Bàn về xử lý vi phạm về đăng ký vốn điều lệ đối với công ty cổ phần

Bài viết sẽ làm rõ vấn đề pháp luật quy định về góp vốn thành lập công ty cổ phần, giám sát việc góp vốn thành lập công ty cổ phần, hậu quả pháp lý khi công ty cổ phần không góp đủ số vốn đã đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Trong doanh nghiệp vốn là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định về tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, tăng, giảm vốn đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm tạo ra hành lang pháp lý đề các doanh nghiệp tổ chức và thực hiện đồng thời còn bảo vệ quyền và lợi ích cho các nhà đầu tư khi góp vốn thành lập doanh nghiệp.

1.Góp vốn thành lập công ty cổ phần

Khi thành lập công ty cổ phần (CTCP), nhà đầu tư phải góp vốn để tạo lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập dưới hình thức mua phần vốn góp mà doanh nghiệp huy động huy động thêm, trừ trường hợp doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải đảm bảo về vốn pháp định.

Việc góp vốn thành lập CTCP được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và luật khác theo quy trình, thủ tục, nhằm cụ thể hoá hoạt động quản lý nhà nước từ khâu thoả thuận giữa các nhà đầu tư đến việc đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp một mức vốn pháp định cụ thể.

Vốn điều lệ của CTCP được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Vốn điều lệ của CTCP là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.[1] Vốn điều lệ của CTCP được thể hiện dưới chỉ số là tiền đồng.

Nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định bắt buộc CTCP phải có bao nhiêu vốn điều lệ, chia số vốn đó làm bao nhiêu phần, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định để nhằm mục đích trao quyền cho cổ đông sáng lập, tự quyết định việc kinh doanh của mình.

Mệnh giá cổ phần là giá trị danh nghĩa của cổ phần, là cơ sở để tính vốn điều lệ trong công ty cổ phần. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định mệnh giá của công ty cổ phần một mức cụ thể, trừ trường hợp pháp luật quy định. Các cổ đông sáng lập tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nhu cầu của mình được quyền ấn định mệnh giá cổ phần. Luật Chứng khoán quy định: Mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là 10.000 đồng.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 và năm 2020 quy định về vốn điều lệ khác biệt so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 vốn điều lệ bằng tổng số cổ phần của công ty nhân với mệnh giá và không có sự phân biệt giữa cổ phần đã bán và đã đăng ký mua.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rõ ràng hơn thành 2 trường hợp (i) tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng số cổ phần được các cổ đông đăng ký mua. Tổng số cổ đã đăng ký mua là vốn điều lệ của công ty cổ phần ; (ii) Sau khi công ty đi vào hoạt động thì vốn điều lệ của CTCP chỉ tính trên số cổ phần đã bán tức là số cổ phần đã được các cổ đông đăng ký mua và thanh toán đủ cho công ty cổ phần. Sự quy định này nhằm làm hạn chế bớt vốn điều lệ “ảo” trong CTCP.

Như vậy, pháp luật Việt Nam tạo cơ chế “trao quyền” cho các cổ đông sáng lập quyết định mức vốn điều lệ, thực hiện cơ chế quản lý “tiền đăng hậu kiểm”. Việc góp vốn thành lập doanh nghiệp của các nhà đầu tư được thực hiện tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp, thực hiện theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm xác định chính xác tỷ lệ phần vốn góp của mỗi một nhà đầu tư cũng như số vốn điều lệ của CTCP. Điều này nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý hành chính của nhà nước.

2. Thời hạn hoàn thành vốn điều lệ của công ty cổ phần

2.1. Đối với công ty cổ phần

Thời hạn đăng ký vốn điều lệ hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định chung cho các loại hình doanh nghiệp là công ty thời gian là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Đối với CTCP: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. [2]

Pháp luật quy định CTCP phải hoàn tất việc góp vốn trong một khoảng thời hạn nhất định nhằm tạo lập nên một khối tài sản của doanh nghiệp đưa vào hoạt động kinh doanh. Vì đây là một thủ tục hành chính nên phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và được giám sát bởi những đối tượng có liên quan tới CTCP. Cụ thể:

-Từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ giám sát việc doanh nghiệp có hoàn tất số vốn sốn đã đăng ký hay không nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh.

- Đối với đối tác, bạn hàng, kể từ thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, họ cũng cần phải biết “số vốn thực” của doanh nghiệp, xác định trách nhiệm nếu có về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trên “số vốn thực” này. Từ đó, họ có những ứng xử cho phù hợp với công ty cổ phần khi xác định số vốn đó có thực không, mục đích của chủ sở hữu khi khai “số vốn lớn” nhằm mục đích gì, trong thời gian 90 ngày đó, chủ sở hữu có đảm bảo góp đầy đủ không?

-Trong doanh nghiệp, khi các cổ đông sáng lập tại thời điểm góp vốn, cổ đông sáng lập góp vốn đầy đủ, đúng hạn sẽ được công ty xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của cổ đông trong CTCP, ghi vào sổ đăng ký cổ đông.

- Ngoài ra, việc hoàn thành nghĩa vụ góp vốn trong thời gian 90 ngày, được các cổ đông phải giám sát lẫn nhau, xác định ai đã hoàn thành việc góp vốn, hoặc không góp, góp không đủ… từ đó xác lập quyền và nghĩa vụ của cổ đông trên từng loại, tỷ lệ cổ phần mà họ sở hữu đòi hỏi họ phải thực hiện một cách nghiêm chỉnh để tạo nên sự thống nhất, hoàn thiện nghĩa vụ góp vốn. Đây là khoản tiền mà các cổ đông sáng lập đã thoả thuận, thống nhất số “vốn thực” để gia nhập thị trường.

2.2. Hậu quả pháp lý khi các cổ đông không góp vốn đúng hạn

2.2.1.Đối với các cổ đông

 Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ.

Như vậy, pháp luật quy định trách nhiệm của các cổ đông sáng lập khi không góp đủ vốn đều phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết. Điều này thể hiện nghĩa vụ lớn hơn quyền, hay còn được hiểu đó là sự “phá hạn”[3] không chịu trách nhiệm tương ứng với số vốn đã góp trong thời hạn 90 ngày, buộc các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm đến cùng do không góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết. Sự quy định này nhằm hạn chế các nhà đầu tư cố tình trì hoãn việc góp vốn, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các nhà đầu tư khác, cũng như cho chính doanh nghiệp.

2.2.2. Đối với công ty cổ phần

Sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa huy động đủ số vốn điều lệ, hoặc thành viên không có khả năng góp đủ số vốn đã cam kết thì đối với từng loại hình doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ điều chỉnh vốn điều lệ.

- Công ty cổ phần: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định pháp luật, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thời gian điều chỉnh đăng ký vốn điều lệ là 30 ngày. Trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp được thực hiện theo quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Cụ thể, CTCP phải gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Quy định này bắt buộc vốn điều lệ của công ty cổ phần trở thành “vốn thật” nhằm tránh tình trạng khai khống vốn như trước đây.

Trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp quy định, CTCP vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của các của các cổ đông sáng lập đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp[4]. Đây là hành vi trái pháp luật, xâm phạm tới lĩnh vực quản lý nhà nước về kinh tế, nhưng hậu quả chưa nghiêm trọng chưa đến mức trở thành tội phạm theo quy định của pháp luật bị xử phạt hành chính.

Vụ việc, công ty cổ phần tập đoàn đầu tư công nghệ tự động toàn cầu (GAB group) người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, đăng ký thành lập với số vốn điều lệ là 500.000 tỉ đồng (khoảng 21,7 tỉ đô la), hay một doanh nghiệp ở Hà Nội đăng ký vốn thành lập 144.000.tỉ đồng tương đương (6,7 tỷ UDS), nếu trong thời hạn 30 ngày mà không đăng ký điều chỉnh thì sẽ bị xử lý về vi phạm hành chính. Đây chính là hậu quả bất lợi mà chính các doanh nghiệp phải gánh chịu vì không có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh việc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.

3. Xử lý vi phạm khi công ty cổ phần thực hiện không đúng vốn điều lệ

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp quy định, doanh nghiệp vẫn chưa làm thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ vốn góp của các thành viên, cơ quan đăng ký doanh nghiệp nơi doanh nghiệp đã đăng ký trước đó. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ gửi Thông báo tới CTCP về hành vi vi phạm của CTCP.

Thông báo gửi tới CTCP, CTCP phải có nghĩa vụ thực hiện. Trong trường hợp CTCP không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính do có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm quy định pháp luật về đăng ký doanh nghiệp.

Nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các nhà đầu tư, nên việc không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp theo thời gian quy định, xét về hậu quả của hành vi thì không đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nên theo quy định của pháp luật thì CTCP chỉ bị xử phạt về hành chính cụ thể là phạt tiền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.[5]

Hành vi vi phạm đăng ký “vốn điều lệ thực” hiện nay của CTTP được thực hiện dưới các hình thức:

Thứ nhất: là “khai khống” số vốn điều lệ. Việc “khai khống” được thực hiện khá phổ biến hiện nay “kê khai khống giá trị tài sản vốn góp”. Luật Doanh nghiệp cho phép các nhà đầu tư khi thẩm định giá trị tài sản vốn góp theo nguyên tắc “đồng thuận”, trường hợp tổ chức thẩm định giá, định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.[6] Với cơ chế tự thoả thuận và đạt được nhất trí trên 50% các nhà đầu tư chấp thuận, thì họ dễ dàng dàn xếp được việc “khai khống” số vốn điều lệ.

Thứ hai: Đăng ký nhưng không góp vốn, không đầy đủ.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, kể từ khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải có nghĩa vụ góp đúng, đủ trong thời hạn 90 ngày. Tuy nhiên, tài sản mà các nhà đầu tư “cam kết góp” sẽ được tính là vốn điều lệ của doanh nghiệp khi “doanh nghiệp nhận được số vốn này”. Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, mà các nhà đầu tư lúc đầu “cam kết góp”, nhưng sau đó thì không có góp, không góp đầy đủ được như cam kết.

Hành vi vi phạm về đăng ký “khống vốn điều lệ” của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư khác, đối tác, bạn hàng. Bởi lẽ, khi không xác định được “vốn điều lệ thực” thì rất khó để tính trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, phân định quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư…

Vụ việc, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), đăng ký vốn điều lệ 500,000 ngàn tỷ là con số “siêu khủng”, doanh nghiệp gồm: ông Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỷ đồng, tương đương 99,996% vốn điều lệ. 2 cá nhân khác mỗi người góp 1 tỷ đồng, tương đương 0,002% vốn điều lệ là Nguyễn Thị Diễm Hằng và Lưu Hữu Thiện. Để góp đủ vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng như đăng ký ban đầu, cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (góp 499.999 tỉ đồng) phải có khoản tiền "siêu khủng". Những khoản tiền này phải được thể hiện ở các tài sản như cổ phiếu trên sàn chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản…  "Nếu huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước mà không có tên tuổi, danh tiếng, thương hiệu thì vài tỉ đồng cũng không dễ; còn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể từ số 0, chưa kể thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài, dòng ngoại hối ra vào cũng không đơn giản" theo diễn giải của  luật sư Trương Thanh Đức.

Ngoài ra, Giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM nói vui có thể chủ doanh nghiệp nói trên cũng không hình dung được 500.000 tỉ đồng là lớn đến mức nào chứ đừng nói là góp đủ trong vòng 90 ngày theo quy định. [7]

Hay vụ việc bà  Phan Thúy Mai thành lập Công ty An Phát cam kết góp vốn với tỷ lệ 60%. Sau này, Công ty An Phát đã ký các hợp đồng hợp tác với một số doanh nghiệp, tiền thu được từ việc hợp tác, Mai cho hạch toán vào vốn góp của cá nhân mình. Đáng chú ý, bị cáo này đã 2 lần rao bán cổ phần khi chưa hề góp vốn, trong đó một cá nhân đã chi 33 tỷ đồng để mua 33% vốn điều lệ của Công ty An Phát[8]

Mặt khác, theo một số tác giả cho rằng, hành vi “khai khống giá trị tài sản vốn góp” là hành vi cố ý, nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả tạo, nên cơ quan nhà nước cần xem xét và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[9], nếu có dấu hiệu của tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như đối với vụ việc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Khi số liệu hồ sơ được cập nhật vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, Cục Quản lý ÐKKD (Bộ KH và ÐT) đã chỉ đạo cơ quan ÐKKD của TP Hà Nội kiểm tra thông tin về DN này. Sau đó, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã vào cuộc xác minh, phát hiện chủ DN USC Interco sử dụng căn cước công dân giả để đăng ký thành lập DN. Ngày 14-4, Phòng ÐKKD, Sở KH và ÐT Hà Nội thu hồi giấy ÐKKD đã cấp cho USC Interco[10]

Vụ việc của công ty Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có mã số doanh nghiệp là 0313788565, được đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 05/05/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng. Đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 03/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/09/2017 đã vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng (góp vốn bằng tiền mặt). Tiếp đó, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh có mã số doanh nghiệp 0314675116 và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, có vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng cũng được đăng ký góp vốn bằng tiền mặt, không đăng ký góp vốn bằng tài sản[11] nhằm tạo hồ sơ năng lực tài chính đẹp, tạo niềm tin cho khách hàng, thực hiện hành vi lừa đảo, gây ra thiệt hại cho khách hàng số tiền 2.500 tỷ đồng.  

Như vậy, trước thực trạng, vi phạm về đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp, cơ quan đăng ký doanh nghiệp đều phát hiện kịp thời và ra Thông báo đôn đốc, nhắc nhở doanh nghiệp đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ trong 30 ngày tiếp theo. Sau khi được Thông báo, phát hiện kịp thời, nếu doanh nghiệp không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị thu hồi Giấy phép đăng ký doanh nghiệp, hoặc bị xem xét xử lý hình sự.

Hiện nay, xử lý vi phạm hành chính về đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp được áp dụng theo tại Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực  kế hoạch và đầu tư với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.”[12]. Khi doanh nghiệp vi phạm bị phát hiện thì sẽ bị lập biên bản ra quyết định xử phạt. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành ra quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh, CTCP có nhu cầu tăng thêm vốn điều lệ thì vẫn phải có ý thức chấp hành đúng thời gian về đăng ký vốn điều lệ với cơ quan đăng ký doanh nghiệp. Nếu CTCP tiếp tục vi phạm thì hành vi vi phạm này được coi là hành vi vi phạm mới, bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là tái phạm[13].

Khi nhận được hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký doanh nghiệp nhận thấy doanh nghiệp “đăng ký số vốn ảo” thì phải tiến hành theo dõi, giám sát việc nộp vốn của CTCP, hết thời hạn đăng ký điều chỉnh vốn mà CTCP vẫn không thực hiện thì người có thẩm quyền sẽ ra quyết định xử phạt.

Ngoài ra, nếu CTCP trong quá trình kinh doanh, không chấp hành nghiêm chỉnh việc kê khai đúng số vốn điều lệ, còn bị cơ quan thuế không hoàn thuế giá trị gia tăng cho chính CTCP, CTCP chỉ được hoàn thuế giá trị gia tăng khi và chỉ khi CTCP kê khai đúng số vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Khi CTCP cố tình khai khống số vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng gây hệ luỵ cho chính doanh nghiệp khi giải quyết phá sản, hoặc có những tranh chấp xảy ra giữa các cổ đông sáng lập về việc “chưa góp”; “góp không đủ”…dẫn đến công ty buộc phải tuyên bố giải thể.

Mặt khác, đối với khách hàng khi có nhu cầu muốn mua lại doanh nghiệp, nhưng khi kiểm toán phát hiện CTCP kê khai khống số vốn điều lệ, thì họ sẽ huỷ hợp đồng, CTCP sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư kinh doanh thì bị xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Nghị định số 155/2013/NĐ-CP đến Nghị định số 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định kê khai khống vốn điều lệ thì hậu quả pháp lý cho chính doanh nghiệp chịu mức phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Hiện nay Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định xử phạt hành chính về đầu tư và kinh doanh cho phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 cũng đề xuất “mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký”.

Trong bản dự thảo này, Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh “việc không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký doanh nghiệp” thì bị xử phạt và áp dụng biện pháp bổ sung để nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa Nghị định với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020, Luật doanh nghiệp năm 2020, thực tế hiện nay.

Số tiền phạt cụ thể mà cơ quan đăng ký kinh doanh áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm về đăng ký vốn điều lệ là mức trung bình của khung tiền phạt đối với hành vi đó, trong trường hợp doanh nghiệp được giảm mức phạt, nhưng không được giảm thấp hơn mức tối thiểu khung hình phạt. Ngược lại nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được tăng hơn so với mức tiền phạt tối đa khung tiền phạt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia, người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng mức phạt này “quá nhẹ” bởi hệ quả của nó để lại trong môi trường kinh doanh tác động tới lợi ích của các nhà đầu tư, quản trị công ty, quản lý về thuế đối với doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp cố ý giả mạo trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì bị thu hồi Giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Đây là hành vi có tính chất nghiêm trọng nên việc bị thu hồi Giấy phép đăng ký doanh nghiệp, loại bỏ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp là hợp lý.

Bên cạnh việc xử phạt, cơ quan có thẩm quyền còn được quyền áp dụng biện pháp biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký vốn điều lệ, hoặc buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến người dân, các nhà khoa học… góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trong đó, lĩnh vực về đăng ký doanh nghiệp được tách riêng từ Mục 4 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP thành mục 7 của Dự thảo Nghị định. Một số nội dung đã được bổ sung như: vi phạm về đặt tên, vi phạm về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp…

Riêng đối với lĩnh vực đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp không có thay đổi. Việc giữ nguyên nội dung này ở Nghị định 50/2016/NĐ-CP phù hợp. Bởi lẽ, nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công dân, khi hết thời hạn 90 ngày để các nhà đầu tư hoàn thiện việc góp vốn, nếu không có đủ thì có 30 tiếp theo để doanh nghiệp điều chỉnh mức vốn điều lệ của doanh nghiệp. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính.

Mức tiền xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt hợp lý, bởi mới thành lập doanh nghiệp, nên số tiền bị phạt lên tới chục triệu đồng phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại với các trường hợp cụ thể như trong thời gian vừa qua.

Khi phát hiện, xử lý, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản, trong biên bản có chữ ký của người đại diện của CTCP xác nhận về hành vi vi vi phạm của mình. Ngoài ra, CTCP được quyền giải trình về hành vi vi phạm của mình trong thời gian 5 ngày kể từ ngày lập biên bản, nêu rõ lý do về hành vi vi phạm. Đây là quy định mang tính nhân văn, doanh nghiệp chứng minh, giải thích lý do vi phạm để áp dụng mức phạt cho phù hợp.

Thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày lập biên bản.

4. Một số kiến nghị về vốn điều lệ của công ty cổ phần

Hiện nay, một số công ty cổ phần thực hiện việc đăng ký vốn điều lệ với “số vốn ảo” , vấn đề đặt ra pháp luật nên quản lý về vốn điều lệ như thế nào, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo kết quả đầu ra cho doanh nghiệp, để tạo ra cơ chế “hậu kiểm” kiểm soát tốt tài sản của doanh nghiệp.

-Nên bỏ quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần

Bởi lẽ, vốn là yếu tố kinh doanh không thể thiếu được ở bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp không thể kinh doanh mà không có vốn, dù ít hay nhiều. Hiện nay, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong việc quyết định mức vốn điều lệ đưa vào đầu tư kinh doanh trừ những lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật quy định, doanh nghiệp phải chứng minh thực lực của mình khi vốn được giải ngân trong từng dự án kinh doanh cụ thể, tạo niềm tin với đối tác, bạn hàng. Mặt khác, việc đăng ký vốn điều lệ là công ty cổ phần tự quyết định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ gíam sát qua báo cáo tài chính, báo cáo thuế…rất khó nên dẫn đến doanh nghiệp kê khai “vốn ảo”.

Ngoài ra, công ty cổ phần được tạo lập bởi những công ty gia đình, việc kê khai khống vốn điều lệ, khi các cổ đông không góp đủ, thực góp trên số cổ phần đã đăng ký, nhưng vẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên số vốn đã đăng ký. Sau đó, tiến hành rao bán, chuyển nhượng cổ phần. Điều này tạo ra những hệ luỵ cho các nhà đầu tư.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế, khi tổng hợp số liệu về mức vốn đầu tư của các doạnh nghiệp, trong đó, có những công ty kê khai “khống vốn điều lệ” làm cho số liệu tổng hợp trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội không có đúng thực tế, dẫn đến khó kiểm soát và điều tiết nền kinh tế.

Do đó, nên bỏ quy định kê khai số vốn điều lệ trong hồ sơ đăng ký thành lập, cũng như trong quá trình kinh doanh sau này.

-Tăng cường sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện doanh nghiệp không kinh doanh trên đúng “số vốn thực”, áp dụng các chế tài xử lý nhằm răn đe, chấm dứt hiện tượng kinh doanh trên “vốn ảo” đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi.

-Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khi doanh nghiệp vi phạm về vốn điều lệ. Hiện nay, doanh nghiệp vi phạm mới chỉ bị xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất là 20.000.000 chưa đủ sức răn đe cho doanh nghiệp, nên hàng năm vẫn có hiện tượng các công ty cổ phần “kê khai khống” vốn điều lệ.

-Áp dụng chế tài hình sự đối với đối với các công ty cổ phần có hành vi “cố ý” kê khai khống vốn điều lệ, đây là hành vi lừa đảo ngay từ khi gia nhập thị trường, nếu làm không nghiêm dẫn đến hệ quả tranh chấp nội bộ, lừa dối khách hàng, nhà đầu tư…gây rối loạn môi trường đầu tư kinh doanh.

-Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn điều lệ, thống nhất giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư, kiểm soát gian lận về kê khai tài sản… trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, người tiêu dùng, đối tác của doanh nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh

-Yêu cầu các doanh nghiệp phải có ý thức trung thực ngay từ khi ý định gia nhập thị trường qua việc định giá tài sản góp vốn, chốt số vốn điều lệ của doanh nghiệp để đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp, tăng tính minh bạch trong doanh nghiệp, hỗ trợ cho quy trình quản lý tài sản của các doanh nghiệp sao cho hiệu quả hơn.

- Tăng cường sự giám sát của cộng đồng các doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng đối với các doanh nghiệp không trung thực trong việc sử dụng vốn điều lệ phát hiện kịp thời và loại bỏ những doanh nghiệp cố ý “coi thường pháp luật”.

KẾT LUẬN

Vốn điều lệ là yếu tố rất quan trọng trong quá trình thực hiện kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư phải có nghĩa vụ góp vốn đầy đủ, đúng hạn, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiêp chính xác số vốn điều lệ. Việc doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký chính xác số vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất là 20.000.000 đồng. Do đó, nhà nước xem xét tăng cường quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, đưa ra cơ chế chính sách, chế tài đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước đối tác, bạn hàng, khẳng định vị trí của mình trên thương trường góp phần cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh.

 

Một công ty cổ phần ở Đông Anh, Hà Nội - Ảnh: TL

 

 

 

[1] Khoản 1 Điều 112 Luật doanh nghiệp năm 2020

[2] Khoản 1 Điều 113 Luật  Doanh nghiệp năm 2020

[3] Bùi Xuân Hải, 2007, Tiếp nhận pháp luật nước ngoài: lý thuyết và thực tiễn trong pháp luật công ty của Việt Nam, http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2007/09/17/12423/

[4] Khoản 2 Điều 8 Luật doanh nghiệp năm 2020

[5] Khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính

[6] Khoản 2 Điều 36 Luật doanh nghiệp năm 2020

[7] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/thuc-hu-sieu-doanh-nghiep-von-500-000-ti-dong-742754.html

[8] https://baodauthau.vn/chu-dau-tu-du-an-doi-79-mua-xuan-gop-von-ao-post30454.html

[9] Điểm a Khoản 1 Điều 212 Luật doanh nghiệp năm 2020.

[10] https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/loai-bo-doanh-nghiep-ma-von-ao-khoi-he-thong-du-lieu-quoc-gia-581077

[11] Từ các vụ đăng kí “siêu công ty nghìn tỷ”: Chuyên gia cảnh báo hệ lụy không nhỏ từ vốn điều lệ ảo “trên giấy”

[12] Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 50/2016/NĐ-CP

[13] Khoản 5 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

TS. NGUYỄN THỊ THU THUỶ (Trường Đại học Ngân hàng Tp Hồ Chí Minh)