Mối quan hệ giữa công lý và quyền con người

Với Hiến pháp 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” trở thành tiêu đề của tên Chương. Sự bổ sung cụm từ “quyền con người” này là sự khẳng định vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nhân Kỷ niệm 5 năm Hiến pháp 2013, chúng tôi xin được bàn về mối quan hệ giữa công lý và quyền con người.

1.Nhận thức về công  lý

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, khái niệm “công lý” đã được nhiều nhà tư tưởng đề cập đến. Khái niệm “công lý” được xác định dựa trên nhiều khía cạnh, góc độ tiếp cận khác nhau, thể hiện những khác biệt giữa các nền văn hóa khác nhau, giữa các thời điểm lịch sử tư tưởng nhà nước và pháp luật khác nhau.

Trong thời hiện đại, công lý đã được phân tích một cách chi tiết bởi nhà triết học chính trị hàng đầu của Mỹ J. Rawls đề cập đến trong cuốn Một lý thuyết về Công lý[1] của ông, theo đó: “công lý là cái đặc tính đầu tiên của các thể chế xã hội, cũng như công lý là đặc tính của hệ tư tưởng” [2]. J. Rawls coi công lý như là công bằng (justice as fairness), là niềm tin của pháp luật, là hạt nhân của đạo đức và là điều kiện tiên quyết của xã hội công dân… Do vậy, theo ông, “trong một xã hội công bằng thì sự bình đẳng về các quyền công dân và các quyền tự do đối với tất cả mọi người là không thể thay đổi; những quyền được công lý đảm bảo thì không thể đem ra mặc cả về chính trị hay những tính toán về lợi ích xã hội.”[3] . Trong cuốn từ điển Luật Black,  “công lý” đã được định nghĩa là “sự công bằng và hợp lý, với ba ý niệm cơ bản: sự nhấn mạnh về tầm quan trọng cá nhân, yêu cầu các cá nhân phải được đối xử một cách phù hợp, không thiên vị và bình đẳng[4].

Ở Việt Nam, khái niệm công lý đã được nhắc đến trong một số công trình nghiên cứu gần đây của một số tác giả như: Nguyễn Đăng Dung (Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền) [5]; Nguyễn Văn Hiển (Bàn về hệ thống pháp luật)[6], Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp (Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở “Mối quan hệ giữa pháp luật và công lý – Lý luận và thực tiễn”), Vũ Công Giao (Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền)[7]

Bên cạnh đó, về khía cạnh ngôn ngữ, khái niệm công lý cũng đã xuất hiện trong một số từ điển, ví dụ như: “Công lý là lẽ phải, lẽ công bằng, phù hợp với pháp luật đương thời, không thiên lệch, không tư vị. Chế độ nào cũng coi tòa án là tượng trưng cho công lý, là cơ quan công lý của chế độ ấy”[8]. Hay công lý là “sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng đắn, lẽ phải. Thường được dùng trong đời sống pháp lý và đặc biệt là trong hoạt động tư pháp”[9]; “Công lý là sự nhận biết đúng đắn và tôn trọng theo lẽ phải các quyền lợi ích chính đáng của mọi người”[10].

Trong lĩnh vực tư pháp, công lý và bảo vệ công lý được xác định là một trong những mục tiêu cơ bản của Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2020  (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị). Cụ thể, Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020  đã nêu rõ việc: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Cùng với đó, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra những biện pháp nhằm đảm bảo cơ sở chính trị cho hoạt động cải cách tư pháp để từ đó xây dựng cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa vững chắc trong hoạt động bảo vệ công lý và quyền con người cho nhân dân. Cụ thể, về mục đích và lộ trình thực hiện, Văn kiện xác định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp[11].

Như vậy, khái niệm công lý trong Chiến lược cải cách tư pháp và Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính chất là công lý trong lĩnh vực tư pháp, thể hiện qua việc xét xử bằng các thủ tục tố tụng công bằng, hợp pháp, nhằm bảo vệ lợi ích của nhân dân và của xã hội. Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (Sửa đổi) của Uỷ ban Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã dự kiến bổ sung, làm sáng tỏ nhiệm vụ của Toà án nhân dân trước yêu cầu bảo vệ công lý: “Toà án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định này sau đó đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3 Điều 102).

 

Luật sư tranh tụng, bảo vệ thân chủ tại Tòa án – Ảnh Báo BG

 

Có thể thấy, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, công lý và bảo vệ công lý đã trở thành một trong những mục tiêu cơ bản, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và Nhà nước ta, được xem như là một giá trị tiến bộ xã hội nhân văn, bền vững được toàn xã hội thừa nhận và hướng tới.[12]

Như vậy, dù có nhiều quan niệm về công lý trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhưng xét cho cùng thì công lý có thể được hiểu là việc bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa con người với con người đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, người này không được phép làm phương hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, nếu có sự vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho những phương hại mà mình đã gây ra.

2.Nhận thức về quyền con người

Xét về mặt ngôn ngữ học, theo  Đại từ điển Tiếng Việt, “nhân quyền” (theo nghĩa Hán – Việt) chính là “quyền con người[13] (theo nghĩa thuần Việt) và trong tiếng Anh đều được gọi chung là “human rights”. Do đó, chúng ta có thể hiểu và dùng hai từ này để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và các hoạt động khác với ý nghĩa tương tự nhau.

Trên thế giới, quyền con người là một phạm trù có nhiều định nghĩa khác nhau; cách định nghĩa phụ thuộc vào sự nhìn nhận của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một trong những định nghĩa về nhân quyền được sử dụng phổ biến là của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (Office of High Commissioner for Human Rights – OHCHR) đưa ra: “quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu (universal legal quarantees) có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động (actions) hoặc sự bỏ mặc (omissions) mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép (entitlements)và tự do cơ bản (fundamental freedoms) của con người.”[14]

Ở Việt Nam, định nghĩa quyền con người đã được nhiều chuyên gia đề cập đến. Mặc dù không hoàn toàn giống nhau nhưng đều được nhắc đến với cách hiểu “quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế”.[15]

Về nguồn gốc của quyền con người, trên thực tế vẫn luôn tồn tại hai quan điểm đối lập nhau từ trước đến nay.

Quan điểm thứ nhất cho rằng quyền con người là quyền tự nhiên (natural rights), bẩm sinh, mọi cá nhân đều được hưởng quyền đó chỉ bởi vì họ là một con người; quyền con người không bị phụ thuộc vào các yếu tố khác như xã hội, pháp luật, nhà nước, văn hóa,… vì vậy, không một chủ thể nào có quyền tước đoạt đi quyền đó của cá nhân con người.

Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng quyền con người là quyền pháp lý (legal rights), nó không phải là tự nhiên, không phải là bẩm sinh, mà nó phải được nhà nước xác định thông qua các quy phạm pháp luật hoặc xuất phát từ truyền thống văn hóa nơi con người đó sống. Theo quan điểm này thì quyền con người sẽ bị phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và các yếu tố khác như văn hóa, phong tục … của các xã hội.

Cho đến nay, để xác định tính đúng sai hoàn toàn cho hai quan điểm kể trên vẫn rất khó để đưa ra kết luận cuối cùng. Về hình thức, hầu hết các văn kiện pháp luật của các quốc gia đều thể hiện quyền con người theo quan điểm vừa là quyền tự nhiên, vừa là quyền pháp lý. Trong Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 lại tiếp cận từ góc độ quyền tự nhiên, thể hiện qua quy định ở Lời mở đầu: “Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới”, [16] và Điều 1: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”[17] Bên cạnh đó, một số văn kiện chính trị-pháp lý của nhiều quốc gia cũng khẳng định các quyền con người là tự nhiên, như Tuyên ngôn Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc; Tuyên ngôn Dân quyền và Quyền con người của Pháp (1789):“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.; Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam (1945): “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do [18].

Dù quyền con người được hiểu theo quan điểm nào (quan điểm tự nhiên hay quan điểm pháp lý) thì việc thực hiện nó vẫn cần có sự can thiệp của pháp luật. Điều đó là bởi hầu hết những nhu cầu vốn có, tự nhiên của con người không thể được bảo đảm đầy đủ nếu không được ghi nhận bằng pháp luật, mà thông qua đó, nghĩa vụ tôn trọng và thực thi các quyền không phải chỉ tồn tại dưới dạng những quy tắc đạo đức mà trở thành những quy tắc cư xử chung, có hiệu lực bắt buộc và thống nhất với cho tất cả mọi chủ thể trong xã hội. Chính vì vậy, quyền con người gắn liền với các quan hệ pháp luật và là một phạm trù pháp lý[19]. Pháp luật chính là phương tiện để pháp lý hóa giá trị xã hội của các quyền tự nhiên, bởi quyền tự nhiên không hiển nhiên được áp dụng trực tiếp trong xã hội, mà nó phải được chính thức hóa, xã hội hóa thông qua pháp luật. Đồng thời, pháp luật cũng là phương tiện để bảo đảm giá trị thực tế của các quyền con người; là công cụ để cho Nhà nước bảo đảm tính thực thi các quyền con người của các chủ thể khác nhau trong xã hội và là công cụ cho chính cá nhân tự bảo vệ mình thông qua việc vận dụng các quy phạm pháp luật quốc gia và quốc tế có liên quan.

3.Mối quan hệ giữa công lý và quyền con người

Công lý và quyền con người là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau. Cả hai phạm trù này đều thuộc về con người, là những quyền lợi mà con người có quyền yêu cầu, đòi hỏi được bảo đảm, và sự bảo đảm đó được thực hiện thông qua các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành.

 

Trao quyết định của Tòa án nhân dân thành phố về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện –  Ảnh PV

 

Khi công lý được thực hiện thì đồng thời quyền con người cũng từ đó mà được bảo đảm, ngược lại, khi quyền con người được bảo đảm bởi các quy phạm pháp luật thì từ đó công lý cũng được thực thi.

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013 có những sửa đổi, bổ sung đã kế thừa tinh thần về quyền con người của Hiến pháp 1992 và có những phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Với Hiến pháp 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, “quyền con người” trở thành tiêu đề của tên Chương, thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ của công dân” như tất cả các bản Hiến pháp trước đây. Sự bổ sung cụm từ “quyền con người” này là sự khẳng định vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong bối cảnh phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.  Đồng thời, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được đặt ngay tại Chương II của Hiến pháp nhằm đề cao nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mục đích cuối cùng của Hiến pháp 2013 là nhằm khẳng định và bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của công dân và tất cả mọi người.

Hiến pháp 2013 đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm các quyền con người, nhất là các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa. Chẳng hạn, Hiến pháp khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 24); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em (Điều 36)… Việc nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người là hoàn toàn phù hợp với bản chất của chế độ XHCN ở Việt Nam. Theo đó, Nhà nước luôn chăm lo đến con người, đến quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, đến sự phát triển toàn diện của tất cả mọi người, và đặc biệt chịu trách nhiệm chính trong việc tôn trọng, thực thi và bảo đảm các quyền con người.

Như vậy Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Việc quy định quyền con người trong Hiến pháp năm 2013 đã tạo nền tảng pháp lý cao nhất để bảo đảm quyền con người được hiện thực hóa đầy đủ trong thực tiễn.

Đặc biệt Điều 102 Hiến pháp quy định, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Như vậy trong toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ có Tòa án có chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp 2013: “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ công lý, quyền con người là nhiệm vụ hàng đầu của Tòa án. Quy định này phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, trong đó coi con người là trọng tâm và là mục tiêu phục vụ của bộ máy nhà nước.

Khi quyền con người ở Việt Nam được khẳng định trong văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp, được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc tất cả các lĩnh vực để thực hiện đúng nguyên tắc hợp hiến, thì quyền con người một lần nữa được khẳng định chắc chắn như quyền pháp lý của con người.

Trong mối quan hệ với công lý, khi quyền con người được thể hiện qua quy định của pháp luật và được bảo đảm bởi việc cụ thể hóa trong các quy phạm pháp luật, thì sự công bằng, bình đẳng của con người cũng được thực thi. Mọi người đều được hưởng những quyền lợi mà mình đáng được hưởng, được công bằng và bình đẳng như nhau khi cùng được hưởng quyền con người như nhau thông qua việc thực hiện các quy phạm pháp luật của các chủ thể trên thực tiễn.

Ngược lại, khi công lý được thực thi, con người bình đẳng, công bằng như nhau trong việc được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Tòa án là cơ quan xét xử đại diện cho việc thực thi công lý, ví dụ trong hình sự, người phạm tội phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi phạm tội của mình, vì đã làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Không ai có quyền làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, con người bình đẳng như nhau trong việc hưởng các quyền lợi pháp lý thuộc về mình. Công lý được thực thi, thì những quyền tự nhiên của con người qua đó được bảo đảm, được tôn trọng.

 

 

[1] J.Rawls (1971), A theory of justice.

[2] Nguyễn Thế Anh (2015), Luận văn thạc sĩ luật học, Quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam hiện nay, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, trang 18.  

[3] Nguyễn Thế Anh (2015), Luận văn thạc sĩ luật học, Quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam hiện nay, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, trang 18.  

[4] Henry Campbell Black M.A. St.Paul, Minn (1983), Black’s Law DictionaryR, (Từ điển Luật Black), Nxb West Publishing Co., tr.447.

[5] Nguyễn Đăng Dung (2001), Tòa án Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb ĐHQG Hà Nội.

[6] Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Minh Tâm, Phạm Duy Nghĩa (2014) Bàn về hệ thống pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia.

[7] Vũ Công Giao (2009) Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền, Tạp chí Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Luật học 25 (2009) 188-194.

[8] Viện ngôn ngữ học (1999), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, tr.210.

[9] Bộ Tư pháp (2006), Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa và Nxb Tư pháp, tr.217.

[10]GS. Nguyễn Lân (2006), Từ và ngữ Tiếng Việt, Nxb Tổng hợp Hồ Chí Minh.

[11] Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, trang 114.

[12] Nguyễn Xuân Tùng (2012), Về khái niệm “công lý” trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở Việt Nam, Bài báo trên website của Bộ Tư Pháp tại http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1546.

[13] Viện Ngôn ngữ học: Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1999, trang 1239.

[14] Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc – OHCHR (2006), Freequently Asked Questions on a Human Rights-based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, trang 1.

[15] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2009), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 38.

[16] Nguyên văn: “Preamble: Whereas recognition of the inherent dignity and of the equal and inalienable rights of all members of the human family is the foundation of freedom, justice and peace in the world.”

[17] Nguyên văn: Article I: All human beings are born free and equal in dignity and rights. They are endowed with reason and conscience and should act towards one another in a spirit of brotherhood”.

[18] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2009), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 41.

[19]Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2009), Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 47.

ThS. HOÀNG THỊ BÍCH NGỌC