Một số bất cập, vướng mắc nội dung miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015

Thực tế áp dụng pháp luật miễn hình phạt trong thực tế quy định tại Điều 59 BLHS năm 2015 vẫn còn nội dung có cách hiểu khác nhau, nhiều quy định còn bấp cập chưa thống nhất, cần được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn trong thời gian tới.

Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện. Miễn hình phạt chỉ đặt ra cho những trường hợp việc áp dụng hình phạt đối với họ là không cần thiết, không đạt được mục đích của hình phạt hoặc trái với nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam.

1. Những bất cập, vướng mắc về quy định miễn hình phạt

1.1. Về cách hiểu các điều kiện để người phạm có thể được miễn hình phạt

 Điều 59 BLHS 2015 quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Như vậy, theo Điều 59 BLHS thì người phạm tội muốn được miễn hình phạt phải thỏa mãn hai điều kiện:

-Điều kiện thứ nhất, người phạm tội phải vừa thuộc khoản 1 vừa thuộc khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015.

Dẫn chiếu khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: “1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.”

-Điều kiện thứ hai, người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phân tích Điều 59 BLHS 2015 về điều kiện miễn hình phạt cho người bị kết án, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau: Người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể; người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Người bị kết án có thể được miễn hình phạt nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện là phải là người giúp sức, phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm mà có vai trò không đáng kể; Người phạm tội phải phải được Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS xử phạt mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt và người phạm tội chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo quan điểm thứ nhất thì người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và thỏa mãn các điều kiện khác thì có thể được áp dụng miễn hình phạt. Quan điểm thứ hai thì ngoài việc thỏa mãn những điều kiện khác thì người phạm tội phải được Tòa án xử phạt mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn thì mới có thể xem xét miễn hình phạt.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi vì Điều 59 BLHS quy định người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS có nghĩa là phải được Tòa án xét xử dưới khung hình phạt hoặc áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn, còn như cách hiểu của quan điểm thứ nhất là chưa bao hàm hết nội dung quy định của điều luật.

1.2. Về việc đánh giá nội dung người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn tình tiết nào được xem “đáng được khoan hồng đặc biệt” cho người phạm tội. BLHS và Luật Đặc xá chỉ quy định nội dung “chính sách khoan hồng” bao gồm các nội dung sau: Miễn TNHS, giảm nhẹ TNHS, miễn hình phạt, đặc xá, đại xá, xóa án tích. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể những điều kiện nào để được hưởng chính sách “khoan hồng đặc biệt”. Do vậy, việc hiểu và áp dụng nội dung này để miễn hình phạt cho người phạm tội theo quy định tại Điều 59 BLHS 2015 phụ thuộc vào đánh giá tùy nghi của Hội đồng xét xử, dẫn tới  tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.

1.3.Xác định hậu quả pháp lý của người được miễn hình phạt về nội dung xóa án tích còn chưa phù hợp với các luật khác.

 Khoản 2 Điều 69 BLHS 2015 quy định “người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Như vậy, người được miễn hình phạt được đương nhiên xóa án tích ngay tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật hoặc sau khi đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác trong bản án như nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, nộp án phí. hình sự. Trong khi đó, nếu một người vi phạm hành chính và bị xử phạt, thì đối với họ trong thời hạn 6 tháng hoặc 1 năm sau mới được xóa tiền sự và coi như chưa bị xử lý vi phạm hành chính (Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính). Quy định này không công bằng với người phạm tội được miễn hình phạt và người bị xử lý vi phạm hành chính, ngoài ra BLHS còn xác định dấu hiệu nhân thân (đã bị xử phạt hành chính) là một trong những yếu tố định tội. Như vậy, nếu so sánh người được miễn hình phạt và người bị xử lý hành chính cho thấy người vi phạm hành chính còn phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc hơn so với người được miễn hình phạt, mà người được miễn hình phạt là người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự quy định là tội phạm.

2. Một số kiến nghị đề xuất

Từ những bất cập, hạn chế nêu trên, chúng tôi đề xuất những kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định về miễn hình phạt trong BLHS hiện hành như sau:

2.1 Việc quy định các điều kiện có thể xem xét trường hợp miễn hình phạt tại Điều 59 BLHS năm 2015 còn chưa chặt chẽ. Điều 59 nêu các điều kiện để được miễn hình phạt nhưng lại dẫn chiếu điều kiện này gián tiếp qua điều luật khác là Điều 54 quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; từ đó, tiếp tục dẫn chiếu sang khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, rồi lại dẫn chiếu ngược trở lại để xem có đáp ứng đủ điều kiện hay không cho nên còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng, do đó cần sửa đổi nội dung điều luật cụ thể, dễ hiểu hơn theo hướng quan điểm thứ hai đã phân tích như trên để đảm tính logíc khoa học, chặt chẽ về kỹ thuật.

2.2. Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể chi tiết những trường hợp cụ thể nào được xem là tình tiết “người phạm tội đáng được khoan hồng đặc biệt” để  từ đó cơ quan tố tụng có căn cứ xem xét người phạm tội có thể được áp dụng miễn hình phạt.

2.3. Để bảo đảm công bằng giữa người được miễn hình phạt và người bị xử lý vi phạm hành chính thì quy định miễn hình phạt cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo hướng quy định bổ sung có tính bắt buộc nếu người phạm tội được miễn hình phạt thì họ vẫn có thể bị Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp tư pháp quy định của BLHS năm 2015 như: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi hoặc; bắt buộc chữa bệnh. Vì nếu không, người phạm tội được miễn hình phạt mà không bị áp dụng biện pháp gì sẽ không có tính giáo dục, thuyết phục và không bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự./.

 

Tòa án huyện Krông Bông, Đăk Lăk xét xử vụ án cướp giật tài sản - Ảnh: Nguyễn Tâm

NGUYỄN NGỌC LĨNH (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5)