Tòa án có được Đình chỉ giải quyết vụ án khi đang Tạm đình chỉ không.

Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án khi có căn cứ thuộc một trong các trường quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015. Tuy nhiên thực tiễn có trường hợp Tòa án trong thời gian Tòa án đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 214 BLTTDS năm 2015 nhưng nguyên đơn rút toàn bộ đơn khởi kiện, bị đơn không có yêu cầu phản tố hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập thì Tòa án có được ra Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không. Vấn đề này còn có quan điểm khác nhau....

Tác giả xin nêu một tình huống cụ thể như sau: Tòa án nhân dân huyện X đang tạm đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông A và bị đơn là ông B. Lý do tạm đình chỉ vụ án là chờ ý kiến trả lời bằng văn bản của UBND huyện X về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông A. Trong thời gian Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì ông A và ông B đã tự thỏa thuận được việc giải quyết vụ án. Ông A nộp đơn cho Tòa án xin rút lại yêu cầu khởi kiện. Ông B không có yêu cầu phản tố. Vậy Tòa án nhân dân huyện X giải quyết như thế nào. Hiện có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Vụ án đang tạm đình chỉ nên về nguyên tắc Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án không được quyền tiến hành bất kỳ hoạt động tố tụng nào. Thẩm phán muốn ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì Thẩm phán phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trước. Do đó, Thẩm phán ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án với lý do: ý kiến trả lời của UBND huyện X đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A là không cần thiết nữa. Sau đó thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả cho rằng: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2017 ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà không cần phải ra Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trước. Vì các lý do sau:

Thứ nhất, Tòa án gửi văn bản hỏi ý kiến của UBND huyện X về việc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A là hoạt động tố tụng thu thập chứng cứ nhằm làm căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết vụ án một cách khách quan, công bằng đúng quy định pháp luật. Cho nên nếu các đương sự đã tự thỏa thuận giải quyết được vụ án thì việc phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là không còn cần thiết nữa. Mặc khác 216 BLTTDS năm 2015 quy định Tòa án ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án khi lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn. Ở đây UBND huyện X chưa có văn bản trả lời ý kiến cho Tòa án nên lý do tạm đình chỉ vẫn còn. Việc nguyên đơn rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện không phải là lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn. Cho nên Thẩm phán ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng quy định.

Thứ hai, theo Công văn số: 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ thì tại mục 6 phần II có giải đáp như sau: “6.Vụ án dân sự đang tạm đình chỉ, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án để đình chỉ đối với yêu cu đã rút hay chờ đến khi lý do tạm đình chỉ vụ án không còn, mới giải quyết trong cùng vụ án và ghi rõ trong phần nhận định của bản án về việc rút yêu cầu đó?

Điều 216 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kim sát cùng cấp.

Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự”.

Theo quy định nêu trên thì việc rút yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập sẽ được Tòa án xem xét giải quyết khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ vụ án không còn. Việc xem xét giải quyết rút yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải được ghi rõ trong bản án, quyết định giải quyết vụ án.

Như vậy, khi vụ án đang tạm đình chỉ giải quyết mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút lại toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết khi Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án không còn là đúng. Vì trong tình huống này vẫn còn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tòa án vẫn phải tiếp tục giải quyết vụ án mặc dù người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập của họ. Còn trong tình huống nêu trên thì khi nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn không có yêu cầu phản tố thì vụ án không còn yêu cầu nào của đương sự để Tòa án phải xem xét giải quyết. Vì vậy, Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà không phải ra trước quyết định tiếp tục giải quyết vụ án là hợp lý nhất.

Tác giả rất mong bạn đọc cùng thảo luận trao đổi để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

DƯƠNG TẤN THANH – TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh