Tội hành hung đồng đội – Một số vướng mắc và kiến nghị

Trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật để xét xử người phạm tội hành hung đồng đội xảy ra trong thực tiễn cho thấy vẫn còn có sai sót, khó khăn, vướng mắc, bất cập chưa phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn.

Kỷ luật là sức mạnh Quân đội. Tuy nhiên, dù trong thời chiến hay thời bình vẫn có những trường hợp vi phạm kỷ luật, pháp luật, ảnh hưởng đến các quyền công dân, đến hình ảnh, phẩm chất, sức mạnh và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội. Chính vì vậy mà BLHS của nước ta có riêng một chương quy định các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân trong đó có tội hành hung đồng đội.

1. Quy định của pháp luật hiện hành về tội hành hung đồng đội

Điều 398 BLHS hiện hành quy định:

“1. Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan; b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Tội hành hung đồng đội là hành vi trái pháp luật của quân nhân, gây nguy hiểm cho xã hội, trong môi trường Quân đội do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý với hành vi dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác tác động lên thân thể của đồng đội, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe nhất định của đồng đội phát sinh trong mối quan hệ công. Hành vi vi phạm này không thỏa mãn dấu hiệu cố ý gây thương tích.

Có thể thấy, hành vi hành hung đồng đội cũng tương tự như hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng hậu quả chưa đến mức truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

2. Một số vướng mắc, bấc cập

Thứ nhất, tội “hành hung đồng đội” quy định tại khoản 1 Điều 398 BLHS có tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác” quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 398 BLHS lại nhẹ hơn mức hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS. Điều này dẫn đến việc xử lý, quyết định hình phạt đối với tội “hành hung đồng đội” chưa tương xứng, nghiêm minh.

Đối với tội cố ý gây thương tích, tính chất, hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hơn so với tội hành hung đồng đội nhưng quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với tội hành hung đồng đội tính chất, mức độ hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn tội cố ý gây thương tích nhưng lại có mức xử phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 398 BLHS[1]. Nếu trong trường hợp thoả mãn tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 BLHS mà bị hại có đơn yêu cầu khởi tố thì xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngược lại, nếu bị hại không có đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ bị truy cứu về “Tội hành hung đống đội” nếu thoả mãn ở khoản 1 Điều 398 BLHS thì khung hình phạt sẽ nhẹ hơn tội “Cố ý gây thương tích”. Bởi lẽ, Quân đội là môi trường có tính chất đặc thù, là nơi rèn luyện tính kỷ luật, đoàn kết và thống nhất tạo nên sức mạnh của Quân đội. Chủ thể bị xâm hại trong tội “Hành hung đồng đội” là quân nhân là chủ thể đặc biệt cần được bảo vệ. Vì vậy, tội hành hung đồng đội sẽ có tính chất nghiêm trong hơn so với tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.

Thứ hai, dấu hiệu cấu thành tội “Hành hung đồng đội” là trong quan hệ công tác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như vậy, hiểu thế nào là trong quan hệ công tác thì chưa có văn bản hướng dẫn. Theo Điều lệnh quản lý bội đội thì “Mọi quân nhân đều chung lý tưởng cách mạng và mục địch phục vụ Tổ quốc và đều là đồng chí, đồng đội của nhau”. Còn theo Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP-BQP ngày 11/8/2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XXIII “các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì “Các quân nhân không phân biệt cấp bậc, chức vụ, cùng biên chế hay không cùng biên chế trong cùng một đơn vị đều được coi là đồng đội”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 398 BLHS, thì đồng đội được hiểu là các quân nhân trong quan hệ công tác. Đều này, đã thu hẹp khái niệm đồng đội, đồng thời cũng chưa rõ ràng dẫn đến việc nhận thức và xác định chủ thể của tội phạm còn khó khăn, chưa thống nhất, dẫn đến việc xử lý hành vi phạm tội không được triệt để.

Ví dụ: Nguyễn Anh H, chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 25 có hành vi đánh Lê Quang B là Đại đội trưởng, Đại đội Trinh sát, đơn vị của cả 02 người đều ở chung một khuôn viên, thường xuyên qua lại chơi với nhau, cùng dùng chung một cổng ra vào đơn vị thì vấn đề đặt ra giữa H và B có quan hệ công tác hay không? Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng giữa Nguyễn Anh H và Lê Quang B là không có quan hệ công tác. Bởi lẽ, H là chiến sĩ Đại đội 2 của Tiểu đoàn Công binh 1 còn Lê Quang B là Đại đội trưởng Đại đội Trinh sát, cả hai người đều là quân nhân nhưng có mối quan hệ công tác hoàn toàn khác nhau, có nhiệm vụ khác nhau, không được phân công phối hợp thực hiện nhiệm vụ chung và có đơn vị khác nhau. Cho nên, giữa H và B là không có quan hệ công tác. Vì vậy, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã không có căn cứ xem xét xử lý H về tội “Hành hung đồng đội” mà chỉ xem xét và xét xử H tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS.

Quan điểm thứ hai, cho rằng giữa Nguyễn Anh H và Lê Quang B là có mối quan hệ công tác. Bởi lẽ, H và B cũng là quân nhân tuy không cùng một đơn vị nhưng lại cùng đóng quân trên cùng một phạm vi đó là Trung đoàn 152. Trong vụ án này H đã đánh B là cán bộ của Trung đoàn 152 thì đó là có mối quan hệ công tác vì cả 2 cũng đóng quân trong cùng một phạm vi, sử dụng chung  cổng ra vào… thì xác định H và B có quan hệ công tác là có cơ sở. Quan điểm của chúng tôi nhất chí với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, bản chất của “đồng đội” thì công tác ở đâu, đơn vị nào, có quan hệ công tác trực tiếp hay không thì tất cả quân nhân đều là đồng đội của nhau, đều có chung một lý tưởng cách mạng, chung một nhiệm vụ to lớn là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và Nhà nước.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 398 BLHS: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan; b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự;đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”

Hiện nay chưa có quy định trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, mà chỉ là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt ở một số tội phạm cụ thể. Do thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng điều khoản của BLHS về tội “Hành hung đồng đội” lại không quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nên khi áp dụng hình phạt, Tòa án chỉ nhận định trong bản án mà không có căn cứ để quyết định hình phạt nặng hơn trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với “Khu vực có chiến sự” do chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể nên rất khó áp dụng trong thực tiễn xét xử, hiểu thế nào là “Khu vực có chiến sự” tội hành hung đồng đội xảy ra trong quá trình diễn tập, tập trận chung với các nước khác thì có được áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt tại khoản 2 Điều 398 BLHS “Trong khuc vực có chiến sự” không?

3. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật

Từ những vướng mắc, bất cập như đã phân tích ở trên thấy rằng cần phải sửa đổi Điều 398 BLHSự theo hướng mở rộng chủ thể, cụ thể hóa, tăng mức hình phạt tương xứng với tình chất, mức độ, hành vi và hậu quả, cũng như để tránh xảy ra trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể:

Thứ nhất, cần sửa lại Điều 398 tội “Hành hung đồng đội” như sau:

1. Người nào mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 134 của Bộ luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Là chỉ huy hoặc sỹ quan; b) Đối với chỉ huy hoặc cấp trên; c) Vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Trong khu vực có chiến sự; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, Như ở trên đã phân tích, một trong những nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc, bất cập, sai sót trong công tác xét xử tội hành hung đồng đội là do quy định tại Điều 398 BLHS còn chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần giải thích, hướng dẫn cụ thể, kịp thời các vấn đề sau:

- Thế nào là trong quan hệ công tác;

- Thế nào là trong khu vực có chiến sự;

- Thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

Tòa án Quân sự khu vực 71 Quân khu 7 xét xử vụ án Cố ý gây thương tích - Ảnh: Cao Cường    


[1]  1. Người nào trong quan hệ công tác mà cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của đồng đội mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 135 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

QUÁCH HỮU NGHỊ (Toà án quân sự Quân khu 9)