Một số bất cập thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS năm 2015

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử có ý nghĩa bảo đảm quyền con người, đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra khách quan, minh bạch, dân chủ, công bằng. Tuy nhiên, trên thực tế thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vẫn còn có những bất cập.

1. Quy định của luật

Theo từ điển Luật học:“Tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng được tiến hành tại phiên tòa bởi hai bên tham gia tố tụng, nhằm bảo vệ ý kiến, luận điểm của mỗi bên và bác bỏ ý kiến, luận điểm của bên kia dưới sự điều khiển, quyết định của Chủ tọa phiên tòa với vai trò trung gian, trọng tài”. Bản chất của tranh tụng là quá trình điều tra công khai và tranh luận giữa các bên dưới sự điều khiển của Hội đồng xét xử để phân tích, thẩm định, đánh giá chứng cứ nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp Tòa án giải quyết vụ án khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Hiến pháp năm 2013 được ban hành, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nguyên tắc tranh tụng được thừa nhận. Khoản 5 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đây là định hướng chỉ đạo cho việc quy định nguyên tắc tranh tụng trong BLTTHS.

Nguyên tắc tranh tụng được quy định tại Điều 26 BLTTHS 2015 (1). Nguyên tắc này có ý nghĩa bảo đảm quyền con người, đảm bảo hoạt động tố tụng được diễn ra khách quan, dân chủ, công bằng, phán quyết, quyết định của Tòa án được đưa ra trên cơ sở những chứng cứ, sự việc có thật đã được làm rõ tại phiên tòa; bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, quyền bình đẳng của những người tham gia tố tụng với nhau và với cơ quan nhà nước trong tranh tụng.

2. Một số bất cập

Thực tiễn cho thấy, ở hầu hết các phiên tòa, Hội đồng xét xử quan tâm và tạo điều kiện cho luật sư, bị cáo, đương sự trình bày các quan điểm, ý kiến của mình về các tình tiết của vụ án; cơ quan báo chí cũng được tạo điều kiện để thông tin về hoạt động tại phiên tòa kịp thời, bảo đảm phiên tòa diễn ra công khai; quyền bào chữa, quyền công khai xét xử được tuân thủ. Phiên tòa được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thoải mái cho luật sư khi tranh tụng. Bản án được tuyên bảo đảm tính khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm các quyền của bị cáo, việc tranh tụng tại các phiên tòa được thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vẫn còn có những bất cập, đó là:

Thứ nhất, BLTTHS quy định trong mọi tr­ường hợp Kiểm sát viên vắng mặt phải hoãn phiên tòa trong khi BLTTHS quy định ngư­ời bào chữa hoặc bị cáo, các chủ thể khác vắng mặt thì vẫn có thể tiến hành xét xử vụ án. Quy định nh­ư vậy là chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên trong tranh tụng, sẽ không bảo đảm đư­ợc quyền của bị cáo. Sự vắng mặt của luật sư­ và bị cáo tại phiên tòa sẽ làm cho quá trình tranh tụng mất đi ý nghĩa bởi thiếu một bên tham gia tranh tụng và bào chữa là chức năng quan trọng không được thực hiện, những phiên tòa không có luật sư bào chữa thì việc tranh tụng diễn ra một chiều.

Thứ hai, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, lần đầu được quy định trong BLTTHS năm 2015, tuy nhiên cho đến nay các Thẩm phán và Kiểm sát viên chưa được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều khiển tranh tụng của Chủ tọa phiên tòa và kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.

Thứ ba, BLTTHS năm 2015 không quy định về biện pháp áp dụng trách nhiệm đối với trường hợp Kiểm sát viên không thực hiện nghĩa vụ đối đáp tại phiên tòa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án là chưa bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong tranh tụng khi xét xử vụ án hình sự.

Thứ tư, về việc thực hiện trách nhiệm của các chủ thể tiến hành tố tụng khi xét hỏi cũng còn hạn chế, bất cập. Có trường hợp Kiểm sát viên còn có định kiến với bị cáo, coi họ đã là tội phạm, chưa quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội; có trường hợp Kiểm sát viên chưa tích cực, chủ động trong việc xét hỏi mà coi việc xét hỏi là nhiệm vụ chính của Chủ tọa phiên tòa. Khi phát biểu ý kiến, có trường hợp Kiểm sát viên không căn cứ vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa mà căn cứ vào bản cáo trạng đã truy tố bị cáo, mặc dù kết quả xét hỏi công khai tại phiên toà có nhiều nội dung không đúng với bản cáo trạng.

Một số vụ án, tại phiên tòa Hội đồng xét xử chưa điều hành tốt quá trình tranh luận giữa các bên; chưa thực sự chú ý đến những tình tiết, chứng cứ mới của vụ án nên những mâu thuẫn trong chứng cứ và lời khai chưa được làm sáng tỏ. Các tình tiết quan trọng và chứng cứ gỡ tội mà người bào chữa đưa ra có trường hợp không được Hội đồng xét xử quan tâm xem xét, chấp nhận và chưa được đề cập trong bản án. Có trường hợp Kiểm sát viên do chưa chuẩn bị tốt, không dự lường được tình huống xảy ra nên khi bị cáo và người bào chữa đưa ra những chứng cứ mới Kiểm sát viên bị động, lúng túng, né tránh những vấn đề mà bên gỡ tội nêu ra trái với quan điểm của Kiểm sát viên hoặc trả lời không đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang tranh luận.

Thứ năm, về giới hạn xét xử của Tòa án, tại phiên tòa phán quyết của Tòa án phải dựa trên việc xem xét đánh giá những chứng cứ đư­ợc đ­ưa ra và tranh luận giữa các bên. Tuy nhiên, qua thẩm tra và đánh giá chứng cứ xét thấy bị cáo phạm tội khác nặng hơn Hội đồng xét xử cũng không có quyền ra phán quyết về tội nặng hơn đó, nếu xét xử về tội nặng hơn đó vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án.

Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố A về tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, qua xem xét toàn diện các chứng cứ và đấu tranh tại phiên tòa có căn cứ kết luận A phạm tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tòa án không được ra phán quyết đối với A về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà phải trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, truy tố lại vì liên quan đến giới hạn của việc xét xử. Theo quy định tại Điều 298 BLTTHS: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố...Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Trường hợp này, Hội đồng xét xử phải căn cứ vào Điều 280 BLTTHS trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung và truy tố lại vì tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có khung hình phạt cao hơn tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà Viện kiểm sát truy tố. Như­ vậy, phải qua những khâu tố tụng lòng vòng mới giải quyết đ­ược vụ án và trong trường hợp này tranh tụng tại phiên tòa chưa phải là căn cứ có tính quyết định, Tòa án không ra đư­ợc phán quyết cuối cùng.

Thứ sáu, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tranh tụng tại phiên tòa chưa đúng với tinh thần tranh tụng đó là yếu tố con người.

Hiện nay có nhiều Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, phẩm chất đạo đức tốt tuy nhiên vẫn còn những Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm năng lực, phẩm chất chưa đạt yêu cầu. Chất l­ượng xét xử phụ thuộc vào kỹ năng điều khiển của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa, sự chủ động xét hỏi, tranh luận của Hội thẩm, Kiểm sát viên, Luật sư. Do đó đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải là người có cái tâm trong sáng đồng thời là người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Năng lực của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đối với Thẩm phán là kỹ năng điều khiển phiên tòa, Hội thẩm là kỹ năng xét hỏi và đối với Kiểm sát viên là kỹ năng tranh tụng, các trường hợp án bị sửa, huỷ xãy ra là do việc nắm và vận dụng pháp luật của một số Thẩm phán, Hội thẩm và Kiểm sát viên còn hạn chế.

Thực tế có nhiều luật sư giỏi về chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, tuy nhiên hiện nay đội ngũ luật sự vẫn còn thiếu về số lư­ợng, hạn chế về chất l­ượng. Luật sư tham gia bào chữa nặng về khai thác các tình tiết gỡ tội, giảm nhẹ nên ít quan tâm tới việc làm rõ các tình tiết của vụ án một cách đầy đủ, toàn diện; thậm chí có luật sư có việc làm không trong sáng, làm lộ bí mật điều tra để chạy tội cho bị cáo hoặc làm lộ bí mật đời tư của bị cáo, bị hại với động cơ không tốt. Chính những biểu hiện, việc làm của luật sư­ đã cản trở việc thực hiện quy định ngư­ời bào chữa tham gia tố tụng và tiếng nói của luật sư trong một số vụ án chưa đư­ợc ng­ười dân đồng tình, coi trọng. Mặt khác chi phí cho luật sư bào chữa cao, trong khi không phải bị can, bị cáo nào cũng có điều kiện thuê luật sư bào chữa. Luật sư trợ giúp pháp lý nhiều trường hợp bào chữa mang tích hình thức nên chất lượng tham gia tranh tụng thấp.

Thứ bảy, Điều 26 BLTTHS có nội dung không điển hình nguyên tắc tranh tụng như vấn đề mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng không phải có trong tất cả các vụ án hình sự, trong khi yêu cầu của một nguyên tắc tố tụng hình sự phải là những tư tưởng chủ đạo và định hướng cho hoạt động tố tụng hình sự, tồn tại khách quan và chi phối toàn bộ quá trình tố tụng.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, chúng tôi đề xuất, kiến nghị như sau:

Thứ nhất, bổ sung trường hợp luật sư vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan, như tai nạn, ốm đau... không phụ thuộc vắng mặt lần thứ nhất hay thứ hai thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trong trường hợp đó bị cáo có thể mời luật sư khác để bào chữa cho mình. Nếu Tòa án đã hoãn phiên tòa theo thời hạn luật định mà luật sư vẫn không thể có mặt được và bị cáo không mời luật sư khác thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử.

Thứ hai, Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm thực hiện thống nhất một số quy định của BLTTHS năm 2015 như: Quy định về trình tự xét hỏi (Điều 307); quy định về trách nhiệm của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên và người bào chữa (Điều 320; Điều 322); quy định biện pháp áp dụng trách nhiệm đối với Kiểm sát viên trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ đối đáp tại phiên tòa (với Luật sư bào chữa, bị cáo, đương sự).

Thứ ba, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho Thẩm phán kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa; nâng cao trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa trong điều hành phiên tòa theo hướng tranh tụng bảo đảm công bằng, dân chủ, khách quan; phát huy vai trò của người bào chữa trong đảm bảo quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho Kiểm sát viên về kỹ năng xét hỏi, tranh tụng, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với việc bảo đảm quyền bình đẳng của bị cáo tại phiên tòa.

Thứ tư, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ luật sư về nghiệp vụ, kỹ năng tham gia tranh tụng tại phiên tòa tạo sự chuyển biến mới về chất, nâng cao ý thức, trách nhiệm của luật sư.

Thứ năm, bổ sung quy định “Giới hạn của việc xét xử” tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS như sau: “… Tại phiên tòa xét thấy có căn cứ xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó, trừ trường hợp vượt quá thẩm quyền xét xử quy định tại Điều 268 của Bộ luật này”. Như vậy sẽ đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được thực hiện triệt để, tránh những khâu tố tụng lòng vòng mới giải quyết đ­ược vụ án và tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ có tính quyết định, Tòa án ra đư­ợc phán quyết cuối cùng.

Thứ sáu, cần quy định rõ trách nhiệm pháp lý của luật sư bào chữa trước bị can, bị cáo trong những trường hợp luật sư không làm tròn nghĩa vụ và chức năng nghề nghiệp của mình (bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo) hoặc có những việc làm vì động cơ không trong sáng. Tùy từng trường hợp có thể là trách nhiệm vật chất như phải hoàn trả lại cho thân chủ tiền thù lao đã nhận và bị phạt một khoản tiền nhất định hoặc là trách nhiệm kỷ luật, hành chính trước tổ chức đoàn luật sư (phê bình, cảnh cáo, tạm đình chỉ hành nghề có thời hạn, cấm hành nghề luật sư).

Thứ bảy, Điều 26 BLTTHS cần thể hiện ngắn gọn, ghi nhận những nội dung cơ bản, điển hình của nguyên tắc tranh tụng có tính chi phối toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự, tên gọi của điều luật cần thể thể hiện tranh tụng bao hàm cả giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Sửa đổi quy định tại Điều 26 BLTTHS 2015 như sau:

Điều 26. Tranh tụng trong giải quyết, xét xử vụ án được bảo đảm

“… Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, những vấn đề quan trọng và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa”.

Tóm lại, quá trình xét xử vụ án hình sự tranh tụng có vai trò quan trọng, không chỉ đánh giá một cách công khai, dân chủ các giai đoạn tố tụng trước đó (khởi tố, điều tra, truy tố) mà còn có ý nghĩa rất quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại, các chủ thể khác tham gia tố tụng. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, có như vậy mới đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm án oan người vô tội, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp đặt ra hiện nay.

Tại Điều 26 BLTTHS 2015 nguyên tắc tranh tụng được quy định như sau:(1)

“Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án hình sự do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

 

Tranh tụng tại một phiên tòa - Ảnh: PV

 

ThS LÊ ĐÌNH NGHĨA (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)