Hoàn thiện pháp luật về áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Các nguyên tắc xử lý, hình phạt và quyết định hình phạt là những vấn đề cơ bản và quan trọng trong xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập, phân tích một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hình phạt, quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi trong một số trường hợp cụ thể và kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự về áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

1.Quy định chung của BLHS năm 2015

Hình phạt là hậu quả pháp lý trực tiếp mà người phạm tội phải gánh chịu. Tại Điều 8 của BLHS năm 2015 quy định “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội… mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”. Như vậy, tính phải bị xử lý hình sự hay nói cách khác là phải chịu hình phạt là một trong những đặc điểm cơ bản để phân biệt tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác [1].

Điều 31 của BLHS quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”. Như vậy, hình phạt là chế tài nghiêm khắc nhất mà người phạm tội có thể bị áp dụng và áp dụng hình phạt là hoạt động chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định cụ thể tại Mục 4 Chương XII – “Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”. Cần lưu ý rằng, khi áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án phải bảo đảm 07 nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 91 của BLHS. Trong đó có nguyên tắc “Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”. Như vậy đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án chỉ được áp dụng hình phạt chính mà không được áp dụng hình phạt bổ sung [2]. Điều 98 của BLHS quy định các hình phạt chính được áp dụng đối với mỗi tội phạm mà người dưới 18 tuổi thực hiện gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

1.1. Cảnh cáo

Đây là hình phạt nhẹ nhất được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cảnh cáo là “biện pháp công khai lên án, phê phán đối với người phạm tội… được tòa án tuyên trong bản án…” [3]. Hình phạt cảnh cáo tuy không tước đi tự do nhưng thể hiện sự lên án của Nhà nước đối với hành vi phạm tội mà người dưới 18 tuổi đã gây ra và ít nhiều tác động đến nhận thức, suy nghĩ của người bị kết án, giúp họ nhận thức được sai lầm để sửa chữa.

Điều 34 của BLHS quy định: “Cảnh cáo được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt”. Điều 12 của BLHS quy định: “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”, còn “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Như vậy, hình phạt cảnh cáo chỉ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội vì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng.

1.2. Phạt tiền

Phạt tiền là “buộc người bị kết án phải nộp sung quỹ nhà nước khoản tiền nhất định” [4]. Theo quy định tại Điều 99 của BLHS thì hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

1.3. Cải tạo không giam giữ

Cải tạo không giam giữ là “buộc người phạm tội phải tự cải tạo dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức nơi họ làm việc hoặc cư trú qua việc phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định” [5]. Ngoài ra cũng cần lưu ý, khác với việc áp dụng hình phạt cải cải tạo không giam giữ đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội, trong quá trình áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án không khấu trừ thu nhập của người phạm tội, kể cả trong trường hợp người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Thời hạn cải tạo không giam giữ có thể áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội cũng được giới hạn không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.

1.4. Tù có thời hạn

Tù có thời hạn là “phạt tù có khoảng thời gian xác định” [6]. Khoản 5 Điều 91 BLHS quy định một trong những nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là “không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình” nên tù có thời hạn là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất mà Tòa án được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Mức phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định thấp hơn đáng kể so với mức phạt tù có thời hạn được áp dụng đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội. Cụ thể:

– Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

– Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Như vậy, BLHS đã quy định mức phạt tù có thời hạn tối đa mà Tòa án được áp dụng đồng thời phân hóa theo 02 độ tuổi khác nhau của người dưới 18 tuổi phạm tội chứ không quy định mức phạt tù có thời hạn tối thiểu. Tuy nhiên cần lưu ý, mức phạt tù có thời hạn tối thiểu được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải nằm trong mức phạt tù có thời hạn tối thiểu được áp dụng đối với người phạm tội theo quy định tại Điều 18 của BLHS là 03 tháng.

2.Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể

2.1. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo Điều 54 của BLHS quy địnhmột số trường hợp cụ thể gồm:

– Quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS.

– Quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

– Trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 của BLHS nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Đây là quy định thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan hồng và đáp ứng yêu cầu cá thể hóa hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

2.2. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt

Đây là các quy định mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999. Theo đó, việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, đặc biệt là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội trong trường hợp chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt được Tòa án cân nhắc rất cẩn thận và phải bảo đảm quy định tại khoản 1 Điều 57 của BLHS.

– Trường hợp người dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội mà Tòa án bắt buộc phải áp dụng hình phạt đối với họ thì mức hình phạt cao nhất không quá 1/3 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chuẩn bị phạm tội thì mức hình phạt cao nhất không quá 1/2 mức hình phạt được quy định trong khung hình phạt đối với hành vi chuẩn bị phạm tội trong điều luật được áp dụng.

– Trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt

+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với họ không quá 1/3 mức hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 100 và không quá 1/3 mức hình phạt tù có thời hạn quy định tại Điều 101 của BLHS.

+ Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với họ không quá 1/2 mức hình phạt tiền quy định tại Điều 99, không quá 1/2 mức hình phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 100 và không quá 1/2 mức hình phạt tù có thời hạn quy định tại Điều 101 của BLHS.

2.3. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp phạm nhiều tội:

Điều 103 của BLHS quy định, khi xét xử cùng một lần người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại Điều 55. Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm. Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và không quá 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.

– Đối với người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội mà có tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi, thì tổng hợp hình phạt như sau:

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 103 của BLHS.

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện sau khi người đó đủ 16 tuổi nặng hơn mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện trước khi đủ 16 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định tại khoản 1 Điều 103 của BLHS.

– Đối với người phạm nhiều tội mà có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, thì tổng hợp hình phạt như sau:

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi nặng hơn hoặc bằng mức hình phạt áp dụng đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 103 của BLHS.

+ Nếu mức hình phạt đã tuyên đối với tội được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi nặng hơn mức hình phạt áp dụng đối với tội thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội.

2.4. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án

Đây là trường hợp một người dưới 18 tuổi phạm tội đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước hoặc sau khi có bản án này, đặt ra yêu cầu Tòa án phải tổng hợp, quyết định một hình phạt chung của các bản án để buộc người dưới 18 tuổi phạm tội chấp hành. Trong trường hợp này, việc tổng hợp hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thực hiện theo quy định tại các Điều 55 và 56 của BLHS như đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội nhưng không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 103. Cụ thể:

– Nếu hình phạt chung là cải tạo không giam giữ thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 03 năm.

– Nếu hình phạt chung là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không được vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội và không được vượt quá 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội.

2.5. Quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp đồng phạm

Đồng phạm “là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm” [7]. Ngoài việc bảo đảm các nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 91, việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong trường hợp đồng phạm còn phải bảo đảm quy định tại Điều 58 của BLHS như sau: (1) khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm; (2) các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.

2.6. Miễn, giảm hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:

– Miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Miễn hình phạt là “không buộc người bị kết án phải chịu hình phạt” [8]. BLHS không có quy định riêng về phạm vi, điều kiện miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Vì vậy, việc miễn hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thực hiện tương tự như đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội quy định tại Điều 59. Theo đó, người dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà họ đã thực hiện nhưng được miễn hình phạt nếu đáp ứng đủ các điều kiện: (1) có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS hoặc phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể; (2) đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

– Giảm hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Việc giảm hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm động viên, khuyến khích họ tích cực sửa chữa sai lầm, trở thành người ích cho xã hội. Theo quy định tại Điều 105 của BLHS thì việc giảm hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được thực hiện như sau: (1) người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu có tiến bộ và đã chấp hành được một phần tư thời hạn, thì được Tòa án xét giảm; riêng đối với hình phạt tù, mỗi lần có thể giảm đến 04 năm nhưng phải bảo đảm đã chấp hành ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên; (2) người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù, nếu lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì được xét giảm ngay và có thể được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; (3) người dưới 18 tuổi phạm tội bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định giảm hoặc miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.

2.7. Quyết định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Án treo là “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện” [9]. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng án treo được áp dụng tương tự như đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội quy định tại Điều 65 của BLHS năm 2015 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, người dưới 18 tuổi phạm tội bị xử phạt tù không quá 03 năm, nếu Tòa án căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần phải bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì cho họ hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm. Người được Tòa án cho hưởng án treo phải chấp hành các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, nếu đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

3.Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện 

BLHS hiện hành đã bổ sung nhiều quy định mới, tiến bộ về nguyên tắc xử lý, trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như các quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, tổng hợp hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại… Những quy định này thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường chăm sóc, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, đề cao tính phòng ngừa, hướng thiện trong việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội và phù hợp với Công ước Quốc tế về quyền trẻ em năm 1989. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Tác giải xin kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, điều chỉnh hệ thống hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng thu hẹp hình phạt tù có thời hạn, mở rộng các hình phạt không phải là hình phạt tù, các biện pháp tư pháp và biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự. Việc điều chỉnh này bao gồm điều chỉnh hệ thống hình phạt và điều chỉnh khung hình phạt của từng tội phạm cụ thể.

Hai là, sửa đổi quy định việc miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi đảm bảo các điều kiện tại khoản 2 Điều 91 của BLHS là bắt buộc chứ không còn mang tính tùy nghi. Khoản 2 Điều 91 của BLHS quy định: “Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này”. Tác giả đề xuất bỏ cụm từ “có thể” để loại bỏ tính tùy nghi của quy định. Việc thay đổi này sẽ thể hiện rõ ràng tinh thần xử lý chuyển hướng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1989 và các hướng dẫn của Liên Hiệp quốc mà Việt Nam đang là thành viên.

Ba là, xây dựng điều luật riêng quy định về hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm các nội dung tương ứng với 02 nhóm độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cho thống nhất với các quy định về hệ thống hình phạt. Đồng thời sửa đổi quy định về hình phạt cảnh cáo tại Điều 34 của BLHS theo hướng bỏ điều kiện “nhưng chưa đến mức miễn hình phạt” nhằm mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt này đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.

Bốn là, thay thế hình phạt tiền bằng một hình phạt khác phù hợp để tạo tính khả thi trong việc thi hành án đồng thời tạo độ giãn hợp lý hơn cho hệ thống hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Bởi theo quy định tại Điều 99 của BLHS thì hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ trong trường hợp người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng. Mặc dù quy định này phù hợp với các quy định của BLDS về quyền sở hữu tài sản của người chưa thành niên nhưng thực tiễn xét xử cho thấy, rất ít trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội vì không đảm bảo điều kiện để áp dụng.

Qua nghiên cứu BLHS của Cộng hòa Liên bang Nga, tác giả đề xuất thay thế hình phạt tiền bằng hình phạt Lao động công ích. Mặc dù trong quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ của BLHS có quy định về công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ nhằm tăng tính cưỡng chế của hình phạt nhưng việc lao động phục vụ cộng đồng chỉ dành cho đối tượng “người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt”. Do đó, nếu người bị phạt cải tạo không giam giữ có việc làm bình thường, ổn định trong thời gian chấp hành hình phạt thì không phải lao động phục vụ cộng đồng. Hình phạt lao động công ích mặc dù không tước đi tự do của người bị kết án nhưng lại buộc họ phải chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và gia đình thông qua việc lao động bắt buộc sẽ vừa thể hiện được tính nghiêm khắc nhất định, vừa có tác dụng giáo dục ý thức của người dưới 18 tuổi phạm tội, đồng thời bảo đảm hiệu quả thi hành trong thực tiễn. Hình phạt này có thể được áp dụng với các tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Thời hạn lao động công ích được xem xét, quyết định phù hợp với từng trường hợp và có thể vận dụng tương tự quy định về việc lao động phục vụ cộng đồng trong hình phạt cải tạo không giam giữ là “không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần”.

Năm là, bổ sung thêm một điều luật quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm tạo sự đồng bộ giữa việc xử lý hình sự đối với người phạm tội và người dưới 18 tuổi phạm tội.

Sáu là, mở rộng phạm vi áp dụng Điều 54 của BLHS về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo hướng Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không nhất thiết phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51. Đồng thời, quy định việc giảm nhẹ không nhất thiết phải ở khung liền kề và việc chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn không chỉ trong trường hợp điều luật chỉ có một khoản hoặc khoản nhẹ nhất.

Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP. Pleiku trong vụ án “Cố ý gây thương tích” – Ảnh: Văn Ngọc / GL online

 

[1] Võ Khánh Vinh (2014), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam phần chung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.106.

[2] Xem bài viết “Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định của BLHS năm 2015 – Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Phùng Văn Hoàng (https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-tac-xu-ly-doi-voi-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-theo-quy-dinh-cua-blhs-nam-2015-mot-so-bat-cap-va-kien-nghi-hoan-thien).

[3] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.102.

[4] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.612.

[5] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.98.

[6] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.824.

[7] Điều 17 của BLHS năm 2015.

[8] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.433.

[9] Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.451.

ĐINH THÀNH LONG (TAND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)