Bảo vệ quyền tác giả trong hoạt động phát trực tuyến (streaming) - trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, cần ghi nhận một cách cụ thể việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trong hoạt động phát trực tuyến.

Sự phát triển của công nghệ cho phép hoạt động truyền tải tác phẩm được mở rộng hơn bao giờ hết. Một trong những kênh đưa tác phẩm đến với công chúng vô cùng hiệu quả hiện nay là thông qua mạng Internet. Nhiều hình thức truyền tải mới ra đời, tiêu biểu là hoạt động phát trực tuyến (hay thường được gọi là streaming). Với một thiết bị điện tử có kết nối Internet, người dùng tại bất cứ đâu dễ dàng tiếp cận đối tượng mà mình mong muốn. Từ đó, nảy sinh vấn đề người thực hiện phát trực tuyến có khả năng xâm phạm quyền tác giả (QTG) của chủ thể khác bởi việc khai thác, sử dụng tác phẩm bất hợp pháp. Bên cạnh đó, khi tiến hành phát trực tuyến còn có sự tham gia của bên thứ ba là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Vậy, vai trò, trách nhiệm của chủ thể này được xác định như thế nào trong trường hợp người dùng phát trực tuyến những nội dung xâm phạm QTG?

1. Khái niệm phát trực tuyến và quyền phát trực tuyến của chủ sở hữu quyền tác giả

1.1. Khái niệm phát trực tuyến

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của Internet, hoạt động sáng tạo có sự tăng trưởng và đầu tư mạnh mẽ. Nếu năm 2007, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam là hơn 17,7 triệu người, thì đến năm 2019 đã tăng lên 64 triệu người (tức là khoảng 67%) dân số1. Phát trực tuyến (streaming) là một thuật ngữ khá mới và có thể nói, đây là sản phẩm của sự phát triển khoa học - công nghệ. Môi trường kỹ thuật số và dung lượng băng thông ngày càng tăng cho phép một hình thức khai thác và tiêu thụ nội dung văn hóa mới thông qua công nghệ truyền trực tuyến. Đây là một giải pháp thay thế cho việc tải xuống các tập tin theo phương thức truyền thống. Hoạt động này cho phép phát trực tuyến cung cấp nội dung, chẳng hạn như nhạc hoặc phim, để người dùng xem hoặc nghe mang tính chất tức thời và không lâu dài. Phát trực tuyến được hiểu là một kỹ thuật để chuyển dữ liệu để nó có thể được xử lý như một dòng ổn định và liên tục, cho phép người dùng xem, nghe âm thanh hoặc video một cách trực tiếp từ Internet2. Phương thức công nghệ này truyền tải các sản phẩm văn hóa và giải trí, cho phép tiếp cận tác phẩm mà có thể không có bất kỳ sự kiểm soát nào từ chủ sở hữu QTG.

Dưới góc độ quy định pháp luật, hiện chưa có cơ sở pháp lý đưa ra định nghĩa “phát trực tuyến” hoặc điều chỉnh trực tiếp hành vi này. Tuy nhiên, một số văn bản dưới luật gián tiếp đề cập đến hoạt động phát trực tuyến thông qua việc quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng như:

- Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018);

- Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (TTLT số 07/2012).

Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) đã bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tại Điều 198b trên cơ sở kế thừa quy định của TTLT số 07/2012. Các vấn đề liên quan đến bảo hộ QTG trên môi trường kỹ thuật số cũng như các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng được bổ sung theo Dự thảo này. Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh hoạt động truyền tải tác phẩm trên không gian mạng nói chung và phát trực tuyến nói riêng đang dần được quan tâm hơn. Mới đây nhất, một trong các đề xuất tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có liên quan đến hoạt động phát trực tuyến là trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này thể hiện hoạt động phát trực tuyến đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam và vai trò quản lý của cơ quan nhà nước được đề cao hơn. Trong tương lai, tiếp tục ban hành quy định pháp luật liên quan đến phát trực tuyến, cũng như các hoạt động truyền tải nội dung trên mạng Internet nói chung là điều tất yếu.

1.2. Quyền phát trực tuyến của chủ sở hữu quyền tác giả

QTG bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu QTG quy định tại Điều 19 và Điều 20 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH ngày 25/6/2019 Luật SHTT (sau đây gọi tắt là Luật SHTT hiện hành). Bên cạnh quyền nhân thân, quyền sở hữu là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận tại Hiến pháp3. QTG cũng mang bản chất của quyền tài sản, được làm ra bởi sự đầu tư công sức, trí tuệ, tài chính của chủ thể quyền, do đó, họ xứng đáng được nhận lại quyền khai thác lợi ích vật chất từ tác phẩm mà mình tạo ra. Quyền sở hữu đi kèm với quyền loại trừ, ngăn chặn chủ thể khác sao chép và sử dụng tác phẩm bất hợp pháp[1].

Liên quan đến QTG, phát trực tuyến mang bản chất là một kênh truyền tải tác phẩm đến với công chúng thông qua việc tạo ra bản sao tạm thời và người dùng trực tiếp xem, nghe âm thanh hoặc (và) hình ảnh. Để thực hiện hoạt động phát trực tuyến, người dùng thường phải sử dụng hai nhóm quyền gồm quyền sao chép tác phẩm và quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng được quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật SHTT hiện hành. Đây là các quyền thuộc về chủ sở hữu QTG. Khoản 3 Điều 20 tiếp tục ghi nhận thêm trong trường hợp tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu. Nói cách khác, để có thể tiến hành phát trực tuyến tác phẩm ít nhất cần có sự đồng ý của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu QTG, trừ các trường hợp ngoại lệ quy định tại Điều 25, Điều 26 Luật SHTThiện hành.

2. Tính hợp pháp của hoạt động phát trực tuyến

Phát trực tuyến tác phẩm là quyền của chủ sở hữu QTG, nhưng không phải trong trường hợp nào người thực hiện phát trực tuyến cũng là chủ sở hữu QTG. Trong trường hợp việc phát trực tuyến được thực hiện bởi chính chủ sở hữu QTG, đây là hoạt động khai thác, sử dụng tác phẩm hợp pháp. Ngược lại, cần phải xem xét liệu rằng việc phát trực tuyến đó có phù hợp với quy định pháp luật hay không. Trên thực tế, việc khai thác tác phẩm thông qua phát trực tuyến hiện nay thực hiện qua ba nhóm:

Thứ nhất, có thể đề cập đến dịch vụ phát trực tuyến hợp pháp bao gồm tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện cung cấp quyền truy cập vào danh mục các tác phẩm âm nhạc hoặc nghe nhìn với sự cho phép thích hợp của chủ sở hữu QTG. Ví dụ như cho phát trực tuyến tác phẩm âm nhạc trên các nền tảng Spotify, Deezer, Apple Music, KuGou Music; phát trực tuyến tác phẩm điện ảnh nói chung trên nền tảng Netflix, Amazon Prime, Youku, Disney+. Người sử dụng khi tiếp cận tác phẩm trên những nền tảng này phải trả một khoản phí nhất định cho đơn vị cung cấp. Đơn vị cung cấp có trách nhiệm trả tiền nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm cho chủ sở hữu QTG. Tại Việt Nam, hoạt động này thực sự chưa nhiều.

Thứ hai, tồn tại dịch vụ phát trực tuyến bất hợp pháp bao gồm các trang web cung cấp quyền truy cập vào các luồng tác phẩm âm nhạc hoặc nghe nhìn mà không có bất kỳ sự cho phép nào từ chủ sở hữu QTG. Hoạt động này cực kỳ phổ biến trên các nền tảng ngang hàng (ví dụ: Emule, Limewire,…), BitTorrent hoặc các trang web lưu trữ nội dung (ví dụ: MegaUpload, WatchSeries, CouchTuner…). Phương pháp chia sẻ ngang hàng (peer-to-peer) cho phép việc sử dụng và chia sẻ thông tin rất đơn giản so với phương pháp sử dụng máy chủ truyền thống. Người dùng lúc này có quyền truy cập trực tiếp vào nguồn tài nguyên của những người dùng khác (và ngược lại) khiến các tác phẩm được truyền tải nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều lần, từ đó, dẫn đến hành vi xâm phạm QTG với hậu quả nghiêm trọng. Nếu như phương pháp sao chép truyền thống dưới dạng “bản cứng” cho phép tạo ra bản sao với số lượng giới hạn nhất định, thì thông qua hình thức phát trực tuyến trên mạng ngang hàng, tốc độ nhân bản và chia sẻ tác phẩm cao hơn rất nhiều. Xuất phát từ lợi ích kinh tế và ý thức trong việc tôn trọng QTG còn thấp, nhiều người dùng sẵn sàng lựa chọn cách tiếp cận tác phẩm dưới hình thức này, thay vì phải trả một khoản phí để sử dụng hợp pháp. Theo Báo cáo đặc biệt số 301 của Văn phòng Bộ thương mại Hoa Kỳ (USTR) thì Việt Nam năm thứ 4 liên tiếp vẫn nằm trong danh sách các quốc gia cần theo dõi (Watch List) về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Việt Nam bị cho là không cung cấp biện pháp bảo vệ biên giới một cách thích đáng và hiệu quả chống lại hàng giả mạo và hàng sao chép lậu, không giải quyết thích đáng thách thức mới xuất hiện và tiếp tục tồn tại liên quan tới xâm phạm QTG bao gồm cả nạn sao chép lậu trên môi trường trực tuyến[2].

Thứ ba, dịch vụ phát trực tuyến bán hợp pháp cung cấp quyền truy cập vào các tác phẩm có bản quyền thông qua phát trực tuyến, mà không yêu cầu sự cho phép của chủ sở hữu QTG. Tức là, việc phát trực tuyến ban đầu chưa thể xác định được đó là hoạt động hợp pháp hay không. Bên trung gian cung cấp dịch vụ này trong trường hợp phát hiện việc phát trực tuyến bất hợp pháp hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành gỡ bỏ nội dung vi phạm. Trường hợp này bao gồm các nền tảng chia sẻ video như YouTube hoặc Dailymotion, dịch vụ lưu trữ hoặc các nhà cung cấp nội dung tương tự khác.

Để QTG thực sự được bảo vệ, vai trò của các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian như dịch vụ Internet, truyền thông, mạng xã hội... cần được đề cao. Chủ thể chia sẻ thông tin vi phạm thông qua phát trực tuyến chịu sự chi phối của đơn vị trung gian này, bao gồm việc kiểm soát thông tin đầu vào và quyền gỡ bỏ nội dung vi phạm. Quản lý tốt ở khâu này sẽ làm giảm đáng kể hành vi xâm phạm QTG trong hoạt động phát trực tuyến.

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với hoạt động phát trực tuyến

3.1. Cơ sở lý luận

Dịch vụ trung gian là những dịch vụ mang tính chất cầu nối, đưa thông tin nói chung và các tác phẩm nói riêng đến với công chúng bằng các phương tiện công nghệ như dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, dịch vụ tìm kiếm thông tin số, dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số bao gồm cả dịch vụ cho thuê chỗ lưu trữ trang thông tin điện tử… Từ đó, phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này cho người dùng. Hoạt động của những chủ thể này đóng vai trò không nhỏ trong việc truyền đạt, phân phối các tác phẩm đến với công chúng, bao gồm cả việc làm tăng hoặc giảm giá trị của tác phẩm. Đặc biệt, trong trường hợp xảy ra hành vi xâm phạm QTG, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian chính là chủ thể đầu tiên có khả năng ngăn chặn hành vi xâm phạm hoặc tạo điều kiện để hành vi xâm phạm diễn ra. Do vậy, có thể nói đây là chủ thể có vai trò quan trọng trong hoạt động truyền đạt tác phẩm và bảo vệ QTG.

Vai trò của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không chỉ mang tính chất đơn thuần là một loại công cụ mà khi thực hiện truyền tải tác phẩm đến với công chúng thì chủ thể này có những quy tắc riêng. Mặt khác, đây là các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh nên việc cung cấp dịch vụ không nằm ngoài mục đích thu lợi nhuận. Do vậy, những chủ thể này có quyền và trách nhiệm phát sinh từ hoạt động kinh doanh của mình.

Trước hết, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có các quyền liên quan đến thỏa thuận với người dùng, quyền truyền dẫn thông tin (bao gồm hoạt động phát trực tuyến) cũng như từ chối cung cấp dịch vụ trái với quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chủ thể này có một số trách nhiệm đặc thù, nhất là khi hoạt động kinh doanh của họ gián tiếp dẫn đến hành vi xâm phạm QTG. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với chủ thể bị xâm phạm QTG xuất phát từ học thuyết trách nhiệm gián tiếp. Trọng tâm của học thuyết trách nhiệm gián tiếp tập trung vào trách nhiệm của các bên liên quan đến hành vi xâm phạm QTG hơn là xem xét hành vi của chủ thể nào đóng vai trò trực tiếp hay gián tiếp. Tác giả có thể khởi kiện người đã trực tiếp xâm phạm QTG của mình nhưng cũng có thể khởi kiện chủ thể chịu trách nhiệm gián tiếp.

Theo học thuyết này, việc thực hiện hành vi xâm phạm QTG gián tiếp đáp ứng các điều kiện về sự kiểm soát, chi phối và mục tiêu lợi nhuận trở thành hành vi xâm phạm trực tiếp và chịu các biện pháp chế tài như đối với hành vi xâm phạm QTG trực tiếp. Điểm tích cực của học thuyết này là tạo cơ hội cho chủ thể QTG được bồi thường thiệt hại thỏa đáng, khiến bên vi phạm gián tiếp phải cân nhắc khi thực hiện hành vi xâm phạm. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được nâng cao hơn, từ đó tăng hiệu quả phòng ngừa hành vi xâm phạm. Tại Hoa Kỳ, học thuyết về trách nhiệm gián tiếp (contributory infringement[3] and vicarious liability[4]) trong lĩnh vực QTG cũng xác định trách nhiệm chủ thể phải chịu khi họ có quyền và khả năng kiểm soát hành vi xâm phạm của chủ thể khác, đồng thời cũng có lợi ích tài chính trực tiếp trong các hoạt động đó.

Tác giả, chủ sở hữu QTG phát hiện hành vi phát trực tuyến trái pháp luật có thể khởi kiện bên vi phạm gián tiếp trong trường hợp việc khởi kiện bên vi phạm trực tiếp khó khăn hơn hoặc không đem lại kết quả như mong muốn[5]. Đây cũng chính là đặc trưng của hoạt động truyền tải tác phẩm thông qua các phương tiện kỹ thuật số, dịch vụ Internet như hiện nay. Xác định chính xác người dùng thực hiện phát trực tuyến tác phẩm xâm phạm QTG thường gặp khó khăn hơn so với việc quy trách nhiệm cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu QTG là ưu tiên hàng đầu do vậy càng có nhiều chủ thể chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm thì người bị thiệt hại càng có cơ hội được bù đắp tốt hơn[6].

3.2. Nội dung trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với hoạt động phát trực tuyến

3.2.1. Dừng hoạt động phát trực tuyến, gỡ bỏ nội dung thông tin vi phạm quyền tác giả

Hành vi xâm phạm QTG cần được chấm dứt ngay khi bị phát hiện, nhất là đối với hoạt động phát trực tuyến. Yếu tố kịp thời đóng vai trò quan trọng khi xử lý các hành vi trái pháp luật trên môi trường Internet, vì tính chất lan truyền nhanh và rộng của nó. Do vậy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trước hết phải có trách nhiệm trong việc dừng hoạt động phát trực tuyến trái pháp luật, gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm QTG khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của chủ thể quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 198b Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT, thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm QTG, quyền liên quan; có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó vi phạm QTG, quyền liên quan.

Tương tự, Điều 23d Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) quy định điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội có đặt ra yêu cầu về cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm khoản 1 Điều 5 Nghị định này chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).

Đây là trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là một quyền của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian để thực hiện hoạt động quản lý đối với nguồn thông tin được phân phối trên nền tảng mà mình cung cấp. Quy định này là cần thiết nhưng chưa thực sự hợp lý, nhất là liên quan đến chủ thể có quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet… Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể QTG, việc gỡ bỏ sản phẩm vi phạm có ý nghĩa rất lớn.

Khi phát hiện hành vi xâm phạm QTG trên các nền tảng kỹ thuật số, nếu chủ thể QTG khởi kiện và chờ đợi xét xử theo thủ tục chung thì hành vi xâm phạm đã lan rộng và có thể gây ra thiệt hại lớn. Trong khi đó, nếu pháp luật cho phép quyền yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn hành vi xâm phạm QTG như một dạng biện pháp khẩn cấp tạm thời và tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian dựa trên yêu cầu này của chủ thể quyền để hạn chế thiệt hại. Trong trường hợp yêu cầu sai, bên yêu cầu chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc các biện pháp chế tài khác. Ngược lại, hành vi xâm phạm được ngăn chặn kịp thời và thiệt hại vì thế cũng được hạn chế. Mặt khác, việc gỡ bỏ hay cắt đường truyền khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước là điều đương nhiên (và đã có biện pháp chế tài nếu không thực hiện). Để quy định của Luật SHTT thực sự hiệu quả, chúng tôi kiến nghị mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu bao gồm tác giả, chủ sở hữu QTG, bên được nhận quyền sử dụng QTG. Lúc này, quyền lợi của họ được đảm bảo hơn và hành vi xâm phạm QTG có thể được ngăn chặn kịp thời.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có vai trò rất lớn và là đầu mối thực hiện hiệu quả trong ngăn chặn và xử lý những hành vi xâm phạm QTG trên Internet. Cần phải coi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là những đơn vị kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các vi phạm bằng các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, phải có biện pháp kết hợp kỹ thuật - pháp lý, để gỡ bỏ nhanh chóng các thông tin vi phạm QTG, đóng các website vi phạm, xác định kịp thời chủ thể vi phạm, xử lý nghiêm về hành chính và hình sự. Các tác giả, chủ sở hữu QTG cần biết các biện pháp pháp lý bảo vệ quyền, biết cách chứng minh, bảo vệ quyền, thu thập, lưu giữ chứng cứ.

3.2.2. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả

Khoản 5 Điều 5 TTLT số 07/2012 ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm QTG của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Khoản 2 Điều 198b Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet công cộng. Tương thích với quy định này là khoản 8 Điều 28 Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT về hành vi xâm phạm QTG của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý. Đây là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 4 Điều 202 Luật SHTT hiện hành. Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT không quy định cụ thể về các trường hợp bồi thường thiệt hại mà theo hướng cho phép Chính phủ quy định chi tiết (khoản 6 Điều 198b). Cách quy định này tương thích với các văn bản hiện tại về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, đặc biệt là TTLT số 07/2012. Cụ thể, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm QTG trong trường hợp: (a) Là nguồn khởi đầu đăng tải, truyền đưa hoặc cung cấp nội dung thông tin số qua mạng viễn thông và Internet mà không được phép của chủ thể quyền; (b) Sửa chữa, cắt xén, sao chép nội dung thông tin số dưới bất kỳ hình thức nào mà không được phép của chủ thể quyền; (c) Cố tình hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật do chủ thể quyền thực hiện để bảo vệ QTG, quyền liên quan; (d) Hoạt động như nguồn phân phối thứ cấp các nội dung thông tin số do vi phạm QTG, quyền liên quan mà có.

Tuy nhiên, việc xác định “doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại” cần được hiểu như thế nào? Giả sử chủ thể này cung cấp một nền tảng cho phép người dùng phát trực tuyến sản phẩm xâm phạm QTG, thì tác giả, chủ sở hữu QTG sẽ có quyền khởi kiện người dùng, chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian hay cả hai? Cụm từ “trực tiếp” cho thấy doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có thể là bị đơn khi chủ thể quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp thứ nhất, nếu doanh nghiệp này bị kiện và phải chịu trách nhiệm bồi thường thì liệu sau đó có thể khởi kiện người dùng có hành vi trực tiếp vi phạm QTG phải bồi thường lại hay không, nếu đã làm đúng yêu cầu “cảnh báo” và người dùng đã cam kết bảo đảm không xâm phạm QTG? Trường hợp thứ hai, chủ thể QTG khởi kiện cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian và người dùng vi phạm, trách nhiệm bồi thường được thực hiện như thế nào? Việc bồi thường của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian lúc này có phải là trách nhiệm bồi thường thiệt hại dưới dạng chế tài dân sự quy định tại khoản 4 Điều 202 Luật SHTT hiện hành hay không? Áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 hay Điều 202, 204, 205 Luật SHTT hiện hành để xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng là vấn đề cần giải quyết.

Như đã đề cập, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm QTG gián tiếp trong trường hợp này là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian. Mặc dù không trực tiếp tác động vào sản phẩm vi phạm, nhưng chủ thể này đã cung cấp điều kiện, cơ sở để người dùng thực hiện hành vi xâm phạm và thu lợi nhuận từ việc này. Quan trọng hơn, chủ thể này có khả năng kiểm soát hoạt động của người dùng thông qua việc kiểm duyệt cho phép hoặc không cho phép phát trực tuyến nội dung vi phạm. Trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là không thể tránh khỏi. Bên thực hiện hành vi xâm phạm QTG trực tiếp cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường. Luật SHTT hiện hành không quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này, do vậy, có thể vận dụng quy định chung của pháp luật dân sự tại Điều 587 BLDS năm 2015 - trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Điều 288 BLDS năm 2015 cũng quy định nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Do vậy, tác giả, chủ sở hữu QTG bị xâm phạm quyền có quyền khởi kiện yêu cầu một hoặc hai bên bồi thường thiệt hại cho mình. Hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian cũng được xem là hành vi xâm phạm QTG theo khoản 8 Điều 28 Dự thảo ngày 24/3/2022 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT . Do vậy hoàn toàn có đủ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Ghi nhận quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hoạt động phát trực tuyến là hoàn toàn cần thiết. Trong sự phát triển nhanh của công nghệ hiện nay, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có vai trò quan trọng đối với việc truyền đạt, phân phối tác phẩm và hơn nữa là làm tăng lên hoặc giảm đi giá trị tác phẩm. Nếu chủ thể này thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì hành vi xâm phạm QTG có thể được kiểm soát, giúp chủ thể quyền yên tâm sáng tạo và công chúng cũng được tiếp cận nhiều tác phẩm có giá trị cao. Cho đến nay, hoạt động phát trực tuyến đã trở nên phổ biến trong đời sống, tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng ý thức được vấn đề bảo vệ QTG. Do đó, việc quy định cụ thể trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian là vô cùng cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi phát trực tuyến trái pháp luật./.[U1] 

 

Truyền phát sự kiện trực tiếp - Ảnh minh họa

 

1 Vnetwork, Các số liệu thống kê Internet Việt Nam 2019,

https://vnetwork.vn/news/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-2019, truy cập ngày 02/01/2021.

2 Cambridge Dictionary, https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/streaming, truy cập ngày 14/7/2021.

3 Nguyễn Minh Oanh (chủ biên), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại, Nxb. Công an nhân dân, năm 2018, tr.200.

[1] Thomas W. Merrill (1998), Property and the Right to Exclude, 77 NEB. L. REV. 730, tr.50.

[2] Office of the United State Trade Representative (2019), 2019 Special 301 Report, tr.69.

[3] Alfred C. Yen (2000), Internet service provider liability for subscriber copyright infringement, enterprise liability, and the first amendment, Georgetown Law Journal, 88 Geo. L.J. 1833, tr.89.

[4] Mark Traphagen (2019), Copyright throughout the world, © 2020 Thomson Reuters, Chapter 41. IX. B. 41:46.

[5] Malla Pollack (2011), Indirect Liability for Copyright Infringement, Using Architectural Works Example, 123 Am. Jur. Proof of Facts 3d 91.

[6] Đỗ Văn Đại, Nguyễn Trương Tín, Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra, Tạp chí khoa học pháp lý, số 5/2013, tr.71.

 

ThS. NGUYỄN PHƯƠNG THẢO (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)