Một số ý kiến về những vụ án không hòa giải được trong BLTTDS năm 2015

Đặt vấn đề

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự “Tòa án có nhiệm vụ xác định sự thật khách quan của vụ việc, khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức”[1]. Mặc dù vậy, không phải mọi vụ án dân sự Tòa án đều phải tổ chức xét xử để giải quyết tranh chấp mà các tranh chấp giữa các bên vẫn có thể được các bên tự giải quyết nhanh chóng, đơn giản và gọn gàng thông qua hoạt động hòa giải tại Tòa án. Vì thế, Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 quy định hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm và hòa giải được áp dụng đối với hầu hết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được và việc không hòa giải được này xuất phát từ nhiều lý do mà trong đó còn bởi các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu về phạm vi các vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được trở nên rất cần thiết, quan trọng và cũng từ cơ sở nghiên cứu, có thể đề xuất các giải pháp nhằm hoàn  thiện các quy định của pháp luật về thủ tục hòa giải vụ án dân sự.

Các trường hợp không tiến hành hòa giải được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến tại Việt Nam. Sở dĩ như vậy là vì nếu lựa chọn hòa giải để giải quyết thì các bên tranh chấp sau đó còn có thể giữ được hòa khí, tình cảm hay các mối quan hệ và đặc biệt nhanh chóng kết thúc tranh chấp. Tuy nhiên, khác với hoạt động hòa giải được áp dụng phổ biến ngoài xã hội, hòa giải trong quá trình tố tụng dân sự có sự khác biệt rất lớn. Bởi lẽ, “hòa giải trong vụ án dân sự là một trong các thủ tục tố tụng quan trọng trong quá trình giải quyết các vụ, việc về dân sự (hiểu theo nghĩa rộng: các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động) tại Tòa án. Tính chất của hòa giải là tác động đến hai hay nhiều đối tượng có tranh chấp đạt đến sự thống nhất”[2]. Nhiệm vụ tiến hành hòa giải được giao cho Thẩm phán và các bên đương sự phải thực hiện theo đúng nội dung của Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu như các bên thỏa thuận được với nhau tất cả các vấn đề tranh chấp. Tại phiên hòa giải Tòa án đề cao và tôn trọng quyền tự do định đoạt của các bên đương sự. Còn trên thực tế, “lý luận và thực tiễn đều khẳng định vai trò quan trọng của hòa giải trong việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp xung đột nói chung và các tranh chấp dân sự tại Tòa án nói riêng… Hòa giải phát huy tác dụng rất lớn trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Theo báo cáo tổng kết hằng năm của Tòa án nhân dân tối cao, ở nước ta, có khoảng 40-50% số vụ án dân sự do Tòa án các cấp thụ lý được hòa giải thành”[3]. Cũng chính vì vậy, BLTTDS 2015 đã quy định hòa giải là một nguyên tắc bắt buộc[4].

Về nguyên tắc, “hòa giải tiến hành đối với việc giải quyết hầu hết các vụ án dân sự”[5]. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, có những trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được vì nhiều lý do khác nhau. Theo quy định tại Điều 207 của BLTTDS 2015, các trường hợp không tiến hành hòa giải được bao gồm:

Thứ nhất, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt:

“Theo nội dung điều luật, chủ thể được xác định là bị đơnngười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp không tiến hành hòa giải được”[6]. Do vậy, nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án “triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì Tòa án lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được… và ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung”[7]. Trường hợp này thường xảy ra khi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không mong muốn tiến hành hòa giải và đã cố tình gây khó khăn, cản trở hoặc muốn kéo dài thời gian giải quyết nhằm tạo sự bất lợi cho phía nguyên đơn bằng cách không thông báo ý định đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải và cố ý không có mặt tại phiên hòa giải. Mặc dù vậy, sự không có mặt của bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên hòa giải mà đã được Tòa án thông báo triệu tập hợp lệ đến hai lần cũng là cơ sở của việc vụ án dân sự đó không tiến hành hòa giải được và Tòa án phải ra quyết định để đưa vụ án ra xét xử. Ngoài ra, cần lưu ý, trong trường hợp “tại phiên tòa bị đơn có yêu câu Tòa án hoãn phiên tòa để tiến hành hòa giải thì Tòa án không chấp nhận nhưng cần tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”[8].

Thứ hai, đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng:

“Lý do chính đáng được xác định là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được (xác định tương tự theo điểm c, khoản 3, Điều 14, Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP); các sự kiện này xảy ra không phụ thuộc và chịu sự chi phối của con người. VD: Bão lụt, thiên tai, sạt lở…”[9]. Hoặc có thể quan niệm, lý do chính đáng là các sự kiện xảy ra rất bất ngờ, khách quan đến nỗi bản thân đương sự cũng không dự đoán trước được. Nói cách khác, đấy là những tình huống phát sinh ngẫu nhiên và không thuộc khả năng quyết định hoặc có thể giải quyết của đương sự. Do đó, không ít trường hợp mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ để tham gia hòa giải và đương sự cũng có ý thức tham gia phiên hòa giải thế nhưng chỉ vì sự kiện xảy ra quá bất ngờ nên đã làm cho đương sự không thể tham gia phiên hòa giải được. Vì vậy, đây cũng là một lý do dẫn đến việc vụ án dân sự không thể tiến hành hòa giải được và Tòa án sẽ phải ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Thứ ba, đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự:

Trên thực tế, các vụ án hôn nhân và gia đình đều diễn ra khá phức tạp, bởi lẽ, Tòa án thường phải giải quyết khá nhiều quan hệ pháp luật như xem xét, giải quyết việc ly hôn, vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng và ai là người có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái. Mặt khác, thông thường đối với vụ án ly hôn, ban đầu Tòa án cũng mong muốn có thể hàn gắn quan hệ giữa hai vợ chồng. Vì nếu như hai vợ chồng có thể trở lại với nhau thì đồng nghĩa các quan hệ pháp luật trên sẽ không cần phải giải quyết và vấn đề tình cảm của con cái hay các mối quan hệ giữa các bên sau này vẫn có thể được giữ gìn tốt hơn. Do vậy, đối với các vụ án ly hôn, việc tiến hành thủ tục hòa giải luôn được Tòa án đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, để có thể tự mình tham gia quan hệ pháp luật tố tụng dân sự trong vụ án ly hôn, đòi hỏi chủ thể tham gia là cá nhân phải có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Trong đó, nếu đương sự mất năng lực hành vi dân sự thì đương nhiên đương sự cũng sẽ không thực hiện được năng lực hành vi tố tụng dân sự. Hơn nữa, đối với các vụ án ly hôn thì người đại diện hợp pháp của các bên đương sự cũng không có quyền được thay mặt đương sự đứng ra hòa giải với bên kia. Bởi lẽ, việc quyết định chung sống giữa vợ chồng hoàn toàn phải xuất phát từ quyền bình đẳng tự nguyện và tự do quyết định của vợ, chồng. Sở dĩ như vậy là vì “quan hệ hôn nhân là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao hay ủy quyền cho cá nhân khác đại diện tham gia”[10]. Do vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án cũng không thể tiến hành hòa giải được. Bởi “người mất năng lực hành vi dân sự không thể hiện được ý chí, suy nghĩ của bản thân nên việc tổ chức phiên hòa giải cũng không có giá trị và không đạt được mục đích của hòa giải”[11].

Thứ tư, một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải:

Về nguyên tắc, “Tòa án phải hòa giải vụ án dân sự trước khi đưa vụ án ra xét xử sở thẩm”[12]. Mặc dù vậy, việc một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải cũng là cơ sở cho việc Tòa án không tiến hành thủ tục hòa giải. Sở dĩ BLTTDS 2015 cho phép đương sự có quyền đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải “xuất phát từ đặc trưng của tố tụng dân sự là “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” (Điều 5 BLTTDS)”[13]. Nói cách khác, quy định này được hình thành dựa trên quyền tự quyết định của các đương sự và đây cũng là quy định mới của BLTTDS 2015. Bởi lẽ, trước đây, BLTTDS 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 đều không quy định vấn đề này. Thế nhưng đây lại là quy định cần thiết và quan trọng bởi đương sự là những người trực tiếp phải hòa giải với nhau và có lẽ mong muốn của họ là nhanh chóng giải quyết các quan hệ pháp luật tranh chấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể do các đương sự không còn hy vọng vào việc có thể giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải thế nên việc tiến hành hòa giải với các đương sự trở nên không cần thiết và lại mất thêm thời gian chờ đợi. Do vậy, các đương sự có thể chỉ mong muốn Tòa án nhanh chóng tiến hành thủ tục xét xử. Chính vì thế, có thể khẳng định, việc ghi nhận quyền hạn này là cần thiết và càng góp phần đề cao quyền tự do định đoạt của các bên đương sự khi tham gia tố tụng dân sự.

Ngoài ra, cần lưu ý, “tất cả những trường hợp không hòa giải được, Tòa án phải lập biên bản không hòa giải được, nêu rõ lý do để lưu vào hồ sơ vụ án, sau đó đưa vụ án ra xét xử tại phiên tòa” và “trong trường hợp các đương sự tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hoặc rút đơn kiện mà qua việc kiểm tra thấy hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với những quy định của pháp luật, Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”[14].

Tóm lại, có thể thấy rằng, hầu hết các nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án không tiến hành hòa giải được đều xuất phát từ lý do chủ quan của đương sự. Bởi lẽ, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do định đoạt của các đương sự thế nên, việc Tòa án tiến hành hòa giải được hay không đều phải dựa trên ý chí của các đương sự. Hay nói cách khác, hòa giải là nguyên tắc bắt buộc của tố tụng dân sự nhưng việc hòa giải có tiến hành được hay không lại phải phụ thuộc rất lớn vào bản thân các đương sự.

Kiến nghị

Có thể nói, “sự phát triển của các quan hệ xã hội trong đời sống dân sự của nền kinh tế hội nhập ngày càng phong phú, đa dạng, là động lực mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu thiết lập các quan hệ về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động của các cá nhân, cơ quan, tổ chức ngày càng gia tăng”[15]. Cùng với đó, số lượng các tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được xét xử hằng năm ngày càng gia tăng nhanh chóng. Do vậy, thủ tục hòa giải vụ án dân sự đã góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, liên quan đến việc các vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, cần xem xét các vấn đề sau:

Như đã biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc Tòa án không tiến hành hòa giải được chính là việc đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng. Mặc dù vậy, BLTTDS 2015 và trước đó là Nghị quyết số 05/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa hướng dẫn cụ thể về trường hợp nếu như đương sự sau đó lại đề nghị Tòa án mở thủ tục hòa giải để họ thương lượng với nhau thì Tòa án có mở lại phiên hòa giải hay không. Vì nếu như Tòa án đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì lúc đó sẽ phải tiến hành thủ tục mở phiên tòa và kéo theo là việc hồ sơ vụ án sẽ phải chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và những người tham gia tố tụng khác như Hội thẩm nhân dân để cùng nghiên cứu phục vụ cho quá trình xét xử. Sau đó, giả thiết ngay tại phiên tòa các đương sự mới hòa giải và việc hòa giải thành công thì rõ ràng việc mở phiên tòa càng trở nên lãng phí và không cần thiết. Mặt khác, liên quan đến việc xác định “lý do chính đáng” dẫn đến việc đương sự không thể tham gia hòa giải được bao gồm những lý do gì thì cũng chưa được hướng dẫn cụ thể. Từ đó, tác giả cho rằng, pháp luật tố tụng dân sự cần quy định rõ ràng hơn về trường hợp đương sự vắng mặt nhưng có lý do chính đáng khi tham gia hòa giải. Bên cạnh đó, cần xem xét vấn đề cho phép đương sự được quyền yêu cầu Tòa án tiến hành mở lại phiên hòa giải trước khi Tòa án tổ chức xét xử vụ án. Bởi theo tác giả, có như vậy, việc giải quyết vụ án sẽ nhanh chóng, đơn giản, ít tốn kém và những chủ thể tiến hành tố tụng khác như Hội thẩm nhân dân và đại diện Viện kiểm sát nhân dân cũng sẽ không phải mất thêm thời gian và công sức để nghiên cứu hồ sơ vụ án. Thiết nghĩ có như vậy, quá trình giải quyết vụ án bằng hòa giải mới phát huy được những thuận lợi và nhanh chóng kết thúc vụ án dân sự.

 

[1] Nguyễn Vinh Hưng (2016), “Quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự và thi hành án dân sự”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số 06, tr. 4.

[2] Tòa án nhân dân tối cao (2019), Chuyên đề 3: Kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, nguồn truy cập: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=20648728 , ngày truy cập: 20/9/2019.

[3] Khoa Luật – ĐHQGHN (2014), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, nhà xuất bản ĐHQGHN, tr. 247.

[4] Điều 10 BLTTDS 2015.

[5] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, tr. 264.

[6] Tạp chí Tòa án (2018), Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phiên hòa giải, nguồn truy cập: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/quy-dinh-cua-blttds-2015-ve-phien-hoa-giai , ngày 18/9/2019.

[7] Điều 16 của Nghị quyết số 05/2012/HĐTP-TANDTC ngày 03/12/2012 về “hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự”.

[8] Điều 16 của Nghị quyết số 05/2012/HĐTP-TANDTC ngày 03/12/2012, tlđd.

[9] Tạp chí Tòa án (2018), Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phiên hòa giải, tlđd, ngày 18/9/2019.

[10] Tạp chí Tòa án (2018), Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phiên hòa giải, tlđd, ngày 18/9/2019.

[11] Tạp chí Tòa án (2018), Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phiên hòa giải, tlđd, ngày 18/9/2019.

[12] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, sđd, tr. 264.

[13] Báo Công lý – Tòa án nhân dân tối cao (2018), Xác định phạm vi hòa giải và các vụ án không được hòa giải, nguồn truy cập: https://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/xac-dinh-pham-vi-hoa-giai-va-nhung-vu-an-khong-duoc-hoa-giai-249650.html , ngày truy cập: 20/9/2019.

[14] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình Luật Tố tụng dân sự Việt Nam, sđd, tr. 265.

[15] Nguyễn Thị Hoài Phương (2011), Thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Trọng tài – Cơ chế hiện hữu bảo vệ quyền dân sự, sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Lao động, tr. 5.

TS. NGUYỄN VINH HƯNG Khoa Luật - ĐHQGHN