Những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ và kiến nghị khắc phục

Tham luận của Chánh án TAND Tp Đà Nẵng  tại Hội nghị triển khai công tác Toà án năm 2022, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong công tác và các kiến nghị, đề xuất để nâng cao chất lượng xét xử.

Đối với Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Đà Nẵng trong năm 2021, mặc dù gặp phải những khó khăn rất lớn do trên địa bàn thành phố bùng phát nhiều đợt dịch Covid-19 làm gián đoạn thời gian công tác nhưng đã tập trung hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ trọng tâm công tác theo yêu cầu Quốc hội và Tòa án nhân dân tối cao giao. Tuy nhiên, trong năm 2021 thực tiễn công tác còn gặp một số khó khăn vướng mắc trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ.  

1.Vướng mắc trong thực tiễn

1.1.Trong lĩnh vực hình sự và tố tụng hình sự

1.Trường hợp một người thuê xe ô tô của người khác để sử dụng một thời gian sau đó nhờ người khác làm giả giấy tờ xe đứng tên mình và đem xe bán hoặc cầm cho người thứ 3 để thu lợi bất chính thì người đó phạm mấy tội? Xác định bị hại là người cho thuê xe hay người mua hoặc người cầm xe hay tất cả  đều là người bị hại?

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về xử lý trường hợp trên. Cụ thể:

Thứ nhất: Người đó phạm 02 tội gồm: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (chiếm đoạt tiền của người mua xe hoặc là người cầm xe). Bị hại là người mua lại xe hoặc người cầm xe.

Thứ hai: Người đó phạm 03 tội gồm: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại là người mua lại xe hoặc người cầm xe

Thứ ba: Người đó phạm 03 tội gồm: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với chủ xe; “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chiếm đoạt tiền của người mua xe hoặc người cầm xe. Bị hại là chủ xe và người mua lại xe hoặc người cầm xe.

2. Trong vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” khi bắt quả tang thu được một số lượng ma túy tại địa điểm do các đối tượng chưa kịp sử dụng hết. Trường hợp này xác định số ma túy này chỉ là vật chứng của vụ án, không cấu thành tội độc lập. Tuy nhiên, cũng có quan điểm khác cho rằng các đối tượng còn phạm thêm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đây là vướng mắc trên thực tiễn cần có hướng dẫn thống nhất. (thực tế đã có 01 vụ án của TAND quận Cẩm Lệ bị kháng nghị Giám đốc thẩm, Toà án cấp cao xử giám đốc thẩm, Toà án tối cao có văn bản 02 tội: Tội sử dụng trái phép chất ma tuý và tội trữ trái phép chất ma tuý)

3. Trong trường hợp có nhiều người cùng rủ nhau sử dụng ma tuý mà trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm mục đích cùng sử dụng trái phép chất ma túy mà không có người “thụ hưởng” độc lập, ví dụ như: A chuẩn bị ma túy; B chuẩn bị dụng cụ để sử dụng ma túy; C thuê địa điểm, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng để cùng nhau sử dụng trái phép chất ma túy. Trong trường hợp này A, B, C có phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc tình tiết “phạm tội đối với 2 người trở lên” theo quy định tại khoản 2 Điều 255 Bộ luật Hình sự hay chỉ phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự?

4. Đối với Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tại điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS quy định: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ từ 61% đến 121%;”.

Vậy, trường hợp gây hậu quả làm 01 người chết và một người bị tổn thương 61% thì có phạm vào điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS không? Hậu quả 01 người chết có tương đương tổn thương 100% hoặc 100% trở lên không? Hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau, có quan điểm cho rằng người đó phạm tội theo điểm c khoản 2 Điều 260 Bộ Luật hình sự, nhưng cũng có quan điểm là chỉ phạm tội theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS. Vấn đề này cần được hướng dẫn cụ thể.

(Tương tự như yếu tố định khung ở điểm c khoản 2 Điều 266 BLHS, như yếu tố cấu thành cấu thành tội phạm ở điểm c khoản 1 của các Điều 261; 262; 263; 264; 267; 268; 269; 270; 271; 272; 273; 274; 275; 276; 277; 278; 279; 280; 281; điểm h khoản 1 Điều 265 BLHS năm 2015).

1.2.Dân sự và tố tụng dân sự

1. Trong vụ án tranh chấp về hợp đồng đặt cọc để đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản khác nhau thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi có bất động sản hay nơi có địa chỉ bị đơn hiện nay quan điểm cũng còn khác nhau. Theo Công văn số 178/TANDTC ngày 20/11/2019 của Tòa án nhân dân tối cao trao đổi nghiệp vụ về vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc cụ thể này có nội dung: …để có căn cứ giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với lô đất tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thì Tòa án phải thu thập chứng cứ vì sao không thực hiện được việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; việc không thực hiện giao kết hợp đồng đó có thuộc trường hợp bất khả kháng hay yếu tố khách quan hay lỗi của ai? Để việc xác minh thu thập chứng cứ được thuận lợi thì Tòa án thụ lý giải quyết trong trường hợp này là Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (Tòa án nơi có bất động sản liên quan đến hợp đồng đạt cọc)…

Theo văn bản nêu trên thì được hiểu là đối tượng tranh chấp trong vụ việc là bất động sản đã có trên thực tế, người ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng là chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp người ký hợp đồng chuyển nhượng không phải chủ sử dụng đất, chỉ là bên môi giới; quyền sử dụng đất cam kết chuyển nhượng đến thời điểm Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc chưa thuộc về bên chuyển nhượng, chưa hoàn chỉnh về pháp lý, thậm chí còn đang tranh chấp với bên chuyển nhượng. Bên cạnh đó nguyên đơn chỉ yêu cầu hủy hợp đồng đặt cọc, buộc bị đơn phải trả lại tiền đặt cọc và phạt cọc; đương sự không yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này, có quan điểm cho rằng Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết.

Do vậy đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất về thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về hợp đồng đặt chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

2. Trong trường hợp đối tượng lấy trộm một túi xách, trong đó có tiền mặt 5 triệu đồng và 01 thẻ visa, sau đó đối tượng sử dụng thẻ visa đi mua hàng, thanh toán tiền hàng 15 triệu đồng. Vậy, trường hợp này, xác định đối tượng trên phạm mấy tội? và tội gì?. Hiện có 02 quan điểm khác nhau, có quan điểm cho rằng chỉ phạm tội trộm cắp tài với tổng giá trị chiểm đoạt là 5 triệu đồng cộng với 15 triệu đồng thanh toán từ thẻ visa. Có quan điểm lại cho rằng đối tượng phạm 02 tội: tội trộm cắp đối với số tiền 5 triệu đồng và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điểm b, khoản 2, Điều 290 BLHS.

3. Vướng mắc về giải quyết các đơn khởi kiện, đơn yêu cầu liên quan 28 tài sản nhà đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mà Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của Phan Văn Anh Vũ tại Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12/5/2020.

 

Trong quá trình Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức thi hành Bản án đối với 28 tài sản kê biên nêu trên để thi hành nghĩa vụ bồi thường cho Phan Văn Anh Vũ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (vợ Vũ) và các công ty, cổ đông, thành viên công ty do Phan Văn Anh Vũ thành lập (Công ty Cổ phần Xây dựng 79; Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; Công ty TNHH I.V.C có đơn khởi kiện yêu cầu xác định, phân chia tài sản chung đối với 28 tài sản nêu trên. Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố Đà Nẵng sau khi nhận đơn đã trả đơn khởi kiện với lý do sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự.

 

Một số trường hợp khiếu nại được Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng giải quyết không chấp nhận khiếu nại, giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện.

 

Tuy nhiên tại Công văn số 2315/TCTHADS-NV2 ngày 06/7/2021 của Tổng Cục Thi hành án dân sự có hướng dẫn: Tại điểm 1.2 Mục IV phần quyết định của Bản án 158/2020/HS- PT ngày 12/5/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên về xử lý vật chứng “tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án cho Phan Văn Anh Vũ”. Do đó, Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng tiến hành xử lý tài sản đã kê biên để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 127 Luật Thi hành án dân sự. Trong quá trình xử lý tài sản mà có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Trên cơ sở đó, ngày 06/8/2021 Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 1541/TB-CTHADS thông báo cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty TNHH I.V.C và bà Nguyễn Thị Thu Hiền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo có quyền khởi kiện tại Tòa án để xác định, phân chia tài sản đối với tài sản mà bà Hiền và các công ty cho rằng có quyền lợi đối với tài sản mà Cục Thi hành án xử lý để thi hành nghĩa vụ bồi thường của người phải thi hành án Phan Văn Anh Vũ theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự.

 

Ngày 31/8/2021 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội có Công văn số 7009/2021/GTBA-TA do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hình sự trả lời Công văn đề nghị giải thích Bán án số 158/2020/HS-PT của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng xác định: “… Mục đích của việc tiếp tục kê biên 28  tài sản này là bảo đảm cho việc thi hành án không đồng nghĩa với việc xác định toàn bộ 28 tài sản đó là của Phan Văn Anh Vũ. Do đó,trong quá trình xử lý 28 tài sản là nhà, đất này thì Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu, có tính đến phần sở hữu chung của vợ chồng (cá nhân), phần sở hữu của cổ đông góp vốn của các Công ty CP Xây dựng 79, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C hoặc thực tế hiện trạng một số tài sản nhà đất đã kê biên không đồng nhất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền trên đất thì thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự đối với tài sản thuộc sở hữu chung,…”.

 

Do có văn bản trả lời, giải thích của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, nên Bà Hiền và các Công ty nêu trên có cơ sở để gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết xác định, phân chia tài sản tài sản đối với tài sản kê biên thi hành án như trình bày trên.

Hiện nay, Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố Đà Nẵng nhận các Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự của bà Nguyễn Thị Thu Hiền yêu cầu phân chia tài sản chung của bà với ông Phan Văn Anh Vũ đối với 13 bất động sản trên địa bàn quận Hải Châu; 07 bất động sản trên địa bàn quận Sơn Trà; 01 bất động sản trên địa bàn quận Thanh Khê.

Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 có Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án đối với nhà đất tại 318 Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CĐ 917829 cho Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.

Công ty TNHH I.V.C có Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án đối với các tài sản là quyền sử dụng đất: tại Cà phê Trung Nguyên trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND thành phố Đà Nẵng cấp ngày 06/9/2005, Công ty TNHH I.V.C nhận chuyển nhượng ngày 16/10/2007.

Công ty Cổ phần Xây dựng 79 có Đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự yêu cầu phân chia tài sản chung đối với các tài sản: nhà đất tại 32 Lê Hồng Phong; nhà đất tại số 86 Bạch Đằng; nhà đất tại số 84 Bạch Đằng, quận Hải Châu.

Đến nay Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố Đà Nẵng chưa có hướng xử lý, mà đang tiến hành sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, chưa tiến hành thụ lý. Trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu như trước đây với lý do sự việc đã được giải quyết bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự thì không phù hợp với giải thích tại Công văn số 7009/2021/GTBA-TA ngày 31/8/2021 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Đối với các bất động sản bà Hiền có đơn yêu cầu giải quyết, theo Công văn số 2174/CV-CTHADS ngày 26/11/2021 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng thì trong quá trình tổ chức thi hành Bản án, kết quả xác minh thì bà Nguyễn Thị Thu Hiền đã có các văn bản xác nhận, thỏa thuận 06 tài sản (số 49 Nguyễn Thái Học; 51 Nguyễn Thái Học; số 31 Phạm Hồng Thái, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu; số 22 Bạch Đằng; số 22-24 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng; Lô A2 Phạm Văn Đồng, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) là tài sản riêng của Phan Văn Anh Vũ. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản thống nhất với Tổng cục Thi hành án dân sự về việc: Có đủ cơ sở xác định 06 tài sản trên là tài sản của Phan Văn Anh Vũ nên Cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có thể tiếp tục xử lý 06 tài sản này mà không cần chờ kết quả xét xử phân chia tài sản của Tòa án. Tổng cục Thi hành án dân sự có Công văn số 3943/TCTHADS-NV2 ngày 24/11/2021 chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tiếp tục xử lý 06 tài sản này mà không cần chờ kết quả xét xử phân chia tài sản của Tòa án. Khi xử lý tài sản, Cục Thi hành án dân sự cần thông báo cho Tòa án có thẩm quyền đang tiếp nhận xử lý đơn yêu cầu phân chia tài sản của bà Nguyễn Thị Thu Hiền biết và phối hợp xử lý.

Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có văn bản trả lời, đề nghị Cục Thi hành án dân sự thành phố ban hành văn bản thu hồi hoặc hủy bỏ phần nội dung thông báo về quyền khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu Hiền theo Thông báo số 1541/TB-CTHADS ngày 06/8/2021 để xác định, phân chia tài sản đối với 06 tài sản nêu trên của người phải thi hành án theo khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Căn cứ văn bản thu hồi hoặc hủy bỏ của Cục Thi hành án dân sự thành phố, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thu Hiền đối với 06 tài sản nêu trên. Ngày ngày 24/12/2021 Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng có Thông báo số 2364/TB-CTHADS, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự thành phố đã thu hồi nội dung thông báo bà Nguyễn Thị Thu Hiền khởi kiện tranh chấp đối với 06 tài sản nêu trên và tiến hành xử lý tài sản để thi hành án theo quy định pháp luật. Do vậy Tòa án nhân dân 2 cấp thành phố sẽ trả lại đơn của bà Hiền đối với 6 tài sản nêu trên.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thì 28 tài sản trên đã được kê biên để đảm bảo thi hành án cho Phan Văn Anh Vũ thì được xem là đã giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật nên cần tiếp tục trả lại đơn khởi kiện để thi hành toàn bộ đối với 28 tài sản đã kê biên, bồi thường cho nhà nước. Bởi vì bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, Công ty Cổ phần Xây dựng 79, Công ty TNHH I.V.C đều tham gia tố tụng trong vụ án hình sự xét xử đối với Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi thi hành án xong. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền và các cổ đông Công ty có quyền khởi kiện đối với Phan Văn Anh Vũ để giải quyết buộc Vũ phải thanh toán lại cho họ nếu cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Do đó những vướng mắc trên đề nghị TATC cho ý kiến chỉ đạo việc có thụ lý giải quyết các đơn khởi kiện liên quan đến 28 tài sản trên hay không?

1.3.Thực hiện luật hòa giải,  đối thoại tại Tòa án

Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao chỉ mới cấp kinh phí chi thù lao cho Hòa giải viên mà chưa cấp kinh phí để mua sắm bàn ghế, trang thiết bị làm việc cho Hòa giải viên nên các đơn vị, nhất là nơi trước đây không tổ chức thí điểm công tác hòa giải không có kinh phí để mua sắm. Trong khi đó, kinh phí chi cho con người mặc dù dư ra nhưng không chuyển sang mua sắm được. Mặt khác, các Hòa giải viên không có Thư ký giúp việc. Trong điều kiện các Tòa án đều thiếu Thư ký làm nghiệp vụ nhưng phải cử Thư ký giúp việc cho Hòa giải viên nên rất khó khăn trong công tác.

2.Kiến nghị, đề xuất

Đối với những vướng mắc, khó khăn về nghiệp vụ trên đề nghị Toà án nhân dân tối cao cho ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời để Toà án các địa phương thực hiện giải quyết đúng theo quy định pháp luật, tránh tình trạng có quan điểm khác nhau dẫn đến cấp trên huỷ án cấp dưới ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án của Thẩm phán.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao mua hoặc cấp kinh phí cho Toà án địa phương mua sắm trang bị phương tiện máy móc cho các đơn vị phục vụ công tác hoà giải đối thoại, đồng thời cho bổ sung cơ chế có người giúp việc để hỗ trợ cho các Hoà giải viên, nhằm thực hiện tốt công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Đề nghị Lãnh đạo TANTC quan tâm xem xét cho tính vào số liệu giải quyết công việc cho Thẩm phán đã giải quyết đối với những việc Thẩm phán làm như: xử lý đơn khởi kiện; thực hiện ủy thác tư pháp từ trong nước hoặc ở nước ngoài uỷ thác về, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ra quyết định thi hành án các loại, tham gia Hội đồng xét giảm án, tha tù trước thời hạn, xử lý vi phạm hành chính tại Tòa án… để đảm bảo tính đầy đủ đầu việc mà Thẩm phán phải thực hiện. Vì những đầu việc trên Thẩm phán vẫn phải trực tiếp thực hiện và mất nhiều thời gian.

NGUYỄN THỊ CẢNH (Chánh án TAND Tp Đà Nẵng)