp luật hình sự quy định (đối với chủ thể là con người). Trong trường hợp phạm tội giết con mới đẻ hay vứt con mới đẻ thì chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt đó chính người mẹ của đứa trẻ đang còn trong trạng thái mới sinh con có năng lực trách nhiệm hình sự, khi thực hiện hành vi người mẹ có khả năng nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và làm chết đứa trẻ tuy nhiên họ vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.

- Xét về mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội. Có thể thấy rằng, trong trường hợp này, lỗi người mẹ phạm tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là lỗi cố ý khi mà có cùng dấu hiệu chung là đứa trẻ chết. Khi thực hiện hành vi giết con mới đẻ hay vứt bỏ con mơi đẻ thì người mẹ đã lường trước được sự nguy hiểm của mình dẫn đến hậu quả là đứa trẻ bị chết tuy nhiên họ vẫn mặc cho sự việc xảy ra thì đây là hành vi phạm tội với lỗi cố ý.

2. So sánh tội giết con mới đẻ và tội vứt con mới đẻ

Cả hai tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ là tội phạm thực hiện với lỗi cố ý và chủ thể phạm tội là người mẹ có năng lực trách nhiệm hình sự và cùng có điều kiện là trong hoàn cảnh ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hay hoàn cảnh khách quan đặc biệt để dẫn tới hành vi phạm tội. Người mẹ có đủ nhận thức được hành vi phạm tội của mình không chỉ ngược với đạo đức truyền thống mà còn trái pháp luật xâm hại quyền sống của con ruột mình. Cả hai hành vi giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ để trở thành tội phạm thì phải có chung một hậu quả là đứa trẻ phải chết.

Tuy có cùng một dấu hiệu bắt buộc chung là đứa trẻ bị chết, song tội giết con mới đẻ và tội vứt con mới đẻ được quy định khung hình phạt khác nhau với điều kiện áp dụng tình tiết, tiêu chí đánh giá, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng khác nhau. Có thể phân biệt dưới các khía cạnh sau:

Xét về hành vi dẫn tới hậu quả.

Đối với tội phạm giết con mới đẻ thì hành vi của người mẹ có thể thực hiện dưới hai hình thức là hành động – người mẹ trực tiếp tác động vật lý với con thể hiện qua việc đánh đập, bóp cổ, đâm chết… đứa trẻ và không hành động – thể hiện qua việc người mẹ bỏ mặc con, không chăm sóc, không cung cấp sữa mẹ, chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi sống đứa trẻ. Ở đây, đối với hành vi thể hiện bằng hành động thì hậu quả dẫn tới cái chết cho đứa con là ngay tức khắc hoặc liền ngay sau hành động chứ không kéo dài.

Ở tội vứt bỏ con mới đẻ thì không có hành vi tác động vật lý trực tiếp làm đứa trẻ chết ngay mà người mẹ sẽ bỏ mặc con ở một nơi nào đó rồi bỏ đi, trốn tránh dẫn tới đứa trẻ không đủ dinh dưỡng hoặc bị điều kiện ngoại cảnh tác động như gió lạnh, nắng nóng, bị các con thú cắn xé… dẫn tới tử vong. Hậu quả con mới đẻ chết ở tội này thường diễn ra trong một thời gian khá dài so với hành vi giết.

Xét về lỗi.

Lỗi của người mẹ ở tội giết con mới đẻ là lỗi cố ý trực tiếp bởi người mẹ thực hiện hành vi với nhận thức rõ ràng khi thực hiện hành vi đó đứa trẻ sẽ chết và mong muốn hậu quả xảy ra.

Lỗi của người mẹ ở tội vứt bỏ con mới đẻ là lỗi cố ý gián tiếp bởi người mẹ để con ở một nơi nào đó tuy không mong muốn đứa trẻ chết nhưng biết hậu hậu có thể xảy ra mà vẫn thực hiện dẫn tới đứa trẻ chết còn nếu người mẹ mong muốn đứa trẻ chết thì là tội giết con mới đẻ.

Ví dụ: A là người mẹ do lâm vào tình trạng bặc biệt nên đã mang con mới sinh 02 ngày của mình đem vào trong rừng sâu để lại rồi bỏ về. Đây là hành vi giết con mới đẻ vì mang con vào trong rừng sâu bỏ lại thì chắc chắn biết con sẽ chết mà vẫn thực hiện. Tuy nhiên, vẫn là người mẹ A đó nhưng bỏ con ở trước cổng chùa với ý nghĩa các nhà sư thấy sẽ cưu mang đứa trẻ nhưng hôm đó trời rét nên đứa trẻ đã tử vong trước khi có vị sư thấy. Trường hợp này thì A phạm tội vứt bỏ con mới đẻ vì A không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng dù biết có thể xảy ra A vẫn bỏ rơi con.

3. Những bất cập tồn tại trong quy trình của pháp luật hình sự và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

3.1 Những bất cập, tồn tại trong quy định pháp luật về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Pháp luật hình sự Việt Nam đã đặt ra những quy định rất cần thiết về tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ. Cụ thể, hai tội danh trên đã được quy định trong Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thành hai điều khoản riêng biệt nhằm dễ trong việc xác định tội danh và đưa ra mức hình phạt tương thích, bên cạnh đó, cũng có văn bản hướng dẫn liên quan đến hai tội phạm nêu trên giúp cho việc xác định tội phạm dễ dàng hơn, cụ thể, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/1986/NQ-HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Dù vậy, vẫn còn nhiều bất cập tồn tập trong quy định pháp luật hình sự về hai tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ. Ngoài Nghị quyết số 04/1986/NQ-HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn liên quan đến hai tội phạm giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ thì có rất ít văn bản hướng dẫn thực hiện chi tiết liên quan đến hai tội phạm trên nên dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật để định đúng tội danh và đưa ra mức hình phạt thích đáng.

Trong hầu hết các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ được quy định trong Bộ luật Hình sự khi đối tượng bị xâm hại là trẻ em thì được quy định nằm trong mức định khung tăng nặng hình phạt. Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04/1986/NQ-HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định về một số tình tiết định khung hình phạt nhẹ thì tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết là một tội phạm có cấu thành giảm nhẹ đặc biệt, cần được vận dụng thận trọng và chặt chẽ. Việc quy định của pháp luật về một số tình tiết định khung hình phạt nhẹ đối với tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ dành cho chủ thể phạm tội đặc biệt – người mẹ ruột nạn nhân là chưa thật sự hợp lý. Bởi lẻ, hậu quả của việc phạm hai tội trên là đứa trẻ chết do lỗi cố ý của người mẹ mong muốn đứa con mình chết đi lại với tiêu chuẩn đạo đức và trái pháp luật. Biết rằng, chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự Việt Nam đặt ra cho người mẹ khi thực hiện hành vi giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ thì người mẹ đã phải chịu nhiều điều tiêu cực ảnh hưởng đến tâm sinh lý của người mẹ, giúp cho người mẹ sớm hoàn lương. Tuy nhiên, tính mạng của trẻ nhỏ sẽ còn bị xâm phạm và ngày càng theo chiều hướng gia tăng nếu không đặt ra những quy định về một số tình tiết định khung hình phạt nặng đối với tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ.

Dù tội phạm thể hiện dưới dạng hành vi hành động hay hành vi không hành động thì hậu quả đứa trẻ chết là dấu hiệu bắt buộc và khi đứa trẻ chết thì tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ mới hoàn thành. Tuy nhiên, hai tội danh trên chỉ được quy định là tội phạm ít nghiêm trọng và hình phạt đưa ra với 02 tội trên thì lại được quy định rất nhẹ so với hành vi giết người - trong khi tội phạm giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cụ thể, giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm . Hậu quả đứa trẻ chết đã hoàn thành và xảy ra nên việc phải chịu mức hình phạt như trên là khá nhẹ nhàng, không có tính răn đe cao, bên cạnh đó, việc đứa trẻ may mắn sống sót thì vấn đề trách nhiệm hình sự ở đây chưa được đặt ra.

3.2 Những kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

Để giúp hoàn thiện quy định của pháp luật về tội giết con mới đẻ và vứt con mới dựa trên những bất cập quy định pháp luật nêu trên xét thấy cần hoàn thiện những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, tăng nặng hình phạt và quy định về một số tình tiết định khung hình phạt nặng đối với hai tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ.

Theo Điều 124 BLHS hiện hành 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì việc tách hành vi giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ thành 02 tội phạm độc lập là một điều hợp lý, tuy nhiên, việc quy định mức hình phạt như vậy chưa có tính răn đe cao. Bởi, cả hai tội này đều xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng con người, tính mạng trẻ em được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, cần tăng nặng hình phạt tương ứng quy định cụ thể cho từng trường hợp.

Thứ hai, Ban hành những văn bản hướng dẫn chi tiết về hai tội phạm này.

Một là, đưa vào những quy định chi tiết về từng trường hợp phạm tội giết con mới đẻ và vứt con mới đẻ, cụ thể gồm những trường hợp mẹ tự tay giết con khiến con chết hay còn sống, trường hợp mẹ vứt bỏ con gồm vứt bỏ con nhưng không chết, vứt bỏ con không chết nhưng bị thương tật và vứt bỏ con khiến cho con chết và quy định chế tài cụ thể cho từng trường hợp nêu trên để đảm bảo trong việc thực hiện áp dụng, định tội và xử lý vi phạm đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi.

Hai là, Cần bổ sung thêm quy định về trường hợp đứa trẻ may mắn được cứu sống hay được người khác nuôi dưỡng thì người mẹ chịu chế tài như thế nào. Cần bổ sung thêm những hình phạt thích đáng để răn đe những đối tượng có hành vi trái đạo đức trái pháp luật này để tránh lọt tội phạm.

Ba là, Bổ sung quy định về giai đoạn thực hiện phạm tội.

Trong trường hợp người mẹ thực hiện hành vi vứt bỏ con mình với lỗi cố ý gián tiếp và hậu quả đứa trẻ chết không xảy ra thì người mẹ vẫn bị chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Bên cạnh đó, đối vời lỗi cố ý trực tiếp thì người mẹ luôn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm hoàn thành hay chưa đạt nhằm mục đích răn đe và không bỏ lọt tội phạm.

Ảnh: Phiên tòa xét xử đối tượng đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi.

ĐOÀN PHƯỚC HÒA (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)