Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản - Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện

Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích, thể hiện quan điểm về việc áp dụng các tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS - Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, về kỹ thuật lập pháp mô tả trong điều luật vẫn giữ nguyên như các Bộ luật trước đây, một số quy định gây nhiều tranh cãi từ khi áp dụng BLHS năm 1999 đến nay vẫn chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất. Bên cạnh những vướng mắc, bất cập đã được các Thẩm phán xét xử, các tác giả nghiên cứu khoa học phân tích, trong phạm vi bài viết, xuất phát từ những vụ án thực tế, chúng tôi phân tích thể hiện quan điểm về việc áp dụng các tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm e khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 169 BLHS.

Bên cạnh đó, xuất phát từ chính sách bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nghiên cứu các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, điều luật không quy định trường hợp phạm tội đối với “phụ nữ có thai” thuộc tình tiết định khung tăng nặng là chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật.

1.Quy định của điều luật

Điều 169 BLHS năm 2015 về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, nhà làm luật không mô tả hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, dưới khía cạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn áp dụng loại tội phạm này, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi bắt người khác đem giấu ở một địa điểm nào đó để làm con tin, nhằm uy hiếp buộc người muốn chuộc con tin (có thể là người thân trong gia đình, bạn bè của người bị bắt…) phải giao tiền hoặc tài sản khác thì mới thả người bị bắt.

Thời điểm hoàn thành tội phạm: Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.

So với Điều 134 BLHS năm 1999, về kỹ thuật lập pháp thể hiện dấu hiệu cấu thành loại tội phạm này không có gì thay đổi. Điểm mới của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 đó là điều luật bãi bỏ các tình tiết mang tính định tính, định lượng, cụ thể:

Thứ nhất, bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”; bổ sung các tình tiết sau đây làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2: gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng”; bổ sung tình tiết gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% làm tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 3.

Thứ ba, bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”; bổ sung tình tiết gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên làm tình tiết định khung hình phạt tại khoản 4.

Thứ tư, quy định mới “người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Trước đây, khắc phục tình trạng áp dụng pháp luật mang tính tùy nghi khi xác định và áp dụng các tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng; gây hậu quả rất nghiêm trọng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời ban hành Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của BLHS năm 1999. Cụ thể: Tại tiểu mục 3.4. Để xem xét trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng và trong trường hợp nào hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về nguyên tắc chung phải đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các hậu quả (thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và các thiệt hại phi vật chất)...[1]

          Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành TTLT cũng đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Ví dụ: Thông tư liên tịch xác định trường hợp “làm chết người” thuộc tình tiết định khung “gây hậu quả nghiêm trọng”. Chúng tôi cho rằng, việc xác định như vậy là không bảo đảm yếu tố khách quan, công bằng, bởi lẽ, tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, có nghĩa là cố ý bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản dẫn đến gây chết người. Như vậy, đánh giá trên khía cạnh nghiên cứu lý luận có thể thấy rằng hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng nhưng TTLT chỉ đánh giá thuộc trường hợp “nghiêm trọng” là chưa phù hợp.

          Như vậy, khắc phục những vướng mắc, bất cập tồn tại trong các Bộ luật trước đây, BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới  góp phần làm rõ lý luận và định hướng tích cực cho các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trên thực tế.

2. Những hạn chế, vướng mắc cần tiếp tục được hoàn thiện

Thứ nhất, chưa quy định trường hợp “phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai” là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 169 BLHS.

Tại các khoản 2, 3, 4 Điều 169 BLHS 2015 có quy định các tình tiết định khung tăng nặng như phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi;... Việc quy định về hành vi phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thể hiện ý chí chủ quan của các nhà lập pháp về việc bảo vệ các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhóm người yếu thế trong xã hội bao gồm người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ …, trong đó cần đặc biệt chú ý đến đối tượng là phụ nữ có thai. Trong BLHDS năm 2015, tình tiết phạm tội với phụ nữ có thai được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm i khoản 1 Điều 52, đồng thời đối với nhiều tội phạm đây cũng được quy định là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng. Qua đó cho thấy đây là đối tượng tác động được BLHschú trọng quan tâm và bảo vệ, mặc dù vậy, quy định pháp luật về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại Điều 169 BLHS lại không đề cập đến trường hợp phạm tội đối với đối tượng này.

Xét trong mối tương quan với các tội phạm khác có cùng chung khách thể là quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người và có mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đương với hình phạt tại cấu thành cơ bản là từ 02 đến 07 năm tù giam, ví dụ như tội Bức tử tại Điều 130 BLHS năm 2015, hành vi phạm tội đối với phụ nữ mang thai có được quy định cụ thể tại điểm b khoản 2 điều luật này:

“1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:a) Đối với 02 người trở lên; b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai.”

Việc đưa trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai vào quy định làm tình tiết định khung tăng nặng trong điều luật này đã thể hiện nỗ lực bảo vệ triệt để quyền lợi của nạn nhân.

Đối với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội phạm này không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản mà trên hết còn xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe của con người. Đặc biệt với đối tượng phụ nữ có thai, hành vi phạm tội này không chỉ đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của người mẹ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả về sau đối với bào thai, nếu người mẹ gặp phải các hành vi phạm tội trong quá trình mang thai, có thể hình thành tâm lý lo sợ, ám ảnh và suy nghĩ nhiều, mặc dù hành vi bắt cóc của người phạm tội trong một số trường hợp không trực tiếp gây ra những tổn thương về mặt thể xác nhưng sẽ tạo nên nhưng vết thương tinh thần sâu sắc với nạn nhân, nhất là khi đối tượng phụ nữ có thai đã là đối tượng có sức khỏe tinh thần nhạy cảm và cần được chú ý quan tâm.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra tâm lý tiêu cực của người mẹ trong quá trình mang thai có thể gây những ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của đứa trẻ được sinh ra như chậm phát triển não bộ, nguy cơ mắc chứng tăng động cao, ảnh hưởng khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ hay thậm chí còn tác động xấu tới tính cách của trẻ sau này. Vậy nên việc bảo vệ người phụ nữ mang thai trước các hành vi phạm tội không chỉ là bảo vệ người mẹ cùng bào thai mà còn là bảo vệ đứa trẻ được sinh ra trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy cần phải bổ sung thêm tình tiết “phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai” vào quy định về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản tại Điều 169 BLHS 2015 là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt. Việc bổ sung thêm tình tiết này giúp quy định pháp luật về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trở nên chặt chẽ hơn, không để xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm, đồng thời đảm bảo quyền lợi ở mức cao nhất cho đối tượng nạn nhân vô cùng nhạy cảm là phụ nữ có thai.

Thứ hai, tồn tại quan điểm khác nhau trong việc xác định thời điểm hoàn thành tội phạm thỏa mãn điều kiện áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt có tính định lượng cụ thể theo điểm e  khoản 2 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; điểm a khoản 3 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”; điểm a khoản 4 “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”.

Trên phương diện nghiên cứu lý luận, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được xác định là tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm hoàn thành khi đối tượng thực hiện được hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản của người khác hay không thì không có ý nghĩa trong việc định tội.

Quy định trên hoàn toàn phù hợp và không tồn tại quan điểm khác nhau khi thuộc trường hợp tại khoản 1 Điều 169 BLHS “1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Theo đó, người phạm tội với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản đã có hành vi bắt cóc người khác làm con tin, chưa đưa ra yêu sách buộc người thân người bị hại mang tiền ra chuộc người hoặc yêu cầu mang tiền ra chuộc mới thả người nhưng không đề cập số tiền cụ thể. Hành vi trên đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định của khoản 1 Điều 169 BLHS có khung hình phạt tù từ 02 đến 07 năm tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi bắt cóc. Mục đích nhà làm luật quy định tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi phạm tội mà không yêu cầu phải có hậu quả xảy ra như các tội phạm khác như tội trộm cắp tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản … Là xuất phát từ tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm, thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm đến quan hệ tài sản và tính mạng, sức khỏe của con người.

Đối với việc áp dụng các tình tiết định khung mang tính định lượng cụ thể về số tài sản chiếm đoạt quy định tại khoản 2, 3, 4 BLHS có phụ thuộc vào việc người phạm tội đã chiếm đoạt được số tài sản đó hay mới chỉ có ý định chiếm đoạt nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong suốt quá trình áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 và cho đến nay vấn đề này cũng chưa được hướng dẫn, khắc phục. Ví dụ cụ thể: Nguyễn Văn B dùng vũ khí, phương tiện nguy hiểm bắt cóc chị Trần Thị A, sau đó đe dọa bố, mẹ chị Trần Thị A mang 700.000.000 đồng ra chuộc mới thả người. Bố, mẹ Trần Thị A để bảo vệ tính mạng, sức khỏe con gái nên đã đồng ý thực hiện theo yêu cầu. Tuy nhiên, vì nghi ngờ bố, mẹ chị A sẽ báo Công an nên anh B đã thả chị A ra và nhờ người khác đưa chị A về nhà. [2]

Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn B phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời hành vi thỏa mãn hai dấu hiệu là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại điểm c khoản 2 “dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” và tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS. Tuy nhiên, trong khoa học luật hình sự, một hành vi phạm tội cùng một lúc thỏa mãn nhiều dấu hiệu là những tình tiết định khung hình phạt trong một tội danh cụ thể thì cần phải xử lý theo tình tiết định khung hình phạt ở mức cao hơn, đảm bảo nguyên tắc “thu hút tội phạm” trong khoa học pháp lý hình sự.

Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của Nguyễn Văn B phạm tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác” theo điểm c khoản 2 Điều 168 BLHS. Căn cứ nội dung vụ án đưa ra, anh Nguyễn Văn B có ý định chiếm đoạt tài sản là 700 triệu đồng nhưng thực tế chưa có hành vi chiếm đoạt xảy ra nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh B về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 168 BLHS có khung hình phạt tù từ 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, các tác giả ủng hộ quan điểm thứ hai chiếm tỷ lệ cao hơn. Tuy nhiên, để bảo vệ cho quan điểm này, hầu hết các tác giả chỉ phân tích một cách chung chung cho rằng hậu quả chiếm đoạt tài sản phải thực tế xảy ra (đã chiếm đoạt được tài sản) mới có căn cứ áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt theo các khoản 2, 3, 4 Điều 169 BLHS; chưa đưa ra được một cơ sở pháp lý vững chắc để thống nhất áp dụng, bởi vì,  hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai đưa ra, việc xác định tội danh như quan điểm thứ nhất sẽ phù hợp và đúng với bản chất của tội phạm có cấu thành hình thức. Thực tiễn xét xử, khi thuộc trường hợp như ví dụ nêu trên đều xét xử theo quan điểm thứ nhất đưa ra. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu lý luận, xem xét áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, bảo đảm quyền lợi tốt nhất của người phạm tội, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo đảm quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong BLHS, BLTTHS. Áp dụng như quan điểm thứ nhất đưa ra có vẻ không logic, không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn.

Như vậy, về vấn đề trên cho thấy quy định gây bất lợi cho người phạm tội, hành vi và hậu quả của hành vi phạm tội trong một số trường hợp rõ ràng không tương xứng với các hình phạt mà điều luật quy định, cần tiếp tục được nghiên cứu và sửa đổi hoàn thiện trong thời gian tới.

3. Kiến nghị

Từ những phân tích trên, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng chống tội phạm bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp như sau:

Thứ nhất, xuất phát từ chính sách bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em, đề xuất bổ sung trường hợp phạm tội đối với “phụ nữ mà biết là có thai” là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại điểm d khoản 2 Điều 169 BLHS. Cụ thể: điểm d khoản 2 Điều 169 BLHS “d) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai”.

Thứ hai, Cơ quan liên ngành Trung ương cần ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nói riêng, các tội xâm phạm sở hữu nói chung. Theo đó, cần quy định cụ thể hơn về khái niệm “bắt cóc” trong cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, theo Từ điển Tiếng Việt, “bắt cóc là bắt người một cách đột ngột và đem giấu đi”, tuy nhiên điều 169 BLHS chưa thể hiện rõ được khái niệm này. Do vậy, thực tiễn xét xử tồn tại nhiều tranh luận về vấn đề này trong việc xác định tội danh, vẫn còn trường hợp nhầm lẫn với các tội khác như: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); tội cướp tài sản (Điều 168); tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170). Hướng dẫn về tình tiết định khung tăng nặng hình phạt “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Thứ ba, như đã phân tích ở trên, nhằm bảo đảm áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội, cần quy định thống nhất về điều kiện áp dụng các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt có tính định lượng cụ thể theo điểm e  khoản 2 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”; điểm a khoản 3 “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”; điểm a khoản 4 “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” đó là khi người phạm tội đã chiếm đoạt được số tiền của bị hại. Đồng thời, để không làm mất đi tính nghiêm minh, hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đối với hình phạt bổ sung là hình phạt tiền theo quy định tại khoản 6 cần quy định mang tính bắt buộc. Cụ thể: “Khoản 6. Người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng và có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

 

TAND Tp Hà Nội xét xử các bị cáo có hành vi bắt cóc con nợ, đánh đập  để đòi tiền - Ảnh: PV


[1] Xem Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật Hình sự năm 1999

[2] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/ba-doi-tuong-pham-toi-gi-?

PHÙNG VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân khu 1) TRƯƠNG THU THẢO (Viện kiểm sát quân sự Khu vực 11, Quân khu 1)