Cần có các án lệ về tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi

Trong quá trình giải quyết các vụ án về tội mua bán người dưới 16 tuổi, theo quy định tại Điều 151 của BLHS, có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Vì vậy, tác giả đề xuất một số nội dung để có thể phát triển thành án lệ, nhằm thống nhất trong nhận thức và giải quyết loại án này.

1.Khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án mua bán người dưới 16 tuổi

Thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các tội phạm mua bán người đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm mua bán người, ngày 11/01/2019 Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS.

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy đối với các tội phạm này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Vì vậy, việc nghiên cứu, đề xuất lựa chọn một số bản án, quyết định về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn để phát triển thành án lệ là cần thiết.

Áp dụng án lệ chính là phương thức hiệu quả để khắc phục các khiếm khuyết của pháp luật, bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch và tiên liệu được trong các phán quyết của Tòa án, qua đó có tác dụng hướng dẫn các hành vi ứng xử không chỉ đối với các bên trong vụ án, mà còn đối với cả cộng đồng xã hội.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn và công bố án lệ thì: Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.

2.Lựa chọn các bản án để phát triển thành án lệ

Thực tiễn xét xử các vụ án về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi cho thấy các Tòa án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật do quy định của BLHS chưa rõ ràng hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau. Để áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thì công tác nghiên cứu, phát triển án lệ cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó có một số vấn đề rất cần lựa chọn các bản án, quyết định làm nguồn phát triển thành án lệ.

2.1.Lựa chọn các bản án, quyết định có nội dung về áp dụng pháp luật

Trong thực tiễn xét xử nhiều vụ án mua bán người xảy ra trước khi BLHS năm 2017 có hiệu lực thi hành thì vấn đề áp dụng quy định của BLHS năm 1999 hay BLHS năm 2019 để giải quyết cũng còn nhiều quan điểm khác nhau.

Theo Công văn số 276/TANDTC ngày 13-9-2016 của TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS thì “Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 và các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 119 của BLHS năm 1999 thì tội mua bán người có khung hình phạt từ 5 năm đến 20 năm. Tại khoản 2 Điều 150 BLHS 2015 tội mua bán người có khung hình phạt từ 08 năm đến 15 năm tù. Như vậy, nếu áp dụng mức phạt thấp nhất của khung thì phạt thì BLHS năm 1999 sẽ có lợi cho người phạm tội hơn. Nhưng nếu áp dụng mức phạt cao nhất của khung hình phạt thì BLHS năm 2015 sẽ có lợi hơn.

2.2. Lựa chọn các bản án, quyết định mô tả hành vi “đe dọa dùng vũ lực”, “thủ đoạn khác”

Khoản 1 Điều 150 của BLHS quy định hành vi “đe dọa dùng vũ lực”, “thủ đoạn khác” là tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản của tội mua bán người. Tuy nhiên, điều luật và các văn bản hướng dẫn thi hành lại không quy định cụ thể “hành vi đe dọa dùng vũ lực” như thế nào. “Hành vi đe dọa vũ lực” chỉ cần diễn ra trong khỏang thời gian nhất định hay trong cả quá trình thực hiện việc mua bán người. Đe dọa dùng vũ lực ở mức độ nào thì bị truy cứu trách nhiện hình sự.

Tương tự, đối với hành vi “thủ đoạn khác”, đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn, giải thích “thủ đoạn khác” là những thủ đoạn nào, vì vậy khi chứng minh tội phạm “Mua bán người” cơ quan chức năng bắt buộc phải chứng minh người bị mua bán có bị cưỡng ép hay lừa gạt hay không? Sự đồng tình từ phía người bị hại ở mức độ nào đó thực sự là một sự cản trở rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này.

2.3. Lựa chọn các bản án, quyết định về định tội danh khi nạn nhân bị lấy đi bộ phận cơ thể

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 150 của BLHS thì người phạm tội đã lấy đi bộ phận của nạn nhân thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân (ví dụ: tim, buồng gan...), làm nạn nhân chết thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 123 của BLHS” (khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP).

Tuy nhiên, đối với trường hợp này nếu chỉ xử lý về tội giết người như hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP thì không phù hợp. Về vấn này, có quan điểm cho rằng chỉ xử lý hình sự về tội mua bán người với 02 tình tiết định khung tăng nặng (lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc làm nạn nhân chết) hoặc xử lý về tội mua bán người và tội giết người.

2.4. Lựa chọn các bản án, quyết định về định tội danh khi người phạm tội tuyển mộ người vào các ổ chứa mại dâm để bán dâm

Hiện nay có nhiều quan điểm về việc giải quyết trường hợp này. Có quan điểm cho rằng người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán người, quan điểm khác lại cho rằng người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa mại dâm.

Trong thực tiễn xét xử, một số Tòa án xử lý về tội mua bán người bởi vì căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 1 Điều 150, điểm b khoản 1 Điều 151 của BLHS thì hành vi “chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục…”. Một số Tòa án khác lại xử lý về tội chứa mại dâm.

2.5. Lựa chọn các bản án, quyết định về định tội danh trong trường hợp mua bán bào thai không vì mục đích nhân đạo

Thời gian gần đây, tình trạng mua bán bào thai đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay các trường hợp này có xử lý về tội mua bán người dưới 16 tuổi hay không, vấn đề này pháp luật không quy định.

Trên đây là một số đề xuất nghiên cứu lựa chọn các bản án, quyết định về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi làm nguồn để phát triển thành án lệ, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.

 

Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Nguyễn Hồ Thu Thảo

Th.s. ĐỖ THỊ HỒNG VÂN (Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, TANDTC)