Một số vấn đề cần chú ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự về xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tại Tòa án

Trong Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên”, Ts. Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh có tham luận “Một số vấn đề cần chú ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự về xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tại Tòa án” được đánh giá cao. Xin giới thiệu cùng quý độc giả.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc phát triển kinh tế đất nước, thì vấn đề đấu tranh, phòng chống tội phạm ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra các chính sách, chủ trương, văn bản pháp luật nhằm hạn chế tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy trong quá trình hội nhập, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực, kinh tế, văn hóa, xã hội thì trong những năm trở lại đây, một số tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng và trở thành vấn nạn đáng lo ngại cho toàn xã hội. Một trong những tệ nạn xã hội gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai đất nước là nạn xâm hại tình dục nói chung và xâm hại tình dục có liên quan đến người dưới 18 tuổi nói riêng. Xâm phạm tình dục là vấn đề nhức nhối, đáng lên án, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Hậu quả để lại cho việc xâm phạm tình dục là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển bình thường của nạn nhân.

Phạm vi bài tham luận được giới hạn trong phạm vi một số nội dung đáng chú ý quy định tại Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 09 năm 2018 Quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên.

1. Thẩm quyền chuyên trách xét xử các tội xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng

* Theo Điều 38 của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể có các tòa chuyên trách sau: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Như vậy, bên cạnh các Tòa truyền thống được giữ nguyên, thì Luật tổ chức Tòa án 2014 đã bổ sung Tòa chuyên trách là Tòa gia đình và người chưa thành niên, đây được coi là Tòa hỗn hợp khi tiêu chí xác định thẩm quyền được xác định bên cạnh việc dựa trên tiêu chí quan hệ pháp luật thì còn xác định theo tiêu chí độ tuổi của người tham gia tố tụng; do đó thẩm quyền Tòa gia đình và chưa thành niên bao gồm: Các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; Xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên; Các vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự .

Khi giải quyết các vụ án hình sự về xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thuộc thẩm quyền Tòa gia đình và người chưa thành niên. Cần lưu ý “người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng” được xác định như sau:

– Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi: Theo tiêu chí này, chỉ cần xác định trong vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi, kể cả trường hợp vụ án hình sự có nhiều bị cáo, trong đó có bị cáo là người dưới 18 tuổi, có bị cáo là người trên 18 tuổi thì đều thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

– Vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần có sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi: Theo nội dung trên, vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên khi thuộc một trong hai trường hợp là Người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý (tổn thương nghiêm trọng về tâm lý là người luôn ở trong trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, suy nhược về tinh thần và thể chất, rối loạn tâm thần và hành vi do tác động bởi hành vi phạm tôi gây ra); hoặc người dưới 18 tuổi cần có sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường lành mạnh như những người dưới 18 tuổi (cần có sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh là người có hoàn cảnh không bình thường như mồ côi, cha mẹ ly hôn, hay bị bạo hành, cha mẹ bị nghiện rượu, bia, ma túy…. Dẫn đến thiếu thốn về vật chất, tinh thần, không có nơi ở, bỏ học hoặc không được đi học.

* Ngoài ra, khi xác định thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, một điểm cần lưu ý là nhà làm luật đã có sự phân hóa theo từng trường hợp mà phòng xét xử có thể được xử tại phòng xét xử hình sự thông thường hoặc phòng xét xử thân thiện để đảm bảo tính nhân đạo cũng như nghiêm mình của pháp luật đối với tính chất từng hành vi phạm tội, từng đối tượng thực hiện hành vi phạm tội (nội dung này được áp dụng đối với các Tòa án đã xây dựng được phòng xét xử thân thiện theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017; trường hợp các Tòa án chưa xây dựng được phòng xét xử thân thiện thì các vụ án hình sự có sự tham gia của người chưa thành niên phạm tội đều được xét xử tại phòng xét xử hình sự thông thường). Theo đó:

– Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự bao gồm :

+ Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

+ Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 của Bộ luật Hình sự.

+ Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

+ Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.

– Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện: Nội dung này được quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-CA theo hướng loại trừ nếu không thuộc trường hợp vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.

Vấn đề đặt ra là: Tại nội dung Thông tư 01/2016/TT-CA cũng như các văn bản pháp luật khác đã xác định rõ, cụ thể những trường hợp nào vụ án phải do Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết; Tuy nhiên về hậu quả pháp lý đối với trường hợp vi phạm thì chưa được đề cập trong các văn bản tố tụng và văn bản hướng dẫn. Vậy trường hợp vụ án hình sự nói chung và vụ án hình sự về xâm hại tình dục nói riêng có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nhưng lại do Tòa chuyên trách Tòa hình sự thụ lý, giải quyết thì vi phạm này có coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng để làm căn cứ hủy án hay không. Thiết nghĩ vấn đề này cần có hướng dẫn để thống nhất áp dụng.

2. Xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng

Khi xét xử vụ án hình sự xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, các Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần đặc biệt lưu ý 02 nội dung sau đây:

– Về trang phục: Theo Quyết định số 1738/QĐ-TANDTC ngày 23/11/2017 Quyết định Ban hành quy chế cấp phát, sử dụng và quản lý trang phục, giấy chứng minh thẩm phán, giấy chứng minh hội thẩm, giấy chứng nhận chức danh tư pháp, giấy chứng nhận Tòa án nhân dân thì trang phục khi tiến hành xét xử các vụ án nói chung là Áo choàng dài tay màu đen đã được cấp phát cho các Thẩm phán. Tuy nhiên do tính chất đặc thù trong việc xét xử vụ án hình sự xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, thì trang phục xét xử của Thẩm phán là trang phục hành chính làm việc thông thường là áo trắng, quần tối màu. Quy định này được áp dụng trong tất cả các vụ án hình sự xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng (theo Điều 7 Thông tư 01/2016/TT-CA); Theo quan điểm của tôi, đây chính là điểm không hợp lý khi Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định tất cả các trường hợp có sự tham gia tố tụng của người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán đều không mặc áo choàng khi xét xử. Liên hệ các quy định có liên quan, có thể thấy vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người 18 tuổi cũng có sự phân hóa để xác định phòng xét xử cho phù hợp với tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và độ tuổi của người tham gia tố tụng; theo đó chia ra làm 02 trường hợp là xét xử tại phòng xét xử thân thiện hoặc phòng xét xử hình sự thông thường. Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, liên quan và phù hợp với phòng xét xử, thiết nghĩ trang phục xét xử của Thẩm phán trong vụ án hình sự có sự tham gia của người dưới 18 tuổi cần được chia ra theo tiêu chí xác định phòng xét xử; cụ thể những vụ án hình sự có sự tham gia tố tụng của người dưới 18 tuổi được xét xử tại phòng xét xử thân thiện thì Thẩm phán mặc trang phục hành chính; còn đối với vụ án hình sự có sự tham gia tố tụng của người dưới 18 tuổi được xét xử tại phòng xét xử hình sự thông thường thì Thẩm phán vẫn mặc áo choàng.

– Cần lưu ý những vụ án hình sự về xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng thì đều bắt buộc phải xử kín mà không phụ thuộc vào yêu cầu của người dưới 18 tuổi hay ý chí chủ quan của Tòa án. Đối với việc xét xử kín trong trường hợp này, khi tuyên án thì Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án và việc tuyên án cũng kín.

Ngoài các quy định trên, Thẩm phán phải tuân thủ theo các quy định khác quy định tại Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC.

Nghiên cứu Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC với tên gọi là Xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi là không chính xác. Bởi: Phạm vi điều chỉnh mà Thông tư 02/2018/TT-TANDTC hướng tới là người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi được xác định bao gồm: bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác (sau đây gọi chung là người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi). Tuy nhiên tên gọi của Điều 7 là Xét xử vụ án hình sự có bị cáo, người bị hại là người dưới 18 tuổi có phạm vi điều chỉnh rộng hơn và vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của Thông tư 02. Do đó, việc đặt tên gọi nên trên sẽ mâu thuẫn và gây nhầm lẫn bởi nội hàm Điều 7 chỉ hướng tới đối tượng là bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác chứ không phải là toàn bộ bị cáo, người bị hại dưới 18 tuổi như tên gọi. Vấn đề này cần được giải thích rõ để đảm bảo sự thống nhất áp dụng.

– Như chúng ta đã biết, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ sẽ bị hạn chế hơn so với người thành niên. Họ dễ bị kích động, bị rủ rê, lôi kéo vào những hoạt động của người lớn. Do vậy khi xét xử những vụ án do người dưới 18 tuổi thực hiện nói chung và các vụ án xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia thì cũng cần phải chú ý đến các biểu hiện về tâm, sinh lý của họ kể cả đối với bị cáo hoặc bị hại là người dưới 18 tuổi. Thực tiễn xét xử cho thấy, thái độ tâm lý của người dưới 18 tuổi tham gia phiên tòa thường có những biểu hiện như sau:

*Đối với bị cáo: Nghiên cứu về thái độ tâm lý của người chưa thành niên phạm tội thông qua các phiên tòa xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi thấy thường thường người chưa thành niên sau khi phạm tội có những biểu hiện trái ngược nhau. Có những đối tượng sau khi phạm tội thì tỏ vẻ rất sợ hãi, rất hối hận đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình, song ngược lại thì cũng có những đối tượng sau khi phạm tội thì cố tỏ vẻ “chất anh hùng” của mình, tạo ra vẻ bất cần, không có chút sợ hãi, cố tình cười cợt… Thực chất, đây cũng chỉ là những phản ứng rất bình thường của lứa tuổi đang trong quá trình hình thành nhân cách, đòi hỏi các quy định của pháp luật phải làm sao vừa mang tính răn đe vừa mang tính giáo dục hiệu quả nhất và một trong những biện pháp quan trọng nhất đó là việc thay đổi từ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bộ luật tố tụng hiện hành, mặc dù đã có một chương riêng quy định về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Chương XXVIII), tuy nhiên đó cũng chỉ là những quy định mang tính chung nhất chưa cụ thể và phù hợp với hoạt động tố tụng của các Cơ quan và người tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Như đã phân tích về đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên ở trên, thì các quy định của Bộ luật tố tụng cần quy định cụ thể và riêng biệt hơn nữa đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.
*Đối với bị hại tham gia phiên tòa, thường có thái độ sợ hãi, hoảng loạn, không tự tin, không dám khai báo hoặc có khai báo cũng thường phụ thuộc vào thái độ của người đại diện, cá biệt cũng có những trường hợp họ tỏ thái độ bất cần, thể hiện sự chai sạn, nhưng thực sự học đang cố che đậy đi sự xấu hổ, mặc cảm và không muốn cho người khác biết là mình đang xấu hổ…

Do vậy theo tôi, mặc dù hiện nay, Hệ thống Tòa án đã thành lập các Tòa gia đình và người chưa thành niên để xét xử với các phòng xét xử thân thiện. Song chúng ta cũng chưa có đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục khi xét xử đối với các bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội. Hiện các Thẩm phán khi xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, cũng là những Thẩm phán xét xử đối với người thành niên, thậm chí trong cùng một phiên tòa có khi vừa xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng đối với người thành niên song lại tiếp tục xét xử đối với người dưới 18 tuổi dẫn đến tình trạng Thẩm phán đó vẫn dùng nguyên thái độ khi xét xử với người thành niên, thậm chí còn quát tháo, khi xét hỏi còn có những lời lẽ không phù hợp với tâm lý của bị cáo là người dưới 18 tuổi, câu hỏi đôi khi không mang tính giáo dục mà còn mang tính truy chụp, buộc tội, không mang tính thân thiện, hòa nhã, đẩy bị cáo là người dưới 18 tuổi vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng và có cảm giác bị kỳ thị dẫn đến tình trạng tiêu cực từ phía bị cáo là người dưới 18 tuổi. Dẫn đến tình trạng sau phiên tòa, hoặc sau khi được về với gia đình họ có thể sẽ liều lĩnh và nguy hiểm hơn. Đấy cũng chính là nguyên nhân mà hiệu quả phòng ngừa người dưới 18 tuổi phạm tội, thông qua công tác xét xử của Tòa án không đạt được kết quả như mong muốn.

Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải chú trọng đào tạo đội ngũ những người tiến hành tố tụng cả Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán riêng biệt được trang bị những kiến thức cần thiết để nắm bắt và hiểu biết về tâm lý học cũng như về khoa học giáo dục khi xét xử đối với các bị cáo là người chưa thành niên phạm tội nói chung và các tội xâm hại tình dục nói riêng.

– Thực hiện nghiêm túc các quy định trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử tại chương XXVIII và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết số 03/2004/NQHĐTP ngày 02/10/2004 của Tòa án nhân dân tối cao và một số văn bản khác liên quan đến việc bảo đảm quyền cũng như đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội.

TS. PHẠM MINH TUYÊN (Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh)