Nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp quyền sử dụng đất – Thực tiễn và kiến nghị

Trong phạm vi bài viết này, đồng tác giả sẽ nghiên cứu và phân tích quy định về án phí dân sự sơ thẩm đối với dạng tranh chấp về quyền sử dụng đất, thông qua thực tiễn để đánh giá và đưa ra những đề xuất, những kiến nghị để hoàn thiện quy định về án phí nói chung và quy định về án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất nói riêng.

1.Quy định của pháp luật

Trước hết, chúng ta có thể hiểu án phí dân sự sơ thẩm là khoản tiền khi xét xử một vụ án dân sự ở cấp sơ thẩm mà Tòa án buộc đương sự phải chịu nếu yêu cầu của họ không được chấp nhận hoặc họ phải chịu trong trường hợp yêu cầu của đương sự khác trong vụ án có quyền lợi đối lập được chấp nhận để nộp vào ngân sách nhà nước (mức án phí do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể[1]). Đồng thời, có thể khẳng định rằng tranh chấp đất đai là loại tranh chấp rất phổ biến, hết sức đa dạng và phức tạp trong giai đoạn hiện nay đã và đang được Tòa án nhân dân các cấp thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật, theo đó tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai[2].

Tranh chấp về quyền sử dụng đất phổ biến hiện nay có các dạng cụ thể như sau: Tranh chấp ranh giới giữa 02 thửa đất liền kề, tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất cho mượn hay cho ở nhờ, tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất do bao chiếm, tranh chấp yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp lối đi … Quyền sử dụng đất theo quy định của BLDS hiện hành là quyền về tài sản[3], đối với các tranh chấp đòi lại tài sản cho mượn hay cho ở nhờ trong đó có dạng tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất cho mượn hay cho ở nhờ thì án phí đương sự trong vụ án phải chịu là án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch đã được quy định cụ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (gọi tắt Nghị quyết 326)[4]: “Đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch”. Đối với các dạng tranh chấp khác về quyền sử dụng đất thì theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326 thì đương sự trong vụ án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định tùy theo các trường hợp sau[5]: “Trường hợp tranh chấp về quyn sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch; Trường hợp tranh chấp về quyn sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng. Như vậy, để xác định được đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch hay không có giá ngạch đối với các vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất thì phải căn cứ vào quá trình tiến hành tố tụng giải quyết vụ án Tòa án có xác định giá trị của tài sản hay không xem xét giá trị của tài sản có tranh chấp (tài sản là quyền sử dụng đất).

2.Thực tiễn áp dụng

Chúng ta sẽ phân tích ví dụ sau đây để làm rõ quy định pháp luật về án phí nêu trên: Nguyên đơn khởi kiện bị đơn đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất (không thuộc trường hợp đòi lại do cho mượn hoặc cho ở nhờ) với lý do nguyên đơn đi làm ăn xa không trực tiếp quản lý phần đất thì bị bị đơn bao chiếm phần đất quản lý, canh tác và sử dụng. Bị đơn xác định phần đất tranh chấp là quyền sử dụng đất hợp pháp của bị đơn. Sau khi đưa vụ án ra xét xử thì có căn cứ xác định phần đất tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp nguyên đơn, và Tòa án buộc bị đơn giao trả lại phần đất cho nguyên đơn. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án có ra quyết định định giá tài sản và thành lập hội đồng định giá tài sản đối với giá trị quyền sử dụng đất. Như vậy, trong phạm vi tranh chấp trong vụ án này thì bị đơn trong vụ án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch hay không có giá ngạch ?

+ Quan điểm thứ nhất: Đương sự (Bị đơn) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch, vì nguyên đơn chỉ yêu cầu bị đơn trả lại phần đất do bao chiếm không có căn cứ pháp luật và Tòa án chỉ xem xét quyền sử dụng đất đối với phần đất có tranh chấp là quyền sử dụng hợp pháp của ai.

+ Quan điểm thứ hai: Đương sự (Bị đơn) phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch, vì Tòa án có xác định giá trị tài sản là giá trị của quyền sử dụng đất thông qua việc định giá tài sản. Cùng quan điểm với quan điểm thứ hai này, tại mục số 39 của Công văn số 5814/VKSTC-V14 ngày 25/12/2020 của VKSNDTC (gọi tắc Công văn 5814), giải đáp[6]: Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án tiến hành định giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì áp dụng án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch ? Trả lời: Điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326 quy định: "Đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau: ...b) Trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng". Như vậy, trường hợp Tòa án phải định giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thì được coi là Tòa án xác định giá trị của tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016. Do đó, đương sự phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất mà họ được hưởng.

+ Quan điểm đồng tác giả: Không thống nhất với quan điểm thứ hai và tinh thần giải đáp tại mục số 39 của Công văn số:5814 đối với trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất theo ví dụ nêu trên.

Tác giả xác định trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất theo ví dụ trên thì đương sự (bị đơn) chỉ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch, bởi lẽ:

Thứ nhất, việc định giá tài sản phải được hiểu đúng theo quy định là do đương sự thỏa thuận chọn tổ chức thẩm định giá và cung cấp kết quả định giá cho Tòa án[7] hoặc Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá theo yêu cầu của một hay các bên đương sự, các bên đương sự không thỏa thuận được tổ chức thẩm định giá hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản. Như vậy, việc Tòa án ra quyết định định giá tài sản hay tổ chức thẩm định định giá tài sản cung cấp kết quả định giá tài sản thì không đồng nhất với quy định về việc Tòa án xác định giá trị tài sản theo tinh thần tại điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326, vì bản chất tranh chấp về quyền sử dụng đất đối với trường hợp nêu trên là tranh chấp quyền sử dụng đất của ai, việc định giá tài sản trong vụ án trên chỉ dùng làm cơ sở cho Tòa án xem xét nếu phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của nguyên đơn, nhưng không cần thiết buộc bị đơn trả lại đất mà chỉ cần buộc bị đơn trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho nguyên đơn hoặc có thể buộc bị đơn trả lại đất, nhưng trên đất có các tài sản gắn liền với đất không thể di dời được nên cần buộc nguyên đơn trả lại giá trị các tài sản trên đất cho bị đơn và nguyên đơn được nhận các tài sản trên đất (Trường hợp này được xác định là Tòa án có xem xét giá trị quyền sử dụng đất).

Thứ hai, giả sử quá trình giải quyết vụ án nêu trên các đương sự xác định thỏa thuận thống nhất giá trị quyền sử dụng đất có tranh chấp mà không có yêu cầu Tòa án ra quyết định định giá hay yêu cầu tổ chức thẩm định giá cung cấp kết quả định giá thì trường hợp này giá trị quyền sử dụng đất có tranh chấp cũng được xác định thông qua việc tự thỏa thuận giá giữa các đương sự và Tòa án cũng phải tôn trọng việc tự thỏa thuận giữa các bên mà xác định giá trị quyền sử dụng theo giá các bên đưa ra để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án. Như vậy, trường hợp Tòa án phải định giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là không đồng nhất với việc Tòa án xác định giá trị của tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016.

Thứ ba, theo cách lập pháp tại điểm b khoản 2 Điều 27 “tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp vụ án có giá ngạch đối với phần giá trị mà mình được hưởng” thì có thể hiểu được đối với trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định này không phải tranh chấp quyền sử dụng đất hợp pháp của ai, mà là các dạng tranh chấp về chia thừa kế tài sản là quyền sử dụng đất, tranh chấp chia tài sản chung đối với quyền sử dụng đất, tranh chấp yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng chung đất theo phần. Nếu đương sự trong vụ án được chia tài sản là quyền sử dụng đất thì phải chịu án phí có giá ngạch đối với phần giá trị tài sản mà họ được chia.

Như vậy, căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326 quy định về án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất, theo đồng tác giả thì phải được hiểu như sau:

+ Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai là: Tòa án chỉ xem xét quyền sử dụng đất là quyền sử dụng hợp pháp của ai, nghĩa vụ hoàn trả là buộc trả lại quyền sử dụng đất, chứ không buộc nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất hay hoàn trả giá trị tài sản nào khác trên đất. Thì đương sự chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

+ Tòa án có xem xét giá trị đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất của ai : Tòa án không buộc nghĩa vụ hoàn trả là trả lại quyền sử dụng đất, mà buộc nghĩa vụ hoàn trả giá trị quyền sử dụng đất hay giá trị đối với tài sản khác gắn liền với đất. Thì đương sự chỉ chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.

+ Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sử dụng đất theo phần đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất là: Tòa án xác định giá trị quyền sử dụng đất đương sự được hưởng, được chia tài sản đối với quyền sử dụng đất hoặc xác định phần quyền sử dụng trong quyền sử dụng đất chung. Thì đương sự mới phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với giá trị quyền sử dụng đất được hưởng, được xác định.

Từ những phân tích, lập luận, đánh giá nêu trên có thể thấy được quy định của pháp luật hiện hành theo tinh thần Nghị quyết số 326 về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất còn có những cách hiểu khác nhau, chưa được thống nhất áp dụng trong công tác xét xử các loại án tranh chấp về quyền sử dụng đất hiện nay. Đồng tác giả, kiến nghị TANDTC cần có văn bản hướng dẫn cụ thể thống nhất đối với nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất trong trường hợp nào đương sự phải chịu án phí dân sự không có giá ngạch và trường hợp nào đương sự phải chịu án phí dân sự có giá ngạch.

 

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự - Ảnh: Hoàng Nguyên


[1] Điều 150 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Khoản 24 Điều 3 Luật đất đai năm 2013.

[3] Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015.

[4] Khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016.

[5] Điểm a, b khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016.

[6] Mục 39 Công văn số: 5814/VKSTC-V14 ngày 25/10/2020.

[7] Khoản 2 Điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Ths TRƯƠNG HUỲNH HẢI & DƯƠNG THỊ THÊU (Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau)