Một vài bất cập từ thực tiễn áp dụng Điều 260 và khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015

So sánh quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), viết tắt BLHS năm 1999 với quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) viết tắt BLHS năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018, có thể thấy nhiều điểm khác biệt cần lưu ý.

Một là, thay đổi tên điều luật từ “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” Điều 202 BLHS năm 1999 thành “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” Điều 260 BLHS năm 2015. Việc thay đổi tên điều luật dẫn đến có sự thay đổi về chủ thể thực hiện tội phạm từ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sang người tham gia giao thông đường bộ.

Cần phân biệt khái niệm người tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) và người điều khiển phương tiện GTĐB. Theo quy định tại các khoản 22, 23 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn ắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.” ; “ Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.”

Như vậy, Luật mới đã có sự thay đổi rõ rệt khi quy định rộng hơn về chủ thể của hành vi gồm tất cả những người tham gia giao thông kể cả những người khi tham gia giao thông là người đi bộ.

Hai là, cụ thể hóa dấu hiệu hậu quả của hành vi phạm tội tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều luật và bổ sung vào khoản 2 Điều luật, cụ thể là “định lượng” cụ thể của hậu quả làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc nhiều người với tỷ lệ % tổn thương cơ thể cụ thể; gây thiệt hại về tài sản có giá trị cụ thể tại từng khoản. Nhà làm luật đã kế thừa chọn lọc những nội dung quy định có liên quan của Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của BLHS về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông ( viết tắt Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT) để quy định chi tiết các khoản của điều luật này.

Ba là, thay đổi khung hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 là “từ 05 triệu đồng đến 50 triệu đồng” thành “từ 30 triệu đến 100 triệu đồng” và thay đổi mức phạt tù tối thiểu tại khoản 1 là từ “01 năm” lên “05 năm” so với Điều 202 BLHS 1999. Đồng thời, quy định phạt tiền (từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng) là hình phạt chính đối với hành vi “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại các điểm a, b, c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời” tại khoản 4.

Bên cạnh những điểm mới có tính cụ thể hơn, chi tiết hơn, dễ dàng áp dụng trong thực tiễn hơn, qua nghiên cứu người viết thấy rằng, còn nhiều trường hợp mà thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử bị “vướng” khi áp dụng Điều 260 ; khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành định khung của tội phạm này trong trường hợp cụ thể, nhưng thực tiễn cho thấy có bất cập về quy định, áp dụng pháp luật với trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội này gây ra lớn hơn so hậu quả do hành vi của người khác cũng phạm tội này gây ra, nhưng trách nhiệm hình sự của người đã gây ra hậu quả lớn hơn đó lại nhẹ hơn trách hình sự của người cũng vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ mà hậu quả họ gây ra lại nhỏ hơn. Cụ thể:

+Trường hợp thứ nhất: Nguyễn Văn D. điều khiển xe ôtô tải biển số 62A- 219.49 đi sai phần đường nên đâm trực hiện vào xe môtô biển số 63F1-03491, do chị Trần Thị Nh. điều khiển, phía sau có chở chị Lâm Thị Mỹ H., hậu quả vụ tai nạn này làm chị Nh. bị tỉ lệ thương tật 71 % sức khỏe ; chị H. là 69% . Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của 02 người này là 140%. Do vậy, D. bị truy tố và xét xử theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, theo đó, điểm e khoản 2 Điều luật này quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
e).Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%”.

+Trường hợp thứ hai: Quách L. điều khiển xe ôtô biển kiểm soát 64H-1415 chở cát sỏi phục vụ Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 50, do L. không làm chủ tốc độ, xử lý kém khi phát hiện có chướng ngại vật trên đường, nên xe ô tô do L. lái đâm vào xe môtô biển kiểm soát 64B1-766.67 chạy ngược chiều do anh Trân Hiếu M. điều khiển chở vợ là chị Phạm Thị Minh H. ngồi phía sau, hậu quả vụ tai nạn, làm chị H. bị chấn thương sọ não nặng, vỡ xương chậu và tử vong sau đó; anh M. bị tổn thương sức khỏe tỉ lệ thương tật qua giám định là 86%.

Quách L. bị truy tố và xét xử vê tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015. Theo đó, tại điểm a, b khoản 1 Điều luật này quy định: “Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;”

Qua hai trường hợp cụ thể trên cho thấy, hậu quả xảy ra ở trường hợp thứ nhất rõ ràng là nhẹ hơn (tỉ lệ thương tật chung của 02 người là 140%), nhưng bị truy tố và xét xử theo khung 2 với mức hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Trong khi đó, với trường hợp thứ hai, hậu quả xảy ra là nặng hơn so với trường hợp thứ nhất (01 người chết; 01 người bị thương tật vĩnh viễn 86%), nhưng chỉ bị truy tố và xét xử theo khung 1, có mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phải chăng đây là sự bất cập?
Tương tự như vậy, nếu so sánh về mặt hậu quả do hành vi phạm tội này gây ra, còn có thể phát hiện thêm bất cập khác tại điểm đ khoản 2 với điểm b khoản 3 của Điều luật này. Cụ thể:

+Trường hợp thứ ba: Dư Thị Ngọc D. điều khiển xe ôtô từ cơ quan về nhà, khi cách giao lộ đường Hùng Vương – đường Nguyễn Tri Phương của thành phố X (tại đây có lắp tín hiệu giao thông đèn xanh đèn đỏ), do đạp nhầm chân ga nên xe ô tô của D. phóng nhanh về phía trước đâm thẳng vào 02 xe môtô đang dừng rời lao vào gốc cây cổ thụ ven đường cách đó chừng 15 m, rồi mới dừng lại hẳn. Cơ quan chức năng tiền hành đo nồng độ cồn có trong khí thở của chị D. kết quả là 75 miligam/1 lít khí thở. Hậu quả vụ tai nạn này, làm anh Trần Văn Th. bị tổn hại sức khỏe tỉ lệ thương tật 62 %; anh Vũ Huy Đ. tổn hại sức khỏe 89% sức khỏe và ông Lâm Vĩnh Kh. bị tổn hại sức khỏe 97%. Tổng tỉ lệ % sức khỏe của 03 người bị hại trong vụ tai nạn này là 248%.

Ngày 12/12/2018, Dư Thị Ngọc D. bị TAND thành phố X phạt 08 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015.

+Trường hợp thứ tư: Nguyễn Văn Poli điều khiển xe ôtô đi vào đường ngược chiều xảy ra va chạm với 02 xe mô tô đang lưu thông đúng với phần đường quy định. Hậu quả vụ tai nạn này, làm em Văn Thị T. và Trần Thị Th. (học sinh Trường Phổ thông trung học Hoàng Lam) bị tử vong trên đường đưa đi cấp cứu; ông Nguyễn Văn R. bị tổn hại sức khỏe qua kết luật giám định 91%.

Ngày 06/11/2018, TAND thành phố M tuyên phạt Nguyễn Văn Poli 07 năm 06 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Rõ ràng hậu quả của trường hợp thứ tư là nghiêm trọng hơn (02 người chết, 01 người bị thương tỉ lệ thương tật 91%) so với hậu quả xảy ra ít nghiêm trọng hơn của trường hợp thứ ba (03 người bị thương, tổng tỉ lệ thương tật 248%), nhưng khung hình phạt quy định phải áp dụng cho trường hợp thứ ba là nặng hơn (hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm) so với khung hình phạt quy định cho trường hợp thứ tư (hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm), từ đó, mức hình phạt Tòa án áp dụng cho trường hợp thứ ba , nếu như không có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì cũng nặng hơn so với trường hợp thứ tư, rõ ràng đây là một bất cập cần được các nhà làm luật nghiên cứu khắc phục.

Thứ hai, nội dung tại Điều 260 BLHS hiện hành đang thiếu quy định chuyển từ khung hình phạt này sang khung hình phạt khác trong cùng điều luật áp dụng.

Phần lớn mọi người đều biết, nếu hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ mà người điều khiển xe mô tô gây ra làm chết một người mà trong tình trạng say rượu bia (nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt mức quy định), lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện, thì có thể bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, theo khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt tù mà người gây ra tai nạn phải đối mặt từ 03 năm đến 10 năm. Đây là điều khẳng định.

Tuy nhiên, nếu hỏi dựa trên căn cứ pháp lý nào để khẳng định như vậy, thì thực tế hiện nay vẫn có không ít người không thể chỉ ra được quy phạm nào điều chỉnh vấn đề này, hay nói cách khác, nội dung quy phạm tại Điều 260 BLHS hiện hành đang thiếu tính minh bạch với trường hợp chuyển khung (từ khung 1 sang khung 2; từ khung 2 sang khung 3). Trường hợp vừa nêu trên thực chất là việc các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền chuyển khung (chuyển từ khoản 1 sang khoản 2) của Điều luật đang áp dụng, dù hậu quả xảy ra chỉ ở khoản 1 (làm chết một người) nhưng do có tình tiết định khung phạm tội “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS hiện hành, do vậy, việc điều tra, truy tố, xét xử trường hợp trên là hoàn toàn chính xác.

Tương tự như vậy, các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại các điểm a, b, c, d của khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể: “a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông.” chưa được quy định là tình tiết tăng nặng định khung tại khoản 3 của Điều luật này, từ đó, tạo ra sự lúng túng và không đảm bảo sự công bằng của pháp luật khi áp dụng nhằm đấu tranh phòng ngừa, xử lý nghiêm minh loại tội phạm này. Chẳng hạn, A điều khiển xe mô tô tham gia giao thông gây tai nạn cho phương tiện khác trong tình trạng có sử dụng rượu mà nồng độ cồn đo được 85 miligam/100 mililít máu, , hậu quả làm chết 01 người, lỗi hoàn toàn thuộc về A. Trong trường hợp này, mặc dù hậu quả xảy ra thuộc điểm a khoản 1, nhưng do khi A thực hiện hành vi phạm tội trong tình trạng nồng độ cồn có trong máu vượt mức quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, do đó, A bị điều tra, truy tố, xét xử theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Nhưng với trường hợp trên, nếu hậu quả xảy ra làm chết 02 người thì A cũng chỉ bị truy tố, xét xử theo điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 260 Bộ luật này mà thôi.

Đây rõ là một bất cập, dù biết rằng khung hình phạt tại khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 thấp nhất là 03 năm tù và cao nhất là 10 năm tù, với khoảng cách giữa mức thấp nhất và cao nhất khung hình phạt đã được ấn định, Hội đồng xét xử tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra từng trường hợp cụ thể để quyết định mức hình phạt tương xứng. Nhưng qua nghiên cứu từ thực tiễn xét xử loại tội phạm này từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay cho thấy, do nhà làm luật chưa có quy định các tình tiết từ điểm a đến điểm d tại khoản 2 là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 3 của Điều luật này, nên hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng ngừa, răn đe tình trạng vi phạm pháp luật hình sự đối với lọai tội phạm này mặt nào đó còn rất hạn chế, nhất là trong tình hình hiện nay, tình trạng lái xe say rượu bia, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích thần kinh mạnh khác mà gây tai nạn giao thông với hậu quả làm chết từ 03 người trở lên; làm bị thương cũng từ 03 người trở lên đang gây bức xúc trong dự luận, điển hình như:

+Vụ xe tải đâm vào đoàn người viếng nghĩa trang ở Hải Dương, xảy ra ngày 21/01/2019, tài xế Lương Văn Tâm điều khiển xe ô tô tải đã đâm vào đoàn cán bộ xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương trên đường đi viếng nghĩa trang liệt sĩ về. Hậu quả, làm 09 người tử vong và 8 người khác bị thương. Kết quả xét nghiệm, tài xế Lương Văn Tâm dương tính với ma túy.

+ Vụ xe container đâm 20 xe máy khi dừng đèn đỏ cũng dương tính với ma túy xảy ra ngày 02/01/2019 tại ngã tư Bình Nhựt, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do lái xe Phạm Thành Hiếu điều khiển. Hậu quả, vụ tai nạn làm 04 người tử vong, 18 người khác bị thương, hư hỏng hơn 20 xe máy. Kết quả xét nghiệm Phạm Thành Hiếu dương tính với ma túy.

+Khoảng 13h ngày 11/04/2019, tài xế Nguyễn Đức Huyện điều khiển xe ô tô biển số kiểm soát49X-6666 trong tình trạng nồng độ cồn đo được vượt quá mức quy định đã lao vào đám tang, hậu quả làm 4 người chết, 7 người khác bị thương.

Ngoài ra, người viết còn thấy rằng theo quy định tại khoản 2 Điều 52 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”. Theo quy định này, nếu người lái xe ô tô đang trong tình trạng có sử dụng chất ma túy; không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát tuần tra giao thông; sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mà gây hậu quả là chết 03 người, gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người khác, mà tổng tỉ lệ thương tật qua giám định của những người này là 211% thì người vi phạm cũng chỉ bị điều tra, truy tố, xét xử theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS hiện hành, mà không thể coi các tình tiết có sử dụng chất ma túy; không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát tuần tra giao thông; sử dụng giấy phép lái xe giả là tình tiết tăng nặng khi lượng hình, do các tình tiết này nhà làm luật đã quy định là tình tiết định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tất nhiên phần nhận định của bản án, HĐXX có thể đề cập đến nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ tai nạn thảm khóc, làm cơ sở đi đến quyết định loại hình phạt, mức hình phạt cụ thể áp dụng, nhưng về mặt cơ sở pháp lý trong trường hợp này rõ ràng HĐXX thiếu quy phạm làm cơ sở dẫn chiếu cụ thể để áp dụng các tình tiết có sử dụng chất ma túy; không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát tuần tra giao thông; sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp khi lượng hình phạt.

Nghiên cứu quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015, có thể thấy, đây là quy định về bản chất là chuyển khung hình phạt áp dụng khi thuộc trường hợp vừa thỏa mãn cấu thành cơ bản của tội phạm này, vừa xuất hiện thêm một trong những tình tiết định khung cơ bản quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134 Bộ luật này, thì phải bị truy cứu TNHS theo khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015.

Tương tự như vậy, tại điểm đ khoản 3 và điềm d khoản 4 của Điều 134 BLHS năm 2015 cũng có quy định theo hướng chuyển khung hình phạt. Với cách mô tả, xây dựng quy phạm pháp luật như Điều 134 BLHS hiện hành, theo tác giả rất dễ hiểu và dễ áp dụng, bởi nhà làm luật đã xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng và minh bạch.

Từ đó, người viết xin kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung BLHS hiện hành lần tới theo hướng quy định các tình tiết từ điểm a đến điểm d khoản 2 với một trong các tình tiết định khung quy định tại khoản 3 thành khoản mới. Theo đó, khoản mới của Điều 260 BLHS (sau khi được sửa đổi, bổ sung) được viết, như sau: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm c khoản 3 Điều này mà còn có thêm một trong những tình tiết quy định từ điểm a đến điểm d khoản 2, thì bị phạt tù từ … năm đến … năm.”

Thứ ba, theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015: “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

Có thể nói đây là nguyên tắc hoà giải trong luật hình sự nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Tuy nhiên, việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm, đó là, tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, còn đối với các tội phạm khác thì không được hòa giải để người bị hại đề nghị miễn truy cứu TNHS đối với người phạm tội.

Tuy nhiên thực tiễn áp dụng đã gặp phải vướng mắc với nhiều trường hợp tương tự sau:

+Trường hợp thứ nhất: Trần Anh Ph. điều khiển xe ô tô vào đoạn đường khu đông dân cư nhưng thiếu chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ, nên gây tai nạn với 02 xe mô tô đi cùng chiều, hậu quả làm chết 01 người và gây thương tích cho 02 người khác với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 115%. Ph. bị điều tra, truy tố và xét xử theo Điểm a, Điểm c khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trường hợp này, nếu đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì có thể Ph. được xem xét miễn TNHS.

+Trường hợp thứ hai: Đinh Phong L. điều khiển xe mô tô đi vào làn đường ngược chiều, đâm vào xe đạp điện do em Nguyễn Thị Quỳnh D. điều khiển phía sau chở bạn là em Lê Thùy Q. trên đường đi học về, hậu quả vụ tai nạn, em D. và Q. bị thương tích nặng, điều trị dài ngày tại bệnh viện, kết quả qua giám định tỉ lệ thương tật của D. là 72%, Q. là 69%, tổng tỉ lệ thương tật của 02 người là 141%. Với trường hợp này, Đinh Phong L. bị truy tố, xét xử theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sunbg năm 2017), và tất nhiên, L. không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét miễn TNHS theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015.

Từ thực tiễn 02 trong nhiều trường hợp tương tự vừa nêu trên cho thấy, nếu so sánh về mức độ hậu quả, rõ ràng với trường hợp thứ nhất là nghiêm trọng hơn so với trường hợp thứ hai, do vậy, về nguyên tắc thì TNHS mức hình phạt được cụ thể hóa đối với Trần Anh Ph. (trường hợp thứ nhất) phải cao hơn so với Đinh Phong L. (trường hợp thứ hai) tuy L. bị truy tố, xét xử ở khung hình phạt nặng hơn so với Ph.. Vấn đề bất cập ở đây đó là sự không công bằng thể hiện tại Điều 260 và khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), từ đó, làm nảy sinh độ “vênh” nhất định khi áp dụng vào thực tiễn. Dù rằng, khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, nhà làm luật chỉ quy định “có thể” xem xét để miễn TNHS.

Cũng cần thấy rằng, nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 nhà làm luật đã “giới hạn” trong những trường hợp khi và chỉ khi thỏa mãn quy định được chỉ ra, thì mới có thể xem xét việc miễn TNHS. Tuy nhiên, để đạt được sự thống nhất về nhận thức tránh bị lạm dụng khi áp dụng vào thực tiễn hoặc ngược lại, do tâm lí “e dè” thiếu quyết đoán; ngại trách nhiệm không mạnh dạn áp dụng chế định này mà cứ theo lối “mòn” đẩy hết sang Tòa án, rồi Thẩm phán cứ phạt tù là “ổn” nhất. Từ tâm lý này, dẫn đến quy định miễn TNHS không được áp dụng đối với nhiều trường hợp đáng lẽ được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng.

Phải chăng đây là hạn chế cần khắc phục, sự hạn chế này chính là rào cản sự lan tỏa tính nhân văn tốt đẹp của chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta thể hiện tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015.
Chẳng hạn, người phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, được đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS là thuộc trường hợp xem xét miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng nếu như lỗi hoàn toàn thuộc về người phạm tội gây hậu quả chết người, để đảm bảo công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong tình hình số vụ tai nạn giao thông đường bộ với hậu quả nghiêm trọng xảy ra ngày càng tăng như hiện nay thì không xem xét miễn TNHS đối với họ mà chỉ xem xét miễn TNHS với trường hợp người bị hại cũng có một phần lỗi!?

Nghiên cứu nội dung quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, nhà làm luật hoàn toàn không đề cập đến yếu tố lỗi khi xem xét áp dụng miễn TNHS, do vậy, về nguyên tắc luật không quy định thì được áp dụng, bảo đảm nguyên tắc có lợi cho đối tượng là người được áp dụng.

Ngược lại, có quan điểm cho rằng, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng phải đánh giá, cân nhắc thận trọng việc “nên” hay “không nên” để từ đó đi đến quyết định“có thể” áp dụng chế định miễn TNHS không? Do vậy, việc phân tích yếu tố lỗi là cần thiết và không trái luật. Thật ra, quan điểm này là không sai, vì, nhà làm luật cho phép cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc, việc “có thể” hoặc “không thể” áp dụng khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với người thực hiện hành phạm tội đang đề cập. Tuy nhiên, việc đưa yếu tố lỗi của người phạm tội để luận bàn khi xem xét, cân nhắc trong trường hợp vừa nêu nói riêng và những trường hợp khác nói chung, cần được sự hướng dẫn thống nhất chung từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo sự thống nhất về nhận thức và áp dụng trong thực tiễn thi hành pháp luật.

Cũng liên quan đến tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, người phạm tội đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình người bị hại và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS, như vậy, người phạm tội có đầy đủ các điều kiện để được xem xét miễn TNHS theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015. Nhưng để thực hiện quy định này, về thủ tục chung hiện có các quan điểm khác nhau, cụ thể:

+Quan điểm thứ nhất: Dù Luật không quy định, nhưng có thể vận dụng khoản 2 Điều 157 BLTTHS năm 201 5“Hành vi không cấu thành tội phạm” để ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Hơn nữa, cũng không cần thiết phải khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can rồi mới ra quyết định đình chỉ để miễn TNHS, vì khởi tố thì phải tiến hành các quy định của BLTTHS năm 2015, như: Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ; gửi tài liệu, hồ sơ cho VKSND cùng cấp để xem xét phê chuẩn; tống đạt các quyết định; hỏi cung bị can và tiến hành điều tra vụ án. Vế phía cơ quan VKSND phải nghiên cứu hồ sơ; xem xét, ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc điều tra… Hơn nữa, khi biết chắc chắn rằng sau khi khởi tố, điều tra rồi đình chỉ là không hợp lý, là chưa thể hiện đúng chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta.

+Quan điểm thứ hai: Vì không có căn cứ để ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 157[1] BLTTHS năm 2015, do đó, Cơ quan điều tra phải tiến hành ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn, sau đó, mới ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, bị can theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015.

Những người ủng hộ quan điểm này cho rằng: Theo quy định tại Điều 18 BLTTHS năm 2015:“ Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án…”. Xét hành vi của người thực hiện hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố, nếu không khởi tố đối với A thì sẽ trái với quy định của BLTTHS năm 2015 về căn cứ không khởi tố hình sự. Hơn nữa, tại Điều 157 BLTTHS năm 2015, theo đó quy định các căn cứ không khởi tố hình sự lại không có căn cứ nào thuộc Điều 29 BLHS năm 2015.

Trong khi đó, tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015 quy định về đình chỉ điều tra “Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”…

Mặt khác, khoản 1 Điều 248 BLTTHS năm 2015 cũng quy định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”.

Theo tác giả, với quan điểm thứ nhất, rõ ràng có sự nhanh chóng kịp thời trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tuy nhiên, nếu áp dụng sẽ bị coi là “vượt rào” vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hơn nữa, các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 đều thỏa mãn, cơ quan tiến hành tố tụng có đủ căn cứ để truy cứu TNHS, chứ không phải thuộc trường hợp hành vi không cấu thành tội phạm. Đây là điều tuyệt đối không được nhầm lẫn. Bởi nếu không chặt chẽ về mặt thủ tục tố tụng dễ phát sinh những khiếu nại, tố cáo sau này. Nếu theo quan điểm thứ hai, việc tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được bảo đảm, nhưng phải kéo dài thời gian, do phải thực hiện đúng, đầy đủ theo quy trình rất nhiều các thủ tục tố tụng hình sự, tạo ra tâm lý căng thẳng mệt mõi đối với người phạm tội khi phải chịu những hậu quả pháp lý do bị khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn và trong chừng mực nào đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.

Để pháp luật được hiểu và áp dụng thống nhất trong thực tiễn, bảo đảm sự công bằng, thiết nghĩ cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung tác giả đề cập trong bài viết này.

Theo moj.gov.vn

[1] Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Ths. LS LÊ VĂN SUA (Văn phòng luật sư Lê Sua, Tp. Mỹ Tho – Tiền Giang)