Bất cập về chế định áp dụng đối với người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

Một trong những quy định này được thể hiện khi giải quyết vụ án hình sự là áp dụng quy định có lợi liên quan đến người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định này nảy sinh những bất cập cần được sửa đổi.

Quy định của pháp luật

Chính sách hình sự nhân đạo luôn được Nhà nước ta quan tâm quy định để áp dụng đối với người phạm tội. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giải quyết vụ án hình sự đều thể hiện các quy định có lợi cho người bị buộc tội và chấp hành án. Trong Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và các văn bản hướng dẫn áp dụng đều thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo này.

Một trong những quy định này được thể hiện khi giải quyết vụ án hình sự là áp dụng quy định có lợi liên quan đến người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

– Các quy phạm trong BLHS điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến áp dụng quy định có lợi cho người bị buộc tội là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, cụ thể:

+ Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi[1].

+ Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi[2].

+ Áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với người phạm tội là phụ nữ có thai[3].

+ Điều kiện về thời gian chấp hành án để được xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được xem xét ngắn hơn, chỉ phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn[4].

+ Người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được xem xét cho hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi[5].

+ Người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được xem xét cho tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi[6].

– Trong BLTTHS quy định về áp dụng biện pháp tạm giam, thể hiện rõ, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi sẽ bị tạm giam nếu thuộc một trong các trường hợp: bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; tiếp tục phạm tội; có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia[7].

Tất cả các quy định trong BLHS và BLTTHS như trên đều nhằm mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi cho người mẹ có điều kiện để chăm sóc con được tốt nhất; theo đó sẽ thể hiện rõ chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định có lợi này cho người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trong thực tiễn áp dụng, chế định này xảy ra bất cập dẫn đến việc xử lý chưa nghiêm đối với hành vi phạm tội, cũng như trong phòng, chống tội phạm.

Một số bất cập xảy ra trong thực tế áp dụng

Trong thực tế áp dụng những quy định của pháp luật đã nảy sinh một số bất cập.

– Thứ  nhất, việc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, không chỉ riêng là người mẹ, mà trong thực tế vẫn có thể là do người cha nuôi dưỡng. Vì có nhiều trường hợp vì lý do nào đó, trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể khi mới sinh ra người mẹ qua đời thì chỉ còn lại người cha nuôi dưỡng. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền lợi của đứa trẻ thì việc người cha trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con là vấn đề đương nhiên và cần thiết. Nhưng trong các quy định hiện hành không xác định người cha được áp dụng chế định có lợi này nếu có hành vi phạm tội. Nếu cho rằng, việc quy định chế định này là nhằm đảm bảo quyền lợi của người mẹ, vì “mang nặng, đẻ đau” nên được xem xét tính nhân đạo đối với người mẹ, thì bản chất của chế định này chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của người mẹ, chứ không nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ.

– Thứ hai, trường hợp nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi làm con nuôi; hoặc ông bà, chú bác, cô dì… nuôi cháu dưới 36 tháng tuổi khi không may cha mẹ qua đời… Tất cả những trường hợp này về bản chất đều thuộc trường hợp nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong các quy định chưa xác định rõ những trường hợp này. Tuy nhiên, trong quy định hiện hành thể hiện “phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi”, quy định này không thể hiện rõ là con đẻ hay con nuôi; do vậy, nếu trên thực tế có việc phụ nữ nuôi con (là con nuôi) cũng có thể xem xét để áp dụng theo quy định hiện hành.

– Thứ ba, thời gian tính để thực hiện các thủ tục tố tụng tiếp theo đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi trong một số trường hợp cũng chưa phù hợp. Trên thực tế việc mang thai, có nhiều trường hợp sẽ sẩy thai và cũng có trường hợp việc nuôi con vì lý do nào đó cũng dẫn đến đứa bé tử vong trước khi đủ 36 tháng tuổi. Với các quy định hiện hành như đối với trường hợp cho hoãn chấp hành án phạt tù hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì phải đảm bảo thời gian đủ như trên thực tế đưa trẻ đủ 36 tháng tuổi (kể cả trong trường hợp mang thai nhưng bị sẩy thai hoặc đứa trẻ chết trước khi đủ 36 tháng tuổi) thì mới hết thời gian hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án hình phạt tù. Rõ ràng, khi áp dụng như quy định là không phù hợp; quy định chỉ phù hợp khi đứa trẻ thành thai và sinh ra nuôi đến khi đủ 36 tháng tuổi hoặc đứa trẻ được nuôi đến khi đủ 36 tháng tuổi.

Kiến nghị sửa đổi

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các vấn đề liên quan đến chế định áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi:

Một là, để đảm bảo tính nhân đạo liên quan đến việc tạo điều kiện đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi được chăm sóc và phát triển ổn định trong 36 tháng tuổi đầu đời; bên cạnh đó để ghi nhận công lao đối với người trực tiếp chăm sóc đứa trẻ, nếu không may có hành vi phạm tội thì được xem xét sự khoan hồng của pháp luật. Theo đó, trong các quy định liên quan đến chế định “phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi” cần sửa đổi, bổ sung lại: “phụ nữ có thai hoặc người trực tiếp nuôi trẻ em dưới 36 tháng tuổi”. Việc sửa đổi, bổ sung này, đảm bảo phụ nữ có thai và người mẹ trực tiếp nuôi con hoặc người cha trực tiếp nuôi con hoặc bất kỳ người nào khác trực tiếp nuôi đứa trẻ dưới 36 tháng tuổi đều được hưởng chính sách nhân đạo này.

Hai là, các quy định liên quan đến hoãn chấp hành hình phạt tù và tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù cần sửa đổi, bổ sung quy định “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi” theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng và quy định rõ thêm về điều kiện áp dụng. Quy định này có thể sửa đổi, bổ sung như sau: “Phụ nữ có thai hoặc người đang nuôi trẻ em dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi đứa trẻ đủ 36 tháng tuổi. Trường hợp thai nhi chết trước khi sinh ra, thì hoãn đến đủ (06 tháng) kể từ ngày biết thai nhi chết; trường hợp đứa trẻ chết trước khi đủ 36 tháng tuổi thì hoãn đến đủ (ba tháng) kể từ khi đứa trẻ chết”[8].

Ba là, nếu không sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng thì quy định hiện hành phải thể hiện rõ lại. Cụ thể, phải bổ sung rõ lại là “phụ nữ nuôi con đẻ dưới 36 tháng tuổi”.

Tóm lại, chế định về áp dụng các quy định có lợi cho người phạm tội là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi là một trong những chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta được quy định trong BLHS và BLTTHS. Tuy nhiên, để đảm bảo áp dụng thống nhất chế định này đối với người phạm tội thì cần quy định chặt chẽ, đảm bảo phù hợp, điều chỉnh toàn diện và đảm bảo tính khả thi. Do vậy, các quy định liên quan đến chế định này cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng được áp dụng và đảm bảo chặt chẽ hơn về điều kiện áp dụng./.

TAND TP HCM xét xử các bị cáo trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” gây thiệt hại 264 tỷ đồng cho Eximbank – Ảnh: TT trẻ

 

[1] Khoản 4 Điều 36 BLHS.

[2] Khoản 2, 3 Điều 40 BLHS.

[3] Điểm n khoản 1 Điều 51 BLHS.

[4] Khoản 1 Điều 66 BLHS.

[5] Khoản 1 Điều 67 BLHS.

[6] Khoản 1 Điều 68 BLHS.

[7] Khoản 4 Điều 119 BLTTHS.

[8] Thời gian nghỉ khi thai nhi chết hoặc đứa trẻ chết quy định dựa trên yếu tố y học và tâm lý làm sao để ổn định tâm lý người mẹ hoặc người nuôi trẻ.

ThS. NGUYỄN VĂN LAM (Tòa án quân sự Quân khu 9)