Quyền và nghĩa vụ thăm nom con sau ly hôn

Chăm sóc, giáo dục là nền tảng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đời đều có quyền được thụ hưởng sự chăm sóc, giáo dục từ phía cha mẹ. Sau khi cha mẹ ly hôn, con[1] chỉ có thể sống chung với một trong hai người hoặc sống cùng những người thân thích khác [2]. Tuy nhiên, trong thực tế việc thăm nom con sau ly hôn của người không trực tiếp nuôi con không dễ dàng, nhiều trường hợp bị cản trở.

Bên cạnh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn phải đảm bảo quyền được chăm sóc, giáo dục của con thông qua cơ chế quyền và nghĩa vụ thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con được ghi nhận tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) năm 2014, cụ thể “sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”.

1.Cách thức, thời gian, địa điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom con sau khi ly hôn

Khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 chỉ quy định người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con chứ không ghi nhận cụ thể về cách thức cũng như thời gian, địa điểm thực hiện quyền và nghĩa vụ này. Trong thực tiễn xét xử, hầu hết các Tòa cũng tuyên theo hướng “người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở”. Nhìn chung, liên quan đến vấn đề này, quy định pháp luật cũng như hướng giải quyết của Tòa chưa thực sự cụ thể.

Thực tế, lộ trình thăm nom con thông thường do hai bên tự thỏa thuận với nhau, chẳng hạn như một tuần thăm một lần, hai lần trong những thời gian cố định. Đó là việc của các bên đương sự thỏa thuận với nhau, nếu có tranh chấp phát sinh thì các bên có thể nhờ đến Cơ quan thi hành án giải quyết. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các bên đã thỏa thuận với nhau về thời gian, địa điểm thăm con nhưng một hoặc cả hai bên không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Vụ việc sau đây là một ví dụ điển hình: Ông T và bà H ly hôn theo bản án của Tòa án có hiệu lực từ ngày 19-7-2017. Theo phán quyết của Tòa, sau khi ly hôn, ông T được quyền nuôi dưỡng con gái thứ hai (6 tuổi), còn bà H nuôi con gái đầu (12 tuổi) và cậu con trai út (32 tháng tuổi). Trong biên bản giao, nhận con được lập vào ngày 11-08-2017, các bên có thỏa thuận: “Ông T có nguyện vọng chiều thứ bảy hàng tuần đón cháu P về ở, đến chiều chủ nhật sẽ đưa về bàn giao lại cho bà H. Trường hợp nếu có việc đột xuất, ông T không đến thăm con được sẽ báo trước cho bà H hoặc trường hợp nếu gia đình bên bà H có việc không giao con cho ông T theo đúng lịch hẹn thì cũng phải báo trước cho ông T biết”. Đồng thời, nội dung biên bản cũng ghi nhận “cả ông T và bà H đều đồng ý như cam kết nên yêu cầu ông bà phải thực hiện nghiêm túc cam kết đã nêu trên”. Tuy nhiên, trên thực tế, sau nhiều lần đến thăm nhưng ông T không được gặp con [3]. Từ vụ việc trên, có thể thấy, việc thiếu khuyết những quy định mang tính định hướng khi xác định cách thức, thời gian cũng như địa điểm thăm nom con có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, khiến cho quyền lợi chính đáng của con không được bảo đảm.

Tại Anh, khi giải quyết ly thân hoặc ly hôn, Tòa án thường khuyến khích đôi bên tự thỏa thuận các vấn đề liên quan đến quyền lợi con chung. Trong trường hợp không đạt được sự thỏa thuận, họ có quyền yêu cầu Tòa án ban hành “lệnh sắp xếp con cái”. Theo quy định tại mục 8 Luật Trẻ em năm 1989 [4], “lệnh sắp xếp con cái” của Tòa án sẽ xác định người mà con sẽ sống chung khi cha mẹ ly thân hoặc ly hôn dựa trên phúc lợi của con. Đối với cha (mẹ) không sống chung với con, họ có quyền gặp trực tiếp con mình hoặc liên lạc gián tiếp với chúng thông qua điện thoại, thư điện tử, … Như vậy, theo pháp luật quốc gia này, cha (mẹ) có thể thăm nom con bằng nhiều hình thức khác nhau tùy vào hoàn cảnh thực tế của các bên. Tương tự như pháp luật Anh, Điều 38 Luật Hôn nhân Trung Quốc năm 1980, sửa đổi, bổ sung năm 2001 [5] cũng trao cho các bên đương sự quyền thỏa thuận về cách thức cũng như thời gian thăm nom con. Khi hai bên không thống nhất được, Tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng. Còn ở Pháp, Điều 1080, 1084, 1110 Bộ luật Tố tụng dân sự ban hành năm 1806, được sửa đổi, bổ sung đến năm 1998 quy định vợ chồng ly hôn phải lập bản dự án chi tiết trình bày những biện pháp cần thực hiện để đảm bảo quyền lợi của con. Toà án chỉ công nhận và xử cho ly hôn nếu bản thoả thuận có điều kiện và những đảm bảo cần thiết về việc trông nom cùng các khoản trợ cấp cho con [6].

Như vậy, pháp luật các quốc gia kể trên đều ghi nhận cơ chế xác định cách thức và thời gian, địa điểm thăm nom con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Trong khi đó, pháp luật HN&GĐ Việt Nam hiện hành có ghi nhận cơ chế quyền và nghĩa vụ thăm nom con của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn nhưng lại không ghi nhận cụ thể về việc xác định cách thức, thời gian, địa điểm thăm nom con. Vì vậy, học hỏi quy định của pháp luật của các quốc gia trên, theo tác giả, cần bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 theo hướng như sau: “Cách thức, thời gian, địa điểm thăm nom con do các bên thỏa thuận trên cơ sở quyền lợi của con và phải được Tòa án công nhận hoặc Tòa án quyết định nếu không thỏa thuận được”.

2. Chế tài đảm bảo thực thi quyền và nghĩa vụ thăm nom con sau khi ly hôn

(i)Người trực tiếp nuôi con và thành viên trong gia đình có hành vi cản trở người không trực tiếp nuôi con thăm nom con

Việc thăm nom con nhằm tạo sự gần gũi, gắn bó giữa cha, mẹ với con không sống chung. Bên cạnh đó, việc thăm nom con cũng phần nào làm giảm đi nỗi thất vọng, tổn thương, giúp con cảm nhận được tình thương của cả cha và mẹ dành cho mình. Do đó, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của con, khoản 2 Điều 83 Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Quy định này là cần thiết, bởi lẽ mâu thuẫn gia đình là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng không thể tiếp tục. Do vậy, không loại trừ khả năng người trực tiếp nuôi con vì những mâu thuẫn trước đó nên không muốn tiếp tục giữ bất kỳ liên lạc nào với người còn lại, đồng thời cũng không muốn người không trực tiếp nuôi con gặp gỡ, liên lạc với con. Dự liệu được vấn đề này, pháp luật đặt ra chế tài hành chính nếu người trực tiếp nuôi con ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình, trong đó có quyền, nghĩa vụ thăm nom con của người trực tiếp nuôi con.

Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom có thể bị “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng”. Theo quan điểm tác giả, mức xử phạt này còn khá thấp so với thời điểm hiện nay, không đủ sức răn đe đối với người có hành vi vi phạm. Do vậy, tác giả đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần xem xét tăng mức xử phạt đối hành vi nêu trên, một mặt tạo điều kiện cho người không trực tiếp nuôi con được thụ hưởng quyền mà pháp luật trao cho, mặt khác đảm bảo quyền được thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình được thực thi trên thực tế.

Trong trường hợp cả cha lẫn mẹ đều không có đủ điều kiện để nuôi con sau ly hôn, Toà án có thể giao con cho người thân thích khác nuôi dưỡng, chăm sóc sao cho quyền lợi của con được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ lại ghi nhận trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con. Tương tự, liên quan đến vấn đề thăm nom con, Điều 83 Luật HN&GĐ năm 2014 dùng cụm từ “cha, mẹ trực tiếp nuôi con…”. Theo quan điểm của tác giả, quy định như vậy rất dễ gây hiểu nhầm cho Toà án cũng như các đương sự là quyền nuôi con chỉ thuộc về cha hoặc mẹ. Do đó khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014 nên bổ sung theo hướng như sau: “… Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Toà án quyết định giao con cho người thân thích khác trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo quy định tại khoản 1 Điều 104, Điều 105 và Điều 106 Luật này”. Đồng thời, nhằm đảm bảo sự tương thích với quy định vừa bổ sung, Điều 83 cũng nên điều chỉnh từ “cha, mẹ trực tiếp nuôi con” sang “người trực tiếp nuôi con” nhằm bao hàm được cả trường hợp ông, bà nuôi dưỡng cháu hay anh chị ruột nuôi dưỡng em ruột của mình,… Quy định theo hướng này cũng giúp việc bảo vệ quyền lợi của con nói chung và việc thăm nom con nói riêng được thực thi hiệu quả hơn bởi lẽ pháp luật HN&GĐ hiện hành không chỉ ràng buộc trách nhiệm giữa cha mẹ và con mà còn quy định quyền và nghĩa vụ của các thành viên khác trong gia đình trong từng trường hợp cụ thể.

(ii) Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom con để gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Sau khi ly hôn, đa phần các bậc cha, mẹ đều thấu hiểu được nỗi đau, sự tổn thương của con mà khó gì có thể hàn gắn được, do vậy họ luôn sẵn lòng chung tay với người trực tiếp nuôi con tạo môi trường sống tốt nhất cho con. Trái lại, cũng có một số người cha, người mẹ vì lòng thù ghét, ích kỷ cá nhân nên đã lạm dụng quyền lợi chính đáng này để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc nuôi con của người trực tiếp nuôi con. Vì lẽ đó, pháp luật ghi nhận chế tài hạn chế quyền thăm nom con nhằm bảo vệ quyền được chăm sóc, giáo dục của con sau khi cha mẹ ly hôn. Cụ thể, khoản 3 Điều 82 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định: “cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

Tiếp cận từ góc độ thực tiễn xét xử, tại một bản án của TAND huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp về việc tranh chấp yêu cầu hạn chế quyền thăm nom con. Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu của người trực tiếp nuôi con (anh T), hạn chế quyền thăm nom con của chị H vì người này đã có hành vi chửi bới, gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con của anh T. Tuy nhiên, Tòa án cho rằng vì con chung của anh, chị con nhỏ nên cháu bé cũng cần nhận được sự quan tâm của mẹ nên Tòa cho phép chị H được quyền thăm nom con mỗi tháng 01 lần và được thăm vào những ngày nghỉ lễ, tết. Về thời gian và địa điểm thăm nom do các bên tự thỏa thuận.

Dưới khía cạnh thực tiễn xét xử, tại Hoa Kỳ, từng có trường hợp Toà án từ chối quyền thăm nom con của người cha, khi người này từng có hành vi lạm dụng tình dục với chính con gái mình với sự chứng kiến của con trai ông ấy [7]. Hoặc, trong một vụ việc khác, Toà án gia đình đã dựa trên những bằng chứng liên quan đến mức độ nghiêm trọng về bệnh tâm thần của người mẹ cũng như khuyến cáo của các chuyên gia tâm thần học để ra quyết định đình chỉ quyền thăm nom con của người mẹ này nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con [8].

Ngoài những vấn đề nêu trên, Luật HN&GĐ năm 2014 quy định thăm nom con không chỉ là quyền mà đó còn là nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con, đây là điểm mới so với Luật HN&GĐ năm 2000. Thực tế cho thấy, có một số trường hợp, do điều kiện hoàn cảnh như người không trực tiếp nuôi con đi làm ăn xa hoặc có gia đình riêng, … nên đã không thực hiện việc thăm nom con. Tuy nhiên, đa số trường hợp người không trực tiếp nuôi con khi không thực hiện nghĩa vụ thăm nom con, thì người trực tiếp nuôi con cũng không có ý kiến, yêu cầu gì [9]. Tuy nhiên, hành vi này đã vi phạm nghĩa vụ thăm nom con nói riêng và trách nhiệm đối với con nói chung. Vì vậy, nhà làm luật cần cân nhắc quy định chế tài khi người không trực tiếp nuôi con không thực hiện nghĩa vụ; đồng thời, điều này cũng góp phần giúp quy định mới trong luật được thực thi với đúng tinh thần của nó.

Kết luận

Thăm nom con là một trong những vấn đề quan trọng mà Tòa án cần lưu tâm khi giải quyết ly hôn có liên quan đến quyền lợi con chung bên cạnh việc xác định người trực tiếp nuôi con và xác định các vấn đề liên quan đến cấp dưỡng. Bởi lẽ, sau khi ly hôn, quan hệ vợ chồng chấm dứt nhưng quan hệ cha, mẹ con vẫn còn tồn tại. Do vậy, cha, mẹ vẫn phải có trách nhiệm trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con để quyền lợi của con được bảo đảm. Vì vậy, pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật một số quốc gia trên thế giới đặt ra cơ chế thăm nom con nhằm tạo điều kiện để cha (mẹ) không trực tiếp nuôi con có thể thực hiện trách nhiệm của mình đối với con cái. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng áp dụng pháp luật về quyền và nghĩa vụ thăm nom con, tác giả nhận thấy pháp luật Việt Nam trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cụ thể hơn nhằm góp phần bảo vệ tối ưu quyền lợi chính đáng của con – đối tượng dễ bị tổn thương khi cha mẹ ly hôn.

1.Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật HN&GĐ năm 2014 thì con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình chính là đối tượng được giải quyết quyền lợi sau khi cha mẹ ly hôn.
2.Trường hợp cả cha lẫn mẹ đều không có đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con, Tòa án có thể giao con cho một người khác nuôi dưỡng, chăm sóc sao cho quyền lợi của con được bảo vệ tốt nhất. Người đó có thể là anh, chị đã thành niên, có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống ổn định cho đứa trẻ hoặc cũng có thể là ông bà, cô, dì, chú, cậu, bác ruột của đứa trẻ theo quy định tại khoản 1 Điều 104, Điều 105, Điều 106 Luật HN&GĐ năm 2014.
3. Nguồn tham khảo: https://dantri.com.vn/ban-doc/chong-to-cao-vo-cu-ngan-can-tham-con-ban-cam-ket-khong-duoc-thuc-thi-2017121207270567.htm.
4.Nguồn tham khảo: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/1989/41/contents.
5.Nguồn tham khảo: http://www.npc.gov.cn/zgrdw/englishnpc/Law/2007-12/13/content_1384064.htm.
6.Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Sách tình huống (Bình luận bản án) Luật Hôn nhân và gia đình, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 445.
7.Xem thêm: David v Rosalind, 62 A.D.3d 717.
8.Xem thêm: Williams v O’Toole, 4 A.D.3d 371.
9. Trương Minh Tấn (2017), “Quyền, nghĩa vụ thăm nom con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 23, tr. 15.

NGÔ KHÁNH TÙNG