Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ở Tòa án cấp sơ thẩm

Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với nhiều trường hợp khác nhau. Trên thực tế áp dụng điều luật này còn có những vướng mắc, tác giả đề xuất một số kiến nghị cho việc hoàn thiện pháp luật, góp phần bảo đảm hiệu quả và tính đúng đắn trong đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại các Tòa án.

1.Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế

Căn cứ trên được áp dụng khi một trong các đường sự là cá nhân đang tham gia vào việc giải quyết vụ án đã chết mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân đó. Theo Điều 25 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì “quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Điều 74 BLTTDS năm 2015 quy định:“ Đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền và nghĩa vụ tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng”.

Như vậy, chỉ trong trường hợp quyền và nghĩa vụ của đương sự đã chết là quyền và nghĩa vụ về tài sản thì người thừa kế sẽ tham gia tố tụng, còn đối với các quan hệ về nhân thân thì không có sự kế thừa về quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự, nên nếu trong vụ án tranh chấp về quyền nhân thân mà đương sự chết, do quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đối với vụ việc có nhiều quan hệ pháp luật vừa có quan hệ nhân thân, vừa có quan hệ tài sản cần giải quyết (ly hôn, chia tài sản của vợ chồng đồng thời giải quyết yêu cầu của chủ nợ đối với vợ chồng…) thì việc một trong các đương sự chết cũng không làm chấm dứt việc giải quyết các quan hệ tài sản. Do vậy, TANDTC cần ban hành hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 theo hướng trong những trường hợp này, Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết yêu cầu đối với quan hệ nhân thân mà không đình chỉ việc giải quyết đối với quan hệ tài sản trong vụ án.

Ngoài ra, cũng giống như BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), BLTTDS năm 2015 không quy định đối với trường hợp đương sự chết khi Tòa án đang giải quyết vụ án dân sự và quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ theo pháp luật quy định là được thừa kế nhưng không có người thừa kế. Theo Điều 622 BLDS năm 2015 thì trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước. Do đó, TANDTC cần ban hành hướng dẫn cụ thể cần hướng dẫn cụ thể về việc xử lý trong trường hợp tranh chấp về tài sản mà nguyên đơn chết mà không có người thừa kế.

Chúng tôi cho rằng, có thể hướng dẫn như sau: “Đối với vụ án tranh chấp về tài sản mà nguyên đơn chết nhưng không có người thừa kế tài sản thì Tòa án không đình chỉ giải quyết vụ án mà vẫn tiến hành giải quyết vụ án. Nếu Tòa án quyết định tài sản thuộc sở hữu, sử dụng của nguyên đơn thì tài sản này sẽ thuộc về Nhà nước quản lý”. Ngoài ra, cần hướng dẫn cụ thể theo hướng tranh chấp về một số quyền nhân thân của tác giả được pháp luật bảo hộ sau khi chết thì Tòa án không đình chỉ giải quyết vụ án.

2.Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản

Như đã phân tích ở trên, theo quy định của Luật Phá sản, sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản thì Tòa án cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã tiến hành thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh. Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không phục hồi được hoạt động kinh doanh và không thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tiến hành thủ tục thanh lý tài sản. Trong trường hợp này, vụ án dân sự sẽ chấm dứt hoàn toàn nhưng trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã và phục hồi được hoạt động kinh doanh thì theo quy định tại Chương VII Luật Phá sản 2014, sau khi Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì vụ án dân sự bị đình chỉ trước đó cần được tiếp tục giải quyết. Thực tiễn áp dụng cho thấy, trong trường hợp này đương sự có cần khởi kiện lại hay không cũng còn có ý kiến khác nhau.

Thiết nghĩ, trường hợp Toà án đã có quyết định mở thủ tục phá sản (điểm d khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015) đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó thì bản chất của vấn đề là Toà án có thẩm quyền về dân sự chỉ phải “tạm gián đoạn” việc giải quyết vụ án dân sự để chờ kết quả giải quyết của vụ phá sản (khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh hay phải thanh lý tài sản, tuyên bố phá sản). Do vậy, cần sửa đổi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 hoặc hướng dẫn áp dụng theo hướng trong trường hợp này, Toà án có thẩm quyền về dân sự sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thay vì đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như hiện nay. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Toà án sẽ tiếp tục giải quyết vụ án nếu doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi được hoạt động kinh doanh. Nếu Toà án giải quyết yêu cầu phá sản đã tiến hành thủ tục thanh lý tài sản hoặc tuyên bố phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã thì Toà án có thẩm quyền về dân sự sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

3.Nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản

Xét về thực chất thì việc thành lâp Hội đồng định giá tài sản hoặc trưng cầu giám định chỉ là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án. Do vậy, về phương diện lí luận nếu Tòa án vẫn có thể giải quyết vụ án từ các nguồn chứng cứ, tài liệu khác thì không nhất thiết phải đình chỉ giải quyết vụ án. Ngoài ra, quy định trên tuy có thể giải quyết được vướng mắc của thực tiễn nhưng dường như chưa đảm bảo quyền khởi kiện của đương sự, nhất là những đương sự không có điều kiện kinh tế để nộp những khoản tiền tạm ứng này. Nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 về quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án cũng cho thấy không có cơ sở rõ ràng để khẳng định trong trường hợp nói trên đương sự có quyền khời kiện lại khi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Đây là vấn đề cần được TANDTC hướng dẫn thêm để quyền tiếp cận công lí của nhân dân được bảo đảm.

4.Về hướng dẫn áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS năm 2015

Như đã phân tích phần nội dung trên về khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015: “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Tuy nhiên, vướng mắc đặt ra khi áp dụng quy định này trên thực tế là nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không đồng ý đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án sẽ giải quyết tình huống này như thế nào. Đây là một vấn đề cần được TANDTC xem xét hướng dẫn chi tiết thêm để đảm bảo việc thống nhất thực hiện trong thực tiễn.

5.Về giải quyết hậu quả pháp lý của việc thi hành án đối với trường hợp Tòa án xét xử lại vụ án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Theo quy định tại khoản 4 Điều 217 BLTTDS 2015 thì “Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có)…”.
Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả này lại không hề đơn giản trên thực tế. Đây là quy định mới được thiết lập trong BLTTDS năm 2015 và hiện nay TANDTC cũng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn tới việc thực thi trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này là cần thiết và cấp bách.

Khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án đã có hiệu lực và được thi hành đồng nghĩa những nội dung của quyết định trong bản án bị hủy trên sẽ không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực hiện. Tuy nhiên, việc thi hành án đã có thể được thực thi trước đó. Quá trình giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm mà phát sinh căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án thì Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của phần đã được thi hành án theo bản án có hiệu lực trước đó. Thiết nghĩ, cần có hướng dẫn theo tinh thần của quy định tại khoản 2 Điều 136, khoản 3 Điều 135 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) về trường hợp quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã xét xử vụ án và đình chỉ giải quyết vụ án mà phần tài sản trong bản án, quyết định bị hủy đã thi hành được một phần hoặc đã thi hành xong thì việc giải quyết hậu quả của việc đã thi hành án được thực hiện như sau:

+ Trường hợp tài sản đã thi hành án là động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản còn nguyên trạng thì trong phần giải quyết hậu quả việc thi hành án của quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án sẽ quyết định buộc bên đã được nhận tài sản theo bản án đã bị hủy phải trả lại tài sản cho bên đã giao theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật bị hủy.

+ Trường hợp tài sản đã được chuyển dịch hợp pháp cho người thứ ba chiếm hữu ngay tình thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa hoặc tài sản thi hành án đã bị thay đổi hiện trạng thì Tòa án sẽ quyết định người đã giao tài sản ban đầu không được lấy lại tài sản nhưng được bên nhận tài sản bồi hoàn lại giá trị của tài sản.

6.Hậu quả pháp lý của đình chỉ giải quyết vụ án

Việc thiếu vắng quy định quyền khởi kiện lại đối với trường hợp này trong quy định về hậu quả của việc đình chỉ việc giải quyết vụ án tại Điều 218 là một “khiếm khuyết” của BLTTDS năm 2015, thiếu sự tương thích với các quy định về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự tại các điều 2, 11 và 14 của BLDS 2015.

Do đó, về lâu dài cần bổ sung quy định quyền khởi kiện lại đối với trường hợp đình chỉ do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác vào khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung Bộ luật này.

Khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định: “1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”. Điều này có nghĩa là khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 và trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Cần nhấn mạnh “trường hợp khác theo quy định của pháp luật” ở đây được hiểu bao gồm cả luật và văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Có thể thấy, đây là điều khoản “quét” mà các nhà làm luật dự phòng cho các trường hợp phát sinh được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trường hợp liệt kê chưa đầy đủ.

Vì vậy, để khắc phục “khiếm khuyết” nêu trên của BLTTDS năm 2015, bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật thì giải pháp trước mắt là Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn BLTTDS năm 2015 theo hướng đối với trường hợp đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự do nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của BLTTDS 2015 thì đương sự có quyền khởi kiện lại. Về lâu dài vấn đề này cần được quy định bổ sung trong BLTTDS khi có điều kiện tiến hành sửa đổi, bổ sung.

ĐINH KIM DUNG (TAND tp Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn)