Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án

Quyền thừa kế hiểu theo nghĩa chủ quan là quyền của người để lại di sản và quyền của người nhận di sản. Quyền chủ quan này phải phù hợp với các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng. Trong thực tế vẫn xảy ra những vướng mắc, tranh chấp trong lĩnh vực thừa kế và quá trình giải quyết tại Tòa án cũng có những nhận thức, đánh giá chứng cứ khác nhau…

Điều 609 BLDS năm 2015, đã đưa ra khái niệm về quyền thừa kế: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật; Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc”.
Tác giả có quan điểm của mình về quyền thừa kế: “Quyền thừa kế là quyền để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết gồm quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản cho người thừa kế theo pháp luật và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

1. Các hình thức thừa kế

Pháp luật thừa kế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam thường quy định có hai hình thức thừa kế đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trên cơ sở quy định của pháp luật dân sự, tác giả sẽ đi sâu phân tích về hai hình thức thừa kế trên.

1.1. Thừa kế theo di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Quyền lập di chúc của cá nhân là một trong những quyền quan trọng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, di chúc là phương tiện phản ánh trung thực ý nguyện cuối cùng của cá nhân trong việc dịch chuyển tài sản của họ cho người khác sau khi chết. Theo quy định này thì di chúc phải có các yếu tố sau: (1) Đó là sự thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác; (2) Mục đích của việc lập di chúc là chuyển tài sản là di sản cho người khác; (3) Chỉ có hiệu lực sau khi người đó chết.

1.2. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế. Như phân tích ở trên, cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản của mình, sau khi cá nhân chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản thừa kế. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người đều bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.

Như vậy, thừa kế theo pháp luật được hiểu một cách đơn giản là quá trình dịch chuyển di sản của người chết sang những người còn sống theo quy định của pháp luật về thừa kế. Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì khi không có căn cứ để dịch chuyển di sản của người chết theo ý chí của họ thì di sản đó phải dịch chuyển theo quy định của pháp luật về hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế. Điều 649 BLDS năm 2015 đã định nghĩa về thừa kế theo pháp luật như sau: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

1.3. Thừa kế thế vị

Ngoài hai hình thức thừa kế trên, pháp luật thừa kế nước ta còn quy định trường hợp khi con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu của người đó được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống. Nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống. Những trường hợp này gọi là thừa kế thế vị. Ngoài ra, pháp luật còn quy định trường hợp đặc biệt đó là: cha, mẹ chết cùng thời điểm với ông hoặc bà thì cháu thay thế vị trí của cha hoặc mẹ nhận di sản của ông, bà (Điều 652 BLDS năm 2015).
Vậy, thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố, mẹ mình (hoặc ông bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác. Cháu phải sống vào thời điểm ông, bà chết là người thừa kế thế vị của ông, bà. Chắt cũng phải sống vào thời điểm cụ chết là người thừa kế thế vị tài sản của cụ.

Điều 653 BLDS quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định của bộ luật này”. Khoản 3 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan”.

Luật Nuôi con nuôi quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi tại khoản 1 Điều 24: “1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Theo quy định tại Điều 78 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi: “Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật Nuôi con nuôi”.

2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thừa kế tại Tòa án

Các tranh chấp dân sự xảy ra trong đời sống thực tiễn hết sức đa dạng trong đó tranh chấp về thừa kế nói chung, tranh chấp về thừa kế theo di chúc nói riêng xảy ra ngày một nhiều. Trước đây, do cuộc sống vật chất còn đơn giản, di sản thừa kế mà người chết để lại chỉ đơn thuần là các vật phẩm tiêu dùng, cao hơn nữa là nhà cửa, đất đai. Các danh tranh chấp đó là: (1) Tranh chấp giữa người thừa kế theo luật với người thừa kế theo di chúc; (2) Tranh chấp giữa người khác với người thừa kế theo di chúc; (3) Tranh chấp giữa những người thừa kế theo di chúc với nhau; (4) Tranh chấp giữa những người thừa kế theo luật với nhau vì việc phân chia di sản không đồng đều; (5) Tranh chấp về thừa kế vì những người thừa kế cho rằng có người thừa kế không được quyền hướng di sản; (6) Tranh chấp thừa kế do xác định không chính xác về di sản thừa kế.

Tuy nhiên, ở đây, tác giả xin đưa ra một số tranh chấp thường xảy ra trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày để minh chứng cho bài viết của mình như sau:

Thứ nhất, tranh chấp về hiệu lực của di chúc do di chúc lập không đúng thủ tục mà pháp luật đã quy định.

Bản án số 02/DSST ngày 10/10/2015 của TAND huyện S đã xét xử việc chia thừa kế giữa nguyên đơn là ông N.H.T, sinh năm 1945 trú tại thôn L, xã T, huyện S, tỉnh Y. Sauk hi kết hôn, vợ chồng ông về sống tại thôn thôn L, xã T, huyện S. Nguồn gốc nhà đất là của bố mẹ bà T cho vợ chồng ông. Năm 1980, ông bà có làm một căn nhà cấp 4 , đến năm 1995 vợ chồng ông lại xây tiếp nhà hai tầng nằm trên diện tích đất 736m2. Năm 1983, vợ chồng ông đón anh M (là con riêng của ông về ở). Năm 2006, vợ chồng ông nhận chị Nh làm con nuôi.

Khối tài sản của vợ chồng ông gồm 736m2 đất thổ cư, 112,55m2 nhà hai tầng, 42092m2 nhà cấp bốn, 32,3m2 bếp, chuồng lợn, 12.6m2 công trình phụ, một giếng nước, 39,52m2 sân gạch, 146,52m2 tường rào và tường hoa, 25 loại tài sản khác cùng với 26.317.000 đồng tiền mặt.

Chị Nh xuất trình một bản di chúc lập ngày 01/8/2014 với nội dung bà T định đoạt toàn bộ nhà đất cho chị Nh.

Ông T yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật vì ông cho rằng di chúc mà chị Nh xuất trình không có hiệu lực pháp luật.

Tòa sơ thẩm xét thấy di chúc mà chị Nh xuất trình là do chị Nh trực tiếp viết và có hai người và có hai người là ông Tr và ông Đ ký làm chứng. Tại lời khai ngày 14/9/2015 (bút lục số 15), ông Tr xác nhận di chúc của bà T là do gia đình chị Nh đưa cho ông ký làm chứng sau khi bà T đã chết và nay ông xác định chữ ký của ông tại bản di chúc là không có giá trị. Tòa sơ thẩm không chấp nhận di chúc do chị Nh xuất trình nên di sản của bà T được chia thừa kế theo pháp luật.

Qua vụ tranh chấp trên, tác giả thấy rằng bản di chúc mà chị Nha xuất trình trước Tòa án là di chúc tự lập nhưng trái với thủ tục mà pháp luật đã quy định đối với loại di chúc này (di chúc tự lập phải do chính người để lại di sản viết). Ngoài ra, di chúc định đoạt toàn bộ nhà đất cho chị Nh là đã định đoạt cả tài sản của người khác (tài sản của ông T) nên nội dung của di chúc cũng không đúng pháp luật. Vì thế, Tòa sơ thẩm không chấp nhận di chúc trên là hoàn toàn chính xác.

Bản án dân sự sơ thẩm bị đương sự kháng cáo và đã được TAND tỉnh xét xử lại theo trình tự phúc thẩm bằng bản án số 56/DSPT ngày 20/3/2016. Tại bản án này, Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận di chúc của bà T lập ngày 01/8/2014 do chị Nh xuất trình. Di sản của bà T được chia thừa kế theo pháp luật.

Thứ hai, tranh chấp về hiệu lực của di chúc do người làm chứng di chúc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật

Bản án số 03/DSST ngày 20/11/2016 của TAND Quận T đã xử chia thừa kế giữa nguyên đơn là bà Ng với bị đơn là anh L (sinh năm 1976).

Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Sau khi ly hôn với vợ là bà Ch, ông T đã bán ngôi nhà ở phố B, mua căn nhà ở mặt đường C và sống chung cùng chị Ng, đến ngày 22/4/2007 đăng ký kết hôn và tiếp tục sống chung nhưng không có con chung, giấy tờ mua bán nhà nói trên là viết tay và đứng tên ông T. Ngày 20/12/2015, ông T chết do bị ung thư gan. Trước khi chết 4 tiếng, ông T có bảo chị Ng viết hộ di chúc do ông đọc. Sauk hi viết xong di chúc, chị Ng có đưa bút cho ông T ký vào bản di chúc đó. Di chúc có chữ ký của ông M (là người làm chứng). Trong di chúc, ông T định đoạt cho bà Ng và anh L (là con riêng của ông T) mỗi người ½ căn nhà ở mặt đường C. Sau khi ông T chết, bà Ng yêu cầu chia thừa kế khối di sản mà ông T để lại. Tòa sơ thẩm đã chấp nhận di chúc miệng của ông C và cho bà Ng cùng anh L hưởng theo di chúc ngôi nhà ở mặt đường C. Phần di sản còn lại của ông T được chia theo pháp luật.

Anh L và anh S (là con riêng của ông T) kháng cáo vì cho rằng bà Ng không được hưởng theo di chúc vì đó là bản di chúc không có hiệu lực pháp luật.

Vụ án trên đã được TAND thành phố K xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Tại bản án số 110/DSPT ngày 26/5/2016, Hội đồng xét xử nhận định: Di chúc miệng do ông T lập được chị Ng viết hộ chỉ có một người làm chứng là ông M (chị Ng có ký trong di chúc nhưng không có tư cách là người làm chứng di chúc vì chị là người thừa kế của ông T). Trong khi Điều 630 và 632 BLDS năm 2015 quy định di chúc miệng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận di chúc này nên đã sửa bản án sơ thẩm. Di sản thừa kế mà ông T để lại được chia theo pháp luật.

Qua vụ án trên, tác giả nhận thấy rằng, di chúc miệng của ông T cũng có hai chữ ký của hai người làm chứng là chữ ký của ông M và chữ ký của bà Ng. Sai lầm của Tòa sơ thẩm là không xác định được chị Ng là người không được làm chứng cho di chúc của ông T. Việc Hội đồng xét xử sửa phần này của án sơ thẩm là hoàn toàn chính xác.

Danh mục tài liệu tham khảo
1. Xem, Hiến pháp các năm: 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013
2. Xem, Bộ luật Dân sự các năm: 1995, 2005 và 2015.
3. Xem, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
4. Xem, Luật Nuôi con nuôi năm 2010;
5. Xem, Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp;
6. Xem, Trường Đại học Luật Hà Nội “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Tập 1” ,NXB Công an nhân dân, Hà Nội – 2017.
7. Xem, TS. Phạm Văn Tuyết và TS.LS Lê Kim Giang “Pháp luật về thừa kế và thực tiễn giải quyết tranh chấp”, NXB Tư pháp, năm 2013;
8. Xem, PGS.TS. Phùng Trung Tập “Luật Dân sự Việt Nam – Bình giải và áp dụng Luật Thừa kế”, NXB Hà Nội;
9. Xem, PGS. TS. Nguyễn Văn Cừ & PGS.TS Trần Thị Huệ “Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015”, NXB Công an nhân dân.
10. Xem, ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải “Chế định quyền thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam”, Mục nghiên cứu trao đổi – Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Ths. ĐOÀN NGỌC HẢI ( Sở Tư pháp Ninh Bình)