Hệ quả của di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật

Bài viết phân tích hệ quả của khối di sản thừa kế khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế ở các góc độ như pháp luật thực định, các quan điểm hiện nay về vấn đề này và thực tiễn Tòa án áp dụng pháp luật trong công tác xét xử, từ đó kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

1.Dẫn nhập

Mọi cá nhân thì có quyền được hưởng di sản, khi bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì đã có cơ quan tài phán là Tòa án bảo vệ, nhưng họ có thể khởi kiện bảo vệ quyền thừa kế của mình ở bất cứ thời gian nào, hay là pháp luật chỉ cho phép trong một thời gian nhất định. Lịch sử quá trình lập pháp Việt Nam từ khi có Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 cho tới hiện nay là Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đều có qui định về thời hiệu thừa kế, pháp luật đặt ra một khoảng thời gian để các người thừa kế thực hiện quyền thừa kế của mình đối với di sản mà họ được hưởng. Tuy nhiên nếu hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, di sản sẽ được xử lý ra sao, thuộc về ai, số phận pháp lý của khối di sản pháp luật quy định như thế nào? Để giải quyết hậu quả di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là một vấn rất phức tạp, gây khó khăn cho cơ quan tài phán trên thực tế.

 BLDS số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015 có ghi nhận các phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản lần lượt theo thứ tự: Phương án thứ nhất, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản; Phương án thứ hai, di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu (theo Điều 236) người này không là người thừa kế; Phương án thứ ba, di sản sẽ thuộc về Nhà nước. Trong phạm vi bài viết tác giả chỉ phân tích về vấn đề di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản.

2.Pháp luật thực định và những vấn đề gây tranh cãi trên thực tế

Theo Pháp lệnh Thừa kế số 44-LCT/HĐNN8, ngày 10/9/1990 (Pháp lệnh thừa kế 1990) tại Điều 36 quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 10 năm, thời hiệu này áp dụng chung cho các loại tài sản và khi hết thời hiệu trên. Pháp lệnh Thừa kế 1990 hay cả trong Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của TANDTC về việc “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh thừa kế”, đều không ghi nhận phương án giải quyết di sản hết thời hiệu, hệ quả thường là Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án, không giải quyết yêu cầu chia di sản các thừa kế vì thời hiệu đã hết.

Tại Điều 648 BLDS 1995 qui định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là 10 năm, trong quyền thừa kế có quyền yêu cầu chia di sản và áp dụng chung đối với di sản là bất động sản, động sản. Tuy nhiên, điều luật cũng không quy định phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu, nhưng lại có hướng dẫn về việc di sản chuyển thành tài sản chung nằm trong Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tại tiểu mục 2.4 mục 2 Phần I của Nghị quyết có quy định như sau: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế   hoặc  sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết …”

Lần đầu tiên pháp luật dân sự có ghi nhận phương án giải quyết di sản khi hết thời hiệu yêu cầu chia, với quy định trên một di sản của người quá cố để lại chỉ trở thành tài sản chung của những người thừa kế (các đồng sở hữu) khi họ thỏa mãn các điều kiện được liệt kê như trên. Tuy nhiên, thực tế cũng sẽ không hiếm trường hợp các vụ án tranh chấp thừa kế không đáp ứng đầy đủ các điều kiện để một di sản chuyển thành tài sản chung như trong Nghị quyết nêu. Và khi không hội đủ điều kiện, thì cơ quan tài phán phải xử lý di sản đó như thế nào? BLDS 1995, Nghị quyết hướng dẫn có đưa ra hướng giải quyết nhưng cũng chưa thật sự giải quyết thấu đáo vấn đề trên.

Tiếp theo BLDS số 33/2005/QH11, ngày 14/06/2005, tại Điều 645 cũng qui định thời hiệu khởi kiện về thừa kế nhưng đáng tiếc cũng không qui định phương án giải quyết hệ quả của di sản khi hết thời hiệu khởi kiện, xu hướng là Tòa án để người đang quản lý, sử dụng di sản tiếp tục quản lý, sử dụng di sản. Đây lại là một khoảng trống của pháp luật trong một thời gian dài.

Hiện nay BLDS số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015, qui định thời hạn yêu cầu chia di sản 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản.

Theo khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 hết thời hạn này thì giải quyết như sau: [1] Nếu di sản đó đang được người thừa kế quản lý di sản thì di sản thuộc về người đó, câu chữ trong Luật quy định là “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản”, ta chưa thể khẳng định người thừa kế đó có được “quyền sở hữu đối với di sản” của người quá cố, vì nếu cho rằng là người thừa kế đang quản lý di sản sẽ có quyền sở hữu di sản thì sẽ mâu thuẫn với chính nội dung tại điểm a khoản 1 của điều luật này .

 [2] Trường hợp không có người thừa kế nào đang quản lý di sản thì có hai cách giải quyết, đầu tiên là di sản thuộc “quyền sở hữu” người đang chiếm hữu (người này là người khác không phải là một trong các người thừa kế) theo Điều 236 BLDS 2015. Chủ thể nào thỏa mãn các điều kiện luật quy định ra tại Điều 236 thì có thể yêu cầu Tòa án công nhận, thứ hai trường hợp không có ai chiếm hữu như trên, thì sẽ thuộc về Nhà nước. Đây là một điểm mới của BLDS 2015, trước đây BLDS 1995, 2005, chỉ quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế mà không cho biết cách giải quyết hệ quả di sản của việc hết thời hiệu thừa kế, luật dân sự hiện hành đã ghi nhận cách thức giải quyết di sản khi hết thời hiệu khởi kiện là phù hợp với thực tiễn.

Trước khi qua phần tiếp theo chúng ta cùng điểm qua một số quan điểm của cơ quan nhà nước, Tòa án tối cao và của các tác giả về phương án giải quyết di sản thừa kế hết thời hiệu theo Bộ Luật Dân Sự số 91/2015/QH13, ngày 24/11/2015:

Đầu tiên, ta xem qua quan điểm của UBTVQH được ghi nhận tại Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo BLDS (sửa đổi), số 963/BC-UBTVQH13, ngày 20/10/2015, có ý kiến như sau: “Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định tại phương án 1 Điều 639 dự thảo BLDS Chính phủ trình Quốc hội quy định thời hiệu chia thừa kế. Theo đó, thời hiệu để những người có quyền thừa kể yêu cầu chia di sản là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định tại Bộ luật này;

- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định tại Bộ luật này.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2, đề nghị không quy định về thời hiệu chia thừa kế. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và chỉnh lý lại như Điều 623 mới. Bởi vì:

Thứ nhất, dự thảo đã nâng thời hiệu chia di sản thừa kế lên 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thừa kế hợp pháp, đồng thời cũng vẫn quy định một giới hạn thời gian nhất định để người thừa kể thực hiện quyền của mình, bảo đảm ổn định trật tự xã hội và phù hợp với tính chất của di sản thừa kế;

Thứ hai, dự thảo đưa ra các phương án ưu tiên trong việc xác lập quyền sở hữu di sản thừa kế khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, lần lượt là người thừa kế đang quản lý di sản, người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai hoặc nếu không có người chiếm hữu đủ các điều kiện này thì di sản sẽ thuộc về Nhà nước. Quy định như vậy là đã xử lý được các vướng mắc xảy ra trong thực tế khi pháp luật hiện hành đang bỏ ngỏ, không quy định việc xử lý quyền sở hữu đối với di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu chia thừa kế.”

 Từ ý kiến trên phía cơ quan UBTVQH chấp nhận phương án xác lập quyền sở hữu di sản thừa kế cho người thừa kế đang thực tế quản lý di sản, UBTVQH cho rằng dự thảo đã nêu lên thứ tự ưu tiên các phương án giải quyết một cách lần lượt từng chủ thể, mà trong đó ưu tiên xác lập quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản là hàng ưu tiên đầu và cách qui định của dự thảo đã xử lý được các vấn đề bỏ ngỏ về việc xử lý quyền sở hữu đối với di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu chia thừa kế. Cơ quan thường trực của Quốc Hội mong muốn có giải pháp thuyết phục cho vấn đề này góp phần ổn định pháp luật dân sự.

Phía cơ quan TANDTC tại Giải đáp một số vấn đề về Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Tố tụng Dân sự, số 01/GĐ-TANDTC, ngày 25/7/2016 có hướng dẫn như sau: Trường hợp nhiều người thừa kế đang cùng quản lý di sản hoặc mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau mà có tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế thì Tòa án có được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản hay không ?

Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đi với bất động sản, 10 năm đi với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì dsản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó...”. 

Người thừa kế đang quản lý di sản phải được hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của BLDS. Nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản thuộc sở hữu chung của họ.Nếu mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau thì Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản; quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản trước đó được xem xét, đánh giá trong từng vụ việc cụ thể theo quy định của pháp luật.

TANDTC cũng theo hướng công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế đang quản lý di sản, tuy nhiên sẽ có sự xem xét về việc người thừa kế đang quản lý di sản có phải là đang chiếm hữu hợp pháp và sử dụng hợp pháp hay không ? Và để đánh giá các tiêu chí trên cần kết hợp khai thác các qui định về chiếm hữu, sử dụng trong BLDS khi xét xử trên thực tế. Ngoài ra, TANDTC cũng hướng dẫn giải quyết trường hợp nhiều người thừa kế cùng nhau quản lý thì đó là tài sản chung của các thừa kế và trường hợp có các người thừa kế quản lý từng giai đoạn khác nhau thì sẽ công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế hiện đang quản lý, những người thừa kế trước đây cũng đã có một giai đoạn quản lý di sản thì cân nhắc xem xét công sức quản lý của họ cho phù hợp.

Tham khảo tiếp ý kiến của một vị chuyên gia ta thấy GS.TS Đỗ Văn Đại, giảng viên trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, thành viên tổ biên tập, chuyên gia chỉnh lý Dự thảo BLDS tại Quốc hội có bình luận như sau: ”… Khi chỉnh lý Dự thảo trước khi Quốc hội thông qua, vấn đề này được đặt ra nhưng không ai có được câu trả lời thuyết phục. Có hai lý do cho phép hiểu rằng bản thân việc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản chưa đủ để người thừa kế đang quản lý di sản trở thành chủ sở hữu toàn bộ di sản (nếu có nhiều người thừa kế). Thứ nhất, nếu cho rằng di sản đã thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản thì chúng ta buộc phải cho rằng những người thừa kế khác không còn quyền đối với di sản nữa và điều này trái với khoản 2 Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 theo đó “việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền”.

Thứ hai, nếu cho rằng di sản đã thuộc quyền sở hữu của riêng người thừa kế đang quản lý di sản thì cũng mâu thuẫn với Điều 623 nêu trên vì chính điều luật này đã dùng từ “thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu” khi bàn về người quản lý không là người thừa kế tại điểm a khoản 1 (đương nhiên là phải đáp ứng các điều kiện của thời hiệu hưởng quyền nêu tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015) và không dùng thuật ngữ tương tự cho người thừa kế mà chỉ dùng từ “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản”.

Như vậy, quy định trên không cho phép khẳng định khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu” của người thừa kế đang quản lý di sản và còn bỏ ngỏ ở câu hỏi người thừa kế đang quản lý di sản có những quyền năng gì đối với di sản hết thời hiệu….” [1]. Quan điểm của vị chuyên gia cho rằng khi di sản thừa kế hết thời hiệu yêu cầu chia, thì di sản hết thời hiệu chưa thể khẳng định thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản, bởi những phân tích trên của chuyên gia. Tuy nhiên, đây cũng là một quan điểm mang tính học thuật nghiên cứu khoa học và không là quan điểm của cơ quan nhà nước, cơ quan xét xử Tòa án, nên mang tính tham khảo, và nghiên cứu cho vấn đề trên.

Qua phân tích trên ta thấy,nếu thực tế xảy ra một vụ việc thừa kế mà di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý. Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn còn nhiều tranh cãi về vấn đề trên, nên chăng cần có sự giải thích Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội hoặc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng và ban hành một Án lệ về di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế để thống nhất quan điểm xét xử của cả hệ thống Tòa án.

2.Áp dụng pháp luật

Một bản án đã công bố trên cổng thông tin điện tử của Tòa án có nội dung: Cụ Ngô Văn L và cụ Trần Thị T (tên gọi khác là Ngô Thị L) có 7 người con gồm: Ông Ngô Gia V, bà Ngô Thị M1, bà Ngô Thị M2, bà Ngô Thị Đ, bà Ngô Thị Q, bà Ngô Thị C và bà Ngô Thị O. Tài sản của hai cụ tạo lập được gồm có thửa đất diện tích 1265m2, một căn nhà cấp 4, tại xóm 14, xã X, huyện X, tỉnh NĐ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/8/1998 đứng tên cụ Ngô Văn L. Năm 1984 cụ L chết không để lại di chúc, nhà đất do cụ T và bà O quản lý sử dụng. Ngày 16/8/2011 cụ T đã lập di chúc cho vợ chồng bà O 587m2 đất ao, có xác nhận của UBND xã X. Ngày 22/3/2013 cụ T chết, vợ chồng ông V từ Miền Nam về quê đưa tang mẹ rồi ở nhà, được một thời gian ngắn thì bà O và ông V xảy ra mâu thuẫn, ông V không cho bà O ở nhà đất của bố mẹ. Năm 2014 bà O đã làm đơn khởi kiện chia thừa kế di sản của bố mẹ để lại.

Tòa án huyện XT nhận định về yêu cầu chia di sản của cụ Ngô Văn L, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L đã hết. Tuy nhiên khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 có quy định “…” Theo lời trình bày thống nhất của các đương sự và xác minh tại chính quyền địa phương thì sau khi cụ L chết (năm 1984) thì cụ T và bà O trực tiếp quản lý sử dụng nhà đất tranh chấp. Đến khi cụ T chết (ngày 22/3/2013) thì vợ chồng ông V ở Miền Nam về quê ở và quản lý sử dụng nhà đất của bố mẹ cùng với bà O. Sau đó bà O và ông V xảy ra mâu thuẫn, ông V đã đuổi bà O ra khỏi nhà nên bà O phải đến ở nhờ nhà bà Đ, ông H ở cùng xóm. Bà O bị ông V đuổi ra khỏi nhà nên đã không trực tiếp quản lý sử dụng đất nhưng bà O không từ bỏ quyền quản lý của mình.

Như vậy, sau khi di sản thừa kế của cụ Ngô Văn L hết thời hiệu khởi kiện (ngày 19/11/2014) thì bà Ngô Thị O và ông Ngô Gia V cùng quản lý di sản của cụ L nên căn cứ khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 thì bà O và ông V được hưởng chung di sản thừa kế của cụ L đã hết thời hiệu khởi kiện, mỗi người được hưởng 1/2 di sản là 325,625m2. 

Theo luật định di sản này sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản, câu chữ của luật là “thuộc về người thừa kế”, chứ không khẳng định họ có quyền sở hữu đối với di sản đó, tuy nhiên quan điểm của TANDTC trong phần giải đáp nghiệp vụ Hình sự, Tố tụng hình sự, Dân sự, Tố tụng Dân sự, số 01/GĐ-TANDTC, ngày 25/7/2016 về vấn đề này đã có hướng giải quyết là công nhận quyền sở hữu di sản.

Trở lại tình huống trên đây, Tòa án đã công nhận bà Ngô Thị O và ông Ngô Gia V mỗi người được quyền sử dụng ½ di sản đất của cụ L, ghi nhận trong phần Quyết định của Tòa án.

Thực tế Tòa án sẽ công nhận quyền sở hữu cho các thừa kế nếu như họ thỏa mãn các điều kiện chiếm hữu và sử dụng hợp pháp di sản, và không từ bỏ quyền quản lý di sản đó. Theo tôi hướng giải quyết của Tòa án là phù hợp trước sự không rõ ràng của luật, di sản nên công nhận quyền sở hữu cho những người thừa kế đã có công quản lý di sản đó là điều phù hợp với công sức họ bỏ ra, các thừa kế khác phải chịu một hệ quả pháp lý bất lợi do luật quy định là mất đi quyền thừa kế. Luật đã công nhận quyền sở hữu di sản cho người đang chiếm hữu mà không phải là người thừa kế (điểm a khoản 1 Điều 623 BLDSS 2015), thì không có lý do gì không công nhận quyền sở hữu cho các người thừa kế đang quan lý di sản đó.

Như vậy, đối với di sản hết thời hạn yêu cầu chia, BLDS hiện hành đã ghi nhận được cách giải quyết di sản đó khi hết thời hiệu mà hai Bộ luật dân sự trước còn bỏ ngõ. Trường hợp người thừa kế đang quản lý sẽ “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”, luật quy định là người thừa kế vậy có thể là người thừa kế theo di chúc hoặc người thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay là thừa kế theo quy định khác. Hiểu thế nào là đang quản lý di sản đó, luật không nêu rõ, tuy nhiên TANDTC đã giải đáp nghiệp vụ như sau tại mục 2 phần III Giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016:” Người thừa kế đang quản lý di sản phải được hiểu là người thừa kế đang chiếm hữu và sử dụng di sản hợp pháp theo quy định của BLDS. Nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản thuộc sở hữu chung của họ.”

Qua phần giải đáp, quan điểm của TANDTC cho rằng người thừa kế hoặc nhiều người thừa kế đang quản lý di sản phải là đang chiếm hữu và sử dụng hợp pháp theo quy định của BLDS. Người thừa kế phải thỏa mãn điều kiện chiếm hữu di sản hợp pháp, cũng như điều kiện sử dụng di sản đó một cách hợp pháp theo quy định của luật, và không từ bỏ quyền thừa kế, hay là rơi vào các trường hợp một người không được quyền hưởng di sản.

3.Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Để giải quyết vấn đề trên tôi có ý kiến như sau: Thứ nhất, nếu theo Điều 49 về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh [2] cơ quan UBTVQH tự mình quyết định việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Cơ quan này có thể ban hành một Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 theo hướng “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản”, có nghĩa là người thừa kế hoặc các đồng thừa kế đang quản lý di sản đó được“ công nhận quyền sở hữu đối với di sản” của người quá cố. Tùy theo tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, UBTVQH có thể giao cơ quan TANDTC, VKSNDTC xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích luật trình UBTVQH xem xét, quyết định.

Hướng thứ hai, TANDTC lấy ý kiến thực tiễn xét xử từ các Tòa án cấp dưới, sau đó ban hành một Nghị quyết hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử cho các trường hợp di sản thừa kế hết thời hiệu khởi kiện, có kế thừa Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 cũ trước đây. Trong đó hướng dẫn rõ người thừa kế đang chiếm hữu hợp pháp là như thế nào, sử dụng di sản hợp pháp là như thế nào.Trường hợp nếu có nhiều người thừa kế cùng nhau chiếm hữu và sử dụng di sản thì di sản thuộc sở hữu chung của họ.

Trường hợp mỗi người thừa kế quản lý di sản một giai đoạn khác nhau thì Tòa án phải áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 để công nhận quyền sở hữu cho người thừa kế hiện đang quản lý di sản.  Còn quyền và nghĩa vụ của người quản lý di sản (có thể là người thừa kế, hoặc là người khác) trước đây được xem xét, đánh giá để tính công sức quản lý của họ, nếu như họ bỏ ra chi phí tôn tạo làm tăng giá trị di sản cũng nên cần hoàn trả lại cho họ chi phí gốc, phần giá trị tăng thêm nếu trường hợp không xác định được chính xác công sức củ thì nên cân nhắc tỷ lệ để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm trong từng vụ việc cụ thể.

Hoặc là Hội đồng Thẩm phán TANDTC nghiên cứu, lựa chọn một quyết định hoặc bản án có giá trị làm rõ quy định của pháp luật về vấn đề đang phân tích, có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử để phát triển thành Án lệ.

 

Nhà đất là loại tài sản có giá trị lớn, dễ xảy ra tranh chấp - Ảnh: Thái Vũ

 

  1. Đỗ Văn Đại (2019), Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và Bình luận bản án, Tập 2, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13

NGUYỄN TRẦN NGÀ (Công ty Luật Thành phố Hồ Chí Minh)