Các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc

Tham luận tại Hội nghị Triển khai công tác Tòa án năm 2022, đại diện TAND Tp Hải Phòng cho biết: Ngay sau khi kết thúc năm thi đua 2021, TAND Tp Hải Phòng đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, đề ra 3 nhóm nhiệm vụ lớn, 20 giải pháp cụ thể, trong đó xác định 05 giải pháp đột phá năm 2022.

Hoàn thành tốt các nhiệm vụ

Năm 2021, TAND hai cấp Tp Hải Phòng đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong điều kiện, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội nói chung và công tác Tòa án nói riêng. Công tác giải quyết, xét xử án hình sự đảm bảo nghiêm minh, không xử oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Việc giải quyết, xét xử các loại vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành đạt bình quân 60,1% (vượt 0,1%) (riêng Tòa án thành phố hòa giải đạt 20,3%; do tiêu chí này thấp nên không được danh hiệu thi đua cao); đối thoại thành 51/231 vụ án hành chính, đạt tỷ lệ 22,07% (vượt 2,07%). Công tác Tòa án đều đạt và vượt các chỉ tiêu thi đua, chất lượng xét xử các loại án tiếp tục được duy trì, từng bước nâng lên. Số lượng các vụ án bị hủy, cải sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 43 vụ/10.584 vụ, việc giải quyết, xét xử chiếm tỷ lệ 0,2%, giảm so với năm 2020 là 0,06% (tỉ lệ hủy sửa năm 2020 là 0,26%).

Để có được kết quả trên, ngay sau khi kết thúc năm thi đua năm 2020, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo TAND thành phố đã đánh giá toàn diện các mặt công tác năm, đặc biệt tập trung vào những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, chỉ rõ nguyên nhân, dự báo tình hình diễn biến của tội phạm, các tranh chấp, khiếu kiện thuộc thẩm quyền Tòa án 02 cấp, thực trạng đội ngũ thẩm phán, thư ký, cán bộ, công chức của từng đơn vị, chủ động đề ra những giải pháp đột phá, tiếp thu chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC sau Hội nghị tổng kết để tháo gỡ những nút thắt căn bản, đi sâu vào khâu yếu, việc khó cụ thể như sau:

Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Ngay đầu tháng 10/2020, Ban cán sự đảng, Chánh án TAND thành phố đã ban hành và chỉ đạo thực hiện loạt văn bản: Văn bản số 1008/TA-KTNV&THA ngày 30/9/2020 thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án Dân sự, Hành chính; các văn bản số 1127/TA-KTNV&THA ngày 27/10/2020 và 1157/TA-KTNV&THA ngày 03/11/2020 về tăng cường công tác tự kiểm tra; Kế hoạch số 1200/KH-TA ngày 12/11/2020 tổ chức phong trào thi đua năm 2021 và phát động 02 phong trào thi đua theo đợt; Văn bản chỉ đạo số 01-CV/BCSĐ ngày 04/01/2021 của Ban cán sự đảng về 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó chỉ đạo 05 giải pháp đột phá năm 2021.

Để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các vụ, việc Hành chính, Dân sự, Kinh doanh thương mại, điểm nghẽn nằm ở khâu thẩm định, định giá, cung cấp chứng cứ, tài liệu trong quá trình tố tụng, ban cán sự đảng Tòa án thành phố đã chủ động phối hợp với thường trực các quận, huyện ủy để Ủy ban nhân dân các quận, huyện ký kết quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp. Trên cơ sở đó, đã quán triệt, triển khai có hiệu quả, đến nay cơ bản khắc phục tình trạng thẩm định, định giá, cung cấp chứng cứ, tài liệu để lâu, kéo dài như trước đây. 

Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án thành phố xác định việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021. Ngay từ quý 4 năm 2020, Chánh án Tòa án thành phố đã chủ động báo cáo với Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, tranh thủ nguồn lực để xây thêm phòng làm việc, phòng hòa giải, phòng tiếp dân để triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đối với các Tòa án cấp huyện, Ban cán sự đảng chủ động phối hợp với thường trực quận, huyện ủy tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho Tòa án cấp huyện triển khai khai Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án. Ngày 01/01/2021 đã đồng thời triển khai, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại 14/16 đơn vị (trừ TAND huyện đảo Bạch Long Vỹ là đơn vị có số lượng án ít; TAND quận Dương Kinh là đơn vị thời điểm triển khai chưa có trụ sở, cho đến ngày 27/10/2021 mới thực hiện được triển khai hòa giải, đối thoại tại Tòa án); kết quả 14/16 đơn vị đã hòa giải, đối thoại thành 1.505 vụ, việc/1.878 vụ, việc đưa ra hòa giải, đối thoại, đạt tỷ lệ bình quân là 80%.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành Ban cán sự đảng xác định công tác kiểm tra là một khâu đột phá.Tiến hành tổ chức kiểm tra dưới nhiều hình thức: Tự kiểm tra toàn diện ở từng đơn vị do thủ trưởng các đơn vị thực hiện thường xuyên, gửi báo cáo về Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án; Chánh án thành phố thành lập các đoàn kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất để phát hiện ra những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của thẩm phán, thư ký, cán bộ, trách nhiệm quản lý, điều hành của các đồng chí Chánh án, Phó Chánh án, Chánh tòa, Phó chánh tòa, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng… để kịp thời bổ khuyết và có giải pháp, kế hoạch khắc phục, đồng thời đưa vào nội dung tập huấn, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử. 

Đổi mới công tác công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hướng chuyên sâu tập trung vào kỹ năng điều khiển tranh tụng của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, khắc phục thói quen, đường mòn Chủ tọa phiên tòa đặt quá nhiều câu hỏi, hỏi hết phần của Kiểm sát viên, không dành cho người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và đương sự đặt câu hỏi theo trình tự của tố tụng.

Giải pháp đột phá năm 2022

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2021đã được Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND thành phố triển khai với quyết tâm cao, thường xuyên kiểm tra, đánh giá và chỉ đạo quyết liệt nên đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, nhiệm vị chính trị của Tòa án ngày càng nặng nề với số lượng công việc tăng, đòi hỏi tiến độ và chất lượng rất cao. Chính vì vậy, ngay sau khi kết thúc năm thi đua 2021, Ban cán sự đảng TAND Tp Hải Phòng đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 18/10/2021, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, đề ra 3 nhóm nhiệm vụ lớn, 20 giải pháp cụ thể, trong đó xác định 05 giải pháp đột phá năm 2022 như sau:

Thường xuyên quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Bộ quy chế, nội quy, quy trình nghiệp vụ của đơn vị. Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, duy trì và thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; Quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND. Chú trọng và tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án mà trọng tâm là từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống xét xử trực tuyến các loại án theo Nghị quyết Quốc Hội.

Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án và trong quá trình tố tụng, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải quyết, xét xử các loại vụ, việc. Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ, việc. Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo các giải pháp nâng cao chất lượng viết bản án, quyết định. Phát huy hiệu quả hoạt động tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, của Ủy ban thẩm phán TAND thành phố về nghiệp vụ và các tồn tại, hạn chế của các bản án, quyết định đã ban hành. Bảo đảm các bản án, quyết định ban hành đúng theo mẫu hướng dẫn, có sức thuyết phục cao, khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Thực hiện nghiêm túc việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo đúng chỉ đạo của TANDTC.

Nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, bao gồm cả các phiên tòa trực tuyến vừa đảm bảo về chỉ tiêu, tiêu chí theo đúng Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của TANDTC, khắc phục triệt để xu hướng chạy theo số lượng, tình trạng không có hoặc rất ít Thẩm phán, Thư ký dự theo dõi phiên tòa, biên bản rút kinh nghiệm sơ sài, thiếu thuyết phục... Đảm bảo rút kinh nghiệm nghiêm túc theo đúng quy định, coi mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là buổi học kết hợp giữa thực tiễn với lý luận nhằm từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng, kỹ năng điều khiển phiên tòa của Thẩm phán, chất lượng tham gia xét xử của Hội thẩm nhân dân, kỹ năng viết biên bản phiên tòa của Thư ký phiên tòa, kỹ năng viết bản án của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Xác định chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là tiêu chí thi đua quan trọng của từng đơn vị, từng đồng chí Chánh án, Chánh tòa, từng Thẩm phán, Thư ký.

Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nghiệp vụ, trọng tâm là công tác tự kiểm tra và kiểm tra thường xuyên của từng đơn vị, cá nhân. Tăng cường kiểm tra theo chuyên đề tập trung kiểm tra khâu yếu, việc khó để kịp thời phát hiện, chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục; đưa vào nội dung tập huấn, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng xét xử; không để vụ, việc nào quá hạn luật định, hoặc để lâu, kéo dài do Thẩm phán thiếu trách nhiệm. Kết quả kiểm tra là một trong những tiêu chí bình xét thi đua, nguồn thông tin quan trọng để xem xét chuyển đổi, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Đề xuất, kiến nghị

Với những giải pháp đột phá nêu trên, cùng với quyết tâm, cố gắng, nỗ lực cao của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Tòa án 02 cấp thành phố Hải Phòng sẽ phấn đấu tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác năm 2022. Qua thực tiễn, TAND Tp Hải Phòng đề xuất một số nội dung kiến nghị sau đây:

Đề nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC sớm tổ chức tổng kết công tác, ban hành các nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm hằng năm vào giữa quý I năm thi đua để các tòa án địa phương triển khai kịp thời ngay từ đầu năm thi đua. Tiếp tục duy trì tập huấn, trao đổi nghiệp vụ giữa Hội đồng thẩm phán với các tòa án địa phương.

Đề nghị TANDTC xem xét, sửa đổi tiêu chí tỷ lệ hòa giải tiền tố tụng đối với từng cấp Tòa án, phù hợp với tính chất vụ việc theo thẩm quyền của từng cấp theo hướng: Quy định tỷ lệ hòa giải thành chung của TAND hai cấp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ 60% trở lên, trong đó tỷ lệ hòa giải thành đối với TAND cấp tỉnh từ 25% trở lên.

Đề nghị TANDTC quan tâm đầu tư cơ sở trang thiết bị hạ tầng bảo đảm an toàn thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức kỹ năng chuyển đổi số để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong TAND.

 

Chánh án TAND Tp Hải Phòng Phạm Đức Tuyên trình bày tham luận  - Ảnh: Cảnh Dinh

PHẠM ĐỨC TUYÊN (Chánh án TAND Tp Hải Phòng)