Hoạt động nghiên cứu khoa học phải phục vụ cải cách tư pháp, xây dựng Tòa án số và nâng cao chất lượng xét xử

Hoạt động nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn công tác Tòa án, đáp ứng các nhiệm vụ cải cách tư pháp và định hướng đổi mới, phát triển của hệ thống TAND. Quan điểm chỉ đạo đó đã được TANDTC công bố tại Quyết định số 604/QĐ-TANDTC ngày 10/01/2022 về việc phê duyệt công trình nghiên cứu khoa học năm 2022 của TANDTC.

Với 07 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 03 đề tài khoa học cấp cơ sở đã cho thấy toàn bộ nội dung các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2022 đều gắn bó mật thiết, chặt chẽ với định hướng thực hiện cải cách tư pháp của TAND đến năm 2030, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử, nâng cao chất lượng xét xử và các mặt công tác khác của TAND.

Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ quan trọng đầu tiên liên quan đến việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của TAND có tiêu đề “Thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện”, do PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài.

Nhằm hoàn thiện các Luật tố tụng Hình sự, tố tụng Dân sự, tố tụng Hành chính, các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được triển khai thực hiện với các nội dung sau: “Thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện” (do TS. Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ làm Chủ nhiệm đề tài); “Thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện” (do Th.s Tống Anh Hào, nguyên Phó chánh án TANDTC, nguyên Thẩm phán TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài); “Thực tiễn thi hành Luật Tố tụng Hành chính năm 2015 và một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện” (do TS Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài).

Nhằm triển khai thực hiện định hướng chuyển đổi số hoạt động của TAND trong xu thế cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực cơ bản, như: “Xây dựng Học viện Tòa án thông minh” (do PGS.TS Phạm Minh Tuyên, Giám đốc Học viện Tòa án, TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài); “Các nội dung cơ bản xây dựng Tòa án điện tử hướng tới Tòa án số ở Việt Nam” (do C.n Phạm Công Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài); “Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Tòa án điện tử và khuyến nghị cho Việt Nam” (do Th.s Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC làm Chủ nhiệm đề tài).

03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2022 tập trung nghiên cứu nâng cao chất lượng xét xử và cải cách tư pháp, với các nội dung sau: “Nâng cao chất lượng xét xử Giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”; “Xây dựng chiến lược khoa học của Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030”; “Thực trạng xét xử và giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế”.

Kết quả nghiên cứu khoa học của các đề tài năm 2022 sẽ được sự tham góp ý kiến của các chuyên gia pháp lý, giúp TANDTC có cơ sở để đề ra các giải pháp khả thi, thích hợp, hoàn chinh Đề án "Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, hoàn thiện tổ chức và hoạt động TAND, xây dựng TAND thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, xứng đáng là biểu tượng của công lý, niềm tin và lẽ phải, là chỗ dự tin cậy của nhân dân và xã hội./.

HÀ CẦM PHONG