Bàn về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”

Hiện nay, cả nước đang khẩn trương thực hiện các biện pháp chống dịch do Covid 19 (nCoV; Viêm phổi Vũ Hán) gây ra. Một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều 240 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 quy định về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, chúng tôi xin được bàn về điều luật này.

1.Về hành vi phạm tội và căn cứ định khung hình phạt

Điều 240 BLHS 2015 quy định các loại hành vi sau:

 Một là: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (điểm a khoản 1 Điều 240);

 Hai là: Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người (điểm b khoản 1 Điều 240);

 Ba là: Các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (điểm c khoản 1 Điều 240).

Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 với thực tiễn các quan hệ xã hội đang diễn ra trong nước và khu vực, tình hình và các nguy cơ phát tán dịch bệnh mà cả thế giới đang đối phó, chúng tôi thấy có những vấn đề đặt ra như sau:

 Thứ nhất: Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Các hành vi khác…” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015;

 Thứ hai: Điều luật quy định hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh, đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm từ động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nhưng không đề cập để xử lý hành vi đưa người hoặc cho phép đưa người hoặc chính người bệnh cố ý di chuyển khỏi vùng dịch trái phép hoặc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép gây lây lan dịch bệnh. Bàn đến điều này để thấy chúng ta chưa có chế tài hình sự để xử lý các hành vi đưa người hoặc cho phép đưa người, tổ chức đưa người từ vùng dịch ra ngoài hoặc đưa vào lãnh thổ Việt Nam làm lây lan dịch bệnh, như bệnh dịch do Covid 19 gây ra hiện nay. Trong khi hậu quả lây lan dịch bệnh rất lớn, đặc biệt lớn, tác động tiêu cực đến tính mạng, sức khỏe nhiều người và gây nguy hại đến nền kinh tế của đất nước. Với quy định tại BLHS như hiện nay, chúng ta cũng không thể xử lý các đối tượng có hành vi trên về tội xâm phạm an ninh lãnh thổ được quy định tại Điều 111 hoặc các tội thuộc Chương XIII BLHS 2015 khi họ không có mục đích “nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ, an ninh quốc gia”.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 240 BLHS 2015 chỉ quy định về tình tiết định khung là “làm chết người”“làm chết 02 người trở lên” chứ không quy định gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, trị an xã hội. Điều này là bất cập, bởi lẽ, xuất phát từ hành vi phạm tội làm lây lan bệnh truyền nhiễm này và thực tế các quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang phải gánh chịu trong thời gian qua đã cho thấy nhiều thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, trị an xã hội có thể xảy ra khi dịch bệnh lan truyền.

 2. Một số kiến nghị, đề xuất

Việc phòng, chống dịch bệnh là cấp thiết cho yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, đảm bảo các yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nhà nước, trước mắt, chúng tôi đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm hướng dẫn Điều 240 BLHS 2015, trong đó cần xác định rõ nội hàm của quy định “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015 và nếu có thể cân nhắc được thì quy định ngay hành vi “đưa người, cho phép đưa người hoặc cố ý di chuyển khỏi vùng dịch trái phép hoặc xâm nhập lãnh thổ trái phép gây lây lan dịch bệnh” là một trong các hành vi khác theo điểm c khoản 1 Điều 240 nói trên.

Về lâu dài, cần sửa đổi, bổ sung Điều 240 BLHS 2015 theo hướng, đưa hành vi liên quan đến việc cố ý di chuyển nguồn bệnh là con người, thậm chí là bộ phận của con người (thi thể, các bộ phận của thi thể, cơ thể con người) từ vùng dịch đến nơi không có dịch hoặc vào lãnh thổ Việt Nam để kịp thời điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, xác định hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, trị an xã hội là tình tiết định khung hình phạt của tội phạm này./.

 Hải quan Quảng Bình chủ động phòng chống dịch – Ảnh: HQQB

ThS. NGUYỄN VĂN DŨNG (Tòa án nhân dân tp Tam Kỳ, Quảng Nam)