Hành vi dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu trong các vụ án giết người và hướng hoàn thiện pháp luật

Để quá trình xét xử xác định đúng tội danh theo quy định pháp luật, hạn chế các tình trạng hủy, sửa của Tòa án cấp trên trong phạm vi bài viết tác giả xin đưa ra một số quan điểm về thực tiễn áp dụng, xác định hành vi dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu trong các vụ án giết người và hướng hoàn thiện pháp luật.

Qua thực tiễn công tác, tham khảo án lệ, hướng dẫn của TANDTC cũng như các thông báo rút kinh nghiệm về việc giải quyết vụ án “giết người” tác giả nhận thấy thực tiễn xét xử còn nhiều lúng túng khi phân biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp đối tượng dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu, gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân (trường hợp nạn nhân chưa chết). Vì chưa có quy định cụ thể để xác định thế nào là “Vùng trọng yếu” nên khi giải quyết các vụ án về tội Cố ý gây thương tích, nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất với nhau trong việc nhận định, đánh giá và áp dụng dẫn đến ảnh hưởng việc xử lý dứt điểm vụ án theo đúng quy định pháp luật.

1.Thực tiễn áp dụng và một số vấn đề cần lưu ý

1.1.Không đánh giá đúng tính chất, mức độ

Một số Thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án đánh giá không đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, xác định tội danh không chính xác dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, chưa nghiêm minh trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm, ví dụ:

Vụ thứ nhất: Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 15/01/2018, anh Hoàng Thất - sinh năm 1970, trú tại tổ dân phố 4, phường T.H, thị xã HT, tỉnh TTH chạy xe máy đến nhà Nguyễn Hoài Châu để đòi tiền công làm thợ mộc. Châu hẹn đến cuối giờ chiều thì trả tiền.

Đến khoảng 19 giờ 30 phút, anh Thất đến nhà Châu để đòi nợ nhưng Châu đi uống rượu tại nhà anh Võ Thỏn. Anh Thất vào nhà anh Thỏn nói với Châu “Út, chừ răng Út ?", thì Châu nói “Ta nói mi rồi, chừ mi thích răng, đập bậy thì ra đường”. Hai bên thách thức đánh nhau. Châu đi ra đường sông Bồ để về nhà thì thấy anh Thất lấy 01 cây gỗ dùng làm củi trước nhà anh Thỏn chạy theo. Khi Châu vừa qua bên đường thì anh Thất dùng cây gỗ đánh Châu một cái trúng vào lưng. Thấy vậy, Châu liền chạy vào nhà chị Vân gần đó lấy 1 con dao rồi quay lại chém anh Thất. Thất dùng cây gỗ đánh trả và đưa lên đỡ làm cây gỗ bị rơi xuống đường. Anh Thất liền xông đến ôm người Châu thì bị Châu dùng dao chém 2 nhát trúng vào đỉnh đầu bên trái và bên phải của anh Thất theo hướng từ trên xuống dưới, từ sau ra trước làm con dao rơi xuống đường. Mọi người tri hô và đưa anh Thất đi cấp cứu.

Tại Kết luận pháp y số 29-18/TgT ngày 06/02/2018, Trung tâm pháp y tỉnh T.T.H kết luận thương tích của anh Hoàng Thất như sau: Vết thương phần mềm đỉnh đầu phải 5%, vết thương đỉnh đầu trái 15%. Tỷ lệ tổn thương chung của cơ thể là 19% do vật sắc gây ra. Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2018/HSST ngày 15/8/2018 của TAND Thị xã H.T, tỉnh TTH đã quyết định áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54 BLHS 2015 xử phạt bị cáo Nguyễn Hoài Châu 01 năm tù về tội Cố ý gây thương tích.

Ngày 23/8/2018, bị cáo Nguyễn Hoài Châu có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 154/2018/HS-PT ngày 07/11/2018 của TAND tỉnh TTH đã quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hoài Châu, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 43/QĐ-VC2 ngày 05/4/2019. Viện trưởng VKSNDCC tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm và Bản án hình sự sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật vì hành vi phạm tội của Nguyễn Hoài Châu có dấu hiệu của tội “Giết người". Tại Quyết định giám đốc thẩm số 27/2019/HS-GĐT ngày 27/8/2019 của Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại Đà Nẵng quyết định: Chấp nhận kháng nghị; Hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 154/2018/HS -PT ngày 07/11/2018 của TAND tỉnh TTH và Bản án hình sự sơ thẩm số 17/2018/HS- ST ngày 15/8/2018 của TAND thị xã HT để điều tra lại đối với Nguyễn Hoài Châu về tội “Giết người”.

Vụ thứ hai: Khoảng 10 giờ ngày 29/11/2017, Tạ Duy Hiển cầm một con dao tự chế bằng kim loại màu đen, dài 82,5cm, phần lưỡi dao dài 26,5cm, dao có 1 cạnh sắc đi chặt chuối về cho bò ăn. Khi đi qua nhà em trai là Tạ Duy Mười ở khu 16, thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thì thấy nhà anh Mười có một số thợ xây đang khiêng nắp đậy bể phốt nên Hiền để dao ở bụi chuối và vào nhà anh Mười khiêng giúp. Sau khi xong việc, anh Mười đi mua rượu, bia về tất cả cùng ăn uống.

Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, khi nhóm thợ xây đi về chỉ còn anh Mười và Hiển tiếp tục uống rượu thì xảy ra mâu thuẫn, cãi vã giằng co và vật nhau ngã xuống nền nhà làm tay trái của Hiển va đập vào cạnh ghế, tay phải bị kẹp vào cánh cửa chảy máu. Anh Mười vùng dậy, dùng tay phải kẹp vào cổ Hiển, Hiển xin nên anh Mười buông ra. Hiển đứng dậy, đi ra bụi chuối lấy con dao dựng ở đó lúc trước và quay lại nhà anh Mười tiếp tục gây gổ. Lúc này, anh Mười tay cầm con dao gọt hoa quả đứng trước thềm nhà nói: “Em không muốn gây sự với anh, anh về đi". Hiển hai tay cầm dao tiến thẳng và chém về phía anh Mười, anh Mười lấy 01 ghế xếp gần đó giơ lên đỡ, làm ghế rơi xuống sân. Khi anh Mười định chạy ra sân thì bị Hiển dùng chân phải đạp 01 phát trúng vào chân khiến anh Mười loạng choạng ngã nằm nghiêng trên nền sân. Liền lúc này, Hiển hai tay cầm dao chém liên tiếp 3 nhát vào vùng đầu và vùng cổ anh Mười. Thấy anh Mười nằm im, máu chảy nhiều từ đầu xuống mặt, Hiển cầm dao bỏ về nhà. Hậu quả, anh Mười bị vết thương tại vùng cổ thấu cơ kích thước 7cm x2cm; vùng thái dương trán bên trái có 01 vết thương rách da kích thước 4cm x 1cm, vùng đầu bên trái có 01 vết thương thấu xương sọ kích thước 8cm x 3 cm, chảy nhiều máu. Tổng tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của anh Tạ Duy Mười là 23%.

Bản kết luận điều tra số 765/KLĐT ngày 12/3/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh P.T đề nghị truy tố Tạ Duy Hiển phạm tội “Giết người" theo Điều 93 BLHS năm 1999. Cáo trạng số 09/CT-VKSPT-P2 ngày 04/4/2018, truy tố Tạ Duy Hiển phạm tội “Giết người" theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999. Tại phiên tòa sơ thẩm, Đại diện VKSND tỉnh PT thay đổi quyết định truy tố về tội danh và điều luật áp dụng đối với Tạ Duy Hiển về tội “Cố ý gây thương tích" theo khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.

Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HSST ngày 25/5/2018 của TAND tỉnh PT áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134, điểm b, s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 BLHS 2015 xử phạt Tạ Duy Hiển 09 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bản án không có kháng cáo và không bị kháng nghị phúc thẩm nên đã có hiệu lực pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát bản án thấy có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, ngày 20/11/2018 Viện trưởng VKSNDCC tại HN quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HSST ngày 25/5/2018 của TAND tỉnh PT để điều tra lại về tội “Giết người".

Ngày 15/3/2019, Hội đồng giám đốc thẩm TANDCC tại HN đã quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HSST ngày 25/5/2018 của TAND tỉnh PT để điều tra lại về tội “Giết người” cho đúng quy định của pháp luật.

Thông qua hai vụ án cụ thể trên chúng ta có thể thấy hiện nay trường hợp người phạm tội dùng hung khí tấn công người khác nhưng không chứng minh được họ có ý thức tước đoạt mạng sống của người khác như đánh, đâm, chém vào vùng trọng yếu (đầu, ngực, bụng…) trên cơ thể của nạn nhân còn nhiều quan điểm khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi hành động thực hiện tội phạm, như đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân thì buộc họ phải thấy trước được hậu quả tất yếu sẽ xảy ra, việc nạn nhân không chết là nằm ngoài ý muốn, do vậy hành vi của người phạm tội phải bị truy tố và xét xử về tội “Giết người”.

Quan điểm khác lại đánh giá, người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi hành động thực hiện tội phạm, như đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, tuy nhiên hậu quả thương tích không nghiêm trọng, do vậy hành người phạm tội bị truy tố và xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”.

Quan điểm của tác giả cho rằng: Khi định tội danh về trường hợp người phạm tội không có mục đích tước đoạt mạng sống của người khác, không mong muốn hậu quả xẩy ra nhưng khi thực hiện tội phạm, như đâm, chém, đánh vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân thì cần đánh giá và xem xét toàn diện về mặt khách quan, chủ quan của tội phạm.

Phải xem xét mâu thuẫn, hung khí dùng phạm tội, cường độ tấn công của người phạm tội... Nếu mâu thuẫn gay gắt, tội phạm dùng hung khí “dao” khua trúng đâu thì trúng, hoặc đâm, chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân, sau khi đã thực hiện và thoả mãn được mục đích gây thương tích cho nạn nhân người phạm tội không tấn công tiếp và bỏ đi hoặc nạn nhân được mọi người đưa đi cấp cứu, người phạm tội không ngăn cản, không có hành vi tấn công tiếp thì truy tố tội “Cố ý gây thương tích”

Trường hợp, người phạm tội đã đâm, chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân là thoả mãn được mục đích gây thương tích cho nạn nhân nhưng vẫn tiếp tục cố ý truy sát và phạm tội đến cùng là thể hiện ý chí, mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân rõ rệt và mong muốn cho hậu quả xẩy ra. Do vậy hành vi của người phạm tội cấu thành tội “Giết người”.

Cụ thể thông qua hai vụ án trên chúng ta có thể thấy:

+ Đối với vụ án thứ nhất: Hành vi của Nguyễn Hoài Châu là nguy hiểm cho xã hội, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, bị cáo đã dùng hung khí là con dao bằng kim loại chém hai nhát liên tiếp vào vùng đỉnh đầu của anh Thất khiến anh Thất bị vết thương đỉnh trái vỡ vòm sọ có chiều dài gần 5 cm. Do đó, hành vi dùng hung khí nguy hiểm chém vào vị trí xung yếu (đầu) của anh Thất, buộc bị cáo phải biết có khả năng dẫn đến chết người, đã thỏa mãn dấu hiệu của tội “Giết người" theo quy định tại Điều 123 BLHS.

+ Đối với vụ án thứ hai: Xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ trong gia đình giữa anh Tạ Duy Mười (là em trai của Hiển) và Tạ Duy Hiển, Hiển đã cầm 01 con dao bằng kim loại dài 82,5cm, phần lưỡi dao dài 26,5cm đến nhà anh Mười tiếp tục gây gổ. Khi thấy anh Mười đúng ở thềm nhà, Hiển đã cầm dao đi thẳng đến chỗ anh Mười vung lên chém, rồi dùng chân đạp vào chân làm anh Mười ngã xuống nền sân. Lúc này, anh Mười không còn khả năng chống đỡ, Hiển dùng hai tay cầm dao chém liên tiếp 3 nhát với cường độ tấn công liên tục vào vùng đầu và cổ anh Mười, đây là những vị trí trọng yếu trên cơ thể, có khả năng dẫn đến chết người. Hậu quả, anh Mười có 3 vết thương ở đầu và cổ, trong đó có 01 vết thương thấu xương sọ. Mặc dù, anh Mười không chết, nhưng với một chuỗi hành vi liên tiếp của Hiển thể hiện sự hung hãn, cổn đồ, quyết liệt đã trực tiếp đe dọa tước đoạt tính mạng của anh Mười. Hành vi nêu trên của Tạ Duy Hiền đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 BLHS năm 1999 (nay là Điều 123 BLHS năm 2015).

1.2. Những vấn đề cần làm rõ

Để kết quả xét xử được chính xác, thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, thì việc nghiên cứu hồ sơ, quá trình xét xử của Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa và các vị Hội thẩm nhân dân đối với loại tội phạm này phải làm rõ được các vấn đề sau:

– Xác định mục đích hành vi phạm tội: Nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác thì phạm tội giết người, còn nếu ý thức chủ quan không có ý định giết người thì phạm tội cố ý gây thương tích.

– Xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công: Theo Từ điển Tiếng Việt thì: “Mức độ là tiêu chuẩn để xác định cho hành động; Cường độ là độ mạnh của lực”, việc xác định mức độ tấn công, cường độ tấn công nhằm phân biệt hai tội danh này là rất quan trọng trọng. Nếu người phạm tội có hành vi đánh người một cách liên tục và rất mạnh, chứng tỏ họ có ý định giết người.

– Xác định vị trí tác động: Để nhằm phân biệt hai loại tội phạm này trong thực tiễn cần căn cứ vào vị trí tấn công trên cơ thể, có thể xác định các vị trí như vùng đầu, vùng ngực, bụng… đây được xem là những vị trí trọng yếu trên cơ thể. Ngoài ra, khi xác định các vị trí trọng yếu của cơ thể con người cần kết hợp với việc xác định các yếu tố khác như cường độ tấn công, mức độ tấn công, hung khí sử dụng… Ví dụ, việc gây thương tích ở vùng đầu, phải dẫn đến hậu quả làm tổn thương sọ, như vỡ, lún sọ; việc gây thương tích ở vùng ngực phải dẫn đến hậu quả thấu ngực, có tổn thương phổi, tim...

– Xác định yếu tố lỗi: Lỗi của người thực hiện hành vi. Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra. Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người là người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

2.Một số giải pháp và hướng hoàn thiện quy định của pháp luật

Nhằm đánh giá đúng sự thực khách quan, tạo tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, tác giả xin đưa ra một số giải pháp, hướng hoàn thiện quy định pháp luật để góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng phân biệt và định tội danh chính xác, tăng tính hiệu quả của hoạt động tố tụng, tránh oan sai, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và trình độ của Thẩm phán, thư ký Tòa án; lựa chọn phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phù hợp (lưu ý khi phân công các Thẩm phán chưa có kinh nghiệm mới bổ nhiệm hoặc luân chuyển từ khâu công tác khác sang… ). Trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, quá trình giải quyết vụ án có khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, phương hướng điều tra, đường lối xử lý hoặc sự nhận thức khác nhau về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần kịp thời báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Liên ngành cùng cấp để thống nhất giải quyết; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên.

Thứ hai, trước khi có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc pháp luật được sửa đổi, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa cần đánh giá vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi dấu hiệu pháp lý của hành vi như: vị trí tấn công; công cụ, phương tiện sử dụng; cường độ, tính chất quyết liệt; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; động cơ, mục đích… và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trong đó trọng tâm là làm rõ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Việc xem xét đầy đủ các tiêu chí trên là yếu tố bắt buộc, bởi lẽ bỏ qua một trong những tiêu chí trên có thể làm thay đổi toàn bộ sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi chung nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 19, BLTTHS năm 2015) với nội dung trọng tâm yêu cầu mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; Tăng cường tổng kết thực tiễn định tội danh sẽ đóng vai trò kiểm chứng tính đúng đắn của những vấn đề lý luận, qua đó giúp các nhà nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận, tạo tiền đề để kiến nghị sửa đổi pháp luật, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất.

Thứ ba, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần tiếp tục xem xét và lựa chọn ra vài bản án điển hình để tạo thành án lệ có hiệu lực áp dụng chung đối với các vụ án tương tự về sau. Trong đó nhấn mạnh trường hợp nào thì xử lý tội giết người do hành vi dùng hung khí nguy hiểm tác động vào vùng trọng yếu, trường hợp nào truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác khi người phạm tội có tác động vào vùng trọng yếu. Việc ban hành án lệ vừa lược bớt các thủ tục lập pháp hoặc sửa đổi pháp luật rườm rà, vừa tiết kiệm được thời gian và ngân sách nhà nước. Mặt khác, giúp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng tháo gỡ những khó khăn trong việc định tội danh đối với các trường hợp tương tự.

Thứ tư, TANDTC cần xem xét ban hành văn bản hướng dẫn phân biệt giữa hành vi giết người và cố ý gây thương tích trong một số trường hợp nhất định như: hành vi giết người chưa đạt và hành vi cố ý gây thương tích khi có hành vi tác động vào vùng trọng yếu.

Tác giả cho rằng,các văn bản hướng dẫn như Nghị quyết 01 ngày 19/4/1989, Nghị quyết 04 ngày 29/11/1996 đều của Hội đồng thẩm phán TANDTC còn chung chung, chưa cụ thể từng hành vi, một số hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng không thống nhất. Các hướng dẫn đều cho rằng dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể là dấu hiệu pháp lý bắt buộc để xử tội giết người. Đây là quan niệm hết sức cứng nhắc, vì trên thực tế trong các vụ án cố ý gây thương tích tối tượng tác động vào vùng trọng yếu (nạn nhân chưa chết) nhưng những vị trí tác động này đều do lỗi vô ý thì trường hợp này nếu định tội giết người vô hình trung đã bỏ qua nhiều tiêu chí khác có ý nghĩa trong việc định tội danh. Để đáp ứng sự thay đổi của xã hội và pháp luật, cần phải ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế các văn bản cũ nêu trên, trong đó cập nhật các quy định mới có nội dung chi tiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Qua đó, tạo căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được thống nhất, nâng cao hiệu quả xét xử, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm./.

 

TAND tỉnh Quảng Ngãi  xét xử sơ thẩm vụ án giết người và cố ý gây thương tích - Ảnh: T.H /BQN

 

 

VÕ VĂN BÌNH (Phó Chánh án TAND tỉnh Gia Lai)-