Bàn về trách nhiệm của Luật sư trong hoạt động hành nghề

Nghề luật sư là một nghề được đánh giá cao, bởi thông qua hoạt động của mình góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Bài viết dưới đây tác giả muốn bàn về trách nhiệm của luật sư trong hoạt động hành nghề luật sư

Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội, Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư đã quy đỉnh rất rõ về trách nhiệm của luật sư (Điều 24) như sau:

Thứ nhất: Luật sư phải tôn trọng sự lựa chọn Luật sư của khách hàng. Luật sư chỉ nhận vụ việc theo khả năng chuyên môn và điều kiện cho phép. Chuyên môn và điều kiện là hai yếu tố quan trọng đánh giá chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư. Luật sư phải từ chối nhận vụ việc khi không đủ nguồn lực và khả năng thực hiện theo yêu cầu của khách hàng hoặc yêu cầu của khách hàng trái với quy định của pháp luật, trái với đạo đức. Luật sư phải đem đến cho khách hàng ý kiến tư vấn khách quan để họ tự lựa chọn luật sư.

Thứ hai: Khi nhận vụ, việc, luật sư thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý.

Thứ ba: Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.

Thứ tư: Luật sư phải có trách nhiệm bí mật thông tin. Luật sư không được tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Luật sư không được sử dụng thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm bảo đảm các nhân viên trong tổ chức hành nghề không tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng của mình.

Thứ năm: Trách nhiệm pháp lý của luật sư:

Trong Giáo trình đại cương về nhà nước và pháp luật, chủ biên GS, TSKH Đào Trí Úc và GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, khái niệm trách nhiệm pháp lý được hiểu, được sử dụng theo hai nghĩa:

Theo nghĩa tích cực: Trách nhiệm pháp lý là bổn phận, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của họ.

Theo nghĩa tiêu cực: Trách nhiệm pháp lý là hậu quả pháp lý bất lợi về vật chất và tinh thần hoặc tinh thần được áp dụng bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.  Những hậu quả pháp lý bất lợi này là những hình thức cưỡng chế pháp lý được quy định trong bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật tương ứng[1].

Diễn đạt một cách ngắn gọn hơn, trách nhiệm pháp lý là các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật được áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật, buộc họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi. Trách nhiệm pháp lý thể hiện thái độ phản ứng của nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật do các chủ thể cụ thể thực hiện, được thể hiện ở việc áp dụng đối với các chủ thể thực hiện vi phạm pháp luật, các biện pháp mang tính chất xử phạt hoặc khôi phục lại những quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

1. Trách nhiệm hình sự: Trong các loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, trách nhiệm hình sự là nghiêm khắc nhất. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền áp dụng loại trách nhiệm này đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

2. Trách nhiệm dân sự: Luật sư phải chịu trách nhiệm dâu sự khi vi phạm pháp luật về dân sự biểu hiện bởi nếu luật sư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Luật sư vi phạm pháp luật dân sự có thể phải bồi thường những thiệt hại vật chất thực tế, trách nhiệm dân sự nhằm đền bù hoặc khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, bao gồm những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thực hiện các hình thức như xin lỗi công khai, đính chính, cải chính thông tin.

3. Trách nhiệm hành chính: Trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực hành nghề luật sư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng khi luật sư vi phạm pháp luật hành chính trong quá trình hành nghề. Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, quy định các hình thức xử lý hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề luật sư như: Phạt tiền, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư, biện pháp khắc phục,…

4. Trách nhiệm kỷ luật: Luật sư phải thực hiện theo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà luật sư bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng;d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.

Như vậy, bên cạnh việc nâng cao kiến thức, nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng thì luật sư cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật, vi phạm các giao kết đã thỏa thuận với khách hàng và còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật theo Điều lệ của tổ chức xã hội nghề nghiệp nơi luật sư xin gia nhập, tuân thủ quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư.

[1] GS. TSKH. Đào Trí Úc, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế đồng chủ biên, Giáo trình đại cương về nhà nước và pháp luật, nhà xuât bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2017. Tr.242

Ảnh: Internet

NGUYỄN KHÁNH LINH