Thực tiễn áp dụng thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ trong các vụ án dân sự

Thẩm định tại chỗ là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ đặc biệt và quan trọng không thể thiếu khi giải quyết vụ án dân sự nhất là tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền về lối đi qua bất động sản liền kề... Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm định tại chỗ hiện nay khi thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Xin nêu hai nội dung cụ thể.

1.Vướng mắc Viện kiểm sát tham gia thẩm định tại chỗ

Khoản 1 Điều 101 BLTTDS năm 2015 quy định “Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó”.

Theo quy định trên, việc tiến hành thẩm định tại chỗ trong các vụ án dân sự VKSND không được tham gia kiểm sát thẩm định tại chỗ, nhưng đối với loại tranh chấp nêu trên thì Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa xét xử được quy định tại Điều 21 BLTTDS năm 2015 và Điều 23 Thông tư số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS.

Ngoài tham gia phiên tòa, VKSND còn có chức năng kiểm sát các hoạt động tố tụng ngay từ khi Tòa án thụ lý vụ án. Thế nhưng, việc tố tụng không quy định Viện kiểm sát tham gia thẩm định tại chỗ lại gây khó khăn cho Viện kiểm sát trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử, có rất nhiều vụ án do Tòa án thẩm định tại chỗ không đúng với hiện trạng đất, nhưng kiểm sát viên thụ lý vụ án không phát hiện dẫn đến cấp phúc thẩm tiến hành thẩm định lại, có những vụ thẩm định lại phát sinh nhiều tài sản, Tòa án cấp phúc thẩm có thể bổ sung để sửa án, tuy nhiên có những vụ án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được do tài sản liên quan đến người thứ ba mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được mà cần thiết phải hủy án.

Hiện nay, một số Tòa án thực hiện quy chế phối hợp mời Viện kiểm sát tham gia kiểm sát việc thẩm định tại chỗ, một số Tòa án căn cứ vào quy định của BLTTDS không mời Viện kiểm sát tham gia thẩm định tại chỗ, chính việc không quy định Viện kiểm sát tham gia thẩm định làm khó khăn cho việc kiểm sát, nghiên cứu hồ sơ để phát hiện ngay từ đầu để ra văn bản yêu cầu Tòa án thực hiện việc thẩm định lại.

2.Vướng mắc giải quyết không nộp chi phí thẩm định tại chỗ ở cấp phúc thẩm

Theo Khoản 2 Điều 156 BLTTDS quy định “Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ”.

Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định tại chỗ trong vụ án thụ lý phúc thẩm hiện nay quy định do người kháng cáo nộp trong trường hợp Tòa án tự tiến hành thẩm định tại chỗ. Vấn đề đặt ra, nếu như sau khi xét xử sơ thẩm xong Thẩm phán xét thấy cần thiết tiến hành thẩm định tại chỗ Thẩm phán yêu cầu người kháng cáo nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định chỗ để giải quyết vụ án, nhưng người kháng cáo không nộp thì Tòa án vẫn không được đình chỉ xét xử phúc thẩm (do Tố tụng không quy định trường hợp này cấp phúc thẩm được đình chỉ xét xử) mà việc thẩm định tại chỗ ở Cấp phúc thẩm là rất cần thiết cho việc giải quyết vụ án, nếu không thẩm định thì không thể xét xử vụ án được do phát sinh một số tài sản được xây dựng thêm. Trường hợp này, Tòa án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu như Tòa án yêu cầu người kháng cáo không nộp thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào?

Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp thực hiện, trên thực tiễn Tòa án sẽ vận động người còn lại nộp tạm ứng chi phí thẩm định để giải quyết vụ án, nếu cả hai vẫn không nộp thì Tòa án sẽ ứng ra số tiền từ nguồn kinh phí Tòa án để đảm bảo cho công tác nghiệp vụ của Ngành, sau đó sẽ thu lại của đương sự khi giải quyết vụ án, nhưng vấn đề đương sự nộp lại khi bản án có hiệu lực thi hành là không mang tính khả thi và chỉ mang tính giải pháp nhất thời mà cũng không phải là một quy định pháp lý để làm cơ sở giải quyết.

Tác giả thiết nghĩ, TANDTC, VKSNDTC cần có văn bản hướng dẫn sự tham gia của Viện kiểm sát và hướng dẫn thẩm định tại chỗ khi Thẩm phán xét thấy cần thiết.

LÊ THỊ THANH XUÂN ( Phòng 9 VKSND tỉnh Trà Vinh)