Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình mang thai hộ

Mang thai hộ là quy định mới mẻ, trong quá trình áp dụng quy định nhân đạo này vào cuộc sống, có những vướng mắc nảy sinh. Từ điều kiện của việc mang thai hộ đối với người mang thai hộ; quyền lợi và nghĩa vụ các bên liên quan... đều cần được xem xét để sửa đổi, bổ sung hoặc có hướng dẫn kịp thời.

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

2.2.2. Về điều kiện của việc mang thai hộ đối với người mang thai hộ

Tham khảo pháp luật các nước, Luật về sức khỏe y tế của Liên bang Nga quy định rõ những yêu cầu đối với người mang thai hộ: Tuổi từ 20 đến 35; đã có ít nhất một lần sinh con; sức khỏe tâm lý và sinh lý tốt. Đối với người phụ nữ nhờ mang thai hộ là những người không có tử cung hoặc tử cung bị biến dạng, bị bệnh khiến việc mang thai trở nên khó khăn và đã trải qua nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm không thành công. Các cặp đồng tính cũng có thể nhờ mang thai hộ[1].

Các điều kiện của việc mang thai hộ đối với người mang thai hộ được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 95 Luật HNGĐ năm 2014: “3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.

Pháp luật hôn nhân và gia đình đưa ra các điều kiện đối với chủ thể mang thai hộ vì mục đích nhân đạo một mặt giúp cho công tác quản lý, kiểm soát vấn đề mang thai hộ trong một hành lang pháp lý an toàn, mặt khác bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người phụ nữ mang thai hộ cũng như đứa trẻ sinh ra đời.

Thứ nhất, điều kiện về người được nhờ mang thai hộ “là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ”. Mục đích của quy định này nhằm nhấn mạnh mục đích nhân đạo trong việc nhờ mang thai hộ, hạn chế được tình trạng thương mại hóa việc mang thai hộ trong thực tiễn cuộc sống. Thuật ngữ “người thân thích cùng hàng” được Luật HNGĐ sử dụng còn giúp việc đứa trẻ được sinh ra được xác định tư cách chủ thể, thứ bậc trong gia đình thuận lợi hơn phù hợp với phong tục tập quán trong nền nếp gia đình Việt Nam. Tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ – CP giải thích rõ “người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”. Tuy nhiên, việc giới hạn chủ thể được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng dẫn đến việc quyền lựa chọn chủ thể mang thai hộ của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muốn bị thu hẹp lại. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp các cặp vợ chồng là con một trong gia đình, không có chị, em gái cùng hàng hoặc có nhưng không đáp ứng các điều kiện được mang thai hộ như độ tuổi chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng chưa từng sinh con… dẫn đến việc các cặp vợ chồng không thể áp dụng kỹ thuật nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Sự hạn hẹp về mặt chủ thể có khả năng dẫn đến việc sẽ có những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn “lén lút” nhờ người khác không phải “người thân thích cùng hàng” mang thai hộ không vì mục đích nhân đạo.

Thứ hai, điều kiện người được nhờ mang thai hộ “đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần” nhằm giúp người phụ nữ có tâm lý ổn định hơn khi thực hiện thiên chức làm mẹ khi sinh đứa trẻ thông qua kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một quy định mang tính nhân văn ngăn chặn lạm dụng chức năng sinh sản của người phụ nữ, nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ mang thai hộ, giảm thiểu được các tai biến sản khoa trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, người được nhờ mang thai hộ “ chỉ được mang thai hộ một lần” có thể hiểu là người phụ nữ này chỉ được mang thai hộ một lần không phân biệt người nhờ mang thai là ai, việc mang thai hộ có thành công hay chưa. Mặc dù quy định hướng đến việc bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ, tuy nhiên trên thực tế có những trường hợp các bên trong quan hệ mang thai hộ không thực hiện nghiêm túc dẫn đến việc khi người mang thai hộ đến giai đoạn thai kỳ cuối mới bị phát hiện ra sai phạm không đủ điều kiện mang thai hộ gây khó khăn cho việc xử lý. Như vậy, cần thiết phải có những quy định về cách thức kiểm tra sức khỏe sinh sản một cách chặt chẽ cho người mang thai hộ trước khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, phòng ngừa những trường hợp vi phạm trước khi có nguy cơ xảy ra.

Thứ ba, quy định về điều kiện “độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ” tại Luật HNGĐ nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe sinh sản của người phụ nữ cũng như sức khỏe của đứa trẻ được sinh ra bởi kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật HNGĐ mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung “độ tuổi phù hợp” và chưa có quy định cụ thể về độ tuổi mang thai hộ.  Theo Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản N, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho rằng: “độ tuổi làm mẹ tốt nhất trước hết cơ thể phát triển toàn diện để đảm nhiệm khả năng sinh sản tốt, vững vàng về kiến thức, định hình về tính cách, ổn định tâm lý, tự tin vào bản thân và độc lập về tài chính. Độ tuổi sinh sản tốt là không dưới 18 tuổi. Phụ nữ còn trẻ đã mang thai, lúc này cơ thể chưa phát triển đầy đủ và cũng chưa sẵn sàng về cả mặt tâm lý lẫn sinh lý nên dễ dẫn đến sẩy thai hoặc các hiện tượng khác như thai yếu, sinh non. Bởi cơ thể người mẹ còn quá trẻ sẽ chưa phát triển đầy đủ, xương chậu chưa nở tốt dễ bị sang chấn khi sinh đẻ, tỷ lệ mổ lấy thai cũng cao hơn. Việc nuôi con của các bà mẹ trẻ cũng gặp không ít khó khăn do thiếu về tài chính lẫn kiến thức. Ngược lại với phụ nữ trên 35 tuổi thì khả năng mang thai giảm so với độ tuổi dưới 30, và nguy cơ trẻ mắc bệnh down và các hiện tượng đột biến gene cũng tăng cao. Tỷ lệ này là 1/400 đối với độ tuổi 35 và sẽ dần tăng lên mức 1/109 ở các bà mẹ sinh con khi ở tuổi 40. Khi ở tuổi 45, nguy cơ này là 1/32 (so với tỉ lệ 1/1.500 ở tuổi 25). Ngoài ra, các nguy cơ khác như các dị tật, bệnh bẩm sinh do sự biến đổi gene. Như vậy độ tuổi mang thai tốt nhất trung bình khoảng 22 – 33 tuổi”[2]. Như vậy để bảo đảm cho việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đạt được hiệu quả cao thì cần thiết Bộ Y tế cần đưa ra mức độ tuổi mang thai thích hợp làm thước đo chung, giúp cho quá trình mang thai hộ diễn ra thuận lợi, hạn chế được các nguy cơ rủi ro cho phụ nữ cũng như đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ.

 

Nhờ tiến bộ của y học và quy định của pháp luật, nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã có thể có con nhờ mang thai hộ. Ảnh TL

 

Thứ tư, điều kiện “trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng” là một quy định thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Bên cạnh việc đề cao tính nhân đạo của việc mang thai hộ, thì vấn đề bảo vệ hạnh phúc gia đình cũng là vấn đề cần được quan tâm và bảo vệ. Sở dĩ vậy, bởi sau khi kết thúc quá trình mang thai hộ, người phụ nữ tiếp tục quay trở lại sinh hoạt bình thường bên gia đình của mình. Bởi vậy việc pháp luật đưa ra điều kiện phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng). Tuy nhiên, trên thực tế không phải người chồng nào cũng chấp nhận, vượt qua rào cản định kiến xã hội để cho vợ của mình mang thai đứa con không phải là con chung của vợ chồng dẫn đến việc không đồng ý. Cũng có những trường hợp do vợ chồng ở cách xa nhau về mặt địa lý, người vợ cố tình giấu và giả chữ ký của chồng để thực hiện việc mang thai hộ. Hoặc có trường hợp hai vợ chồng đang trong giai đoạn rạn nứt tình cảm, ly thân thì việc nhận được sự đồng ý của người chồng là một việc khó khan. Bởi vậy, để giải quyết được những bật cập trên thực tế đã nêu ra ở trên, pháp luật cần phải có những hướng giải quyết thích hợp. Nếu phát hiện có những hành vi gian dối, vi phạm pháp luật trong vấn đề mang thai hộ thì cần thiết phải có những chế tài áp dụng đối với các chủ thể vi phạm nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật cũng như duy trì được ý nghĩa nhân văn cao cả của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

3.Một số vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình mang thai hộ

3.1. Vấn đề xác định thời điểm phát sinh quyền, nghĩa vụ cha, mẹ con

Tham khảo pháp luật các nước về quyền và nghĩa vụ của các bên, theo Luật mang thai hộ của Australia quy định: Người mang thai hộ có đầy đủ các quyền như những phụ nữ khác trong các quyết định liên quan đến quá trình mang thai và sinh con. Đồng thời, người phụ nữ mang thai hộ và chồng của người phụ nữ này sẽ là bố mẹ hợp pháp của đứa trẻ từ lúc bắt đầu mang thai cho đến khi chuyển giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong quá trình mang thai, tính mạng của đứa bé hoàn toàn do người phụ nữ mang thai hộ quyết định và nếu người này muốn từ bỏ đứa trẻ thì việc đó là hợp pháp. Bên mang thai hộ phải thực hiện đúng nghĩa vụ giao con cho bên nhờ mang thai hộ trong thời hạn 28 ngày đến chậm nhất là 6 tháng sau khi đứa trẻ ra đời. Kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định công nhận cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ, giữa bên mang thai hộ và đứa trẻ sẽ chấm dứt quan hệ cha mẹ – con[3].

Khoản 1 Điều 97 Luật HNGĐ năm 2014 quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ: “Người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ”. Đồng thời tại khoản 2 Điều 98 Luật HNGĐ tiếp tục quy định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ: “Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi”. Có thể nhận thấy, quy định về thời điểm phát sinh chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp lý, một mặt bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe của đứa trẻ từ khi còn là bào thai cho đến khi sinh ra, bảo đảm đứa trẻ nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ hai bên trong quan hệ mang thai hộ, mặt khác bảo vệ quyền lợi, sức khỏe sinh sản cho người phụ nữa mang thai hộ.

 3.2. Vấn đề quyền quyết định của bên mang thai hộ đối với số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai

Khoản 4 Điều 97 Luật HNGĐ quy định: “Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”. Quy định này phù hợp với điều kiện đảm bảo cho sức khoẻ của bên mang thai hộ, cũng như sự an toàn và phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người mang thai hộ không thực hiện thăm khám thường xuyên, không phát hiện ra những dị tật của thai nhi hoặc phát hiện ra thai nhi dị tật mà cơ sở y tế chỉ định dừng việc mang thai, bên nhờ mang thai hộ cũng đồng ý chấm dứt quá trình mang thai nhưng bên mang thai hộ không đồng ý chấm dứt thì sẽ giải quyết như thế nào? Liệu có nên hạn chế quyền của người mang thai hộ trong trường hợp này?

Trên thực tế đã có vụ việc liên quan đến vấn đề quyết định tiếp tục hay không tiếp tục mang thai gây xôn xao dư luận: “Đó là trường hợp một cặp vợ chồng người Australia không thể thụ thai một cách tự nhiên nên đã tìm người mang thai hộ bên Thái Lan. Chị Pattharamon Chanbua, 21 tuổi, một phụ nữ bán đồ ăn dạo đã có 2 con sống ở thị trấn ven biển Sri Racha, cách Thủ đô Bangkok 90km là người được chọn. Cặp vợ chồng người Úc đã trả 16.000 USD cho Pattharamon để chị mang thai hộ. “Số tiền đó là rất lớn đối với tôi. Với số tiền đó, chúng tôi có thể cho con cái đi học và trả nợ”, Pattharamon chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn ở Chonburi. Theo lời Pattharamon kể với hãng tin ABC, chị mang thai song sinh, đến tháng thứ 4 thì kiểm tra phát hiện bé trai mắc chứng Down. Sau khi biết tin này, cặp vợ chồng người Úc đã yêu cầu chị phá thai. Là người theo đạo Phật, Pattharamon từ chối đề nghị đó. Khi cặp song sinh được sinh ra tại Bangkok, cặp vợ chồng giấu tên đã đưa bé gái khỏe mạnh về và từ chối nhận bé trai Gammy. Đáng nói là Gammy, hiện 7 tháng tuổi đang ốm rất nặng bởi bệnh tim bẩm sinh”[4]. Như vậy, nếu trong trường hợp tương tự xảy ra, người mang thai hộ không đồng ý từ bỏ thai, bất chấp lời khuyên của bác sĩ cũng như yêu cầu của bên nhờ mang thai hộ để sinh ra đứa trẻ dị tật không khỏe mạnh. Điều này khổng chỉ là nỗi đau cho người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ mà là sự thiệt thòi cho đứa trẻ không được phát triển bình thường, tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để hạn chế những trường hợp đau lòng trên, pháp luật cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến việc có sự can thiệp của cơ quan y tế, bên nhờ mang thai hộ trong trường hợp thai nhi có vấn đề dị tật, phát triển không bình thường để các bên có thể ngồi thỏa thuận với nhau trong trường hợp này, tránh những xung đột đáng tiếc xảy ra.

3.3. Vấn đề xác nhận cha, mẹ và vấn đề giao nhận con giữa các bên trong quan hệ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Theo quy định của Luật HNGĐ năm 2014 con sinh ra bằng kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được xác định là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra[5]. Như vậy, kể từ thời điểm con sinh ra nhờ mang thai hộ, vợ chồng người nhờ mang thai hộ sẽ phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ con. Ngược lại, giữa con được sinh ra sẽ phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với cha, mẹ và các thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật HNGĐ và các văn bản pháp luật khác có liên quan[6].

Ngoài ra, Luật HNGĐ quy định các trường hợp cụ thể về việc giao và nhận con giữa các bên trong quan hệ mang thai hộ. Nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mang thai hộ, trẻ em sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, pháp luật đã quy định: “Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ”[7]“trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con”[8]. Bên cạnh đó, pháp luật cũng bảo vệ quyền nhận con của bên nhờ mang thai hộ thông qua quy định: “Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con[9]. Tuy nhiên, Luật HNGĐ năm 2014 chưa dự liệu được trường hợp nếu bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con đồng thời bên mang thai hộ mong muốn sẽ nhận nuôi đứa trẻ thì sẽ được giải quyết như thế nào? Theo quan điểm của tác giả, trong trường hợp này để bảo vệ quyền và lợi ích của đứa trẻ, pháp luật nên ghi nhận quyền được nhận nuôi con của bên mang thai hộ trong trường hợp này nếu họ đáp ứng được các điều kiện nhận nuôi con nuôi theo pháp luật hiện hành.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một quy định mới thể hiện tính nhân văn của Nhà nước, mở ra niềm hy vọng cho những cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn khát khao làm cha mẹ. Tuy nhiên, quá trình thi hành và áp dụng các quy định về mang thai hộ quy định của Luật chưa cụ thể, thiếu sự thống nhất trong hệ thống pháp luật ảnh hưởng đến tính khả thi, chất lượng và hiệu quả trong thực tế. Bởi vậy, để các quy định được thực thi có hiệu quả trong cuộc sống, thể hiện được ý nghĩa nhân đạo cao cả, hạn chế được việc mang thai hộ vì mục đích thương mại thì cần thiết phải có sự hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật theo hướng bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của trẻ em sinh ra bằng mang thai hộ, và các chủ thể khác,  phù hợp với sự phát triển của các điều kiện kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, văn minh.

 

[1] Xem Luật về sức khỏe y tế của Liên bang Nga năm 1993.

 [2] Tham khảo bài viết: “ Phụ nữ bao nhiêu tuổi mang thai tốt nhất”, Nguồn: Website: https://www.phunuonline.com.vn/suc-khoe/phu-nu-bao-nhieu-tuoi-mang-thai-tot-nhat-119454/, ngày truy cập: 20/8/2018

[3] Xem Điều 16 Đạo luật mang thai hộ Australia, tlđd (11).

[4]  Tham khảo bài viết: “Rắc rồi từ một hợp đồng mang thai hộ”, Nguồn: Website: https://anninhthudo.vn/the-gioi/rac-roi-tu-mot-hop-dong-mang-thai-ho/564332.antd, ngày truy cập: 20/8/2018

[5] Xem Điều 94 Luật HNGĐ năm 2014

[6] Xem Khoản 4 Điều 98 Luật HNGĐ năm 2014

[7] Xem Khoản 3 Điều 98 Luật HNGĐ năm 2014

[8] Xem Khoản 5 Điều 97 Luật HNGĐ năm 2014

[9] Xem Khoản 5 Điều 98 Luật HNGĐ năm 2014

TS. NGUYỄN HẢI AN ( Vụ Giám đốc, kiểm tra II, TANDTC) - Ths. LÊ THỊ THU THỦY (Học viện Tòa án)