Các loại hình hòa giải hiện nay

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hòa giải gồm có các loại hình chính: hòa giải ngoài Tòa án; hòa giải tại Tòa án; hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài. Hòa giải ngoài Tòa án bao gồm: hòa giải cơ sở, hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn), hòa giải các tranh chấp lao động, hòa giải tranh chấp thương mại, hòa giải tranh chấp người tiêu dùng với cơ quan, tố chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Hòa giải tại Tòa án bao gồm hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự và hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong phạm vi bài nghiên cứu này, người viết tiến hành phân biệt từng loại hình hòa giải điển hình bao gồm hòa giải cơ sở với hòa giải tiền tố tụng, hòa giải theo thủ tục tố tụng Tòa án và hòa giải theo thủ tục tố tụng Trọng tài, hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự và hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án, chỉ ra sự khác biệt cơ bản nhất.

1.Phân biệt hòa giải cơ sở và hòa giải tiền tố tụng

Hòa giải tiền tố tụng được hiểu là trong trường hợp mà pháp luật quy định, các chủ thể trong mối quan hệ tranh chấp phải hòa giải thông qua cơ quan hòa giải. Sau khi có kết quả hòa giải, dù là hòa giải không thành, chủ thể mới được tiếp tục gửi đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền. Có thể nói, hòa giải tiền tố tụng là thủ tục bắt buộc, một trong những điều kiện thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hòa giải tiền tố tụng gồm có hai hình thức là hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất tại UBND xã, (phường, thị trấn) và hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền.

1.1.Về phạm vi hòa giải

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở

Phạm vi của hòa giải bao gồm: mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình; vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật hình sự trong một số trường hợp được pháp luật quy định…[3].

Đối với hoạt động hòa giải tiền tố tụng:

+ Trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Phạm vi hòa giải đối với hoạt động này là những tranh chấp đất đai mà các bên không tự hòa giải được. Tranh chấp đất đai bao gồm tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất. Theo đó, các tranh chấp tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp; còn tranh chấp quyền sử dụng đất được hiểu là tranh chấp ai có quyền sử dụng đất thì phải tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp [4].

+ Trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: Phạm vi hòa giải là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Tuy nhiên các tranh chấp lao động cá nhân  sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; 

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; 

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; 

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

+ Trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền: Phạm vi hòa giải là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.

1.2. Về bản chất

Hoạt động hòa giải ở cơ sở là việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ, khuyến khích, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, vi phạm pháp luật giúp giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; ngăn ngừa kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm bớt vụ việc phải đưa lên TAND giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Khác với hòa giải ở cơ sở, hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất của UBND cấp xã, phường, thị trấn; hòa giải tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền tại Hòa giải viên lao động, Chủ tịch UBND huyện (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là một thủ tục có tính chất pháp lý bắt buộc. Đây có thể được coi như là một giai đoạn bắt buộc trước khi nộp đơn khởi kiện đến TAND có thẩm quyền.

1.3. Về chủ thể thực hiện việc hòa giải

Hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện bởi các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải. Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở (gồm thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố và cộng đồng dân cư khác) để hoạt động hòa giải. Cơ cấu tổ chức của tổ hòa giải gồm có tổ trưởng và các hòa giải viên; mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ (đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số). Hòa giải viên được bầu ra trong số những người có các tiêu chuẩn như: có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân, có hiểu biết pháp luật. Sau khi bầu chọn được hòa giải viên, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Tổ trưởng tổ hòa giải do hòa giải viên bầu trong số các hòa giải viên để phụ trách tổ hòa giải.

Hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai do Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện. Cơ cấu thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh [5].

Hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân do Hòa giải viên lao động tiến hành. Hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp tập thể về quyền do Hòa giải viên lao động, Chủ tịch UBND huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) tiến hành. Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động: Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khoẻ và phẩm chất đạo đức tốt; Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án; Am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; Có 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động, có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động [6].

1.4.Về hệ quả pháp lý của việc hòa giải

Đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở: Nếu hòa giải thành, các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành; nếu hòa giải không thành thì các bên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp đất đai: Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản. Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của UBND cấp xã. Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân: Kết quả hòa giải tranh chấp lao động cá nhân phải được lập thành biên bản. Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo luật định mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Đối với hoạt động hòa giải trong giải quyết các tranh chấp lao động tập thể về quyền: Nếu hòa giải viên lao động hòa giải không thành, các bên có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) giải quyết. Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn luật định mà Chủ tịch UBND cấp huyện, (thị xã, thành phố thuộc tỉnh) không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

2..Phân biệt hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự và hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Ngày 22-01-2018, TANDTC ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng; tiến tới xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính. Do đó, việc phân biệt hai loại hình hòa giải này có ý nghĩa thiết thực.

2.1.Về bản chất

Hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án [7]: Xét về phạm vi, Hòa giải viên tại Trung tâm có quyền hòa giải tất cả các tranh chấp dân sự  theo nghĩa rộng: dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động và việc thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được. Tuy nhiên việc hòa giải này được thực hiện sau khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhưng chưa thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hoặc các bên có yêu cầu Trung tâm hòa giải tại Tòa án thực hiện việc hòa giải trong khi các bên chưa nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo hướng dẫn của TANDTC , khác một số quy định của BLTTDS.

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án: Xét về phạm vi, Thẩm phán có quyền hòa giải tất cả các tranh chấp dân sự theo nghĩa rộng: dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động và việc thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được (Điều 206, 207), vụ án giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tuy nhiên việc hòa giải này được tiến hành sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

2.2.Về phương thức hòa giải

Hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án [8]:  Hòa giải viên được quyền quyết định thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải, không buộc phải thu thập chứng cứ đầy đủ rồi mới bắt đầu phiên hòa giải. Mặc khác nếu các bên tranh chấp yêu cầu, Hòa giải viên có thể hòa giải vụ việc ngoài trụ sở Trung tâm hòa giải. Hòa giải viên có được sự linh hoạt, không bị gò bó theo trình tự thủ tục của BLTTDS. Sau khi được phân công vụ việc cần hòa giải, Hòa giải viên sẽ thực hiện nghiên cứu hồ sơ và hòa giải trong thời hạn 20 ngày, trong trường hợp cần thiết việc hòa giải có thể tiến hành trong hai tháng nên được các bên đồng ý. Thông tin trong quá trình hòa giải phải giữ bí mật, tài liệu, lời trình bày của các bên tranh chấp và thông tin thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án không là chứng cứ, trừ trường hợp các bên đồng ý sử dụng các tài liệu, lời trình bày chứng cứ đó tại Tòa án.

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án: Pháp luật tố tụng không quy định thời điểm mở phiên hòa giải cụ thể là bao nhiêu ngày kể từ ngày thụ lý, tùy từng trường hợp khi xét thấy việc xây dựng hồ sơ, thu thập chứng cứ đã đầy đủ, các tình tiết của vụ án đã được làm rõ; Thẩm phán sẽ linh hoạt ấn định thời điểm mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử sao cho phù hợp, miễn là trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Do BLTTDS có quy định nguyên đơn có quyền thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện [9], bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nhận, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải [10] nên về thực tiễn xét xử, Thẩm phán thường thu thập chứng cứ đầy đủ, toàn diện đối với từng yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập rồi mới mở phiên họp kiểm tra việc giao nhận, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Mặc khác, việc hòa giải vụ án là công khai, theo trình tự thủ tục chặt chẽ của BLTTDS năm 2015.

2.3 Về hậu quả pháp lý

Hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Nếu hòa giải thành, các bên tranh chấp có thể lựa chọn 02 cách là làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo thủ tục việc dân sự; hoặc rút đơn khởi kiện, Tòa án sẽ ban hành thông báo trả đơn khởi kiện theo điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án: Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án phải lập biên bản hòa giải, ghi đầy đủ những nội dung không thỏa thuận được theo quy định tại Khoản 3 Điều 211 BLTTDS và ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung.

Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết một phần vụ án hoặc thỏa thuận được về toàn bộ nội dung vụ án nhưng không thỏa thuận được với nhau về nghĩa vụ chịu án phí thì thuộc trường hợp hòa giải không thành; trong biên bản hòa Tòa án ghi rõ những nội dung đã được các đương sự thống nhất và những nội dung không thống nhất.

Nếu các đương sự thống nhất được với nhau về toàn bộ các vấn đề giải quyết vụ án (kể cả phần án phí) thì Tòa án mới lập biên bản hòa giải thành, trong đó nêu rõ tranh chấp và nội dung các đương sự thỏa thuận, hướng giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hoà giải thành, nếu đương sự nào có thay đổi về sự thỏa thuận trên đây, thì phải làm thành văn bản gửi cho Tòa án. Hết thời hạn này, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó, thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Có một điểm cần lưu ý là hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự và hòa giải thí điểm tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cụ thể hòa giải viên do Tòa án lựa chọn và công nhận, Tòa án có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, tống đạt văn bản tố tụng…[11]

3.Phân biệt hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án và hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài

3.1.Về bản chất

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án là hòa giải các vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án liên quan đến các tranh chấp dân sự theo nghĩa rộng (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động).

Hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài: Các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp, bao gồm các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài [12] do các bên thỏa thuận. Về nguyên tắc, trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý.

3.2. Về phương thức tiến hành

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự Tòa án là thủ tục trong quá trình giải quyết vụ án dân sự theo nghĩa rộng. Việc hòa giải vụ án là công khai, theo trình tự thủ tục chặt chẽ của BLTTDS năm 2015. Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.

Hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài: Trọng tài viên giải quyết vụ việc phải giữ bí mật tranh chấp. Luật Trọng tài thương mại quy định trong quá trình giải quyết vụ việc, các bên được quyền lựa chọn ngôn ngữ, địa điểm giải quyết tranh chấp, trong trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì các bên được lựa chọn luật áp dụng, lựa chọn trọng tài.

Một điểm đáng lưu ý là các quyết định của trọng tài được công nhận quốc tế thông qua công ước quốc tế, đặc biệt là Công ước New York 1958.

3.3.Về hậu quả pháp lý

Hòa giải theo thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án: Nếu các bên hòa giải thành với nhau, Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Nếu các bên không hòa giải thành hoặc hòa giải được một phần vụ việc, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Bản án, quyết định có thể bị kháng cáo phúc thẩm, tái thẩm hay giám đốc thẩm. Như vậy, quá trình tố tụng có thể bị kéo dài do trải qua nhiều cấp xét xử.

Hòa giải theo thủ tục tố tụng trọng tài: Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm nên các bên đương sự không có cơ hội kháng cáo, kháng nghị.

Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc phải đăng ký phán quyết, nếu không đăng ký phán quyết thì cơ quan thi hành án sẽ không hỗ trợ.

 

[1] Trần Ngọc Thêm (2009), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, trang 99.

[2] Từ điển Luật học (1999), Nhà xuất bản từ điển Bách Khoa, Hà Nội, tr208 – 209.

[3] Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.

[4] Tinh thần Nghị quyết 05/2012/ NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[5] Trong giải quyết các tranh chấp đất đai theo Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai,

[6] Chương II Nghị định 46/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về tranh chấp lao động ngày 10/5/2013.

[7] Trung tâm này được tổ chức theo Công văn số 308/TANDTC-PC ngày 09/10/2018.

[8] Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11-10-2018 hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính áp dụng trong quá trình triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

[9] Công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC  ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV.

[10] Điều 200, 201 BLTTDS năm 2015.

[11] Tống Anh Hào (2018), Kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự tại Tòa án, Bộ tài liệu hội nghị tập huấn về quy trình, kỹ năng hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự; khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân, TP Hồ Chí Minh, trang 44 – 45.

[12] Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010.

Th.s NGUYỄN THỊ THANH VÂN (TAND huyện Cần Giuộc, Long An)