Những lưu ý về áp dụng hình phạt trong tội cướp tài sản

Tội cướp tài sản là loại tội phạm thường gặp, tuy nhiên vấn đề áp dụng hình phạt với bị cáo phạm tội này lại rất phức tạp vì có nhiều tình tiết phải được cân nhắc kỹ càng. Bài viết đưa ra một số lưu ý khi áp dụng hình phạt với tội danh này.

Tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được do người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm chiếm đoạt tài sản. Theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS thì: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Điều 168 BLHS quy định 5 khung hình phạt:

Khoản 1 quy định phạt tù từ ba năm đến mười năm đối với người phạm tội không có tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.  

Khoản 2 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.

1.Phạm tội có tổ chức 

Phạm tội có tổ chức là trư­ờng hợp có từ hai người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội cướp tài sản và có sự thống nhất với nhau về ý chí. Trong đó có một hoặc một số người thực hành; và có thể có người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

2.Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

 Theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, thì phạm tội cướp tài sản có tính chất chuyên nghiệp là: có từ năm lần trở lên phạm tội cướp tài sản, trong đó có lần đã bị xét xử nhưng chưa được xoá án tích, hoặc chưa lần nào bị xét xử và chưa lần phạm tội nào hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Có từ năm lần trở lên phạm tội cướp tài sản trở lên có thể là: phạm tội nhiều lần; đã bị kết án về tội cướp tài sản, chưa được xoá án tích mà còn phạm tội cướp tài sản; hoặc cả phạm tội nhiều lần và đã bị kết án về tội cướp tài sản, chưa được xoá án tích mà còn phạm tội cướp tài sản. Do vậy, tuỳ từng tr­ường hợp mà đồng thời với việc áp dụng tình tiết phạm tội cướp có tính chất chuyên nghiêp (điểm b khoản 2 Điều 168 BLHS), Toà án phải áp dụng thêm các tình tiết: tái phạm nguy hiểm (điểm h khoản 2 Điều 168 BLHS); phạm tội nhiều lần; hoặc tái phạm (điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS).

3.Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%

Là tr­ường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội cướp, người phạm tội đã tấn công người bị hại hoặc người khác để chiếm đoạt tài sản hoặc để tẩu thoát và đã gây cho họ thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ với tỷ lệ thương tật nêu trên. Người bị gây thương tích có thể là người bị cướp tài sản hoặc người khác như­ người bắt cướp, người bị bắt làm con tin khi tháo chạy...  Các tình tiết “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% (từ 31 đến 60%; từ 61% trở lên) đều là những tình tiết định khung hình phạt của Tội cướp tài sản đã từng được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2009. Theo hướng dẫn của TANDTC, VKSNDTC Bộ Công an, Bộ Tư pháp về một số quy định tại Chương “Các tội xâm phạm sở hữu” BLHS năm 1999, thì “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản hoặc thiệt hại phi vật chất. Trong đó, thiệt hại về sức khỏe không bao gồm thiệt hại quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015.

Do vậy, có thể hiểu thương tích do hành vi phạm tội gây ra trong các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 168 BLHS năm 2015 là những hậu quả trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra. Vấn đề đặt ra ở đây là, đồng thời với việc bỏ các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, Điều 168 BLHS năm 2015 đã không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là hậu quả gián tiếp của hành vi phạm tội cướp tài sản? Thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản giải thích quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 168 BKHS năm 2015 để thống nhất áp dụng trong thực tế.

4.Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác

 Sử dụng vũ khí là sử dụng một trong những loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 để thực hiện hành vi cướp tài sản, bao gồm: vũ khí quân dụng; súng săn; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Mặc dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền  hướng dẫn nhưng theo chúng tôi, thì  khái niệm sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ quy định tại các Điều 304, 306 BLHS hẹp hơn khái niệm sử dụng vũ khí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS. Bởi lẽ, sử dụng quy định tại các Điều 304, 306 BLHS là hành vi phát huy tính năng tác dụng của các loại vũ khí. Ví dụ: sử dụng súng là lên đạn, bóp cò; sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xuỳ....[1]

Còn sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ để cướp tài sản bao gồm: hành vi sử dụng quy định tại các Điều 304, 306  BLHS; và hành vi đơn thuần là giơ ra để cho người bị tấn công biết là kẻ phạm tội có vũ khí. Do vậy, trường hợp người phạm tội sử dụng vũ khí bằng cách phát huy tính năng tác dụng của các loại vũ khí như lên đạn, bóp cò; rút chốt, giật nụ xuỳ lựu đạn... thì hành vi cấu thành hai tội là tội cướp tà sản (điểm d khoản 2 Điều 168) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (khoản 1 Điều 304). Đối với súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tình năng tác dụng tương tự, thì hành vi sử dụng các đối tượng nêu trên chỉ bị coi là phạm tội khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Do vậy, người thực hiện hành vi cướp tài sản có sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tình năng tác dụng tương tự chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tình năng tác dụng tương tự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Sử dụng phương tiện nguy hiểm là sử dụng: công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt); vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công. Trong đó: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... là công cụ, dụng cụ; thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... là vật mà người phạm tội chế tạo ra; và gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt... là vật có sẵn trong tự nhiên. [2]

Thủ đoạn nguy hiểm khác quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS là ngoài các tr­ường hợp sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm để thực hiện tội cướp tài sản, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác nguy hiểm đối với người bị tấn công hoặc những người khác nh­ư sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê với liều lượng có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ củ nạn nhân; đầu độc nạn nhân; nhốt nạn nhân vào nơi nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ; dùng dây chăng qua đường để làm cho nạn nhân đi mô tô, xe máy vấp ngã để cướp tài sản...[3]

5.Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng

Là tr­ường hợp cướp tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Việc xác định giá trị tài sản đối với  tội cướp tài sản cần chú ý một số điểm sau đây:[4]

Giá trị tài sản bị cướp được xác định theo giá trị thị trư­ờng của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị cướp. Trong tr­ường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi cướp  có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.

Trong tr­ường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi cướp tài sản có ý định xâm phạm đến tài sản, nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản bị xâm phạm (giá trị bao nhiêu cũng được), thì lấy giá thị tr­ường của tài sản bị cướp tại địa phương vài thời điểm tài sản bị xâm phạm để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cướp.

Để xác định đúng giá trị tài sản bị cướp trong tr­ường hợp tài sản bị xâm phạm không còn nữa, cần xác định: đó là tài sản gì; nhãn mác của tài sản đó như­ thế nào; giá trị tài sản đó theo thời giá thực tế tại địa phương vào thời điểm tài sản bị xâm phạm là bao nhiêu; tài sản đó còn khoảng bao nhiêu phần trăm... để kết luận về giá trị tài sản xâm phạm.

6.Phạm tội đối với người dưới 16 tuối, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ

 Đây là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với người phạm tội cướp tài sản của những người bị hại do độ tuổi, mang thai hoặc già yếu, bệnh tật mà không có khả năng tự vệ hoặc tuy có nhưng khả năng tự vệ không cao. Khi áp dụng các tình tiết này cần chú ý:

Thứ nhất, người dưới 16 tuổi là người chưa đủ 16 tuổi. Việc xác định tuổi của người bị hại là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì tuổi của họ được xác định như sau:

"1. Trường hợp xác định tháng sinh cụ thể, nhưng không xác định được ngày sinh trong tháng đó thì lấy ngày mùng một của tháng đó làm ngày sinh;

2. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mùng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh;

3. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày mùng một tháng Giêng hoặc ngày mùng một tháng Bảy tương ứng của năm đó làm ngày sinh;

4. Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày mùng một tháng Giêng của năm đó làm ngày sinh.

5. Trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ".[5]

Thứ hai, "Phụ nữ có thai" được xác định bằng các chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như người phạm tội  và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang có thai hay không thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không thì phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định[6]. Tuy nhiên, tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS chỉ quy định phạm tội "đối với phụ nữ mà biết có thai" cho nên chỉ áp dụng tình tiết này khi người phạm tội biết người bị hại là phụ nữ có thai.

Thứ ba, về người già yếu, thì hiện nay chưa có quy định cụ thể. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Người cao tuổi thì người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Còn theo hướng dẫn của TANDTC thì: "Người già" được xác định là người từ đủ 70 tuổi trở lên; "Người quá già yếu" là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ đủ 60 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm.[7] Do vậy khi áp dụng tình tiết phạm tội đối với người già yếu, Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá tình trạng sức khỏe và độ tuổi của người bị hại khi bị phạm tội. Chúng tôi cho rằng, người già yếu phải là người từ đủ 70 tuổi trở lên và đang ở trong tình trạng ốm đau hoặc không trong tình trạng ốm đau nhưng là người yếu.

Thứ tư, người không có khả năng tự vệ. Người không có khả năng tự vệ là người đang trong thể trạng yếu đuối, bất lực về thể chất hoặc tinh thần, người bị bệnh tật, người đang ngủ say, người đang ở trong tình trạng không thể chống đỡ hoặc không thể tự bảo vệ mình được...

7.Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội là gây ra những tác động xấu đến tình hình an ninh, tác động tiêu cực đến trật tự, an tòa xã hội

Khi áp dụng tình tiết này phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòa xã hội. Điều luật chỉ quy định "gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội" mà không quy định mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội. Do vậy, trường hợp gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội hoặc gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến an ninh, trật tự, an tòan xã hội thì cũng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 168 BLHS.

8.Tái phạm nguy hiểm

Khi áp dụng tình tiết định khung này cần chú ý:

Thứ nhất, tội cướp tài sản quy định tại khoản 1 và 2 Điều 168 BLHS là tội rất nghiêm trọng; quy định tại khoản 3 và 4 Điều 168 BLHS là đặc biệt nghiêm trọng. Tội cướp tài sản là tội phạm do lỗi cố ý. Cho nên, đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cướp tài sản thì đều là phạm tội trong tr­ường hợp tái phạm nguy hiểm. Nhưng người phạm tội chỉ phải bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 168  BLHS khi có một trong những tình tiết quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều luật này. Trường hợp còn lại, sẽ bị xử phạt theo khung tư­ơng ứng nếu có một trong những tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 168 BôLHS. Trong mọi trư­ờng hợp tái phạm nguy hiểm nêu trên, dù bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 hoặc 4 Điều 168 BLHS, Toà án không được áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm nguy hiểm “ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS.

Thứ hai, tội cướp tài sản là tội phạm do lỗi cố ý. Do vậy, đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cướp tài sản thì bị coi là phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm. Khi xét xử, Toà án áp dụng điểm h khoản 2 Điều 168 BLHS đối với bị cáo (nếu không có tình tiết nào quy định tại khoản 3 và 4  Điều 168 BLHS). Đây là tr­ường hợp người phạm tội đã có ít nhất hai án tích trở lên, chưa được xoá án tích nay lại thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Trong đó: án tích thứ nhất là án tích về bất cứ tội gì (tội ít nghiên trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng) do cố ý hoặc vô ý; án tích thứ hai là án tích về một trong các tội: tội ít nghiên trọng do cố ý, tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng do cố ý, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 1 Điều 107 BLHS, thì người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi; Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý. Do vậy, người đã bị kết án về hành vi phạm tội khi đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi hoặc người đã bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý được thực hiện khi đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi nay lại thực hiện hành vi cướp tài sản thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 168 BLHS.

Khoản 3 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Trong đó:

9.Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Là trường hợp tài sản bị cướp có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng. Việc xác định giá trị tài sản bị cướp trong trường hợp này cũng giống như­ việc xác định giá trị tài sản bị cướp có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng quy định tại khoản 2 của tội phạm này.

10.Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

Là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản, người phạm tội đã tấn công người bị hại hoặc hoặc người khác để chiếm đoạt hoặc tẩu tán tài sản và đã gây cho họ thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể nêu trên.

11.Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong trường hợp này phụ thuộc vào phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh.[8] Nhưng dù phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh ở mức độ nào đi chăng nữa, thì người phạm tội cướp tài sản cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm c khoản 3 nếu không thuộc trường hợp nào quy định tại khoản 4 Điều 168 BLHS.

- Khoản 4 quy định phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; Làm chết người; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Trong đó:

12.Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên

Là tr­ường hợp tài sản c­ướp có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên. Việc xác định giá trị tài sản bị cướp trong trường hợp này cũng giống như­ việc xác định giá trị tài sản bị cướp có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng quy định tại khoản 2 của tội phạm này.

13.Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên

Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: Mặc dù điều luật chỉ quy định “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” nhưng trường hợp người phạm tội gây thương hoặc tổn hại cho sức khỏe của nhiều người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 168 BLHS.

14.Làm chết người

Là tr­ường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội cướp, người phạm tội đã tấn công người bị hại hoặc người khác để chiếm đoạt tài sản hoặc để tẩu thoát và đã gây cái chết cho họ. Theo chúng tôi, thì lỗi trong trường hợp này là lỗi vô ý bởi lẽ, nếu cố ý gây ra cái chết cho người bị hại trong khi thực hiện hành vi cướp tài sản thì hành vi của họ cấu thành hai tội là tội cướp tài sản và tội giết người.

15.Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Đây là những tình tiết mới được quy định ở tội cướp tài sản. Trong đó, tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc đã xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh.[9] Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội cướp tài sản trường hợp người phạm tội dựa vào các hoàn cảnh nêu trên để thực hiện tội phạm. Mức độ nguy hiểm của hành vi cướp tài sản trong trường hợp này phục thuộc vào tính chất của hoàn cảnh chiến tranh; tính chất, mức độ của tình trạng khẩn cấp[10].

16.Về trách nhiệm hình sự của hành vi chuẩn bị phạm tội cướp tài sản

Khoản 5 Điều 168 BLHS quy định người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 BLHS, thì chuẩn bị phạm tội cướp tài sản là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm.

Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 6 Điều 168 BLHS là người phạm tội cướp còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư­ trú từ một năm đến năm năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

TAND huyện Krông Bông, Đăk Lăk xét xử bị cáo bị truy tố về hành vi “Cướp giật tài sản” - Ảnh: Nguyễn Tâm

[1] Xem: Toà án nhân dân tố cao, Các văn bản về hình sự, dân sự , kinh tế và tố tụng, Hà Nội 1995, tr 90 và 93.

[2] Xem: Toà án nhân dân tối cao, các văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao hư­ớng dẫn thi hành pháp luật, Hà Nội, 2005, tr 27.

[3] Xem: Toà án nhân dân tối cao, các văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao h­ướng dẫn thi hành pháp luật, Hà Nội, 2005, tr 61.

[4] Xem: Toà án nhân dân tối cao, các văn bản quy phạm pháp luật của Toà án nhân dân tối cao h­ớng dẫn thi hành pháp luật, Hà Nội, 2005, tr 61-62.

[5] Xem: Thông tư liên tịch số 01/2011.VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tos tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, Điều 12.

[6] Xem: - Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự , tr. 2.

[7] Xem: - Luật Người cao tuổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Điều 2;

 - Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự , tr. 2.

- Nghị quyết số 01/2007NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tr. 2.

[8] Xem: Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (Phần chung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 169.

[9] Xem: Luật Quốc phòng, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.2.

[10] Xem: Viện khoa học pháp lý Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (Phần chung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 169.

TS. MAI BỘ (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân)