Bàn về hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về Điều 141 - tội hiếp dâm, Điều 142 - tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 - tội cưỡng dâm, Điều 146 - tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi… đang lấy ý kiến đóng góp. Chúng tôi xin bàn về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình trạng các tội xâm hại tình dục nói chung, đặc biệt là các tội xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc xảy ra gây bức xúc trong dư luận. Để việc việc xử lý các hành vi xâm hại tình dục được kịp thời, đúng quy định của pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền cần phải có hướng dẫn chi tiết quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về các tội xâm hại tình dục là đòi hỏi tất yếu.

1. Quy định của pháp luật

Điều 146 BLHS năm 2015 quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không mô tả như thế nào là hành vi dâm ô [1].

Trước đây, hành vi dâm ô đã được hướng dẫn trong một số văn bản sau:

– Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục số 329 – HS2 ngày 11/5/1967 của TANDTC hướng dẫn:

“Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).

Can phạm thông thường là đàn ông, nhưng trong một số trường hợp hết sức cá biệt có thể là đàn bà.

… Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tròn mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù… đối với người lớn từ cảnh cáo đến 1 năm tù” [2].

– Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của TANDTC, VKSNDTC và Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS hướng dẫn: “Hành vi dâm ô đối với trẻ em quy định tại Điều 202b là hành vi của người phạm tội, như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em”.

2. Một số quan điểm

Trong một số cuốn sách bình luận BLHS 2015 có bàn về các hành vi dâm ô, có tác giả đã liệt kê các hành vi dâm ô “sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu hoặc có hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân” [3].

Chúng tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay, các hướng dẫn xác định hành vi dâm ô trước đây và cũng như bình luận trong một số cuốn sách bình luận BLHS cùng với việc liệt kê các hành vi dâm ô như trên là không còn phù hợp vì không đầy đủ và thiếu sự bao quát. Thậm chí là có sự nhầm lẫn giữa hành vi dâm ô và hành vi quan hệ tình dục khác. Ví dụ: Hành vi “dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân” thì theo chúng tôi, đây không phải là hành vi dâm ô mà là hành vi quan hệ tình dục khác (Frottage) – một dạng quan hệ tình dục không xâm nhập. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là ở chừng mực nào đó sẽ bỏ lọt tội phạm hoặc nhầm lẫn khi xác định tội danh.

3. Hướng dẫn trong Dự thảo Nghị quyết – bình luận và kiến nghị

Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 141 về tội hiếp dâm, Điều 142 về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Điều 143 về tội cưỡng dâm, Điều 144 về tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, Điều 145 về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Điều 146 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi và Điều 147 về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm của BLHS 2015 (sau đây viết là Dự thảo Nghị quyết) tại khoản 9 Điều 2 hướng dẫn như sau:

“Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi:

a) Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;

b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn… vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;

c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…).
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo)”.

Chúng tôi nhất trí với ý kiến cho rằng: Việc liệt kê các hành vi dâm ô thì khó có thể đầy đủ bởi hành vi dâm ô thể hiện hết sức đa dạng [4].

Hướng dẫn tại khoản 9 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết nêu trên đang theo hướng liệt kê các hành vi dâm ô. Để khắc phục việc liệt kê có thể chưa đầy đủ, Dự thảo sử dụng tới 04 dấu chấm lửng (…). Đồng thời, việc sử dụng các thuật ngữ “bộ phận, vùng nhạy cảm” sẽ dẫn đến các cách hiểu khác nhau.

Vì vậy, Dự thảo Nghị quyết cần hoàn thiện theo hướng làm rõ khái niệm dâm ô và nội hàm của khái niệm này.

Theo Từ điển Tiếng Việt “dâm ô” là dâm dục một cách xấu xa, nhơ nhuốc [5]. Từ điển này cũng giải nghĩa “dâm dục” là sự ham muốn thú nhục dục quá độ hoặc không chính đáng [6].

Theo Từ điển Hán Việt “dâm ô” xuất phát từ “dâm” là dâm dục và “ô” với ý nghĩa là bẩn, bẩn thỉu. Như vậy, “dâm ô” là từ ghép mang tính chất khái quát với nghĩa là dâm dục bẩn thỉu [7].

Chúng tôi cho rằng có thể khái quát: Hành vi dâm ô là hành vi mang tính dục của người nào đó đối với người khác nhằm kích thích tính dục, thỏa mãn thú nhục dục của mình.

Và dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 146 BLHS 2015 cần được hiểu là hành vi mang tính dục của người đủ 18 tuổi trở lên đối với người dưới 16 tuổi nhằm kích thích tính dục, thỏa mãn thú nhục dục (dục vọng) của mình nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.

Hành vi dâm ô thể hiện rất đa dạng, có thể là hành vi ôm, sờ, mó, hôn, hít nạn nhân; dùng cơ thể của mình (bao gồm hầu hết các bộ phận của cơ thể như mông, ngực, bụng, đùi, tay, bàn tay, bàn chân, chân và bộ phận sinh dục) hoặc vật (đồ vật, động vật) tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với cơ thể của nạn nhân nhằm kích thích tính dục của mình, thỏa mãn thú nhục dục (dục vọng) nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác đối với nạn nhân.

Thay lời kết, chúng tôi cũng nhất trí với ý kiến cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc ban hành Nghị quyết hướng dẫn là cần thiết. Tuy nhiên, với hướng dẫn tại khoản 9 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết nêu trên thì cần phải tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời, thực tiễn xét xử rất sinh động, cần dành khoảng trống cho các Thẩm phán (xét xử loại tội phạm dâm ô đối với dưới 16 tuổi) nghiên cứu, ban hành bản án có tính chuẩn mực với lý lẽ, lập luận để làm rõ các hành vi dâm ô tạo nguồn án lệ [8].

________________________________

1.Điều 146 BLHS 2015 quy định:
“Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
2.Xem: Ngô Cường, Về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, đăng trên Kiemsat Online ngày 14/3/2019, link: https://kiemsat.vn/ve-toi-dam-o-doi-voi-nguoi-duoi-16-tuoi-51911.html
3.Đinh Văn Quế (2018), Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015, Phần thứ hai – Các tội phạm, Chương XIV Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, NXB Thông tin và truyền thông, Tr.292.
4.Ý kiến của TS. Đinh Thế Hưng – Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
5.Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2000, NXB Đà Nẵng, Tr.245.
6.Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2000, NXB Đà Nẵng, Tr.245.
7.Nhà sách Trí Tuệ, Từ điển hán Việt dành cho học sinh, NXB Văn hóa Thông tin, Tr.107.
8. Ý kiến của TS. Đinh Thế Hưng – Viện Nhà nước và Pháp luật Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

BÍCH PHƯỢNG – NGỌC TRÂM