Các nguyên tắc pháp quyền và việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Cho đến nay cả về lý luận cũng như tổ chức thực hiện chưa có nhận thức đầy đủ về pháp quyền là gì? Các nguyên tắc pháp quyền là những nguyên tắc nào? Vị trí và vai trò của các nguyên tắc này ra sao? Việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta như thế nào? Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, Tạp chí xin giới thiệu bài viết của GS. TS. Trần Ngọc Đường nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đăng trên Tạp chí Cộng sản.

Đại hội XII của Đảng đã chính thức khẳng định các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Nhận thức một cách đầy đủ và tường minh về pháp quyền, các nguyên tắc pháp quyền có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất thiết thực trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Tổng kết 30 năm đổi mới toàn diện đất nước và đề ra phương hướng cho giai đoạn tới, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn”(1). Có thể nói, lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng, đã chính thức thừa nhận và khẳng định các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay cả về lý luận cũng như tổ chức thực hiện chưa có nhận thức đầy đủ về pháp quyền là gì? Các nguyên tắc pháp quyền là những nguyên tắc nào? Vị trí và vai trò của các nguyên tắc này ra sao? Việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta như thế nào?

Pháp quyền và các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Pháp quyền (trong tiếng Anh là Rule of law; gần gũi với nó, trong tiếng Đức là  Rechtstaut và trong tiếng Pháp là Etat de Droit) là một khái niệm có nội hàm rất “mở”. Tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị, lịch sử, truyền thống văn hóa, pháp luật của mỗi quốc gia mà khái niệm pháp quyền có nội hàm rộng, hẹp khác nhau. Ngày nay, có thể tìm thấy nhiều định nghĩa về pháp quyền trong các cuốn từ điển và trong các tài liệu của các tổ chức quốc tế. Ví dụ, pháp quyền là sự hạn chế việc sử dụng quyền lực tùy tiện bằng cách ràng buộc quyền lực vào những đạo luật được xây dựng rõ ràng, chặt chẽ(2). Theo Từ điển Black’s law, pháp quyền là “trạng thái tuyệt đối rằng luật pháp đứng trên mọi công dân bất chấp sự khác biệt về quyền lực giữa các công dân”(3). Hoặc theo Liên hợp quốc, pháp quyền là “nguyên tắc quản trị mà trong đó tất cả cá nhân, tổ chức, thiết chế, cả công cộng và tư nhân, kể cả nhà nước đều phải tuân thủ pháp luật, mà pháp luật này được công bố công khai, được áp dụng bình đẳng và được phân định một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”(4). Các định nghĩa trên tuy có sự khác nhau về cách diễn đạt nhưng đều cùng chung một nhận thức cốt lõi về pháp quyền, đó là: Pháp luật có tính tối thượng mà mọi chủ thể bao gồm cả người dân và nhà nước đều bị điều chỉnh bởi pháp luật và đều phải tuân thủ pháp luật; pháp luật đó phải là pháp luật bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và pháp luật đó được hình thành một cách dân chủ, chứa đựng các giá trị của quốc gia, dân tộc và quốc tế.

Đối lập với pháp quyền là pháp trị. Pháp trị cũng như pháp quyền đều đề cao pháp luật, nhưng theo quan niệm pháp trị, pháp luật là của nhà nước, do nhà nước đặt ra nhằm mục đích chủ yếu là cai trị người dân, quản lý xã hội; còn bản thân nhà nước đứng trên pháp luật, có thể hành xử tùy tiện, bất chấp pháp luật do mình đặt ra. Ngược lại, theo quan niệm pháp quyền, về bản chất, pháp luật là của nhân dân, là phương tiện để nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước nguy cơ xâm phạm của nhà nước và để giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Pháp quyền và pháp trị đối lập nhau về chất. Bởi, theo quan niệm pháp quyền, quyền lực nhân dân cao hơn quyền lực nhà nước, trong đó quyền lực nhà nước được phái sinh từ quyền lực nhân dân, được nhân dân giao quyền, ủy quyền có giới hạn và phải chịu sự kiểm soát. Hay nói cách khác, nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, có trước, tồn tại một cách khách quan và độc lập với quyền lực nhà nước. Như vậy, đồng nhất pháp quyền với pháp trị thì chẳng khác nào là sự cổ vũ cho một chế độ chuyên chế. Điều đó trái ngược với bản chất của pháp quyền là xác lập các quy tắc dân chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước trong quản trị quốc gia.

Pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng khác với pháp chế trong nhà nước hành chính, quan liêu, bao cấp. Pháp chế trong nhà nước này, mặc dù pháp luật mang tính chất nhân văn nhưng chủ yếu là ý muốn chủ quan và những mệnh lệnh quyền uy từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kể cả những mệnh lệnh quyền uy trong quan hệ kinh tế - dân sự. Ngược lại, pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì pháp luật bắt nguồn từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân, trước hết là để quản lý bản thân nhà nước, buộc nhà nước phải làm theo những quy định của pháp luật và sau đó, đến lượt pháp luật làm phương tiện quản lý xã hội, quản lý con người.

Với quan niệm về pháp quyền như trên, ở các nước dân chủ và pháp quyền cũng như các tổ chức trên thế giới ngày nay đều thừa nhận pháp quyền là nguyên tắc quản trị nhà nước. Theo Liên hợp quốc, pháp quyền là nguyên tắc quản trị quốc gia. Nghị viện châu Âu cũng xem pháp quyền là nguyên tắc chung của các quốc gia trong châu lục. Theo đó, nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò nền tảng cho định hướng các hoạt động của các quốc gia, ràng buộc quan hệ giữa các nước. Vì thế, pháp quyền được xem là nguyên tắc phổ quát có tính toàn cầu, giữ  vai trò như một yếu tố nền tảng trong các quan hệ quốc tế.

Ở nước ta, thuật ngữ pháp quyền ra đời từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Véc-xây (Versailles) năm 1919 của Nguyễn Ái Quốc. Về sau, Người đã chuyển thể bản yêu sách đó thành “Việt Nam yêu cầu ca” để phổ biến rộng rãi cho mọi người, trong đó có hai câu: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”. Đối với Đảng ta, pháp quyền được quan niệm là các nguyên tắc và lần đầu tiên được chính thức ghi nhận trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng. Trong các công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta, pháp quyền được hiểu với tư cách là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ở trong nước cũng như trong quan hệ quốc tế. Tuy có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tất cả các tác giả đều thống nhất rằng, nội dung cốt lõi của các nguyên tắc pháp quyền là pháp luật giữ vị trí tối thượng trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, là giới hạn đối với quyền lực nhà nước và tồn tại khách quan đối với quyền lực nhà nước. Vì thế, Nhà nước nói chung, các cơ quan nhà nước, công chức và viên chức nhà nước nói riêng đều bị ràng buộc bởi pháp luật, phải tuân thủ và chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, ở nước ta, trong cách hiểu và sử dụng trên thực tế về thuật ngữ pháp quyền và thuật ngữ nguyên tắc pháp quyền, có thể thấy hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, đồng nhất pháp quyền với nguyên tắc pháp quyền để chỉ pháp quyền với tư cách là nguyên tắc tổng quát, là nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo về sự tuân thủ tinh thần và nội dung của Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động của quyền lực nhà nước cũng như của các thiết chế chính trị - xã hội trong một nhà nước dân chủ và pháp quyền; là nguyên tắc xử sự giữa các quốc gia theo các điều ước và thông lệ quốc tế.

Trường hợp thứ hai, không đồng nhất pháp quyền với nguyên tắc pháp quyền để chỉ nguyên tắc pháp quyền được cấu thành từ nhiều nội dung mang tính pháp quyền mà mỗi nội dung là một nguyên tắc cấu thành của nguyên tắc pháp quyền tổng quát. Theo nghĩa này, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã sử dụng “các nguyên tắc pháp quyền”.

Xuất phát từ cách tiếp cận của Văn kiện Đại hội XII của Đảng, ở nước ta, trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền cơ bản sau đây:

Một là, pháp luật phải rõ ràng, công khai, ổn định, đúng đắn và được áp dụng chung, thể hiện các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền từ phương diện hình thức của pháp luật và là yếu tố đầu tiên cấu thành pháp quyền trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chính vì thế mà nhiều văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật”(5).

Hai là, quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực của Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong giới hạn và bị kiểm soát, bị ràng buộc bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền về nội dung trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Bởi, đây là yếu tố thể hiện chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Quyền lực chính trị của Đảng lãnh đạo và quyền lực của Nhà nước đều có nguồn gốc, ra đời, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân và do đó, bị giới hạn bởi quyền lực của nhân dân. Chính vì thế mà Hiến pháp năm 2013 là phương tiện để nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho Đảng và Nhà nước. Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ được xác định trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.

Ba là, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một nội dung cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền, không những ở nước ta mà còn được hầu hết các nhà nước dân chủ và pháp quyền trên thế giới thừa nhận. Trong nhà nước pháp quyền không cho phép bất kỳ một người nào, cơ quan, tổ chức nào đứng trên pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, con người nếu không vi phạm pháp luật thì họ hoàn toàn tồn tại trong trạng thái an toàn về mặt pháp lý khi đối diện với quyền lực nhà nước. Đây là một yếu tố cấu thành không thể thiếu của nguyên tắc pháp quyền.

Bốn là, pháp luật phải được mọi người tôn trọng, bảo vệ và thực thi trong hoạt động của Nhà nước cũng như của toàn xã hội bằng công tác tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng được một hệ thống pháp luật có chất lượng tốt đã là khó, nhưng khó hơn là đưa pháp luật vào cuộc sống và duy trì hiệu lực, hiệu quả trên thực tế. Để đưa pháp luật vào cuộc sống, phải tổ chức thi hành pháp luật, từ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến việc kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ pháp luật. Vì thế, pháp quyền không thể có được trên thực tế, nếu pháp luật không được bảo vệ và được thực thi trong hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Năm là, khi thực hiện quyền tư pháp, tòa án xét xử độc lập, bảo vệ công lý, công bằng, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân. Quyền tư pháp độc lập với tư cách là một yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trước hết và chủ yếu là thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Có độc lập, người xét xử mới đưa ra các tài phán vô tư, vì công lý, công bằng, vì quyền con người, quyền công dân. Tất cả các nguyên tắc pháp quyền nói trên có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất, cấu thành pháp quyền ở nước ta.

Vai trò của các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta

Trong  xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các nguyên tắc pháp quyền có vai trò cực kỳ quan trọng.

Thứ nhấtcác nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò là những tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng có các đặc trưng cơ bản sau đây: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc cơ bản là “phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”; tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Hiến pháp và pháp luật; Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí và hiệu lực cao nhất trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân và không ngừng hoàn thiện cơ chế pháp lý đó; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh, có thiện chí các điều ước quốc tế mà Nhà nước đã ký kết hoặc thừa nhận; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật (Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Những đặc trưng cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói trên không hình thành ngay mà từng bước được xây dựng và hoàn thiện trong hơn 75 năm qua. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện đó là các nguyên tắc pháp quyền. Trong mỗi đặc trưng cấu thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đều lấy các nguyên tắc pháp quyền làm tư tưởng chỉ đạo, đồng thời là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ hai, các nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò là tư tưởng chỉ đạo trong quản trị quốc gia, đồng thời là tiêu chí để đánh giá trình độ pháp quyền trong quản lý nhà nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong nhà nước pháp quyền, từ hoạt động lập hiến, lập pháp cho đến hoạt động hành pháp, hoạt động tư pháp đều phải lấy các nguyên tắc pháp quyền làm tư tưởng chỉ đạo. Xa rời các nguyên tắc pháp quyền, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước không còn là nhà nước pháp quyền trong các hoạt động thực tiễn. Vì thế, các nguyên tắc pháp quyền nói trên là các tiêu chí đánh giá trình độ pháp quyền trong quản trị nhà nước, trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ ba, các nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò là tư tưởng chủ đạo trong quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Liên hợp quốc, pháp quyền là một nguyên tắc quản trị của các quốc gia dân chủ và pháp quyền, đồng thời là một nguyên tắc quản trị trong các mối quan hệ quốc tế. Trong một nhà nước mà tất cả mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế công và tư, kể cả nhà nước đều thượng tôn pháp luật, được công bố công khai, được thực thi và áp dụng bình đẳng trong thực tế và được tài phán một cách độc lập, phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế là điều kiện rất cơ bản để mở rộng quan hệ quốc tế, phát triển mối quan hệ giữa các quốc gia không những về chính trị mà cả về kinh tế và các lĩnh vực khác. Các nguyên tắc pháp quyền được đề cao và thực hiện trên thực tế của mỗi quốc gia trong điều kiện ngày nay trở thành lòng tin và sự lựa chọn trong quan hệ quốc tế.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và Nhà nước tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền

Cơ chế vận hành hệ thống chính trị ở nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng không quản lý và điều hành xã hội thay Nhà nước. Nhà nước quản lý dưới sự lãnh đạo của Đảng để cả Nhà nước và Đảng phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Theo đó, chủ thể tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mỗi chủ thể đều có vị trí, vai trò trong việc thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là chủ thể trước tiên và quan trọng nhất trong việc tuân thủ và thực hiện nguyên tắc pháp quyền. Các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng phải thượng tôn pháp luật trong việc thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, cụ thể:

Một là, bản thân tổ chức đảng và đảng viên, hơn ai hết, phải là tấm gương thượng tôn pháp luật. Bản thân đảng viên cũng như tổ chức đảng phải nhận thức rằng, tuy Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng sự lãnh đạo đó là trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, bị kiểm soát và bị ràng buộc bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tấm gương thượng tôn pháp luật của Đảng là nhân tố quyết định việc thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền của Nhà nước và của nhân dân; đồng thời, là nhân tố quyết định Đảng giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền.

Hai là, bản thân tổ chức đảng và đảng viên lãnh đạo Nhà nước và nhân dân thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền với những nội dung chính sau:

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo Quốc hội tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng pháp luật, trong hoạt động giám sát tối cao cũng như quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Trong hoạt động của Quốc hội, việc tuân thủ và thượng tôn các thủ tục hoạt động nghị trường của Quốc hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Các thủ tục nghị trường được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, chẳng những bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội dân chủ; phát huy trí tuệ của đại biểu Quốc hội; chất lượng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước được nâng cao, mà còn là tiêu chí đánh giá Quốc hội có tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền hay không? Vì thế, sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội trong việc thực hiện các nguyên tắc pháp quyền trước hết và quan trọng nhất là Đảng phải tạo điều kiện và bảo đảm Quốc hội tuân thủ và thượng tôn các quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội. Đảng không bao biện, làm thay công việc của Quốc hội hoặc can thiệp vào các công việc cụ thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hay nói cách khác, Đảng lãnh đạo Quốc hội thực hiện các nguyên tắc pháp quyền, đó là quá trình làm cho Quốc hội hoạt động thực quyền, làm đúng, làm đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo các cơ quan hành pháp trong việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, đó là sự lãnh đạo, để một mặt, bảo đảm cho Chính phủ và chính quyền địa phương tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội; mặt khác, phát huy được sự năng động, kiến tạo, liêm chính trong việc thực hiện quyền hành pháp. Theo đó, Đảng phải lãnh đạo quá trình kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để sớm phát hiện các biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động hành pháp. Đồng thời, Đảng khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan hành pháp phát huy vai trò kiến tạo các quan hệ xã hội bằng việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật mới thông qua chức năng lập quy và chức năng soạn thảo, trình Quốc hội các dự án luật, hoặc trình các nghị quyết trước hội đồng nhân dân cùng cấp.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo các cơ quan tư pháp trong việc tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, mà trước hết là, trực tiếp lãnh đạo cải cách tư pháp, bảo đảm tòa án xét xử theo đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân, của viện kiểm sát nhân dân và các cơ quan điều tra. Đặc biệt, lãnh đạo triệt để tuân thủ nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và nguyên tắc tranh tụng nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đảng chỉ lãnh đạo mà không chỉ đạo và can thiệp vào các vụ án cụ thể.

Thứ tư, Đảng lãnh đạo xã hội tuân thủ nguyên tắc pháp quyền thông qua việc lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chấp hành pháp luật, mà tấm gương thượng tôn pháp luật của các đảng viên và tổ chức đảng là phương thức lãnh đạo cơ bản và quan trọng nhất.

Thứ năm, Đảng lãnh đạo công tác kiểm soát quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực nhà nước. Theo V.I. Lê-nin, vấn đề mấu chốt của toàn bộ công tác đảng trong thời kỳ xây dựng chế độ mới là công tác kiểm tra, kiểm soát. Làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát là biện pháp cơ bản để khắc phục sự tha hóa của quyền lực nhà nước và quyền lực lãnh đạo của Đảng; tạo lập môi trường thượng tôn pháp luật trong Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

 

Trong nhà nước pháp quyền, từ hoạt động lập hiến, lập pháp cho đến hoạt động hành pháp, hoạt động tư pháp đều phải lấy các nguyên tắc pháp quyền làm tư tưởng chỉ đạo (Trong ảnh: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV) -Ảnh: Tư liệu

-----------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 175

(2) A.V. Dicey: Introduction to the study of law of the constitution (A.V. Dicey with a introduction by E.cwade), the Mac Millan Press, 1979, tr. 193
(3) Black’s law dictionary 10th, Edition by Bryan A. Garner, tr. 692
(4) Report of the secretary - General on the rule of law an transitional justice in conflict and post - conflict societies (S/2004/616)
(5) Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24-5-2005, của Bộ Chính trị, “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”

GS. TS. TRẦN NGỌC ĐƯỜNG (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)