Các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xét xử

Năm 2021, TAND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua do có thành tích xuất sắc. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TAND huyện Tam Nông làm gì để có được hiệu quả công tác cao như vậy, dưới đây là những kinh nghiệm được Chánh án của đơn vị chia sẻ.

Với quyết tâm đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của hệ thống Tòa án, ngay từ đầu năm, TAND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã đặt ra mục tiêu phấn đấu dựa trên đăng ký thi đua của đơn vị. Kế hoạch thi đua được lập cụ thể cho từng tháng, từng Thẩm phán, Thư ký với yêu cầu: Giải quyết án cuối năm đạt và vượt chỉ tiêu; không có án hủy sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không có cán bộ bị xử lý kỷ luật; tất cả các bản án có hiệu lực đều được chuyển đầy đủ cho cơ quan tố tụng và đăng cổng thông tin điện tử đúng quy định và mỗi Thẩm phán phải có 02 phiên tòa rút kinh nghiệm và vận dụng hiệu quả 14 giải pháp của TANDTC phù hợp với đơn vị mình. Sau khi triển khai kế hoạch công tác năm 2021 tất cả các Thẩm phán, Thư ký nhận thức được với tinh thần trách nhiệm cao, tỉ mỉ với công việc, nhiệt tình ủng hộ và cam kết thực hiện để hoàn thành tốt kế hoạch mà tập thể đã đề ra.

TAND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp hiện có 14 biên chế gồm: 8 Thẩm phán, 5 thư ký và 1 kế toán.

Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 30/09/2021, TAND huyện Tam Nông thụ lý 1.034 vụ việc các loại, đã giải quyết 974 vụ việc, còn lại 60 vụ, việc; đạt tỷ lệ 94,2%; không có án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán điều đó thể hiện được đường lối và quan điểm xét xử của Hội đồng xét xử công bằng, khách quan, công tâm đúng quy định của pháp luật, bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 12,16 vụ, việc/tháng. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp, cấp ủy địa phương và các ngành liên quan cùng với sự nỗ lực, cố gắng hết sức mình của tập thể đơn vị trong thời gian qua.

1.Giải pháp

Do tình hình dịch Covid -19 diễn biến rất phức tạp còn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (30 ngày); Chỉ thị 16 (60 ngày) ảnh hưởng trực tiếp đến việc mời đương sự để giải quyết, xét xử các loại vụ việc. Xuất phát từ khó khăn trên để hoàn thành tốt các chỉ tiêu giải quyết các loại vụ việc đơn vị chủ động đề ra giải pháp đột phá cụ thể như sau:  

Thứ nhất, Đặt ra giải pháp kép là vừa phòng chống dịch Covid -19, thực hiện tuân thủ 5K an toàn vừa tiến hành giải quyết các vụ việc đạt hiệu quả đảm bảo các chỉ tiêu đã đề ra. Sau khi có kế hoạch thực hiện đơn vị tiến hành bố trí nơi xét xử và nơi làm việc đảm bảo công tác phòng chống dịch đúng quy định (nơi test nhanh, trang bị khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, bảng chắn chống giọt bắn...). Phối hợp chặt chẽ với cácChủ tịch huyện -Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và giám đốc Trung tâm y tế huyện thống nhất cho thực hiện phải đảm bảo an toàn. Nhờ có sự chủ động, linh hoạt, thích ứng trong công việc mà trong thời gian dịch bệnh TAND huyện Tam Nông đã giải quyết và xét xử những vụ án đã đến thời hạn xét xử, liên quan đến áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hết lệnh tạm giam, thay đổi hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, đúng hạn luật định… Đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, đơn vị vẫn đưa ra xét xử được 12 vụ hình sự và 5 vụ dân sự, từ đó góp phần vào việc giải quyết án đạt và vượt chỉ tiêu ; không có án quá hạn luật định và không có xảy ra trường hợp nào liên quan đến Covid- 19; trên tinh thần an toàn và hiệu quả phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là thực hiện mục tiêu kép và công văn số 125/TANDTC-VP ngày 11/5/2021 của TANDTC.

Thứ hai, làm việc trong thời gian dịch bệnh phải thích ứng, an toàn, linh hoạt, sáng tạo với điều kiện hiện tại cụ thể: Sau khi thụ lý vụ án khi mời đương sự đến làm việc thì Thẩm phán và Thư ký phải nghiên cứu thật kỹ hồ sơ cần phải làm việc những nội dung nào, nội dung nào cần phải bổ sung cho đầy đủ và tống đạt cho đương sự ngay sau khi làm việc xong để họ thực hiện một lần, không phải mời đương sự đi lại nhiều lần. Nếu đương sự cố tình tránh né không làm việc được thì tống đạt thông báo hoặc niêm yết công khai để làm cơ sở đưa vụ án ra xét xử đảm bảo nhanh chống, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo tốt việc phòng chống dịch an toàn.

Thứ ba, trong lúc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan chỉ làm việc số lượng 50% còn lại làm việc ở nhà luân phiên. Trong thời gian này Chánh án vẫn làm việc xuyên suốt để trao đổi từng vụ án của từng Thẩm phán đang thụ lý giải quyết mà không đi công tác được như: Trong giai đoạn này phải sọan văn bản về việc cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ, giám định… và những việc liên quan đến văn bản để phát hành cho các cơ quan liên quan trả lời, hồ sơ hiện đang gặp khó khăn gì, cần phải thu thập thêm chứng nào, cần bổ sung thêm chứng gì để hoàn chỉnh hồ sơ sẽ được ghi chép đầy đủ và bấm vào bìa từng hồ sơ để thực hiện. Khi dịch tạm ổn thì tiến hành làm ngay không cần phải bỏ thời gian nghiên cứu lại từ đó trong một thời gian ngắn đã thu thập đầy đủ các chứng cứ cần để đưa ra xét xử kịp thời nhanh chóng không có án quá hạn luật định.

Thứ tư, một công ba việc (Vừa ra quyết định xem xét thẩm định tại chỗ, vừa ra quyết định định giá tài sản, thu thập thêm chứng cứ cần thiết và thông báo cho đương sự biết trước theo quy định...) Trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ có mặt cán bộ Phòng tài nguyên và môi trường, Đại diện Ủy ban nhân dân xã nơi thẩm định và có đủ mặt các đương sự. Như vậy, chỉ cần mời thêm đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch và đại diện Phòng Kinh tế Hạ tầng là đủ Hội đồng định giá tài sản và các bên đương sự tham gia và tiến hành định giá mà tài sản vừa thẩm định xong theo quy định. Sau khi thực hiện xong việc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá thì biên bản cũng được ký ngay đầy đủ và xác nhận của chính quyền địa phương đưa vào hồ sơ vụ án, sau đó Thẩm phán, Thư ký tiến hành thủ tục thu thập thêm chứng chứ cần thiết hoàn chỉnh hồ sơ để đưa ra xét xử. Như vậy chỉ trong một ngày làm việc sắp xếp công việc và thời gian hợp lý mà đã thực hiện ba vấn đề cơ bản trong vụ án nếu không kết hợp tốt thì mỗi việc một lần sẽ kéo dài thời gian giải quyết, nhất là trong thời điểm dịch Covid 19 có như vậy vụ án mới được đưa ra xét xử nhanh chóng.

Nhờ có các giải pháp đột phá nêu trên mà trong năm 2021 đơn vị đã đưa ra giải quyết, xét xử kịp thời không có án quá hạn luật định giải quyết án đạt tỉ lệ  94,2%. 

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết và xét xử các loại vụ việc

Thứ nhất, khâu nhận đơn đầu vào là rất quan trọng đơn vị phân công cán bộ có năng lực và tiếp dân tốt để đảm nhiệm. Do tình hình dịch Covid -19 đương sự không đến Tòa án nộp đơn trực tiếp mà gửi qua đường bưu điện nên phần lớn là không đúng mẫu, nội dung không rõ ràng, yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề gì cũng chưa nêu rõ được trong đơn. Xuất phát từ tình hình đó để tránh tình trạng phải trả đi trả lại nhiều lần gây phiền hà cho người dân bằng cách cán bộ văn phòng nhận đơn sau khi nghiên cứu thật kỹ đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để trao đổi qua thông tin liên lạc mà nguyên đơn có ghi số điện thoại trong đơn khởi kiện và phiếu hướng dẫn, thông báo sửa chữa, bổ sung thật tỉ mỉ, rõ ràng, dễ hiểu để đương sự thực hiện một lần là đầy đủ. Nhờ làm tốt công tác nhận đơn nên thời gian qua việc nộp đơn của đương sự thông qua đường bưu điện cũng được giải quyết tốt không phải trả đi trả lại nhiều lần, gây phiền hà cho người dân nhất là trong thời kỳ dịch Covid -19.

Thứ hai, trong công tác phân công án cho Thẩm phán đồng đều các loại án (Hình sự, Dân sự, Hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại…) để tạo ra sự công bằng, tránh sự so bì giữa các Thẩm phán và từ đó các Thẩm phán có điều kiện tiếp cận các loại án khác nhau nhằm nâng cao năng lực, trình độ được toàn diện hơn.

Đơn vị phát động phong trào thi đua giải quyết án trong đơn vị, theo kế hoạch là mỗi Thẩm phán giải quyết án mỗi tháng 10 vụ trở lên, nếu Thẩm phán nào không đạt thì cuối tháng họp đơn vị kiểm điểm, giải trình để tháng sau cố gắng hơn nữa, giải quyết bù lại số án không đạt của tháng trước. Sau 1 quý có họp xét nếu Thẩm phán nào đạt trên 30 vụ, việc thì đơn vị có biểu dương và khen thưởng bằng hiện vật nhằm khích lệ tinh thần làm việc của Thẩm phán và Thư ký. Nhờ có kế hoạch như thế nên các Thẩm phán và Thư ký thi đua nhau giải quyết án đạt và vượt kế hoạch cụ thể có nhiều Thẩm phán giải quyết đạt 50 vụ/quý, tương đương 16,6 vụ, việc trên tháng.  

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo phải thực hiện thường xuyên và liên tục cụ thể là danh sách án thụ lý của từng Thẩm phán, Chánh án phải nắm thật kỹ để theo dõi thời gian giải quyết án trên 4 tháng, trên 6 tháng để nhắc nhở kịp thời, không để tình trạng án khó để lâu, giải quyết án dễ trước, hàng tháng, hàng quý cân đối số lượng án phải giải quyết đạt theo kế hoạch, không để trường hợp đầu năm làm từ từ dồn cuối năm chạy không kịp. Ngoài ra lãnh đạo cùng với các Thẩm phán tháo gỡ đối với những vụ án phức tạp để tìm ra nguyên nhân và định hướng đường lối giải quyết cho Thẩm phán. Nếu những vụ nào rất phức tạp và khó khăn mà Thẩm phán không thể làm được thì Lãnh đạo trực tiếp hỗ trợ để tháo gỡ, vướng mắc, khó khăn (VD: Thu thập thông tin, chứng cứ, định giá, thẩm định tại chỗ…) 

Thứ tư, công tác phối kết hợp tốt với các ngành tố tụng, các cơ quan liên quan. Đơn vị đánh giá đây là khâu quan trọng và quyết định đến chỉ tiêu và chất lượng giải quyết án vì các cơ quan này không phối hợp tốt hoặc chậm trễ thì sẽ gặp khó khăn ngay. Nên ngay từ đầu năm Chánh án đã chủ động bàn bạc và được sự thống nhất tất cả các ngành, các đơn vị và đã ban hành được 2 Quy chế; 1 Quy chế đối với các cơ quan tiến hành tố tụng (TA, VKS, CA) trong lĩnh vực hình sự, dân sự và thi hành án hình sự; 1 Quy chế đối với Ủy ban nhân dân huyện và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin, chứng cứ, sao lục hồ sơ, thẩm định tại chỗ, định giá… Từ đó được các ngành ủng hộ nhiệt tình và đảm bảo về thời gian giúp cho đơn vị giải quyết án được kịp thời không có án quá hạn.

Thứ năm, để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các Thẩm phán và Thư ký trong các cuộc họp, đơn vị dành một thời gian phù hợp để thông qua báo cáo rút kinh nghiệm của Tòa án Tỉnh, Báo cáo phúc tra của đơn vị và các huyện bạn để Thẩm phán, Thư ký nhận thức, phân tích được những ưu điểm để phát huy và những sai sót cần rút kinh nghiệm. Ngoài ra đơn vị thường xuyên thông qua các bản án lệ đã được ban hành, bản án giám đốc thẩm, trao đổi nghiệp vụ của Tòa án Tối cao, Tòa án tỉnh để các Thẩm phán và Thư ký có định hướng giải quyết và xét xử những vụ án tương tự được nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu quả cao.

Thứ sáu, để nâng cao chất lượng và công tác xét xử thông qua phiên tòa rút kinh nghiệm. Tòa án chủ động kết hợp cùng VKS thực hiện được 16 phiên tòa đạt chất lượng cao (9 Hình sự, 7 Dân sự) bình quân mỗi Thẩm phán là 2 phiên tòa, phiên tòa được chọn là vụ án có tính chất phức tạp, nhiều mối quan hệ, có một hoặc nhiều luật sư tham gia bào chữa có tính học hỏi và chất lượng cao. Sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án kết hợp cùng VKS rút kinh nghiệm chung đánh giá cách đều hành của chủ tọa phiên tòa, KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử, Hội thẩm tham gia xét hỏi tại phiên tòa sau khi nhận xét, đóng góp ý kiến ưu khuyết điểm và đưa ra kết luận Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, KSV tham gia xét xử và Hội thẩm rút ra được kinh nghiệm.  Đặc biệt là các Thẩm phán và Thư ký, KSV tham dự cũng học được từ phiên tòa và kết luận của Chánh án và Viện trưởng Viện kiểm sát, từ đó phối kết hợp trong xét xử án các loại án đạt kết quả rất cao không có án hủy sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Thứ bảy, sau khi kết thúc phiên tòa Thẩm phán phải hoàn chỉnh bản án đúng quy định, bản án tuyên rõ ràng dễ thi hành, Thư ký hoàn thành bút ký phiên tòa tống đạt và chuyển giao bản án cho các cơ quan chức năng, đăng cổng thông tin điện tử đúng thời hạn luật định.

 

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa trao Cờ Thi đua của Chính phủ và chúc mừng Chánh án TAND huyện Tam Nông Hứa Quang Thông - Ảnh: TAĐT

HỨA QUANG THÔNG  (Chánh án TAND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp)