Bảo đảm quyền công dân trong thủ tục giải quyết việc dân sự theo BLTTDS 2015

Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng và đúng đắn vụ việc dân sự, pháp luật tố tụng dân sự quy định các thủ tục tố tụng tương ứng với việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, để phù hợp với Bộ luật và luật khác, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung trình tự thủ tục tố tụng chung cho giải quyết các việc dân sự và một số thủ tục riêng cho việc dân sự cụ thể mang tính đặc thù.

MỞ ĐẦU

Lần đầu tiên khái niệm việc dân sự được quy định tại BLTTDS năm 2004 và được kế thừa quy định tại BLTTDS năm 2015; theo đó: “Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động[1]. Như vậy, việc dân sự được hiểu là việc mà cá nhân, tổ chức không có tranh chấp về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên do các bên đã thoả thuận được với nhau; để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình các bên yêu cầu Toà án công nhận giá trị pháp lý của sự thoả thuận đó. Hoặc trường hợp chỉ có một bên khi có một sự kiện pháp lý nào đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ dân sự hoặc quyền về dân sự yêu cầu Toà án xác nhận sự kiện pháp lý đó. Việc dân sự được phát sinh chỉ do một bên chủ thể, mà khi có một sự kiện pháp lý nào đó là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của người khác liên quan đến quyền lợi của mình hoặc của cơ quan, tổ chức khác; hoặc phát sinh quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động thì chính chủ thể này yêu cầu Toà án xem xét để công nhận hay không công nhận các sự kiện pháp lý và các quyền đó cho họ. Khi công dân có yêu cầu ghi nhận về một sự kiện pháp lý nào đó thì làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục, trình tự giải quyết việc dân sự. Để bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng và đúng đắn vụ việc dân sự, pháp luật tố tụng dân sự quy định các thủ tục tố tụng tương ứng với việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn, để phù hợp với Bộ luật và luật khác, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung trình tự thủ tục tố tụng chung cho giải quyết các việc dân sự và một số thủ tục riêng cho việc dân sự cụ thể mang tính đặc thù.

1.Thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự, quyền bình đẳng giữa các đương sự

1.1. Đương sự trong việc dân sự

Điểm mới nổi bật được quy định BLTTDS năm 2015 là phân biệt đương sự trong vụ án dân sự và đương sự trong vụ việc dân sự. Đương sự trong vụ án dân sự tham gia tố tụng dân sự với 3 tư cách là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Còn đương sự trong việc dân sự tham gia tố tụng dân sự với 2 tư cách là người yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. “Với phân định này giúp Tòa án xác định rõ tư cách của đương sự khi tham gia tố tụng và đảm bảo cho đương sự bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của họ”[1].

Ngoài việc giữ nguyên quy định về đương sự trong vụ án dân sự như BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung quy định về đương sự đối với việc dân sự như sau: Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp khi giải quyết việc dân sự xét thấy có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự[2].

Như vậy, BLTTDS năm 2015 xác định cụ thể hơn quyền của đương sự trong hoạt động tố tụng và đề cao quyền tự định đoạt của đương sự trong việc giải quyết việc dân sự. Việc sửa đổi, bổ sung trên của BLTTDS năm 2015 đã tạo ra một khung pháp lý về hoạt động tố tụng dân sự nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết việc dân sự tại Tòa án, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự trong thủ tục giải quyết việc dân sự nói riêng được nhanh chóng, hiệu quả.

Người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Cá nhân là người có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện làm đơn yêu cầu. Cá nhân là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không mất năng lực hành vi dân sự, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình, thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn yêu cầu. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, thì người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật) có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện. Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp[3].

Như vậy, đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn. Người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức được tuân thủ theo quy định của pháp luật về đại diện tại BLDS. Người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có thể là người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền (người đại diện theo ủy quyền). Việc đóng dấu cũng phải được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về con dấu cũng như vị trí đóng dấu. Đây là thủ tục hành chính bắt buộc bởi cơ quan, tổ chức là đối tượng quản lý nhà nước và tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức này được quy định hết sức chặt chẽ. Việc xác định đại diện hợp pháp của cơ quan nhà nước yêu cầu giải quyết việc dân sự phải căn cứ vào quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan đó trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc xác định đại diện của tổ chức yêu cầu giải quyết việc dân sự như doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp… phải căn cứ vào quy định tại điều lệ hoạt động của tổ chức đó.

Trước đây, khi giải quyết các việc dân sự như: Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú; yêu cầu tuyên bố một người mất tích; tuyên bố một người là đã chết, có Tòa án xác định người tham gia tố tụng gồm người yêu cầu và người bị yêu cầu nên những người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích… là đương sự tham gia tố tụng tương tự như là một bị đơn; có Tòa án lại xác định những người này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên họ là đương sự phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng. Nay BLTTDS năm 2015 quy định rõ, Tòa án chỉ giải quyết việc dân sự khi có yêu cầu nên người yêu cầu luôn luôn phải có, còn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chỉ có trong một số trường hợp nhất định. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không phải là người bị yêu cầu mà là những người có quyền và nghĩa vụ có liên quan với những người người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt tại nơi cư trú, người mất tích, người bị tuyên bố là đã chết về quan hệ hôn nhân, quan hệ thừa kế, quan hệ tài sản hoặc các quan hệ dân sự khác và khi giải quyết việc dân sự sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.

Vấn đề đặt ra là, xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt nơi cư trú, người mất tích,… là đương sự như là một bị đơn hoặc người có liên quan thì bắt buộc Tòa án phải triệu tập họ tham gia tố tụng và phải bảo đảm cho họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng khi tham gia tố tụng như tống đạt các văn bản tố tụng, kháng cáo, quyền đề nghị. Chúng ta phải thừa nhận: “Điều này sẽ là hoàn toàn phi lý, bởi một người đã có kết luận của cơ quan chuyên môn là họ mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc một người hiện đang biệt tích, không biết còn sống hay đã chết mà Tòa án phải triệu tập họ tham gia tố tụng, phải tống đạt văn bản tố tụng và thực tế họ không bao giờ thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng[4]. BLTTDS quy định rõ người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, khi không còn ở trong tình trạng đã bị tuyên bố thì chính người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định đã tuyên bố[5]. Hay người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, khi người bị Tòa án tuyên bố mất tích trở về hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định đã tuyên bố[6]; khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì người đó hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định đã tuyên bố[7] là bảo vệ được quyền, lợi ích của họ. Song vấn đề xử lý hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, một người mất tích, một người là đã chết đối với quyền nhân thân, quyền tài sản chưa có quy định cụ thể.  Do đó, pháp luật tố tụng dân sự cần có quy định chuyển việc dân sự sang vụ án dân sự khi có tranh chấp về xử lý hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố của các đối tượng này.

1.2. Những người tham gia phiên họp giải quyết việc dân sự

Pháp luật tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ của người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án. Người yêu cầu vắng mặt lần thứ nhất thì Tòa án hoãn phiên họp, trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ. Trường hợp người yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự; trong trường hợp này, quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó theo thủ tục do Bộ luật này quy định vẫn được bảo đảm. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể triệu tập người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp; nếu có người vắng mặt thì Tòa án quyết định hoãn phiên họp hoặc vẫn tiến hành phiên họp[8].

Theo đó, Tòa án phải triệu tập người có liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ tham gia phiên họp do nội dung giải quyết việc dân sự sẽ ảnh hưởng, liên quan tới quyền và nghĩa vụ dân sự của họ. Đối với người đại diện hợp pháp thì Tòa án sẽ kiểm tra tính hợp pháp của việc đại diện đó theo quy định của BLDS. Đối với người làm chứng, người giám định, người phiên dịch có thể được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp, có nghĩa là sự tham gia của họ là không bắt buộc theo quy định của pháp luật mà chỉ trong trường hợp cần thiết, Tòa án sẽ triệu tập họ. Về người phiên dịch thì trong trường hợp cần phải có người phiên dịch nếu có người tham gia tố tụng sử dụng tiếng dân tộc hoặc tiếng nước ngoài. Người giám định phải tham gia phiên họp trong trường hợp do kết luận giám định chưa rõ ràng, có mâu thuẫn cần phải kiểm tra và xác định thêm. Đối với sự vắng mặt của người liên quan, người làm chứng, người phiên dịch và người giám định thì pháp luật tố tụng dân sự quy định Tòa án có thể xem xét, nhận định, đánh giá tính cần thiết về sự có mặt của họ mà quyết định việc hoãn phiên họp hay vẫn tiến hành phiên họp. Như vậy, đối với nhóm người này trong trường hợp nếu sự vắng mặt của họ dẫn đến không thể giải quyết được việc dân sự thì Tòa án yêu cầu họ phải có mặt hoặc hoãn phiên tòa nếu họ vắng mặt. Có nghĩa là: “Tòa án được “tùy nghi” quyết định hoãn phiên họp hay vẫn tiến hành phiên họp khi người làm chứng, người phiên dịch, người giám định vắng mặt[9]. Chính vì Tòa án có toàn quyền quyết định triệu tập  hay không triệu tập họ tham gia phiên họp hoặc quyết định hoãn hay vẫn tiến hành phiên họp khi vắng mặt họ đã tạo ra cơ chế tùy tiện; muốn phiên họp được diễn ra đơn giản và nhanh chóng và luật không bắt buộc thì Tòa án sẽ lựa chọn phương án là không triệu tập họ tham gia phiên họp và không có mặt họ Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự cần quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp cần thiết về sự có mặt của họ mà quyết định việc hoãn phiên họp hay vẫn tiến hành phiên họp mới đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

(Còn nữa)

[1] TS. Nguyễn Hải An (2016), “Người tham gia tố tụng”, Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (TS. Bùi Thị Huyền chủ biên), Nxb Lao Động, Tr.112.

[2] Khoản 5, 6 Điều 68 BLTTDS năm 2015.

[3] Điểm g khoản 2 Điều 362 BLTTDS năm 2015.

[4] Phạm Thái Quý, www.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id…p, truy cập ngày 7/12/2016.

[5] Điều 379 BLTTDS năm 2015.

[6] Điều 390 BLTTDS năm 2015.

[7] Điều 394 BLTTDS.

[8] Khoản 2, 3 Điều 367 BLTTDS năm 2015.

[9] Ths. Nguyễn Thị Hạnh (2016), “Thủ tục giải quyêt việc dân sự”, Bình luận khoa hoc Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (TS. Bùi Thị Huyền chủ biên), Nxb Lao động, Tr.465.

 

 

TS. NGUYỄN HẢI AN (Trưởng phòng Giám đốc, kiểm tra, TAND cấp cao tại Hà Nội)