Thời hạn, thời hiệu trong hoạt động tố tụng

Trong các Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và luật Tố tụng hành chính hiện hành đều có quy định thời hạn tố tụng đối với từng giai đoạn giải quyết vụ án, bao gồm giải quyết ở giai đoạn sơ thẩm, giai đoạn phúc thẩm, giai đoạn giám đốc thẩm, giai đoạn tái thẩm và quy định thời hạn đối với một số vấn đề trong thời gian giải quyết vụ án, đồng thời quy định một số thời hiệu để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đương sự trong vụ án thực hiện. Bài có ba phần là Thời hạn, Thời hiệu và Các vấn đề quan tâm.

1.Về thời hạn

1.1.Thời hạn nói chung: Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tháng, năm hoặc bằng 1 sự kiện có thể xảy ra. Thời hạn được tính theo dương lịch hoặc theo thỏa thuận khác.

Điều 146 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuẩn, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:

– Một năm là ba trăm sáu mươi năm ngày.
– Nửa năm là sáu tháng.
– Một tháng là ba mươi ngày.
– Nửa tháng là mười năm ngày.
– Một tuần là bảy ngày.
– Một ngày là hai mươi tư giờ.
– Một giờ là sáu mươi phút.
– Một phút là sáu mươi giây.

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm là đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được xác định như sau :

– Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng.
– Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng.
– Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

Trường hợp các bên thỏa thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau :

– Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng Một.
– Giữa năm là ngày thứ mười năm của tháng Sáu.
– Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng Mười hai.

Điều 148 BLDS năm 2015 quy định kết thúc thời hạn như sau :

– Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
– Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
– Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
– Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
– Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

1.2.Thời hạn tố tụng: Thời hạn tố tụng dân sự là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi theo quy định của luật tố tụng.

1.2.1.Thời hạn tố tụng của án dân sự: BLTTDS năm 2015 quy định các thời hạn sau đây:

a.Thời hạn nhận và xử lý đơn khởi kiện

Theo Điều 191 BLTTDS năm 2015:

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

b. Thời hạn giải quyết khiếu nại về việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện

Điều 194 BLTTDS năm 2015 quy định: Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp để giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trong trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp, căn cứ kết quả phiên họp Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp; Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây: Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩmnhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp quy định tại khoản 6 Điều này có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc với Chánh án TANDTC nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TANDCC.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.

c.Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm:

Thẩm phán thụ lý vụ án sau khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo. Điều 203 BLTTDS năm 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án dân sự như sau:

Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này thì thời hạn là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 26 và Điều 28 và không quá 01 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại Điều 30 và Điều 32.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn phiên tòa đối với trường hợp do pháp luật quy định. Thời hạn hoãn phiên tòa quy định tại Điều 233 BLTTDS năm 2015 là “không quá 01 tháng đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn và không quá 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa”.

d. Các thời hạn giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm:

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Thời hạn kháng cáo. Điều 273 BLTTDS năm 2015 quy định: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Điều 286 BLTTDS năm 2015 quy định: Trong thời hạn 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định sau đây: Tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 01 tháng. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

e. Các thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm:

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định của pháp luật.

Thời hạn yêu cầu kháng nghị của đương sự: Điều 321 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Điều 334 BLTTDS năm 2015 quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.. rường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị: Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 328 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm. Điều 339 BLTTDS năm 2015 quy định: ” Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để xét xử vụ án”.

g.Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với vụ án dân sự:

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Điều 355 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 352 của Bộ luật này”.

1.2.2.Thời hạn tố tụng vụ án hình sự

a.Thời hạn điều tra truy tố

Thời hạn điều tra: Điều 172 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra”.

“Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng. Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.

Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng”.

Thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại: Điều 174 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trường hợp phục hồi điều tra quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều tra”.

“Trường hợp vụ án do Viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.”

Thời hạn quyết định việc truy tố: Điều 240 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.”

b.Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự:

Điều 277 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây: Đưa vụ án ra xét xử; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.”

“Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.”

c.Thời hạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự:

Về thời hạn kháng cáo: Điều 333 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật”.

“Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định.”
Về thời hạn kháng nghị: Điều 337 BLTTDS năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án.”

“Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.”

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: Điều 346 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày. Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án”.

Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đình chỉ xét xử phúc thẩm; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.

d.Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định về hình sự

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Điều 379 BLTTDS năm 2015 quy định: “Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ”.

Thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm: Điều 385 BLTTDS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 04 tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa”

e.Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định về hình sự

Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Điều 401 BLTTDS năm 2015 quy định: “Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01 năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.”

“Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.”

1.2.3.Thời hạn tố tụng trong vụ án hành chính

a.Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hành chính, trừ vụ án xét xử theo thủ tụ rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện danh sách cử tri.

Điều 130 LTTHC năm 2015 quy định: “04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.”

“02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với trường hợp đó là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.”

“Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”

b. Thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính.

Điều 149 LTTHC năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.”

c.Thời hạn hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính

Điều 163 LTTHC năm 2015 quy định: “Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa, trừ phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn là 15 ngày.”

d.Thời hạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính

Thời hạn kháng cáo: Điều 206 luật TTHC năm 2015 quy định: “ Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết.”

Thời hạn kháng nghị: Điều 213 LTTHC năm 2015 quy định: “Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tuyên án.”

“Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định”.

Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hành chính: Trừ vụ án xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài, Điều 221 LTTHC năm 2015 quy định:

“Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hành chính quy định như sau: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ án. Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa phải ra 1 trong các quyết định sau đây: Tạm định chỉ xét xử vụ án phúc thẩm; Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án; Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm”.

“Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan, thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng không được quá 30 ngày.”

“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm, trường hợp có lý do chính đáng, thì thời hạn này là 60 ngày.”

e.Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án hành chính.

Điều 263 LTTHC năm 2015 quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.”

Điều 269 LTTHC năm 2016 quy định; “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

g.Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 281 của Luật này.”

Điều 281 Luật TTHC năm 2015 quy định căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm như sau; “Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: 1) Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án. 2) Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không sự thật hoặc giả mạo chứng cứ.3) Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật. 4) Bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ.”

(Kỳ tiếp theo: Thời hiệu)

ĐỖ VĂN CHỈNH