Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Bài viết phân tích, làm rõ các vướng mắc, bất cập về  “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” được quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), từ đó đề xuất các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

1. Đặt vấn đề

Bán đấu giá tài sản là quá trình người có tài sản thực hiện các thủ tục luật định để đưa tài sản ra để đấu giá công khai tại tổ chức đấu giá. Tổ chức đấu giá được lựa chọn sẽ thực hiện dịch vụ đấu giá tài sản thông qua hợp đồng với người có tài sản đấu giá để xác định người trúng đấu giá. Thông qua tổ chức đấu giá, người trúng đấu giá sẽ ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với người có tài sản đấu giá và được chuyển quyền sở hữu, bàn giao tài sản theo quy định của pháp luật.[1] Theo quy định tại Điều 69 Luật Đấu giá tài sản 2016, các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật bán đấu giá tài sản nếu vi phạm pháp luật trong hoạt động bán đấu giá thì tùy vào mức độ, hành vi vi phạm để pháp luật quy định phải ghánh chịu các trách nhiệm pháp lí khác nhau như: trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc hình sự. Trong các loại trách nhiệm pháp lí này thì trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm nghiêm khắc nhất[2], được áp dụng đối với các chủ thể thực hiện hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 218 BLHS. Tuy nhiên, quy định về tội này còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hành vi sai phạm trong hoạt động đấu giá tài sản khó bị truy cứu hoặc thậm chí là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm giảm tính nghiêm minh và răn đe của pháp luật đối với các chủ thể. Việc nghiên cứu làm rõ các vướng mắc, bất cập đó và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này là rất cần thiết, nhất là trong thời điểm hoạt động bán đấu giá còn tồn tại nhiều vi phạm như hiện nay.

2. Một số bất cập quy định của pháp luật

“Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” được quy định trong BLHS 2015 là cơ sở pháp lí để cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể thực hiện các hành vi phạm tội về hoạt động đấu giá tài sản. Theo đó, Điều 218 BLHS 2015 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi là: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức; thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; phạm tội 02 lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đây là điều luật mới lần đầu tiên được quy định trong BLHS 2015, là sự cụ thể hóa “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 165 BLHS 1999.[3]

BLHS 2015 đã quy định rõ các hành vi khách quan của tội này là lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Trong cấu thành tội phạm không chỉ gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng cũng đã cấu thành tội phạm. Việc quy định riêng “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” trong BLHS 2015 tạo cơ sở pháp lí cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi phạm tội về hoạt động đấu giá tài sản.

Việc nghiên cứu cho thấy, quy định về “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” tại Điều 218 BLHS vẫn còn một số tồn tại và bất cập, có thể nhận diện thông qua ở một số nội dung sau đây:

Một là, Điều 218 BLHS 2015 quy định chủ thể thực hiện các hành vi khách quan và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng thì mới cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn xác định số tiền thu lợi bất chính và cơ sở để xác định thiệt hại. Khi không xác định được khoản thu lợi bất chính hoặc thiệt hại là bao nhiêu thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể phạm tội.

Hai là, pháp nhân thương mại không phải là chủ thể của “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”[4], chỉ có cá nhân mới là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều pháp nhân thương mại tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản và có các hành vi thông đồng nhằm dìm giá, tạo hồ sơ giả trong hoạt động đấu giá tài sản nhưng không bị xử lý hình sự vì không phải là chủ thể của tội này. Bên cạnh đó, Điều 218 BLHS chỉ quy định 03 hành vi khách quan của tội phạm, tuy nhiên các hành vi thông đồng, móc nối để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, kết quả đấu giá cũng là những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bán đấu giá, có thể gây ra thiệt hại lớn cho các bên nhưng lại không phải là hành vi khách quan của tội này.

Ba là, hoạt động định giá tài sản để bán đấu giá là một hoạt động quan trọng trong bán đấu giá tài sản. Mặc dù pháp luật cho phép đương sự có quyền thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá, nhưng trường hợp đương sự và thẩm định viên về giá khi có các hành vi thông đồng nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá chỉ bị xử lý về hành chính mà không bị xử lý hình sự.

3. Kiến nghị

Trên cơ sở phân tích những hạn chế trong quy định về Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản tại Điều 218 BLHS ở mục trên, tác giả đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật như sau:

Một là, cần ban hành văn bản hướng dẫn về việc xác định khoản thu lợi bất chính và phương pháp xác định thiệt hại để có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Hai là, cần quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bao gồm Điều 218 trong BLHS để có căn cứ pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi phạm tội trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Như vậy mới có tính răn đe và không bỏ sót tội phạm đối với các pháp nhân thương mại.

Ba là, bổ sung quy định về hành vi khách quan của “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” là: “thông đồng, móc nối để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, kết quả đấu giá” và “thông đồng nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá, làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá” để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật hình sự về “Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đấu giá tài sản để phù hợp thực tế và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong việc xác định giá khởi điểm, trong công tác tổ chức bán đấu giá và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xét xử vụ án Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Ảnh: TANB

 


[1]  Lê Thị Hương Giang (2019), Bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.28.

[2] Bộ Tư pháp - Viện khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa & Nxb Tư pháp, tr.803.

[3] Quang Thái, Quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, http://luatsuquangthai.vn/quy-dinh-ve-toi-vi-pham-quy-dinh-ve-hoat-dong-ban-dau-gia-tai-san-210-a8id, truy cập 1/10/2022.

[4] Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

TS. NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG (Giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế)