Hoàn thiện pháp luật về cầm giữ tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền đang nắm giữ hợp đồng tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Có thể thấy rằng nội dung quy định pháp luật còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

1.Khái quát về cầm giữa tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp đồng tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ[1]. Nghĩa là, cầm giữa tài sản được xác lập trong các hợp đồng song vụ, đó là hợp đồng mà giữa các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau[2]. Trường hợp đối tượng của hợp đồng song vụ là tài sản của bên có nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền sẽ chiếm giữ tài sản để buộc bên bị vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ. Người chiếm giữa tài sản có quyền chiếm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ, nhưng không được làm mất mát, hư hỏng, không được sử dụng nếu không được sự đồng ý của bên có tài sản. Trong thời gian chiếm giữ, người có tài sản không khai thác được tài sản để thu hoa lợi, lợi tức, thì cũng không được yêu cầu người chiếm giữ bồi thường thu nhập bị mất trong thời gian chiếm giữ. Trường hợp bên có tài sản thanh toán nghĩa vụ thì phải thanh toán chi phí cần thiết mà người chiếm giữ đã bỏ ra duy trì, bảo quản tài sản.

Tuy nhiên, để xác định “cầm giữa tài sản” là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cần phải có các yếu tố[3]: (i) việc cầm giữ tài sản phải xuất phát từ một hợp đồng song vụ. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Trong hợp đồng song vụ, bên cầm giữ đã thực hiện nghĩa vụ nhưng bên kia lại không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đối với bên có quyền; (ii) đối tượng của hợp đồng song vụ phải là tài sản.Với cách phân loại dựa theo đối tượng của hợp đồng, hợp đồng có hai loại, một loại có đối tượng là tài sản như hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản, hợp đồng gia công… một loại có đối tượng là công việc như hợp đồng gửi giữ, hợp đồng vận chuyển… Chỉ các hợp đồng có đối tượng là tài sản thì bên có quyền mới có quyền nắm giữ tài sản; (iii) bên có quyền chiếm giữ tài sản một cách hợp pháp. Thông thường, việc chiếm giữ tài sản là do được bên có nghĩa vụ chuyển giao hoặc là kết quả của việc thực hiện nghĩa vụ của bên cầm giữ; (iv) bên có nghĩa vụ có sự vi phạm hợp đồng. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền hay bên cầm giữ có quyền cầm giữ tài sản. Cầm giữ tài sản phát sinh ngay khi có sự vi phạm nghĩa vụ mà không cần có sự thỏa thuận của các bên.

2. Quy định pháp luật về cầm giữ tài sản.

Thứ nhất, xác lập cầm giữ tài sản: Theo quy định tại Điều 347 BLDS năm 2015, căn cứ xác lập quyền cầm giữ được xác định từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình. Thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng song vụ là căn cứ để bên có quyền được quyền cầm giữ tài sản. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ do các bên thỏa thuận hoặc luật định hoặc do các bên yêu cầu thực hiện cho nhau quyền và nghĩa vụ trong một ngày được xác định, nếu hợp đồng không quy định thời hạn. Việc xác định thời điểm xác lập quyền của bên cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ, là căn cứ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản. Pháp luật dân sự hiện hành không có quy định vật bảo đảm trong trường hợp cầm giữ phải thuộc quyền sở hữu của bên có nghĩa vụ. Nhưng bên có quyền cầm giữ phải được xác định là người nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ. Mối liên hệ giữa trái quyền được bảo đảm phát sinh có quan hệ hữu cơ với đối tượng của quyền cầm giữ là tài sản.

Thứ hai, quyền của bên cầm giữ: Quy định tại khoản 1 Điều 348 BLDS năm 2015, bên cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ. Việc bên có quyền đang nắm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ là một lợi thế của bên có quyền. Bên có quyền cầm giữ tài sản nhằm yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ giữa 2 bên. Chừng nào nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ chưa được thực hiện đúng và đầy đủ, thì bên có quyền vẫn được quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ.

Trường hợp đối tượng của hợp đồng song vụ là động sản đang do người thứ ba chiếm hữu, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, bên có quyền cầm giữ yêu cầu người thứ ba đang chiếm hữu động sản chuyển giao tài sản cho mình, nhưng người này không chuyển giao, thì quyền cầm giữ của bên có quyền có thể bị vi phạm bởi hành vi của người thứ ba. Khi đó, bên có quyền cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu người thứ ba đang chiếm hữu tài sản giao tài sản cho mình cầm giữ hoặc chấp hành viên thực hiện quyền này. Như vậy, trên thực tế bên có quyền phát sinh từ hợp đồng song vụ, mà đối tượng của hợp đồng lại đang do người thứ ba chiếm hữu, thì quyền của bên cầm giữ tài sản có nhiều nguy cơ bị xâm phạm hoặc không có tài sản để cầm giữ. Vì người thứ ba được xác lập quyền đối với tài sản đó, như xác lập quyền sở hữu hoặc quyền của người thứ ba đối với tài sản đã được đăng ký theo quy định của pháp luật. Như vậy, quy định tại Điều 346 BLDS, bên có quyền đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, là một quy định đã dự liệu được những tình huống có thể phát sinh trên thực tế. 

Trường hợp đối tượng của hợp đồng song vụ là bất động sản, việc chuyển giao bất động sản phải tuân theo những hình thức, thủ tục nhất định do luật định, cho nên bên có quyền nắm giữ đang chiếm hữu bất động sản, thì người thứ ba có quyền đối với bất động sản này vẫn có thể tiến hành thủ tục bán đấu giá. Quyền của người nắm giữ có thể được thanh toán bằng phương thức khác.     

Khoản 2 Điều 348 BLDS năm 2015 quy định, bên cầm giữ tài sản có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ. Một số loại tài sản, trong quá trình cầm giữ có thể phát sinh các chi phí bảo quản, cầm giữ tài sản, do đó, bên có quyền hoàn toàn có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán những chi phí này. Chi phí này phải là chi phí hợp lý và thực sự “cần thiết” cho việc bảo quản, gìn giữ tài sản và bên cầm giữ nên thông báo cho bên có nghĩa vụ về sự phát sinh chi phí này. Theo quan điểm của tác giả, cần phải quy định rõ rang về nghĩa vụ thông báo của bên cầm giữ tài sản trong trường hợp phát sinh chi phí hợp lý đối với việc bảo quản và gìn giữ tài sản. Ví dụ, A mang xe ô tô của mình sửa chữa tại garage của B, khi B sửa xong, A không có đủ tiền để trả chi phí sửa chữa, do đó, B đã cầm giữ chiếc xe ô tô của A cho đến khi A thực hiện xong nghĩa vụ trả tiền của mình. Do A phải đi công tác đột xuất nên 7 ngày sau A mới quay lại để trả tiền cho B và lấy lại xe, lúc này, B có thể yêu cầu A cần trả cho B khoản tiền thuê dịch vụ trông giữ xe trong 7 ngày.

Khoản 3 Điều 348 BLDS năm 2015 quy định, bên cầm giữ tài sản có quyền được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Bên cầm giữ tài sản chỉ được khai thác tài sản để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị từ việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Quy định này tạo thuận lợi cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm trong trường hợp chủ sở hữu của tài sản chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ của mình, qua đó, có thể sẽ rút ngắn được thời gian cầm giữ tài sản, và bên cầm giữ cũng có thể khai thác giá trị của tài sản, chứ không đơn thuần là thực hiện hành vi cầm giữ[4].

Ở Việt Nam, quy định về quyền cầm giữ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nói chung, mà không quy định cứng là biện pháp bảo đảm này chỉ áp dụng trong quan hệ nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, nghĩa vụ được hiểu rộng trong các quan hệ nghĩa vụ phát sinh ngoài lĩnh vực dân sự, nếu các luật chuyên ngành khác không có quy định về cầm giữ tài sản trong quan hệ nghĩa vụ tương ứng với đối tượng thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Với cách hiểu như vậy, thì biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong BLDS năm 2015 của Việt Nam từ Điều 346 đến Điều 350 được áp dụng giải quyết những tranh chấp liên quan đến cầm giữ tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chủ thể trong quan hệ tài sản.

Thứ ba, nghĩa vụ của bên cầm giữ: Điều 349 BLDS năm 2015 quy định rất cụ thể nghĩa vụ của bên cầm giữ. Kể từ thời điểm phát sinh quyền cầm giữ[5], bên cầm giữ phải bảo quản tài sản không được làm hư hỏng, mất, giảm sút giá trị tài sản cầm giữ. Nếu tài sản phải bảo quản theo phương thức riêng thì bên cầm giữ phải thực hiện đúng phương thức bảo quản đó. Nếu bên cầm giữ không có khả năng bảo quản tài sản thì có thể thuê người thứ ba bảo quản, chi phí thuê bảo quản bên có tài sản phải chịu trách nhiệm.

Mục đích của việc cầm giữ tài sản là bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền. Bên cầm giữ không được khai thác, sử dụng, hưởng lợi từ tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ. Trong thời gian cầm giữ, bên cầm giữ không được làm thay đổi tình trạng chất lượng, công dụng của tài sản mà phải bảo quản cẩn thận như tài sản của chính mình. Đồng thời, không được làm hư hỏng hoặc làm mất tài sản cầm giữ. Trường hợp nghĩa vụ đã được thực hiện thì bên cầm giữ phải trả lại tài sản cầm giữ cho bên có nghĩa vụ.

Bên cầm giữ không được chuyển giao tài sản cho người khác khai thác, sử dụng nếu không có sự đồng ý của bên có tài sản. Bên cầm giữ không được bán tài sản để bù trừ nghĩa vụ nếu không có sự đồng ý của bên có tài sản. Trong trường hợp tài sản bị cầm giữ đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác , khi đến hạn xử lý tài sản thế chấp bên cầm giữ có trách nhệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ hoặc bên thứ ba đã hoàn thành nghĩa vụ đối với bên cầm giữ.

Trong thời hạn cầm giữ mà bên có nghĩa vụ thực hiện xong nghĩa vụ thì phỉ giao lại tài sản cầm giữ cho bên có tài sản, các bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng song vụ hoặc nghĩa vụ chấm dứt do các bên đã thực hiện xong nghĩa vụ. Trường hợp bên cầm giữ tài sản mà làm hư hỏng, mất, giảm giá trị của tài sản cầm giữ thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bên có tài sản. Nếu bên có tài sản chưa thực hiện xong nghĩa vụ đối với bên cầm giữ thì các bên sẽ bù trừ nghĩa vụ. Nếu giá trị của hai nghĩa vụ không bằng nhau, thì bên có nghĩa vụ giá trị thấp hơn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ còn lại cho bên kia.

Thứ tư, chấm dứt cầm giữ: Theo quy định tại Điều 350 BLDS năm 2015, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ thì bên có quyền sẽ chiếm giữ tài sản của bên có tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ[6]. Nếu do nguyên nhân nào đó mà bên cầm giữ không còn thực tế kiểm soát tài sảnn nữa mà tài sản do chính bên có nghĩa vụ hoặc do người thứ ba nắm giữ thì biện pháp cầm giữa tài sản chấm dứt. Các bên có thể thoả thuận thay đổi biện pháp cầm giữa tài sản bằng một biện pháp bảo đảm khác như thế chấp, bảo lãnh…trường hợp này biện pháp cầm giữ sẽ chấm dứt.

Trường hợp bên có nghĩa vụ thực hiện xong nghĩa vụ của mình đã phát sinh trong hợp đồng song vụ thì bên cầm giữ tài sản phải trả lại tài sản cầm giữ cho bên có tài sản. Trong thời gian cầm giữ, mà tài sản cầm giữ không còn do nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan của các bên, thì biện pháp cầm giữ chấm dứt. Các bên tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng song vụ, bên vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy nhiên, các bên cũng có thể thoả thuận về việc chấm dứt biện pháp cầm giữ tài sản, trường hợp này bên có nghĩa vụ phải tự giác thực hiện đúng nghĩa vụ, nếu không thực hiện nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ.

3. Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện quy định về cầm giữ tài sản

Thứ nhất, đối tượng của cầm giữ tài sản: Điều 346 BLDS năm 2015 quy định đối tượng của cầm giữ tài sản là tài sản. Tuy nhiên, đối tượng của cầm giữ trong Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 và Luật Thương mại năm 2005 có thể là đối tượng của hợp đồng song vụ hoặc là bất kỳ tài sản nào có thể cầm giữ.

Theo Luật Thương mại năm 2005, trong trường hợp các bên có thoả thuận khác thì đối tượng của cầm giữ tài sản hoặc là tài liệu mà bên được đại diện giao cho bên đại diện[7]. Còn Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì cho phép tài sản cầm giữ có thể là tài sản đang là đối tượng của biện pháp bảo đảm: “Người có khiếu nại hàng hải có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển để đảm bảo cho các khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 41 của Bộ luật này, mặc dù tàu biển đó được thế chấp hoặc chủ tàu đã thực hiện giao dịch bảo đảm khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trên cơ sở hợp đồng”[8].

Pháp luật hiện hành quy định cầm giữ chỉ áp dụng đối với tài sản. Nói cách khác, đối với những hợp đồng song vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì không đặt ra việc cầm giữ tài sản. Quy định này đã hạn chế phần nào quyền của bên bị vi phạm nghĩa vụ hợp đồng song vụ có đối tượng là công việc phải thực hiện nhưng đối tượng của nghĩa vụ là tài sản. Ví dụ: A và B ký hợp đồng gia công hàng may mặc, theo đó, A sẽ giao nguyên liệu cho B, giá trị hợp đồng là 12 triệu đồng. Tiền công được thanh toán 70% ngay sau khi hai bên giao kết hợp đồng, 30% còn lại sau khi A nhận được sản phẩm. Đến thời hạn giao hàng, A không trả đủ tiền công cho B thì B cũng không được áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản (hàng hoá mà B đã may) để yêu cầu A thực hiện nghĩa vụ. Bởi nghĩa vụ trả tiền không phải phát sinh tài sản mà phát sinh từ đối tượng khác. Nếu A vẫn tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. B cần sử dụng những biện pháp khác để yêu cầu bên phía Công ty A thực hiện nghĩa vụ này.

Theo khái niệm cầm giữ tài sản quy định tại Điều 346 BLDS năm 2015, cầm giữ tài sản áp dụng với đối tượng là tài sản và tài sản này là đối tượng của hợp đồng song vụ. Quy định này đã dẫn đến một số hạn chế, gây nhầm lẫn khi áp dụng. Bởi đối tượng của hợp đồng như dịch vụ vận chuyển, gia công hay sửa chữa là công việc phải thực hiện chứ không phải là tài sản. Tài sản trong các hợp đồng này là đối tượng của nghĩa vụ, nên luật cần sửa đổi theo hướng “tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ” thành “tài sản là đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ”. Bởi về lý thuyết thì đối tượng của nghĩa vụ và đối tượng của hợp đồng là hai khái niệm độc lập. Hai khái niệm này có thể trùng nhau như trong hợp đồng thuê, cho mượn tài sản nhưng đối với các hợp đồng dịch vụ thì đối tượng của nghĩa vụ và đối tượng của hợp đồng là khác nhau[9]. Quy định của pháp luật hiện hành đã hạn chế các quan hệ áp dụng của biện pháp này, do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự, cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn quy định về vấn đề đối tượng của cầm giữ không chỉ là tài sản – đối tượng trong hợp đồng song vụ mà cả những tài sản có thêt cầm giữ được của bên vi phạm nghĩa vụ.

Thứ hai, mục đích của cầm giữ tài sản: Căn cứ theo quy định tại Điều 346 BLDS năm 2015, đã xác định được “cầm giữ là một quyền trong hợp đồng song vụ được áp dụng” nhưng chưa xác định được việc thực hiện quyền cầm giữ này nhằm mục đích gì? Nhưng chúng ta có thể xác định được việc thực hiện quyền cầm giữa này thông qua quy định tại:

(i) Bên có quyền tạo sức ép để bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ[10]: Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ là căn cứ để bên có nghĩa vụ bị vi phạm áp dụng biện pháp cầm giữ. Dù BLDS quy định, bên có quyền cầm giữ tài sản nhằm yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhưng mục đích này không có tính khả thi khi BLDS không quy định nội dung khi nào bên vi phạm nghĩa vụ buộc phải thực hiện nghĩa vụ hay tài sản sẽ bị xử lý như thế nào? Đây chính là hạn chế của quy định pháp luật về biện pháp cầm giữ. Do đó, để cầm giữ tài sản được thực thi hiệu quả, BLDS cần phải bổ sung các cơ chế nhằm bắt buộc bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.

(ii) Bên cầm giữ được quyền khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ[11]. Khác với cách tiếp cận của BLDS Việt Nam hiện hành, BLDS Nhật Bản quy định người cầm giữ có thể thu hoa lợi tự nhiên từ vật cầm giữ thay cho việc thực hiện nghĩa vụ; đối với hoa lợi pháp lý, ví dụ như cho thuê vật sản cầm giữ thì việc cho thuê phải được người mắc nợ đồng ý; việc thực hiện nghĩa vụ bằng hoa lợi được tiến hành theo thứ tự, trước hết trừ hao tiền lãi sau đó trừ vào nghĩa vụ chính[12]. Nhật Bản phân chia hoa lợi thành hoa lợi tự nhiên và hoa lợi pháp lý. Phụ thuộc vào bản chất của từng lợi hoa lợi mà pháp luật yêu cầu bên cầm giữ được sự đồng ý hoặc không được sự đồng ý của bên có nghĩa vụ để khai thác hoa lợi. Giá trị từ việc khai thác hoa lợi cũng được dùng để bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Cách tiếp cận của Nhật Bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho bên cầm giữ trong việc bỏ vệ quyền lợi của mình, hạn chế rủi ro khi bên có nghĩa vụ không cho phép họ khai thác tài sản để hưởng hoa lợi, lợi tức mà cũng không cam kết thời hạn thực hiện nghĩa vụ.

BLDS của Việt Nam năm 2015 cũng quy định bên cầm giữ được quyền khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữa được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán khoản nợ đối với bên cầm giữ và giúp bên cầm giữ bù đắp được các chi phí phát sinh trong quá trình cầm giữ tài sản, nhất là khi tài sản có khối lượng lớn (chẳng hạn cần có kho, bãi để chứa hàng) hay trong trường hợp chủ sở hữu tài sản bị cầm giữ cố tình không thực hiện nghĩa vụ khiến thời gian cầm giữ kéo dài. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải loại tài sản nào cũng phát sinh hoa lợi, lợi tức trong thời gian cầm giữ hay không phải bên có nghĩa vụ nào cũng đồng ý để bên cầm giữ được khai thác tài sản cầm giữ. Hay nói cách khác, mục đích này không phải được thực hiện trong mọi trường hợp. Do đó, để cầm giữ tài sản được thực thi hiệu qủa, BLDS năm 2015 cần sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế xử lý tài sản cầm giữ, thời hạn cầm giữ tài sản…là căn cứ để làm rõ mục đích áp dụng của biện pháp này.

Thứ ba, đối với thời điểm xác lập cầm giữ tài sản: Theo quy định tại Điều 347 BLDS năm 2015, căn cứ xác lập cầm giữ tài sản là bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn đã thoả thuận. Nói cách khác, quyền cầm giữ tài sản phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Pháp luật cho phép bên có quyền được cầm giữ tài sản của bên vi phạm nghĩa vụ mà không cầm xem xét đến việc nghĩa vụ không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Vấn đề đặt ra là nghĩa vụ đã thoả thuận không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng là do sự kiện bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan khác thì sẽ xử lý như thế nào? Liệu rằng, việc bên có quyền áp dụng biện pháp này có phù hợp với thực tiễn và pháp luật?[13].

Khoản 2 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trường hợp hai bên không có thoả thuận, khi bên vi phạm nghĩa vụ chứng minh được nghĩa vụ đã thoả thuận không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng là do sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. và khả năng cho phép thì không phải chịu trách nhiệm dân sự. Chẳng hạn như: A thuê kho hàng của B để bảo quản hàng hoá. Khi cho thuê tài sản, B không thông báo cho A về việc bộ phận trần nhà của nhà kho bị nứt một số vị trí. Trong quá trình sử dụng, hàng hoá của A bị hư hỏng một phần do trần nhà sập; A yêu cầu B bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, khi đến hạn trả lại nhà kho, nếu B không thanh toán chi phí thiệt hại cho A thì A có quyền chiếm hữu nhà kho đến lúc B thực hiện xong nghĩa vụ đối với mình. Cũng trong tình huống này, nếu việc hỏng trần nhà là do mưa bão quá lớn gây ra mà không phải do bị hỏng từ trước khi giao kết hợp đồng thuê thì B không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại này.

BLDS năm 2015 trao cho bên có quyền được cầm giữ tài sản của bên bị vi phạm nghĩa vụ trong mọi trường hợp mà không loại trừ yếu tố sự kiện bất khả kháng thì không phù hợp. Do đó, cần nên có văn bản hướng dẫn quy định rõ nội dung của vấn đề này.

Thứ tư, đối với phạm vi của cầm giữ tài sản: Cầm giữ theo quy định pháp luật hiện hành chỉ giới hạn trong phạm vi hợp đồng song vụ. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trường hợp cầm giữ tài sản đối với “quan hệ song vụ” không phải là “hợp đồng song vụ” nhưng pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào điều chỉnh về nội dung này.

Ví dụ: Khi A thực hiện công việc không có uỷ quyền đối với một tài sản của B. Theo khoản 2 Điều 576 BLDS năm 2015 thì B phải trả A một khoản tiền và A phải trả lại tài sản cho B. Giữa A và B không có hợp đồng song vụ nhưng có quan hệ song vụ. Nếu áp dụng Điều 346 BLDS năm 2015 thì khi B không trả tiền cho A, A sẽ không được cầm giữ tài sản của B. Như vậy, B sẽ mất quyền lợi. B phải sử dụng những biện pháp khác để yêu cầu A trả tiền.

Hay trường hợp, gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì khi nhận lại gia cầm, chủ sở hữu phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm[14]. Vấn đề đặt ra là, nếu người có gia cầm bị thất lạc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản tiến trên thì bên bắt được có được quyền cầm giữ gia cầm không? Nếu đối chiếu theo quy định tại Điều 346 BLDS năm 2015 thì không thể áp dụng được bởi giữa họ không tồn tại hợp đồng mà chỉ tồn tại quan hệ song vụ.

Pháp luật của Pháp cũng quy định, bên bị vi phạm nghĩa vụ được cầm giữ tài sản trong quan hệ song vụ. Ví dụ, người đang chiếm giữ một tài sản bị đánh cắp hay bị mất nếu đã mua tài sản này tại một hội chợ, chợ, một buổi bán đấu giá hay từ một người bán hàng bán các tài sản tương tự chỉ phải hoàn trả tài sản này cho người chủ ban đầu khi người chủ này hoàn trả cho họ số tiền họ đã phải trả khi mua tài sản, tức là, nếu không được hoàn trả số tiền bằng giá mua thì người đang chiếm giữ được tiếp tục cầm giữ tài sản. Hay trong trường hợp thuê nhà ở, nếu trong hợp đồng thuê có quy định quyền của bên cho thuê được bán căn nhà cho thuê và yêu cầu bên thuê ra khỏi địa điểm thuê trong thời hạn của hợp đồng thuê thì bên thuê chỉ phải rời địa điểm thuê khi bên cho thuê hay bên mua nhà thanh toán các khoản bồi thường thiệt hại được quy định trong hợp đồng hay theo quy định của pháp luật[15].

Đây là những trường hợp xảy ra rất nghiều trên thực tế mà nếu được áp dụng biện pháp cầm giữ tài sản thì quyền của bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn, do đó BLDS cần sửa theo hướng ban hành văn bản hướng dẫn nhằm mở rộng phạm vi áp dụng cầm giữ tài sản cho quan hệ song vụ.

Thứ sáu, đối với biện pháp xử lý tài sản cầm giữ: Trên thực tế, không phải bao giờ giá trị tài sản cầm giữ cũng lớn hơn giá trị nghĩa vụ phải thực hiện mà giá trị của tài sản cũng có thể bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ bảo đảm. Việc không quy định về xử lý tài sản cầm giữ là một thiếu sót lớn của BLDS 2015, làm mất đi ý nghĩa của cầm giữ tài sản với vai trò một biện pháp bảo đảm. Khi không được xử lý tài sản bảo đảm, bên có quyền chỉ có thể khai thác tài sản để bù trừ nghĩa vụ nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Khi bên có nghĩa vụ không đồng ý thì bên cầm giữ không thể bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do vậy, BLDS 2015 hoặc các văn bản dưới luật hướng dẫn về biện pháp cầm giữ tài sản cần có quy định về xử lý tài sản cầm giữ để tạo điều kiện cho bên có quyền thực thi tốt nhất quyền năng của mình trên thực tế. Trong trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên cầm giữ có quyền xử lý tài sản đảm bảo một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất nhưng vẫn đảm bảo khách quan, trung thực. Mặt khác, Bộ luật dân sự năm 2015 cần quy định phương thức xử lý tài sản cầm giữ để loại trừ việc bên cầm giữ sẽ tuỳ tiện trong việc xử lí tài sản.

Như vậy, nghiên cứu quy định pháp luật về cầm giữ tài sản, có thể thấy rằng nội dung quy định pháp luật còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên thì việc sử đổi, bổ sung nội dung quy định pháp luật về cầm giữ tài sản cần phải có lộ trình cụ thể chứ không thể sửa đổi ngay trong khoảng thời gian một sớm một chiều được. Trong thời gian tới, khi ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung này thì có thể xem xét, cụ thể hoá cũng như bổ sung chi tiết các quy định về cầm giữ tài sản cho phù hợp với quy định của BLDS năm 2015.

 

TAND huyện Phú Hòa, Phú Yên tổ chức phiên tòa xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Ánh Việt

[1] Điều 346 Bộ luật dân sự năm 2015.

[2] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb Công an nhân dân,, Hà Nội, tr.538.

[3] Hoàng Đình Dũng (2020), Cầm giữ tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Tạp chí Luật sư Việt Nam điện tử.

[4] Trần Thị Liên Hương (2017), Cầm giữ tài sản – Biện pháp mới nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo Bộ luật dân sự năm 2015, Tạp chí Quản lý kinh tế và quốc tế.

[5] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (2017), Tlđd, tr.540.

[6] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (2017), Tlđd, tr.541.

[7] Điều 149 Luật Thương mại năm 2005.

[8] Khoản 4 Điều 40 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015.

[9] Vũ Thị Hồng Yến (2015), “Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 7, tr.21 – tr.26.

[10] Khoản 3 Điều 348 Bộ luật dân sự năm 2015.

[11] Khoản 3 Điều 348 Bộ luật dân sự năm 2015.

[12] Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Nhật Bản/Xaca Vacaxum, Tori Aritdumi; Dịch Nguyễn Đức Giao, Lưu Tiến Dũng, Hoàng Thế Liên hiệu đính, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995,tr.272.

[13] Nguyễn Văn Hợi (2014), “Một số vấn đề về cầm giữ tài sản trong Bộ luật dân sự năm 2005”, Tạp chí Luật học, số 11, tr.38 – tr.45.

[14] Khoản 2 Điều 232 Bộ luật dân sự năm 2015.

[15] Bùi Đức Giang (2014), “Cầm giữ tài sản có phải là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp , số 22, tr.33 – tr.40.

NCS. ThS. ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI (Nghiên cứu sinh Khoa pháp luật dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội)