Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo

Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm đối với đương sự kháng cáo khi bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa đang có những cách hiểu khác nhau. Bài này luận giải và phân tích các quan điểm đó dựa trên các vụ án có thật để minh họa.

Khoản 2 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm: “2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm ”.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) hướng dẫn khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2015 lại quy định: “Trường hợp cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm ”.

Về vấn đề nêu trên trong thực tế xét xử đã tồn tại các cách hiểu và giải quyết khác nhau. Bài này sẽ luận giải và phân tích các quan điểm đó dựa trên các vụ án có thật để minh họa, cụ thể có các quan điểm khác nhau như sau: (i) Chỉ cần Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; (ii) Đương sự kháng cáo chỉ không phải chịu án phí phúc thẩm nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm dựa vào nội dung kháng cáo; và (iii) Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm nếu đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án sơ thẩm bị sửa.

1.Thực tiễn xét xử

1.1.Vụ án thứ nhất[1]

Cụ N khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản của cụ là 168,3 m2 đất trong khối tài sản chung giữa cụ và chồng cụ, đồng thời yêu cầu ông P (con trai của cụ N) trả lại cho cụ phần đất đã lấn chiếm (42,5 m2) và tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ N về chia tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất và kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất. Giao cho cụ N sử dụng diện tích 130,6 m2 đất ở […]. Buộc ông P và bà P phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng […] để trả lại diện tích đất 42,5 m2 cho cụ N”.

Ông P đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm: “Xét nội dung kháng cáo của ông P cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xác định diện tích 146,1 m[3] đất ông đang sử dụng là đất dôi dư chưa hợp pháp là không chính xác. Về nội dung này thấy rằng: […] kháng cáo của ông P đối với nội dung này không có căn cứ chấp nhận.

Xét nội dung kháng cáo của ông P cho rằng diện tích đất 42,5 m2 là quyền sử dụng hợp pháp của ông nên không nhất trí trả lại đất cho cụ N. Về nội dung này thấy rằng: [.] Kháng cáo của ông P về nội dung này không có căn cứ […]

Tuy nhiên Bản án xác định cụ N có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất 130,6 m2, còn diện tích đất 37,7 m2 là diện tích đất dôi dư chưa hợp pháp nhưng lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ N là chưa chính xác mà phải tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện mới đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cần sửa án sơ thẩm về phần này cho phù hợp.

Về án phí phúc thẩm: Kháng cáo của ông P không được chấp nhận, tuy nhiên Bản án sơ thẩm bị sửa nên ông P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm ”.

Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm: “[…] Không chấp nhận kháng cáo của ông P. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm […]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm […]”.

Dường như Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng dù việc sửa bản án sơ thẩm không xuất phát từ yêu cầu kháng cáo của ông P nhưng ông P vẫn không có nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm. Và có lẽ Tòa án cấp phúc thẩm đã căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2015: “Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm”, từ đó xác định ông P không có nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp này.

1.2.Vụ án thứ hai2

Vợ chồng ông H, bà Nh khởi kiện ông H1 và bà S yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu đối với hai hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với tổng diện tích 56,497 m2, đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên H1 để trả cho ông H, bà Nh diện tích đất nêu trên.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông H, bà Nh về tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với bị đơn ông H1, bà S [.]”.

Sau đó, ông H, bà N làm đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm: “[.] Xét kháng cáo của bà Nh và ông H: [.] ông H, bà Nh kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ mới do đó không được chấp nhận, đáng lẽ cần phải giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T. Tuy nhiên về phần án phí dân sự sơ thẩm, cấp sơ thẩm buộc ông H, bà Nh phải chịu 72.787.600 đồng là chưa chính xác, tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất nên ông H, bà Nh chỉ phải chịu án phí không giá ngạch là 200.000 đồng, nên cần phải sửa án sơ thẩm về phần án phí sơ thẩm buộc ông H, bà Nh phải chịu 200.000 đồng, các phần khác của Bản án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên.

Về án phí phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên ông H, bà Nh phải chịu 300.000 đồng

Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm: “Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông H và bà Nh. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm […] về phần án phí dân sự sơ thẩm […]. về án phí phúc thẩm: Ông H, bà Nh phải chịu 300.000 đồng [… ]”.

Trong Vụ án thứ hai này, Tòa án cấp phúc thẩm có lẽ đã căn cứ vào hướng dẫn của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 cho rằng mặc dù Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa Bản án sơ thẩm trong trường hợp này nhưng không có liên quan đến nội dung đương sự đã kháng cáo nên từ đó Tòa án cấp phúc thẩm đã buộc ông H, bà N phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.

1.3.Vụ án thứ ba[4]

Bà L khởi kiện yêu cầu hủy Hợp đồng thuê lò giết mổ mà bà L và bà C đã ký kết, yêu cầu bà C trả cho bà L số tiền thế chân 120.000.000 đồng và phải chịu phạt vi phạm hợp đồng do đơn phương chấm dứt Hợp đồng thuê trước thời hạn là 120.000.000 đồng, tổng cộng là 240.000.000 đồng.

Bà C có yêu cầu phản tố yêu cầu bà L thanh toán các khoản tiền thuốc thú y, tiền thuế, tiền điện, tiền nộp phạt do vi phạm môi trường, tiền lãi do chậm nộp phạt của tiền vi phạm môi trường, tiền đo đạc giám định phân tích nước, tổng cộng là 26.482.122 đồng.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: “Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L [.]. Buộc bà C phải có trách nhiệm trả cho bà L 120.000.000 đồng tiền cọc. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của L [.] đối với số tiền 120.000.000 đồng tiền phạt cọc. Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đối với số tiền là 7.762.122 đồng. Bà L có trách nhiệm thanh toán cho bà C là 7.762.122 đồng. Không chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà C đối với bà L đối với số tiền là 18.720.000 đồng [.]”.

Ngày 13-12-2018, bà L kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận phần phạt hợp đồng theo đơn kiện của nguyên đơn là 120.000.000 đồng.

Ngày 18-12-2018, Viện trưởng VKSND cùng cấp kháng nghị cải sửa Bản án sơ thẩm theo hướng các đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí đối với số tiền 7.762.122 đồng, không chấp nhận giảm cho Bị đơn 50% án phí trên số tiền 138.720.000 đồng.

Nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm: “về nội dung liên quan đến kháng cáo của Nguyên đơn L về số tiền phạt hợp đồng là 120.000.000 đồng, Hội đồng xét xử thấy rằng: […] đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa về việc không chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn L đối với số tiền phạt hợp đồng 120.000.000 đồng là đúng pháp luật, nên Hội đồng xét xử chấp nhận […].

về kháng nghị của Viện kiểm sát liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí: Hội đồng xét xử xét thấy, [.] Quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm về việc điều chỉnh một phần kháng nghị theo hướng đương sự không phải chịu án phí tính trên số tiền 7.762.122 đồng, không giảm cho bà C 50% án phí tính trên khoản tiền 138.720.000 đồng là phù hợp, đúng pháp luật, nên được chấp nhận, cải sửa Bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung án ph_[.r.

Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm: “Cải sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm […]. về án phí dân sự phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu […]”.

Trong vụ án này, Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm nhưng nội dung sửa lại không liên quan đến yêu cầu kháng cáo mà lại liên quan đến bản thân nguyên đơn kháng cáo về khoản tiền án phí sơ thẩm. Cụ thể, Tòa án cấp phúc thẩm buộc nguyên đơn bà L phải nộp 6.000.000 đồng án phí sơ thẩm, trong khi đó theo Bản án sơ thẩm số 62/2018/DS- ST ngày 04-12-2018, nguyên đơn bà L phải nộp 6.388.106 đồng án phí sơ thẩm. Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không buộc người kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm.

Dường như Tòa án cấp phúc thẩm trong vụ án thứ ba cũng đã căn cứ vào hướng dẫn của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 cho rằng, mặc dù phần bản án sơ thẩm bị sửa không liên quan đến nội dung mà người kháng cáo đã kháng cáo nhưng lại liên quan đến họ thì người kháng cáo đó cũng không phải chịu án phí phúc thẩm.

2.Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.[5] Mục đích của việc xét xử phúc thẩm là nhằm thực hiện nguyên tắc bảo đảm chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trong tố tụng dân sự, để Tòa án cấp trên có thẩm quyền phúc thẩm sẽ xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự đúng pháp luật.[6]

Khi xét xử lại bản án sơ thẩm bị kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, một trong những quyền hạn của Hội đồng xét xử phúc thẩm là quyền sửa bản án sơ thẩm (Điều 308 BLTTDS năm 2015).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 148 BLTTDS năm 2015 nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm – bất luận việc sửa bản án, quyết định sơ thẩm có liên quan đến nội dung đương sự kháng cáo hay không. Tuy nhiên, nội dung hướng dẫn của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 đã thu hẹp lại theo hướng chỉ có đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm phải sửa mới không phải chịu án phí phúc thẩm (trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm). Nói cách khác, đương sự kháng cáo phải chịu án phí phúc thẩm nếu kháng cáo của họ không liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa.

Chính do có sự không thống nhất giữa quy định của BLTTDS năm 2015 với nội dung hướng dẫn tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 nên đã có các quan điểm khác biệt về vấn đề này như sau.

Quan điểm thứ nhất: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm thì đương nhiên đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm

Theo quy định của BLTTDS năm 2015 tại khoản 2 Điều 148 cũng như thực tiễn xét xử cho thấy nội dung kháng cáo của đương sự kháng cáo có được chấp nhận hay không, việc sửa bản án sơ thẩm có dựa trên kháng cáo của đương sự kháng cáo hay không đều không ảnh hưởng đến việc xác định nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm của đương sự kháng cáo. Việc xác định nghĩa vụ chịu/không chịu án phí phúc thẩm chỉ phụ thuộc vào việc Hội đồng xét xử phúc thẩm có sửa bản án sơ thẩm mà không phân biệt cơ sở, lý do sửa bản án sơ thẩm là gì.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo về những nội dung tuy không liên quan đến nội dung kháng cáo của đương sự nhưng đó là sai sót của Hội đồng xét xử sơ thẩm như sai sót về án phí, số liệu… thì đương sự kháng cáo cũng không phải chịu án phí phúc thẩm. Hay thậm chí trong trường hợp Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo kháng nghị của Viện kiểm sát mà việc sửa này không liên quan gì đến nội dung kháng cáo của đương sự thì đương sự kháng cáo mặc dù không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo cũng sẽ không phải chịu án phí phúc thẩm.

Rõ ràng, một mặt, nếu sửa bản án, quyết định phúc thẩm từ nội dung kháng cáo của người kháng cáo thì đương nhiên người kháng cáo đã kháng cáo đúng, nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Mặt khác, nếu sửa bản án, quyết định sơ thẩm không phải từ nội dung kháng cáo của người kháng cáo thì cũng phải ghi nhận người kháng cáo đã kháng cáo hoặc/và Viện kiểm sát đã kháng nghị thì từ đó Tòa án cấp phúc thẩm mới có “cơ hội” phát hiện ra những sai sót của bản án, quyết định sơ thẩm để kịp thời sửa bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới. Do đó, người kháng cáo trong trường hợp này không phải chịu án phí phúc thẩm cũng là hợp lý. Không phân biệt lý do sửa bản án, quyết định sơ thẩm là gì, nhưng nếu có căn cứ để sửa bản án, quyết định phúc thẩm thì việc sửa bản án, quyết định sơ thẩm sẽ có thể là việc làm tốt cho đương sự, tốt cho sự đúng đắn, cho sự hợp pháp của bản án, quyết định của Tòa án, nâng cao niềm tin của người dân vào hoạt động xét xử của ngành Tòa án.

Ngoài ra, nếu căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì “đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm” mà không phải khẳng định “chỉ khi đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án phải sửa và yêu cầu kháng cáo của đương sự được chấp nhận” mới không phải chịu án phí phúc thẩm. Do đó, vẫn có thể hiểu, chỉ cần yêu cầu kháng cáo của đương sự kháng cáo có liên quan đến phần bản án sơ thẩm phải sửa thì đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm mà không cần xét đến việc yêu cầu kháng cáo của đương sự có được chấp nhận hay không được chấp nhận.

Việc xác định nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm chỉ dựa trên việc sửa bản án sơ thẩm dường như là khá phổ biến[7] như trong vụ án thứ nhất liên quan đến tranh chấp giữa cụ N và ông P về việc xác định quyền sở hữu tài sản là quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung và yêu cầu trả lại phần đất đã lấn chiếm là ví dụ minh họa rõ nét nhất cho quan điểm này. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã khẳng định “Kháng cáo của ông P không được chấp nhận, tuy nhiên Bản án sơ thẩm bị sửa nên ông P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm”. Như vậy, cho dù việc sửa Bản án sơ thẩm không xuất phát từ yêu cầu kháng cáo của ông P nhưng ông P vẫn không có nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai: Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm dựa trên nội dung kháng cáo

Do ý nghĩa của chế định về án phí là nhằm bù đắp một phần chi phí mà Nhà nước đã sử dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự cũng như xác định trách nhiệm của các chủ thể trước cơ quan công quyền khi họ thực hiện hành vi khởi kiện, hành vi kháng cáo của mình. Vì vậy, khi yêu cầu của các chủ thể không được Tòa án chấp nhận thì họ phải chịu án phí dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tương tự, nếu kháng cáo của đương sự không được chấp nhận thì họ phải chịu án phí phúc thẩm.

Mặt khác, theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, đồng nghĩa với việc chỉ khi Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm dựa trên nội dung kháng cáo của đương sự thì đương sự đó mới không phải chịu án phí phúc thẩm. Ngược lại, khi Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm bị kháng cáo mà không dựa trên cơ sở là nội dung kháng cáo của đương sự thì đương sự kháng cáo sẽ phải chịu án phí phúc thẩm.

Đây dường như chính là quan điểm đã được áp dụng trong tình huống thứ hai khi mà Hội đồng xét xử phúc thẩm mặc dù đã sửa Bản án sơ thẩm về phần án phí sơ thẩm nhưng vẫn xác định do yêu cầu kháng cáo của ông H và bà N không được chấp nhận nên Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc ông H, bà N phải chịu án phí phúc thẩm.

Quan điểm thứ ba: Đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm nếu đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án sơ thẩm bị sửa

Quan điểm này trên cơ sở đồng tình với quan điểm thứ hai nhưng nhấn mạnh cần phải hiểu đúng và chính xác nội dung hướng dẫn của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14,[8] cụ thể đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

(i) Dựa vào nội dung và phạm vi kháng cáo của đương sự với nội dung và phần bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa. Cụ thể hơn, nếu đương sự đã thực hiện việc kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm thì tất cả các nội dung trong bản án, quyết định sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa (nếu có) đều phải được hiểu là thuộc nội dung và phạm vi kháng cáo nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

Áp dụng vào tình huống thứ nhất vẫn có thể hiểu và vận dụng theo quan điểm này, đó là, Tòa án cấp phúc thẩm có thể cho rằng đây là trường hợp đương sự đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nên việc Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm trong trường hợp này cũng có liên quan đến việc đương sự đã kháng cáo (vì đương sự kháng cáo toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm chứ không kháng cáo một phần bản án, quyết định sơ thẩm) và từ đó xác định ông P không phải chịu án phí phúc thẩm.

Hoặc tương tự trong tình huống thứ hai, có lẽ Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng mặc dù Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm nhưng không có liên quan đến nội dung đương sự đã kháng cáo (có thể đương sự không kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm mà chỉ kháng cáo một phần bản án sơ thẩm) nên từ đó Tòa án cấp phúc thẩm đã buộc ông H, bà N phải chịu 300.000 đồng tiền án phí phúc thẩm.

(ii) Không phụ thuộc vào nội dung và phạm vi kháng cáo của đương sự mà dựa vào phạm vi xét xử phúc thẩm. Do Tòa án cấp phúc thẩm không chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị mà còn xem xét cả phần có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nên nếu trường hợp phần bản án sơ thẩm bị sửa không liên quan đến nội dung mà người kháng cáo đã kháng cáo nhưng lại liên quan đến họ thì người kháng cáo đó cũng không phải chịu án phí phúc thẩm.

Trong tình huống thứ ba, nguyên đơn bà L kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về phạt vi phạm hợp đồng, Viện kiểm sát kháng nghị về nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà L nhưng chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, quyết định sửa bản án sơ thẩm về phần nội dung liên quan đến số tiền đưa trước của bà L và phần nội dung án phí. Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định người kháng cáo là bà L không phải chịu án phí phúc thẩm.

Như vậy, theo Hội đồng xét xử phúc thẩm mặc dù phần bản án sơ thẩm bị sửa không liên quan đến nội dung mà bà L đã kháng cáo nhưng lại liên quan đến chính bà L, do đó, bà L không phải chịu án phí phúc thẩm.

3. Kết luận

Qua các nội dung phân tích nêu trên, để thuận tiện cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án, tránh những rắc rối không đáng có trong việc xác định nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm trong trường hợp sửa bản án, quyết định sơ thẩm, cần thiết có quy định hướng dẫn thống nhất về việc xác định nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm đối với đương sự kháng cáo khi bản án, quyết định sơ thẩm bị sửa.

Ngoài ra khi quy định nội dung hướng dẫn áp dụng thống nhất không chỉ đảm bảo đúng quy định của BLTTDS năm 2015 mà còn đảm bảo không vì án phí phúc thẩm là khoản tiền nhỏ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước mà phải xem xét đến tính hợp lý, công bằng và thống nhất của chế định án phí nói chung trong đó có án phí phúc thẩm nói riêng mà đương sự kháng cáo phải chịu.

Một phiên tòa dân sự phúc thẩm tại TAND tỉnh An Giang – Ảnh: Duy Bình

[2]   Theo Bản án số 24/2019/DS-PT ngày 05-6-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

[3] Theo Bản án số 69/2017/DS-PT ngày 13-4-2017 của Tòa án nhân dân tỉnh A.

[4]  Theo Bản án số 54/2019/DS-PT ngày 06-3-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh L.

[5] Điều 270 BLTTDS năm 2015.

[6] Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 237.

[7] Tương tự xem thêm Bản án dân sự số 121/2019/DS-PT ngày 03-7-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang

(tham khảo đường dẫn: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta348199t1cvn/chi-tiet-ban-an).

[8] Khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

TS. ĐẶNG THANH HOA (Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh)