Về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài (tiếp theo kỳ trước)

Thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được quy định tại Phần thứ VII BLTTDS. Nhằm góp phần tạo thống nhất trong nhận thức chung, bài viết phân tích, lý giải các quy định của BLTTDS đang còn có ý kiến khác nhau về thủ tục này.

4. Về bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 431 của BLTTDS thì có hai loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây đương nhiên được công nhận tại Việt Nam:

- Loại thứ nhất là bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam được quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

- Loại thứ hai là bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.

Như vậy, Điều 431 của BLTTDS đã xác định cụ thể những loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận ở Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận tại Tòa án Việt Nam. Trong đó, khoản 1 Điều 431 của Bộ luật này là sự nội luật hóa các quy định tương ứng tại 07 điều ước quốc tế đang có hiệu lực giữa Việt Nam với từng nước sau đây: Liên bang Nga, Bê-la-rút, U-crai-na, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Cam-pu-chia và Cu Ba về những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước này đương nhiên được công nhận trên lãnh thổ nước kia và ngược lại. Cụ thể, đó là quy định tại khoản 2 Điều 51 của Hiệp định tương trợ tư pháp với Liên bang Nga; khoản 1 Điều 56 Hiệp định tương trợ tư pháp với Bê-la-rút; khoản 2 Điều 41 Hiệp định tương trợ tư pháp với U-crai-na; Điều 47 Hiệp định tương trợ tư pháp với  Bun-ga-ri; Điều 47 của Hiệp định tương trợ tư pháp với Cu Ba; khoản 1 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp với Hung-ga-ri; Điều 20 Hiệp định tương trợ tư pháp với Căm-pu-chia.

 Bên cạnh việc nội luật hóa quy định tại 07 điều ước quốc tế nêu trên về các bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam, khoản 2 Điều 431 của BLTTDS còn  mở rộng phạm vi loại bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam. Theo đó, bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam thì đương nhiên được công nhận tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, thực tiễn cho thấy còn có sự nhận thức chưa đầy đủ về quy định “bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam” tại Điều 431 của BLTTDS. Theo đó, có ý kiến cho rằng quy định nêu trên là không rõ ràng, khó áp dụng; bởi lẽ, Tòa án không có căn cứ để xác định được ý định của đương sự là sẽ có yêu cầu hay không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam một bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

Theo tác giả, quy định “bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam” tại Điều 431 của BLTTDS không yêu cầu Tòa án phải dự đoán ý định của đương sự như diễn giải của ý kiến nêu trên.

Thực chất quy định này chỉ viện dẫn tới một số bản án, quyết định dân sự không phải thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và việc không phải thi hành đó xuất phát từ bản chất, đặc điểm quan hệ dân sự mà bản án, quyết định đó giải quyết. Cụ thể, đây là những bản án, quyết định dân sự nhưng không gắn với tài sản và bản chất, đặc điểm quan hệ pháp luật đó không đòi hỏi bản án, quyết định phải được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Ví dụ:

- Bản án, quyết định tuyên bố hợp đồng thực hiện một công việc cụ thể là vô hiệu và không buộc một hoặc các bên đương sự thực hiện bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự nào khác;

- Bản án, quyết định ly hôn, không giải quyết vấn đề tài sản chung, con chung của vợ chồng;

- Bản án, quyết định về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ;

- Bản án, quyết định xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.

Như vậy, những bản án, quyết định dân sự nêu trên của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nếu thuộc trường hợp được quy định tại 07 điều ước quốc tế đang có hiệu lực giữa Việt Nam và nước ngoài (Liên bang Nga, Bê-la-rút, U-crai-na, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Cam-pu-chia và Cu Ba) và đương sự không có đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định đó trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài quy định tại Điều 447 của BLTTDS.

Tương tự, đối với bản án, quyết định của Tòa án các nước còn lại, thì chỉ có loại bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình đương nhiên được công nhận tại Việt Nam nếu đương sự không có đơn yêu cầu không công nhận bản án, quyết định đó trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nước ngoài quy định tại Điều 447 của BLTTDS.

Mặc dù vậy, thực tế cho thấy đã phát sinh một số trường hợp đương sự không phản đối bản án, quyết định dân sự quy định tại Điều 431 của BLTTDS, cụ thể là bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài nhưng do thiếu hiểu biết nên đã làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định ly hôn đó. Trong những trường hợp này, đáng tiếc là vẫn có một số Tòa án vẫn thụ lý đơn yêu cầu để giải quyết.

Theo tác giả, để hạn chế tình trạng thụ lý không đúng như nêu ở trên, khi nhận được đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, Tòa án phải giải quyết như sau:

Tòa án phải căn cứ quy định tại Điều 431 của BLTTDS để xác định bản án, quyết định đó có thuộc hay không thuộc trường hợp đương nhiên được công nhận tại Việt Nam để trả lại đơn yêu cầu cho đương sự hoặc tiến hành thụ lý đơn yêu cầu.

Trường hợp Tòa án xác định thấy bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thuộc trường hợp đương nhiên được công nhận tại Việt Nam, Tòa án trả lại đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo cho đương sự. 

Khi trả lại đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu kèm theo, Tòa án phải có văn bản giải thích cho đương sự biết bản án, quyết định đó thuộc trường hợp đương nhiên được công nhận tại Việt Nam theo quy định tại Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 2 Điều 431 của BLTTDS nên đương sự không cần yêu cầu Tòa án công nhận.

Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam là bản án, quyết định về quan hệ hôn nhân và gia đình, Tòa án giải thích cho đương sự biết họ có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền của Việt Nam ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Hôn nhân và Gia đình.

5. Về các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành

Như tác giả đã nêu ở trên, BLTTDS hiện hành quy định có 03 loại bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được Tòa án Việt Nam xem xét thụ lý, giải quyết. Điều này có nghĩa rằng các bản án, quyết định khác của Tòa án nước ngoài không thuộc 03 loại bản án, quyết định nêu trên sẽ không được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận. Mặc dù BLTTDS không quy định cụ thể các loại bản án, quyết định này nhưng tại một số luật như: Luật Phá sản, Luật Tương trợ tư pháp, BLTTDS và một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc một số bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài sẽ không được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 507 của BLTTHS, việc truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch thu tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan. Việc xử lý tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Cùng về vấn đề này, Điều 19 Luật Tương trợ tư pháp cũng quy định việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam có thể thực hiện thông qua yêu cầu ủy thác tư pháp về hình sự.

Các quy định trên của BLTTHS, Luật Tương trợ tư pháp được xây dựng nhằm nội luật hóa quy định tại một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về vấn đề này. Cụ thể, tại Hiệp định tương trợ tư pháp song phương về hình sự giữa Việt Nam và một số nước: Ấn độ, An-giê-ri, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Nga, U-crai-na… đều có quy định về việc xử lý tài sản do phạm tội mà có trên lãnh thổ các nước thành viên phải thực hiện theo hình thức tương trợ tư pháp về hình sự.[1]

Song song với đó, theo thông lệ quốc tế,[2] các quyết định về thủ tục tố tụng mà Tòa án nước ngoài ban hành trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc ban hành liên quan đến tố tụng trọng tài là những loại quyết định không được Tòa án nước khác xem xét công nhận và cho thi hành. Bởi lẽ, những quyết định này chỉ thuần túy là quyết định về tố tụng, không phải quyết định giải quyết nội dung, tranh chấp yêu cầu trong vụ việc hoặc chỉ để hỗ trợ, giám sát tiến trình tố tụng trọng tài.

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế nói chung,[3] pháp luật Việt Nam nói riêng, Tòa án có thẩm quyền công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài là Tòa án nơi người phải thi hành có địa chỉ hoặc có tài sản. Đây là thẩm quyền thể hiện chủ quyền quốc gia của nước nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài có địa chỉ hoặc tài sản. Mặc dù vậy, cũng có thể phát sinh trường hợp Tòa án nước ngoài ra quyết định công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước thứ ba hoặc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài mà người phải thi hành có địa chỉ hoặc có tài sản tại Việt Nam. Do đó, cần phải có quy định loại trừ loại quyết định công nhận và cho thi hành nêu trên của Tòa án nước ngoài ra khỏi phạm vi bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài mà Tòa án Việt Nam xem xét thụ lý, giải quyết.

Trên tinh thần đó, theo tác giả, những bản án, quyết định dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài sau đây sẽ không được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành:

1. Quyết định về thủ tục tố tụng do Tòa án nước ngoài ban hành trong quá trình giải quyết vụ việc.

Ví dụ: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định buộc đương sự, cơ quan, tổ chức phải cung cấp, xuất trình chứng cứ hoặc người làm chứng phải có mặt tại Tòa án...

2. Quyết định về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài, thẩm quyền của hội đồng trọng tài, chỉ định, bổ nhiệm, thay đổi trọng tài viên, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và quyết định khác để hỗ trợ, giám sát hoạt động tố tụng trọng tài.

3. Quyết định công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước thứ ba hoặc phán quyết của trọng tài nước ngoài.

4. Quyết định giải quyết phá sản, quyết định được ban hành trong các thủ tục liên quan đến phá sản mà pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định không thuộc trường hợp được xem xét công nhận và cho thi hành.

Ví dụ: Quyết định được ban hành trong các thủ tục liên quan đến phá sản quy định tại khoản 1 Điều 21 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Hung-ga-ri hoặc quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài mà nước đó chưa cùng Việt Nam là thành viên Hiệp định tương trợ tư pháp quy định tại Điều 118 Luật Phá sản là những quyết định của Tòa án nước ngoài không được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. 

5. Quyết định về việc truy tìm, tịch thu tài sản, bảo đảm việc tịch thu tài sản (kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản...) do phạm tội mà có tại Việt Nam trong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài. Các quyết định này được giải quyết theo quy định của pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự, tố tụng hình sự, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

6. Về nghĩa vụ chứng minh của người được thi hành và người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài

Hiện nay, Điều 434 của BLTTDS đã quy định đầy đủ về nghĩa vụ chứng minh của người được thi hành (người nộp đơn yêu cầu). Theo đó, ngoài đơn yêu cầu, người này phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, giấy tờ mà điều ước quốc tế đang có hiệu lực giữa Việt Nam và nước ngoài đòi hỏi. Đối với yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước khác, người này phải cung cấp các tài liệu, giấy tờ sau đây:

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do Tòa án nước ngoài cấp;

- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những nội dung này;

- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành;

- Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ.

Như vậy, cần hiểu rằng việc BLTTDS hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đòi hỏi người được thi hành (người có đơn yêu cầu) phải cung cấp các tài liệu, giấy tờ nêu trên là để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác định bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài thuộc trường hợp được công nhận và cho thi hành. Từ đó, hậu quả pháp lý đương nhiên phát sinh là việc Tòa án Việt Nam trả lại hồ sơ yêu cầu hoặc không công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nếu người được thi hành (người có đơn yêu cầu) không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đó.

Ví dụ: nếu người được thi hành (người có đơn yêu cầu) không cung cấp được cho Tòa án Việt Nam văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ, thì đây là căn cứ để Tòa án Việt Nam áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự để quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

Như vậy, có thể nói rằng ngoài việc yêu cầu người được thi hành (người có đơn yêu cầu) phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Điều 434 của Bộ luật tố tụng dân sự, thì BLTTDS không có thêm yêu cầu nào khác đối với người này trong việc chứng minh bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài cần phải được công nhận và cho thi hành.

Từ đó, đối với người phải thi hành mà có ý kiến phản đối việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, thì đương nhiên người này phải chứng minh việc phản đối đó là dựa trên quy định cụ thể nào của Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự.

7. Đề xuất, kiến nghị

Hiện nay Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, các quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động có yếu tố nước ngoài được xác lập, phát triển thuận lợi, làm nền tảng cho Việt Nam và các nước đối tác thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, mâu thuẫn, tranh chấp đã phát sinh từ việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quan hệ giao dịch giữa các bên. Vì vậy, việc một hoặc các bên đương sự nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nước ngoài hoặc Tòa án Việt Nam giải quyết tranh chấp là điều khó tránh khỏi. Từ đó, việc yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án Việt Nam hoặc của Tòa án nước ngoài là biện pháp tiếp theo trong tiến trình đương sự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trên thực tế.

Trong thời gian vừa qua, bằng hoạt động giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, Tòa án Việt Nam đã và đang góp phần thực hiện cam kết của Nhà nước Việt Nam về việc bảo vệ một cách thỏa đáng, đúng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định, vững chắc. Đồng thời, là cơ sở để các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước thêm tin tưởng về sự thượng tôn pháp luật, vô tư, khách quan, không phân biệt đối xử của Tòa án Việt Nam trong hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc nói chung, yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự nói riêng.

Trong bối cảnh đó, để góp phần nâng cao chất lượng công tác giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện công tác này là đòi hỏi cấp bách. Vì vậy, trong thời gian tới, theo tác giả, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần xây dựng và ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLTTDS về thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Trong đó, cần có nội dung hướng dẫn về các quy định của BLTTDS mà tác giả đề cập trong bài viết này và một số nội dung khác như: việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, các căn cứ không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài./.

 

Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” - Ảnh: Minh Quân

 

[1] Điều 1, 5, 16 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Ấn độ; Điều 1, 5, 18-24 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Anh và Bắc Ai-len; Điều 1, 4, 16 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Điều 61 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và U-crai-na, Điều 79 Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Nga.

[2] Công ước La Hay năm 1971 và Công ước năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Công ước năm 2007 của Châu Âu về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại https://www.hcch.net/en/instruments/conventions/specialised-sections/judgments; https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A22007A1221%2803%29.

[3] Như viện dẫn ở mục (1) nêu trên.

LÊ MẠNH HÙNG (Phó Vụ trưởng Vụ HTQT TANDTC)